Nga mất gần nửa số S-400 ở Crimea, Mỹ chuẩn bị viện trợ tên lửa ATACMS cho Kyiv

Viên Minh

Nga mất gần nửa số S-400 ở Crimea, Mỹ chuẩn bị viện trợ tên lửa ATACMS cho Kyiv
Lính pháo binh Ukraine bắn pháo 152 mm D-20 vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần Bakhmut, miền đông Ukraine, vào ngày 20 tháng 7 năm 2023. (Ảnh: GENYA SAVILOV/AFP via Getty Images)

Quân đội Ukraine được cho là đã chọc thủng tuyến phòng thủ chính của Nga ở phía đông nam đất nước bằng lực lượng thiết giáp. Đây chính là một cột mốc quan trọng trong cuộc phản công kéo dài 3 tháng rưỡi qua nhằm cắt đôi quân đội Nga đang chiếm đóng. Trong khi đó, phía Ukraine không ngừng tuyên bố sẽ định kỳ thực hiện các cuộc tấn công cho đến khi cây cầu nối bán đảo Crimea đến đất liền Nga bị phá hủy hoàn toàn. Triển vọng này càng sáng sủa hơn khi tới đây, rất có thể Mỹ sẽ bật đèn xanh để Ukraine nhận được các tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS có tầm bắn lên tới 300km của mình. Một khi nhận được siêu tên lửa này, tất cả các sở chỉ huy, tuyến đường tiếp tế, kho bãi đạn dược của Nga đều sẽ nằm trong tầm bắn của Ukraine. Kịch bản chiến tranh đang ngày càng xấu đi hơn với Tổng thống Putin.

Các sĩ quan thuộc lực lượng tấn công đường không của Ukraine cho biết, quân đội của họ đã vượt qua các chướng ngại vật chống tăng bao gồm chiến hào và các khối bê tông “răng rồng” gần làng Verbove ở Zaporizhia. Điều đó đã cho phép các xe thiết giáp xuyên qua khu vực vốn được quân Nga bố phòng chặt chẽ này. Đánh giá tình báo nguồn mở về các video của Nga cho thấy các cuộc tấn công bằng pháo binh vào các đoàn xe Ukraine dường như đã xác nhận bước đột phá này.

Người Nga đang tấn công khu vực này bằng pháo binh và tiến hành các cuộc phản công. Các đơn vị Ukraine đứng trước nguy cơ bị thương vong nặng nề. Nhưng nếu Kyiv có thể tạo được chỗ đứng vững chắc, họ có thể tìm cách đưa nhiều xe thiết giáp hơn nữa vượt qua khoảng trống và tiến vào các khu vực ít kiên cố hơn.

Mới đây, tướng Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy mũi phản công của Ukraine ở mặt trận phía nam, cho biết các đơn vị dưới quyền tiếp tục chọc thủng phòng tuyến của Nga tại Zaporizhzhia. “Ở sườn trái gần Verbove, chúng tôi đã đột phá và tiếp tục tiến quân xa hơn”. Ông nhấn mạnh: “Tiến độ không nhanh như kỳ vọng, không giống những bộ phim về Thế chiến II. Điều quan trọng là chúng tôi không được đánh mất thế chủ động hiện nay”.

Diễn biến này đặt cuộc phản công của Ukraine vào một thời điểm then chốt. Ukraine muốn tiến về phía nam tới Biển Azov để cắt đứt các tuyến tiếp tế của Nga dọc theo dải lãnh thổ nối đất liền Nga với Bán đảo Crimea mà Moscow đã chiếm giữ vào năm 2014. Mục đích là nhằm cản trở nỗ lực của Nga nhằm giữ vững gần 20 % lãnh thổ Ukraine mà Moscow vẫn chiếm giữ.

Tướng Tarnavsky tiết lộ rằng cả Ukraine và Nga không sử dụng đội hình quy mô lớn cấp đại đội, tiểu đoàn hay lữ đoàn trong mặt trận Zaporizhzhia. Thay vào đó, các bên triển khai các nhóm tác chiến nhỏ với số lượng 10-15 người mỗi nhóm. Mục tiêu giá trị nhất trước mắt đối với Ukraine là thị trấn Tokmak, một trung tâm hậu cần của quân đội Nga tại khu vực. Đây cũng là mục tiêu lớn đầu tiên của quân đội trong mũi phản công ở phía nam.

Các quan chức Ukraine cho biết họ cần thêm vũ khí từ Mỹ và các đồng minh để tăng tốc tiến bộ. Họ muốn các tên lửa tầm xa để nhắm mục tiêu vào hậu cần quân sự của Nga và bóp nghẹt nguồn cung cấp cho quân đội tiền tuyến. Các tên lửa này cũng có thể tiêu diệt các hệ thống phòng không và pháo binh Nga, yểm trợ tốt hơn cho binh lính Ukraine đang tiến về phía trước.

Trong những tuần gần đây Ukraine đã mở rộng mặt trận xung quanh làng Robotyne. Tốc độ đang được đẩy lên ngày càng cao. Đến cuối tháng 8, lính dù Ukraine đã xuyên thủng tuyến phòng thủ chính của Nga gần Verbove, một ngôi làng nông nghiệp ở phía đông Robotyne, và bắt đầu vượt qua các chiến hào, chướng ngại vật chống tăng và bãi mìn.

Theo một số sĩ quan Ukraine trong khu vực, Nga đã đáp trả bước tiến của Ukraine bằng cách triển khai một số đơn vị lính dù mạnh nhất của mình ra mặt trận. Sĩ quan không quân Ukraine cho biết việc chặn sóng vô tuyến cho thấy Nga đã gửi lực lượng dự bị từ Tokmak và chỉ để lại một đồn binh nhỏ ở đó.

Lớp phòng thủ của Nga gần Verbove đặc biệt khốc liệt. Họ đang sử dụng đạn phốt pho phát nổ trên bầu trời như pháo hoa rơi xuống đất, đốt cháy bất cứ thứ gì chúng đáp xuống. Người Nga đã sử dụng chúng để đốt những hàng cây nơi quân Ukraine chiếm được chiến hào, buộc binh sĩ của Kyiv phải rời bỏ các vị trí dưới hỏa lực của pháo binh Nga.

Nhưng người Ukraine đã tiến về phía trước. Theo những người lính Ukraine ở tiền tuyến và các video mà họ chia sẻ trên mạng, bộ binh Ukraine xông thẳng vào chiến hào của đối phương và dọn sạch chúng. Họ cầm chân quân Nga dưới hỏa lực của pháo binh và xe tăng cũng như các cuộc phản công của bộ binh.

Một số thiết giáp Ukraine đã bị phá huỷ hoặc hư hỏng khi cố gắng vượt qua phòng tuyến Nga. Ukraine đã mất nhiều xe thiết giáp do phương Tây viện trợ theo cách ấy. Nhưng giờ đây lớp áo giáp được trang bị thêm đã bảo vệ được binh sĩ bên trong, giúp họ tiếp tục chiến đấu.

Ukraine cũng đang tiến về phòng tuyến kiên cố của Nga ở những nơi khác trong đoạn phình ra của chiến tuyến. Ở phía nam Robotyne, quân đội Ukraine đã tiến tới rìa Novoprokopivka, ngôi làng chiến lược tiếp theo nằm trong tay Nga. Những cuộc đột kích tiếp theo sẽ buộc các chỉ huy Nga phải dàn mỏng bộ binh và pháo binh để thực hiện nhiệm vụ phòng ngự của mình

Các binh sĩ Ukraine cho biết, quân đội Nga ở chiến hào tiền tuyến thường có trình độ tấc chiến kém. Nhưng khi bộ binh Ukraine tiến vào chiếm giữ chiến hào, quân Nga đã đánh trả bằng lực lượng tinh nhuệ hơn, có thể là những lính dù tấn công được huy động ra chiến trường mới đây.

Các vị trí của quân Nga thường được rải mìn và chứa đầy các thiết bị do binh lính bỏ chạy, từ đạn dược đến lựu đạn và kính nhìn ban đêm. Dù vậy, con đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn đối với Ukraine. Lực lượng của họ đã bị suy kiệt sau cuộc chiến kéo dài và đẫm máu suốt hơn 3 tháng qua. Nga cũng đang củng cố các công sự, bao gồm cả chiến hào, phía sau các khu vực mà Ukraine đang tập trung tấn công.

***

Trong khi chiến trường đang chứng kiến những trận đánh khốc liệt đến vậy thì ở hậu trường, các nhà lãnh đạo cũng đang tích cực đi những nước cờ chiến lược.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng ông sẵn sàng cung cấp tên lửa đất đối đất tầm xa tiên tiến để giúp Kyiv thực hiện cuộc phản công. Đây là tiết lộ của các quan chức Mỹ quen thuộc với vấn đề. Theo đó, một lượng nhỏ tên lửa từ Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân, còn gọi là ATACMS, sẽ được gửi đi trong những tuần tới. Sau đó, sẽ có thêm nhiều tên lửa khác tới Ukraine.

Kyiv từ lâu đã tìm kiếm các tên lửa tầm xa có thể tấn công những tuyến đường tiếp tế, kho hậu cần và trụ sở chỉ huy của Nga ở xa chiến tuyến. Tầm quan trọng của chúng đối với Ukraine đã tăng lên hơn nữa từ khi nguồn cung cấp tên lửa hành trình tầm xa của Anh và Pháp bắt đầu suy giảm.

Việc Mỹ cung cấp ATACMS cũng có thể khuyến khích Đức cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus. Berlin đã chỉ ra rằng họ muốn hợp tác với Washington trong việc cung cấp các loại viện trợ quân sự mới.

ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 300km với đầu đạn chứa 170kg thuốc nổ. Nó có thể được phóng từ hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, cũng như các hệ thống tên lửa phóng loạt M270 được gửi từ Anh và Đức.

Hệ thống tên lửa này được phát triển vào những năm 1980 để phá hủy các mục tiêu có giá trị cao nằm sâu trong phòng tuyến của Liên Xô. ATACMS được xây dựng như một vũ khí dẫn đường hiếm hoi giữa thời điểm Mỹ chủ yếu dựa vào bom không dẫn đường để tấn công các mục tiêu trên mặt đất. Hệ thống tên lửa này ban đầu được thiết kế để phá hủy các vũ khí phòng thủ tên lửa đất đối không của đối phương bằng cách bao phủ chúng bằng hàng trăm bom chùm. Hiện nay, Lầu Năm Góc có 2 phiên bản ATACMS mang đầu đạn chùm và đầu đạn đơn.

Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin cho biết, đến nay, tập đoàn này đã chế tạo khoảng 4.000 tên lửa ATACMS, bao gồm những hệ thống được bán ra nước ngoài. Mỹ dễ dàng cung cấp các tên lửa dẫn đường ít đắt đỏ hơn cho Ukraine, bởi các tên lửa chiến thuật của Lầu Năm Góc được “để dành” cho những kế hoạch chiến tranh tiềm ẩn hàng đầu tại những nơi khác như châu Á, châu u và Trung Đông.

Hiện tại, Mỹ vẫn còn sử dụng ATACMS trên chiến trường. Quân đội Mỹ từng phóng khoảng 30 tên lửa ATACMS năm 1991 trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc. Chúng cũng từng được sử dụng để tấn công các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo tầm trung của Iraq. Phiên bản ATACMS đạn chùm có thể bay hơn 160km và từng phóng 950 đạn chùm. Lầu Năm Góc sau đó đã hạn chế việc sử dụng đạn chùm bởi chúng thường không trúng mục tiêu. Lục quân đã cải tiến các hệ thống ATACMS đời đầu vào những năm 2000 và thay thế đầu đạn chùm bằng đầu đạn đơn. Lục quân Mỹ đã phóng hơn 400 tên lửa chiến thuật mang bom chùm trong chiến dịch Tự do Iraq. Mỹ cũng phóng tên lửa chiến thuật từ Hàn Quốc ra biển sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa một số lần.

Vào tháng 7, chính quyền Biden quyết định gửi đạn chùm tới Ukraine. Đây được cho là động thái mở đường cho việc cung cấp tên lửa ATACMS cho Kyiv, bởi một số biến thể tên lửa này có đầu đạn chứa được đạn chùm. Tên lửa ATACMS sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong việc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa trong những tháng mùa đông, điều này sẽ khiến Nga gặp khó khăn hơn trong việc củng cố khả năng phòng thủ của mình.

***

Đối với Ukraine mà nói, ngay cả khi lực lượng của họ không tiến đến được bờ biển phía nam, những bước tiến xa hơn vẫn cho phép họ tấn công các tuyến tiếp tế của Nga bằng tên lửa và pháo binh. Đó là chưa kể những đòn tấn công bất ngờ từ phía Ukraine cũng đang gây ra những tổn thất không nhỏ cho các lực lượng Nga tại Crimea, đặc biệt là tổn thất về phương tiện quân sự.

Để bảo vệ khu vực bán đảo Crimea mà quân đội Nga đang kiểm soát, Moscow đã bố trí tới 5 khẩu đội tên lửa đất đối không S-400 cùng các hệ thống radar phòng không hiện đại. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian chưa đầy một tháng gần đây, Ukraine đã phá huỷ 2 khẩu đội phòng không hiện đại S-400. Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng, mỗi lần Ukraine phá hủy một tổ hợp S-400 đều cho thấy sự yếu kém trong công tác phòng thủ của Hạm đội biển Đen tại khu vực cảng Sevastopol.

Vụ tập kích đầu tiên diễn ra vào ngày 23/8, đã phá huỷ khẩu đội S-400 mà Nga bố trí ở khu vực Cape Tarkhankut trên bờ biển phía tây bắc của Bán đảo Crimea. Ngày 14/9 một khẩu đội S-400 khác cách thành phố Yevpatoriya gần 60 km về phía nam, cũng đã trở thành mục tiêu tiếp theo bị phá huỷ.

Vũ khí được sử dụng trong các cuộc tấn công trên được Ukraine cho biết, chính là tên lửa hành trình chống hạm phóng từ mặt đất R-360 Neptune phiên bản mới nhất, được sửa đổi để tập kích tổ hợp S-400 của Nga. Tên lửa Neptune cũng chính là vũ khí đã đánh chìm tàu tuần dương hạm Moskva, soái hạm của Hạm đội Biển Đen vào tháng 4/2022, đánh dấu thành công đầu tiên của vũ khí này.

Phiên bản đầu tiên của Neptune chỉ có tầm bắn 280 km và mang theo theo đầu đạn nặng 150 kg. Tuy nhiên phiên bản sửa đổi tầm bắn tăng lên đến 400 km, mang theo đầu đạn nặng 350 kg. Mục tiêu trước mắt của hải quân Ukraine trong việc tấn công vào những tổ hợp S-400, là nhằm dọn đường cho lực lượng không quân của họ tấn công vào Hạm đội biển Đen đang neo đậu tại Sevastopol do Nga kiểm soát.

Các vụ tấn công gần đây của Ukraine bằng tên lửa Neptune đã dẫn đến sự thiếu hụt các đơn vị S-400 được Nga bố trí bảo vệ cảng Sevastopol, nên khả năng bảo vệ của Hạm đội Biển Đen đã bị tổn hại đáng kể.

Lý do đầu tiên khiến S-400 thất bại có thể là các chiến thuật được Ukraine áp dụng. Tên lửa R-360 Neptune được biết có khả năng cơ động tốt ở độ cao thấp, vì vậy việc phát hiện và đánh chặn chúng cực kỳ khó khăn. Một yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến thất bại của S-400 đó là các biện pháp đối của R-360 Neptune. Tên lửa hành trình này sử dụng nhiều biện pháp khác nhau như gây nhiễu radar hoặc tung ra nhiều mồi bẫy để gây nhầm lẫn và né tránh các hệ thống phòng không của Nga.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune của Ukraine là hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại. Nó được thiết kế để tấn công các tàu mặt nước và các mục tiêu hải quân ở khoảng cách lên tới 280 km. Tên lửa này là bước tiến đáng kể trong khả năng phòng thủ của Ukraine và thể hiện một bước tiến lớn trong công nghệ tên lửa nội địa của nước này.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune hoạt động bằng cách kết hợp dẫn đường quán tính và dẫn đường bằng radar chủ động. Nó được trang bị động cơ tên lửa nhiên liệu rắn cung cấp lực đẩy trong suốt chuyến bay. Hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng các điểm định hướng được lập trình sẵn và cập nhật radar để điều hướng tới mục tiêu. Khi nó đến gần mục tiêu, radar tìm kiếm chủ động sẽ đảm nhận việc tiếp cận mục tiêu một cách chính xác.

Về vật liệu, tên lửa hành trình R-360 Neptune được chế tạo chủ yếu bằng vật liệu composite nhẹ và bền. Những vật liệu này mang lại tỷ lệ độ bền trên trọng lượng cao, cho phép tên lửa đạt được tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn. Việc sử dụng vật liệu tổng hợp cũng giúp giảm tiết diện radar của tên lửa, khiến hệ thống radar đối phương khó phát hiện và theo dõi hơn.

Tên lửa hành trình R-360 Neptune được trang bị cảm biến và vũ khí tiên tiến để nâng cao hiệu quả tấn công. Tính năng tìm kiếm radar chủ động của tên lửa có thể phát hiện và theo dõi mục tiêu ngay cả trong điều kiện môi trường phức tạp.

Đầu đạn của tên lửa được thiết kế để xuyên thủng hệ thống phòng thủ của tàu hải quân hiện đại, đảm bảo gây sát thương tối đa khi va chạm. Ngoài ra, tên lửa có thể thực hiện các động tác lẩn tránh để chống lại các biện pháp đối phó của đối phương và tăng cơ hội tiếp cận mục tiêu thành công.

Viên Minh (Tổng hợp)

Related posts