11-9-2023
Một phụ huynh ở TP Vinh (Nghệ An) chia sẻ với tôi rằng, vài năm nay các con anh đang phải đóng mỗi tháng từ 500k đến 700k cho học “tiếng Anh tăng cường”, số lượng là 2 tiết/tuần. Chương trình “tiếng Anh tăng cường” do một trung tâm Anh ngữ hợp tác với nhà trường để triển khai.
Vị phụ huynh cũng cho biết, hiện tại trung tâm này đang hợp tác với 86 trường học. Tôi kinh ngạc hỏi lại rằng: 86 trường nghĩa là cả ngàn lớp học, cả vạn học sinh, sao họ dạy nổi. Anh nói, chủ yếu là trường nào thì giáo viên trường ấy dạy, chứ cái trung tâm ấy chỉ có khoảng hơn 20 giáo viên thôi, dạy làm sao được.
86 trường, khoảng 80 nghìn học trò, nhân với 500k/em sẽ ra một số tiền khổng lồ là 40 tỉ đồng mỗi tháng. Nhưng mỗi tiết dạy, giáo viên nhà trường chỉ được trả từ 50 đến 80 nghìn.
Tay không bắt giặc, không cần xây dựng trường lớp, không cần tuyển dụng giáo viên, chỉ cần lập ra một cái “trung tâm” rồi đến bắt tay với hiệu trưởng một cái thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân liền biến thành “của nhà” và dọn tới tận miệng. Quá sướng.
Vị phụ huynh này cũng chia sẻ, khi trước, còn làm công tác quản lý trong trường học nhà nước, anh cũng đã từng được những trung tâm kiểu này đề nghị hợp tác với hoa hồng lợi nhuận là 40%, nhưng anh từ chối, vì biết rõ ràng rằng nó không mang lại lợi ích gì cho học trò cả, thậm chí còn làm khổ các em vì bị tước thêm thời gian và học hành láo nháo chỉ cho qua chuyện nhằm thu tiền.
Lần theo tên của Trung tâm Anh ngữ này, tìm kiếm mã số thuế nhưng không thấy, website cũng không có, chỉ có một trang Facebook với lèo tèo mấy lượt like mỗi bài đăng. Tôi không khẳng định được mức độ chính xác của những thông tin do vị phụ huynh này chia sẻ, cần các ngành chức năng vào cuộc điều tra thì mới kết luận được.
Tuy nhiên, bản chất của việc này thì không xa lạ với tôi, vì năm ngoái chính tôi đã phản đối 2 chương trình tương tự (kỹ năng sống và tiếng Anh) tại trường con tôi học, sau đó nhà trường đã phải hủy bỏ, không thực hiện nữa. Tôi chất vấn rằng, học cái gì, học vào lúc nào, ai dạy, dạy như thế nào, kế hoạch đâu, ai duyệt, trình tự thủ tục được tiến hành ra sao, v.v.. Không ai giải trình được, và đành phải bỏ.
Hiện nay, những chương trình “liên kết”, “hợp tác”, “tăng cường” kiểu này do sự bắt tay giữa hiệu trưởng và các trung tâm ma bên ngoài đang đổ bộ vào các trường học ở khắp nơi trên cả nước, tạo ra một thị trường chợ đen phá nát giáo dục từ bên trong.
Hình thức của kiểu làm ăn này rất đa dạng, phức tạp, có nơi thô bạo, có chỗ tinh vi bằng nhiều chiêu trò. Có trường chỉ cần thông báo một cách mập mờ khiến tất cả học sinh phải tham gia; có trường thì cho đăng ký, nhưng lại dạy vào buổi học chính khóa, em nào không đăng ký sẽ bị đưa ra khỏi lớp. Cha mẹ nào nỡ để con bơ vơ một mình trên sân trường, thế là chẳng biết có lợi lộc gì không nhưng cũng cắn răng mà đóng tiền cho con được ngồi trong lớp.
Bên cạnh phong trào “trăm hoa đua nở” của việc lạm thu, tận thu đã thành một thứ dịch bùng phát trên khắp cả nước trong hàng chục năm nay, thì những chương trình như Stem, Kỹ năng sống, Tiếng Anh… đang tràn vào các nhà trường như một cơn lũ giữa thanh thiên bạch nhật, biến những nơi thiêng liêng ấy thành chợ trời, chợ đen.
Phá hỏng môi trường giáo dục, vắt kiệt sức lực của phụ huynh, đày ải hàng triệu học trò chỉ vì mối lợi quá lớn và quá dễ kiếm này, đó là tình trạng đang công nhiên diễn ra mà rất hiếm khi thấy bóng dáng của các “cơ quan chức năng”, “cơ quan quản lý”, cứ như chốn không người vậy.
Tôi nghĩ, nếu không có một cuộc “tổng vệ sinh” bằng cách mở cuộc điều tra trên toàn quốc, quét sạch để lập lại kỷ cương trong các nhà trường, thì giáo dục sẽ bị băng hoại hoàn toàn, rồi Chương trình Đổi mới “căn bản toàn diện” cũng sẽ bị đám cỏ dại và sâu trùng này phá nát khi chưa kịp bén rễ…
Phải dẹp ngay nạn trấn lột trong nhà trường!
11-9-2023
Từ các số liệu trên trang của Cục thống kê (VN có diện tích đất lúa khoảng 2.952,5 nghìn ha, năng suất đạt 68,4 tạ/ha, tổng số hộ nông thôn là 17.308 nghìn, tôi tính ra: mỗi hộ thu hoạch được khoảng 11,6 tạ lúa/vụ (1 tấn 1 tạ 60kg). Với giá lúa khoảng 7k/kg, thu nhập từ lúa của một hộ nông dân VN là khoảng 8 triệu đồng/vụ, mỗi năm 2 vụ thành 16 triệu đồng.
Nhìn vào cái sớ thu tiền đầu năm với những khoản thu vô lý trắng trợn này của trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương) thấy mỗi học sinh phải nộp số tiền là 8.715.000 (tám triệu bảy trăm mười lăm nghìn đồng).
Nghĩa là bán hết số lúa thu hoạch được trong một vụ của cả một hộ gia đình nông thôn Việt Nam thì vẫn chưa đủ để đóng tiền cho một đứa con đi học ở trường Thanh Miện 3! Nếu gia đình có 2 đứa con đi học thì phải đi vay thêm chừng ấy tiền nữa con mới được đến trường. 3, 4 đứa thì phải treo niêu chờ chết.
Cũng tức là vét đến hạt lúa cuối cùng của người nông dân, và còn đẩy họ vào cảnh nợ nần, chạy ăn đứt hơi, không chừa cho họ một hạt gạo nào để nấu cháo qua ngày.
“Giáo dục là quốc sách” nhưng đầu tư và quản lý thế nào mà ra nông nổi các nhà trường “thu như cướp” thế này?
Nông dân ăn đất để sống ư? Thực dân Pháp và phát xít Nhật có lẽ cũng không ác đến thế. Lại nhớ bản Tuyên Ngôn độc lập của Hồ Chí Minh: “Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều”. “Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn, trở nên bần cùng”…
Đưa ra chính sách “Xã hội hóa” nhưng không quản lý được hoặc cố tình thả nổi, đã để cho các nhà trường đua nhau bóp cổ người dân đến nghẹt thở tắt hơi như thế này là vô cảm, độc ác, coi khinh sự sống còn của người dân.
Tôi đề nghị Bộ giáo dục và các cơ quan quản lý nhà nước ban hành ngay những quy định cấm các nhà trường thu bất cứ khoản gì, trừ BHYT và học phí (dù khoản thu này cũng chưa phải đã hợp lý đúng đắn).
Không thể tiếp tục để nạn trấn lột này hoành hành công khai trong môi trường giáo dục nữa.