Tin thế giới sáng thứ Ba: Thủ tướng Trudeau bác bỏ khả năng nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc

Nga ‘bất ngờ’ ca ngợi Tuyên bố chung của G20

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (ảnh: Twitter).

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã ca ngợi tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 ở Delhi nhằm tránh lên án Mát-xcơ-va về cuộc chiến chống Ukraina.

Tuyên bố kết thúc của G20 tố cáo việc sử dụng vũ lực để giành lãnh thổ nhưng không đề cập đến hành động gây hấn của Nga, khiến Ukraina chỉ trích.

Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày cũng đã giới thiệu một thành viên thường trực mới là Liên minh châu Phi.

Khối gồm 55 thành viên tham gia theo lời mời của nước chủ nhà Ấn Độ, một trong những mục tiêu chính của nước này khi còn là chủ tịch là làm cho G20 trở nên hòa nhập hơn với sự tham gia nhiều hơn của các quốc gia được gọi là Nam toàn cầu.

Các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đạt được các thỏa thuận quan trọng khác ở Delhi, bao gồm thỏa thuận về khí hậu và nhiên liệu sinh học – mặc dù có những chỉ trích về việc hội nghị thượng đỉnh không cam kết loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.

Năm thứ 2 liên tiếp G20 không có “ảnh gia đình” chính thức Không có lý do nào được đưa ra nhưng có tin cho biết nhiều nhà lãnh đạo đã từ chối chụp ảnh, chỉ ra sự hiện diện của Nga tại hội nghị thượng đỉnh.

Rất ít người mong đợi một tuyên bố chung tại G20 năm nay – nhất là vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh. Nhóm này bị chia rẽ sâu sắc về cuộc xâm lược Ukraina của Nga năm ngoái. Cả Vladimir Putin của Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc đều không đến Delhi mà thay vào đó cử các phái đoàn cấp thấp hơn.

Vì vậy, thật bất ngờ khi chỉ vài giờ sau khi hội nghị thượng đỉnh bắt đầu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố, đã đạt được sự đồng thuận về cách diễn đạt phần Ukraina trong tuyên bố, trong đó những lời chỉ trích trực tiếp đối với Nga năm ngoái đã giảm bớt.

Tại Bali năm ngoái, hầu hết các thành viên đã lên án “bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất về hành động gây hấn của Liên bang Nga chống lại Ukraina”. Ngược lại, tuyên bố Delhi nói về “những đau khổ của con người và những tác động tiêu cực gia tăng của cuộc chiến ở Ukraina liên quan đến an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu”.

Nó kêu gọi các quốc gia “kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để tìm kiếm lãnh thổ”, điều này có thể được coi là nhằm vào Nga, nhưng cũng lưu ý “những quan điểm và đánh giá khác nhau về tình hình”.

Liên Thành

Chính quyền Trung Quốc muốn cấm mặc đồ ‘gây tổn thương cảm xúc dân tộc’, cư dân mạng phản đối

Cảnh sát Trung Quốc (ảnh: (GOH CHAI HIN/AFP/Getty).

Cơ quan lập pháp Trung Quốc gần đây đã công bố dự thảo luật, theo đó cấm phát biểu và ăn mặc được cho là “gây tổn hại đến tinh thần của người dân Trung Quốc”. Dự thảo này làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt ở Trung Quốc. Các nhà quan sát chỉ trích chính quyền ĐCSTQ đàn áp quyền tự do dân sự, từ chà đạp quyền tự do ngôn luận đến kiểm soát quyền tự do mặc quần áo của người dân. 

Dự thảo luật quy định rằng, những người mặc hoặc ép buộc người khác mặc trang phục và biểu tượng bị cho là “làm xói mòn tinh thần hoặc làm tổn thương tình cảm của đất nước Trung Quốc” có thể bị giam giữ tới 15 ngày và bị phạt tới 5.000 nhân dân tệ (680 USD).

Tuy nhiên, cư dân mạng đặt câu hỏi: làm thế nào những người thực thi pháp luật có thể đơn phương xác định khi nào thì “tình cảm” của dân tộc bị “tổn thương”.

Các học giả Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về dự luật của chính quyền. Học giả nổi tiếng Trung Quốc, ông Trương Minh (张鸣) nói trên weibo: “Ý các vị là gì khi nói trang phục làm tổn hại đến tinh thần dân tộc Trung Quốc? Bộ vest có được tính không? Quần jean có tính không? Mọi thứ từ phương Tây có tính không? Vậy thì chúng ta còn có thể mặc gì nữa?”.

Nhà bình luận độc lập Trung Quốc Từ Lâm nói với đài VOA: “Việc mặc quần áo có phải là quyền tự do cá nhân không? Ngay cả khi anh ta thể hiện một ý nghĩa nhất định, nó có thuộc phạm vi quyền tự do ngôn luận không? Mọi người đều có quyền bày tỏ quan điểm và ý kiến ​​riêng của mình”.

Nhiều cư dân mạng đã chế những bức ảnh để mỉa mai dự luật của chính quyền Trung Quốc.

Nhà tâm lý học Ngô Thông 吴桐 đã đăng một bức ảnh về trang phục của các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc cổ đại và cho biết: “Đồng phục của cảnh sát cũng mang phong cách phương Tây”.

Tuy nhiên, ông Trần Kiến Cương (Chen Jiangang), một luật sư nhân quyền ở Hoa Kỳ, nói với Đài VOA rằng, ĐCSTQ thực ra đã xử phạt người dân liên quan đến trang phục trước khi đưa ra bản thảo sửa đổi.

Vào ngày 10/8/2022, một người phụ nữ mặc kimono đã chụp ảnh trên phố Hoài Hải ở Tô Châu. Một video trực tuyến cho thấy người phụ nữ bị cảnh sát địa phương quát mắng: “Cô là người Trung Quốc, nhưng cô lại mặc kimono!” Cảnh sát bắt người phụ nữ này đi với cáo buộc gây rối. Trong hơn 5 giờ đồng hồ, người phụ nữ này đã bị giáo huấn, phải xóa ảnh chụp trang phục, và bị tịch thu kimono.

Truyền thông cũng đưa tin, vào ngày 6/9, một số thanh niên nam nữ đã đến công viên để chụp ảnh trong trang phục nhà Đường. Các nhân viên đã đuổi họ đi ba lần và nói: “Đừng mang trang phục Nhật Bản đến đây”. Mặc dù họ giải thích rằng đây không phải quần áo Nhật Bản nhưng các nhân viên công viên vẫn đuổi họ đi.

Một số cư dân mạng còn đăng một bức ảnh trên mạng xã hội X cho thấy cựu tổng bí thư ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đã đến thăm Nhật Bản vào năm 1978 và cúi đầu chào người Nhật trong lễ đón tại Nhà khách. Ông cũng đề nghị các công ty Nhật Bản như Panasonic và chính phủ Nhật Bản hãy giúp đỡ Trung Quốc. Dòng tweet có nội dung: “Ông ấy có phạm tội làm tổn thương tình cảm của dân tộc Trung Quốc không? Ông ấy nên bị trừng phạt như thế nào?”

Người Nga bị cấm mang nhiều loại vật dụng cá nhân vào EU

Tuần này, Ủy ban châu Âu đã xác nhận rằng công dân Nga bị cấm mang theo nhiều đồ dùng cá nhân khi du lịch đến các nước thuộc khối EU. Việc mang những vật dụng bao gồm xe ô tô riêng, điện thoại thông minh cho đến xà phòng và thậm chí cả giấy vệ sinh, dù là vì mục đích cá nhân hay các chuyến du lịch ngắn ngày, đều bị xử phạt.

Phần trả lời mới nhất trong mục ‘các câu hỏi thường gặp’ do Ủy ban châu Âu ban hành hôm thứ Sáu (8/9) đặc biệt tập trung vào vấn đề ô tô. Ủy ban cho hay: “Không quan trọng việc dùng những phương tiện này cho mục đích cá nhân hay thương mại” miễn là chúng thuộc danh mục vật dụng bị xử phạt.

Theo tuyên bố của Ủy ban, lệnh cấm bao gồm “các phương tiện mang biển số Nga” và “được đăng ký tại Nga”, không xét đến thời gian phương tiện lưu lại EU. Việc làm rõ này được đưa ra sau một loạt vụ việc trong đó cơ quan hải quan Đức đã tịch thu các xe ô tô tư nhân của Nga vào nước này ít nhất kể từ tháng 7/2023.

Moscow sau đó cáo buộc Berlin đã “ăn cắp” xe và cảnh báo công dân của mình không được mang ô tô vào Đức. Chính quyền Đức giải thích cho hành động của mình bằng cách viện dẫn các lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga từ năm 2014 và lệnh mở rộng sau khi Moscow tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Đại sứ quán Nga tại Helsinki đã kêu gọi công dân không sử dụng ô tô mang biển số Nga khi đến Phần Lan. Cơ quan này tuyên bố trên trang web hôm Chủ nhật (10/9): “Cân nhắc về những rủi ro tiềm ẩn, chúng tôi khuyến nghị công dân Nga tránh đến Phần Lan bằng ô tô mang biển số Nga.”

Việc xác nhận của Ủy ban châu Âu thậm chí còn đi xa hơn khi nói rằng không chỉ ô tô mà nhiều loại vật dụng cá nhân khác cũng phải chịu lệnh trừng phạt nếu chúng có nguồn gốc từ Nga. Khi được hỏi liệu công dân Nga có thể tạm thời mang hàng hóa và phương tiện cá nhân vào EU hay không, kể cả khi đi du lịch, Brussels đã đưa ra câu trả lời là “không”, và nói thêm rằng bất cứ điều gì được liệt kê trong Phụ lục XXI thuộc quy định của EU về các lệnh trừng phạt đối với Nga đều bị cấm.

Phụ lục XXI liệt kê hơn 180 loại hàng hóa, ngoài phương tiện di chuyển cá nhân còn có điện thoại thông minh cũng như bất kỳ loại điện thoại nào khác, máy ảnh, quần áo phụ nữ, các loại túi xách, giày dép, xà phòng, nước hoa và thậm chí cả giấy vệ sinh.

Các quốc gia NATO và EU lần đầu tiên áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vào năm 2014, khi Crimea bỏ phiếu rời Ukraine và trở thành một phần của Nga sau cuộc đảo chính Maidan ở Kyiv. Các biện pháp trừng phạt này đã được mở rộng đáng kể từ khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022.

Phía Moscow khẳng định rằng các hạn chế thương mại và việc tịch thu tài sản của người Nga là bất hợp pháp và tương đương với hành vi trộm cắp, đồng thời khẳng định sẽ có các biện pháp trả đũa.

Vy An

Thủ tướng Trudeau bác bỏ khả năng nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc

Thủ tướng Trudeau bác bỏ khả năng nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc
Thủ tướng Justin Trudeau tham gia cuộc thảo luận trên ghế bành với ông Erik Schatzker, Tổng Biên tập chuyên trang New Economy của Bloomberg tại chi nhánh Singapore của Bloomberg hôm 07/09/2023. (Ảnh: Sean Kilpatrick/The Canadian Press)

Thủ tướng Justin Trudeau nói rằng khả năng nối lại tình hữu nghị chính trị với Trung Quốc hiện là điều bất khả thi, trích dẫn việc Trung Quốc đưa ra các quyết định chính trị khiến các mối bang giao trên toàn cầu của nước này thêm căng thẳng.

“Nối lại tình hữu nghị ư? Không. Chắc chắn không phải vào thời điểm cụ thể này,” ông Trudeau nói trong cuộc phỏng vấn với tổng biên tập Erik Schatzker của hãng thông tấn Bloomberg tại Singapore hôm 07/09. “Trong những năm qua, Trung Quốc đã đưa ra những quyết định khiến việc kết giao [với họ] trở nên khó khăn hơn — không chỉ cho Canada, mà còn cho các quốc gia khác.”

Ông nhấn mạnh việc Bắc Kinh giam giữ tùy tiện hai công dân Canada là ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor. Việc họ bị giam giữ hơn 1,000 ngày được nhiều người xem là một ví dụ về chính sách ngoại giao con tin của Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Canada bắt giữ giám đốc điều hành cao cấp của Huawei Mạnh Vãn Chu.

Ông Trudeau cũng lưu ý rằng mối liên hệ giữa Canada và Trung Quốc vẫn căng thẳng, ngay cả sau khi hai công dân Canada được trả tự do hồi tháng 09/2021. Ông cho rằng tình trạng căng thẳng đang diễn ra này một phần là do “những lo ngại thực sự xung quanh sự can thiệp của ngoại quốc.”

Các tin tức về hoạt động được cho là can thiệp ngoại quốc của Bắc Kinh vào Canada đã trở thành chủ đề nổi bật trong những tháng gần đây, với các cáo buộc bao gồm sự can dự của Bắc Kinh vào hai cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và năm 2021.

Hồi tháng 11/2022, tờ Global News đưa tin về nỗ lực được cho là của Bắc Kinh nhằm tác động đến cuộc bầu cử năm 2019, trích dẫn các nguồn tin an ninh quốc gia cho biết các quan chức tình báo Canada đã cảnh báo ông Trudeau về chiến dịch can thiệp của Trung Quốc, vốn liên quan đến việc tài trợ cho một mạng lưới bí mật gồm ít nhất 11 ứng cử viên liên bang. Trong các bài báo phát hành hồi tháng Hai, The Globe and Mail đã đưa tin về các chiến lược của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2021 của Canada.

Nhiều tháng sau khi những bản tin này xuất hiện, hôm 07/09, chính phủ liên bang được cho là đã chỉ định thẩm phán Marie-Josée Hogue của Tòa Phúc thẩm Quebec dẫn dắt một cuộc điều tra công khai về sự can thiệp của các quốc gia ngoại bang.

Chính phủ Đảng Tự Do đã phản đối việc tổ chức một cuộc điều tra công khai để điều tra hành vi can thiệp bầu cử, mà thay vào đó họ đã bổ nhiệm cựu Toàn quyền David Johnston làm báo cáo viên đặc biệt về sự can thiệp của ngoại quốc hồi tháng Ba. Sau khi ông Johnston từ chức vào tháng Sáu, chính phủ đã tiến hành đàm phán với các đảng đối lập để xác định phạm vi của một cuộc điều tra.

Hành động

Bình luận của ông Trudeau về khả năng khó có thể xảy ra việc nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Môi trường Steven Guilbeault tham dự diễn đàn môi trường do Bắc Kinh chủ trì tại thủ đô của Trung Quốc, được tổ chức từ ngày 26 đến ngày 31/08.

Chính phủ Đảng Tự Do xem môi trường là lĩnh vực cần hợp tác với Bắc Kinh, và ông Guilbeault cho biết chuyến đi cũng sẽ được sử dụng như một cơ hội để nối lại liên hệ ngoại giao. Mặc dù diễn đàn môi trường này cũng chiếm được nhiều mặt báo phiên bản Anh ngữ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, nhưng những bản tin đó không bao gồm các bình luận của ông Guilbeault, ngoại trừ một bài báo của Tân Hoa Xã.

Ngoài việc chống lại một cuộc điều tra công khai, chính phủ Đảng Tự Do còn phải đối mặt với sự chỉ trích từ các nhà phân tích Trung Quốc vì sự chậm trễ trong việc thông qua luật thành lập cơ quan ghi danh đại diện ngoại quốc ở Canada. Cơ quan ghi danh này nhằm mục đích nâng cao tính minh bạch liên quan đến hoạt động của các cá nhân và tổ chức vận động hành lang thay mặt cho các chính quyền ngoại quốc ở Canada.

Trong khi điều trần trước Ủy ban Thường vụ Hạ viện về Thủ tục và Nội vụ hồi tháng Năm, ông Christian Leuprecht, giáo sư tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, cho rằng sự chậm trễ trong việc thành lập cơ quan ghi danh đại diện ngoại quốc là do hoạt động “thu hút giới tinh hoa” của nhà cầm quyền Trung Quốc, vốn liên quan đến việc nhắm mục tiêu vào các chính trị gia Canada.

Khi được hỏi về việc chính phủ Đảng Tự Do miễn cưỡng ban hành luật thành lập cơ quan ghi danh đại diện ngoại quốc, ông Trudeau nói với Bloomberg rằng đây là một “vấn đề phức tạp” cần được xem xét cẩn thận. Ông dường như cũng ám chỉ đến Đạo luật Nhập cư Trung Quốc lịch sử của Canada, còn được gọi là Đạo luật Loại trừ Người gốc Trung Quốc, trên thực tế là cấm người nhập cư Trung Quốc nhập cảnh vào Canada.

Chính phủ Đảng Tự Do đã kết thúc một cuộc tham vấn cộng đồng hồi tháng Năm về giải pháp thành lập cơ quan ghi danh đại diện ngoại quốc. Khi được hỏi về tiến độ của hoạt động này hôm 07/09, ông Trudeau từ chối đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Hồng Ân biên dịch

Related posts