Việc ngồi yên và không làm gì trước tình trạng các đô thị tại Mỹ suy thoái không ngừng đã đủ tệ rồi. Nhưng đây lại là sự điên rồ ở cấp độ tiếp theo khi gia tăng thêm thiệt hại bằng cách thực hiện những hành động phá hoại phi lý như cấm Airbnb.
Thật đau lòng khi quan sát những gì đang xảy ra ở rất nhiều thành phố ở Mỹ. Ngay trước khi phong tỏa, chúng ta đã phải chứng kiến tình trạng tội phạm gia tăng, chi phí tăng cao, việc thực thi quá mức các quy định, thuế cao, cơ sở hạ tầng xuống cấp và tiêu chuẩn giáo dục giảm sút.
Việc các doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, các yêu cầu tiêm chủng, chính sách đeo khẩu trang đã gây ra một cuộc di cư hàng loạt đến các vùng ngoại ô và đến các tiểu bang đỏ (tiểu bang dưới sự kiểm soát của đảng Cộng hòa). Điều này khiến các thành phố như San Francisco, Boston, Seattle và Thành phố New York rơi vào tình trạng tồi tệ ngay trước cuộc khủng hoảng người tị nạn. Các “thành phố an toàn” hiện là những nơi kém an toàn nhất trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng có thể thấy rõ chỉ sau một chuyến viếng thăm ngắn. Người ta có thể cho rằng ngay lúc này, các chính trị gia chắc đang nỗ lực để vực dậy các doanh nghiệp nhỏ, giảm chi phí, trấn áp tội phạm, thu hút người dân và vốn trở lại, đồng thời tạo ra những điều kiện tốt nhất cho sự hồi sinh.
Đây là điều mà đáng lẽ nên xảy ra. Đáng buồn thay, chúng ta đang chứng kiến điều hoàn toàn ngược lại.
Một đạo luật khủng khiếp
Hôm nay có tin Thành phố New York đã “cấm” Airbnb trong thành phố. Dường như không có lời biện minh nào cho động thái này. Nó sẽ gây tổn hại lớn cho du lịch. Nó cũng gây tổn hại cho những người đang phải vật lộn với khó khăn và những ngôi nhà đắt đỏ, với hy vọng nhận được ít nhất một số lợi ích tài chính bằng cách cho thuê một số không gian vô dụng.
Đúng lúc ấy, chính quyền thành phố xuất hiện và chấm dứt mọi việc!
Tất nhiên họ không cấm nó ngay lập tức. Họ từ từ khiến nó biến mất. Logo Airbnb được hiển thị trên bảng quảng cáo kỹ thuật số Nasdaq tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, vào ngày 10/12/2020.(Ảnh: Kena Betancur/AFP qua Getty Images)
Theo thông tin từ The Epoch Times:
“Luật địa phương 18 – được thông qua tại Thành phố New York vào năm 2022 – bao gồm một số quy tắc có thể loại bỏ sự hấp dẫn của việc ở trong các căn hộ:
- Các dịch vụ cho thuê ngắn hạn chỉ có thể chứa không quá hai khách trả tiền cùng một lúc, bất kể quy mô hoặc số phòng ngủ của căn nhà.
- Chủ nhà phải có mặt khi tài sản của họ đang được cho thuê.
- Chủ nhà và khách phải mở khóa các cửa bên trong căn hộ cho thuê, cho phép người ở có thể vào toàn bộ căn hộ”.
“Luật mới yêu cầu chủ nhà cho thuê phải đăng ký căn hộ của họ với thành phố để có được giấy phép làm chủ nhà trên Airbnb. Nó cũng cấm các nền tảng đặt phòng như Airbnb xử lý các giao dịch cho các đơn vị chưa được đăng ký”.
Airbnb phản hồi bằng cách nói rằng tất cả điều này thực ra dẫn đến một lệnh cấm. Điều này sẽ đẩy giá khách sạn lên cao và khiến du khách gần như không thể ghé thăm thành phố, đồng nghĩa với việc sẽ có ít người chi tiền hơn cho Broadway, nơi vốn đang gặp khó khăn và các nhà hàng, nơi đang phải vật lộn để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt này.
Nhưng tại sao các chủ nhà không đăng ký căn hộ của họ? Zerohedge đưa tin: “Đối với những người hy vọng tuân theo và tuân thủ khung pháp lý, chúc may mắn: tính đến ngày 28/8, Văn phòng Thực thi Đặc biệt [OSE] ở Thành phố New York đã nhận được hơn 3.250 đơn đăng ký cho thuê ngắn hạn. Theo tờ The Washington Post, họ đã xem xét 808 đăng ký, cấp 257 chứng chỉ, từ chối 72 và trả lại 479 để tìm hiểu thêm thông tin hoặc chỉnh sửa”.
Hơn nữa: “OSE cũng duy trì Danh sách các công trình bị cấm bao gồm các căn hộ không được cho thuê ngắn hạn do điều khoản cho thuê hoặc quy định cho thuê. Hình phạt đối với chủ nhà vi phạm các quy định này có thể dao động từ 100 đến 1.000 USD cho lần vi phạm đầu tiên, trong khi khách sẽ không phải đối mặt với hình phạt khi ở trong một nơi ở bất hợp pháp”.
Tại sao Airbnb không kiện? Họ đã thử. Thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện.
Kỳ lạ không? Thực vậy. Những gì Thành phố New York cần lúc này là cắt giảm mạnh các lựa chọn phải chăng để du khách nghỉ ngơi vào ban đêm? Làm thế nào mà đạo luật khủng khiếp như vậy lại được thông qua tại thời điểm hiện nay?
Tôi không có câu trả lời nhưng chắc chắn nó có liên quan đến các khách sạn. Họ không thích sự cạnh tranh về chỗ ở trong thành phố và cho rằng việc giảm số lượng căn hộ có sẵn sẽ khiến họ có thể đẩy giá lên. Họ hẳn rất cần doanh thu do sự tăng cao của chi phí lao động cùng chi phí của mọi thứ khác.
Sự điên rồ ở cấp độ tiếp theo
Hãy cùng xem xét tình hình kỹ hơn.
Trên Airbnb, có một số ít căn hộ cho thuê vẫn còn tồn tại ở Manhattan, tất cả đều có giá từ 300 đến 400 USD mỗi đêm, một con số khó tin. Đây là cho cuối tháng 10. Sau tháng 12, Airbnb sẽ buộc phải loại bỏ tất cả các căn hộ không có nhãn dán đặc biệt, khiến giá thậm chí còn cao hơn. Các khách sạn trong cùng thời kỳ đang có giá từ 500 đến 1.000 USD, nhưng tất nhiên bạn có thể trả tới 10.000 USD một đêm nếu bạn có đủ tiền và bạn cực kỳ hoang phí.
Làm thế nào một người bình thường có thể cân nhắc một mức giá như vậy? Đơn giản là họ không thể. Và điều này xảy ra vào thời điểm mà Broadway vẫn đang gặp khó khăn, Trung tâm Lincoln đang hủy các buổi hòa nhạc vì không được quan tâm, và số lượng các chuyến thăm tới Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vẫn chỉ bằng một nửa so với trước khi phong tỏa.
Đồng thời, tôi thấy rất nhiều khách sạn ở Miami có giá từ 50 đến 100 USD và các khách sạn nổi bật với giá 200 USD một đêm, dành cho các khách hàng thích sự sang trọng. Ở Dallas và Houston cũng vậy. Charlottesville, Nam Carolina, thì có mức giá cao hơn nhưng bạn vẫn có thể tìm được một địa điểm nổi bật với giá dưới 300 USD, cộng với rất nhiều căn hộ Airbnb với giá rẻ hơn nhiều.
Manhattan và các khu vực xung quanh hiện là nơi duy nhất cấm người dân sử dụng bất động sản riêng của mình để cho thuê phòng trừ những trường hợp cực kỳ bất thường.
Thực sự, điều đó khiến người ta băn khoăn rằng làm thế nào các nhà lập pháp có thể làm điều ngược lại hoàn toàn với điều có thể đem lại một cơ hội nhỏ nhoi thúc đẩy sự hồi sinh. Việc cấm mọi người cho thuê nhà riêng của họ chỉ có thể làm giảm giá trị tài sản và đẩy nhiều người rời khỏi thành phố hơn. Làm sao họ có thể không biết điều này? Chắc chắn là có. Chắc hẳn phải có một thỏa thuận hậu trường nào đó đã kích hoạt điều này.
Có một vấn đề thậm chí còn sâu sắc hơn ở đây liên quan đến chính giới học thuật. Hầu hết các thành phố này đều có hình thức chính phủ ngầm riêng. Họ có các nhà quy hoạch thành phố tại chức bất kể thị trưởng có là ai, và những người này bao gồm các quan chức ủy ban quy hoạch cùng rất nhiều quan chức được thuê dựa trên trình độ học vấn của họ. Mọi khóa học quy hoạch đô thị của Ivy League đều tập trung vào mọi thứ trừ các doanh nghiệp tự do và tăng trưởng kinh tế. Thay vào đó, trọng tâm hướng tới việc ngày càng có nhiều quy định hơn.
Những người này nắm giữ tất cả các vị trí cao nhất trong chính quyền thành phố trên khắp đất nước. Kết quả là, họ không bao giờ coi việc có nhiều tự do hơn là câu trả lời cho bất cứ điều gì. Họ ngày càng áp đặt thêm nhiều hạn chế hơn đối với việc sử dụng tài sản. Điều này đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Ngay cả khi đối mặt với sự suy vong lớn, họ vẫn không thể từ bỏ tư duy mang nặng tính hạn chế và nặng về điều tiết của mình.
Việc ngồi yên và không làm gì trước tình trạng các đô thị suy thoái không ngừng đã đủ tệ rồi. Nhưng đây lại là sự điên rồ ở cấp độ tiếp theo khi gia tăng thêm thiệt hại bằng cách thực hiện những hành động phá hoại phi lý như cấm Airbnb.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Jeffrey A. Tucker là nhà sáng lập và Chủ tịch của Viện Brownstone, đồng thời là tác giả của hàng nghìn bài báo trên các tờ báo học thuật và phổ thông, cũng như tác giả của 10 cuốn sách viết bằng 5 thứ tiếng với cuốn sách gần đây nhất là “Liberty or Lockdown”. Ông cũng là biên tập viên của The Best of Mises. Ông viết các bài bình luận về kinh tế cho The Epoch Times và nói chuyện về nhiều chủ đề như kinh tế, công nghệ, triết học xã hội và văn hóa.