Trong tháng 9, các hoạt động quấy phá của Trung Quốc tại eo biển Đài Loan dường như đã vươn đến những kỷ lục mới. Trang web chính thức của quân đội Đài Loan đưa ra tuyên bố: Từ 6 giờ ngày 17/9 đến 6 giờ ngày 18/9, đã phát hiện được 103 lượt máy bay quân sự của Trung Quốc đại lục hoạt động quanh eo biển Đài Loan”. Đây là một mức cao kỷ lục.
Sự căng thẳng của eo biển Đài Loan thực tế đã được đẩy cao lên trong suốt cả năm qua với những cuộc diễn tập phong toả và tấn công hòn đảo của Bắc Kinh. Giữa lúc thế giới đang hỗn loạn và có thể bùng phát bất cứ cuộc chiến nào chỉ vì những lý do cỏn con, thì eo biển Đài Loan thực sự không khác gì một thùng thuốc súng chỉ chờ phát nổ. Tình thế nguy cấp tại đây chắc chắn sẽ đánh động Mỹ và đồng minh. Liệu những nước này đã có phương án gì để chuẩn bị cho cuộc đối đầu với Trung Quốc?
Từ ngày 11 đến ngày 15/9, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc thành lập đội ngũ, tập hợp cách mũi Nga Loan khoảng 96 km về phía đông nam, tiến vào Tây Thái Bình Dương, triển khai cuộc huấn luyện chung trên biển và trên không quy mô lớn nhất. Tàu Sơn Đông cất cánh máy bay tới 60 lần trong một ngày, sau đó đi qua eo biển Ba Sĩ và đi về phía Biển Đông. Cùng thời gian đó, 8 tàu chiến của lực lượng Hải quân chiến khu Bắc bộ đã đi qua eo biển Miyako, đội hình tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành tập trận ở Biển Nhật Bản. Nói cách khác, ba chiến khu lớn của Trung Quốc đã điều động tổng cộng hơn 20 tàu chiến đến Tây Thái Bình Dương, quy mô chưa từng có và đã hình thành tình thế bao vây Đài Loan.
Đáng chú ý, các chuyến xuất kích của Trung Quốc bao gồm ngày càng nhiều máy bay vận tải và tiếp nhiên liệu Y-20 bay cùng với các máy bay chiến đấu phản lực ở phía đông Đài Loan. Các nhà phân tích quân sự cho biết điều đó cho thấy sự tập trung tăng cường vào việc cải thiện khả năng chiến đấu tầm xa của máy bay chiến đấu.
Tờ Wall Street Journal đã nhận định rằng, quy mô máy bay chiến đấu của Trung Quốc và số lượng tàu chiến tiến vào không phận và vùng biển gần Đài Loan trong tháng 9 là chưa từng có trong lịch sử. Điều này chứng minh quân đội Trung Quốc đang cố gắng tăng cường ngăn chặn Mỹ giúp đỡ Đài Loan một khi chiến tranh nổ ra.
Có lẽ đó không phải chỉ là sự trùng hợp. Ngày 15/9, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai nhà thầu quốc phòng lớn của Hoa Kỳ vì liên quan đến thương vụ bán vũ khí mới nhất cho Đài Loan được chính phủ Hoa Kỳ công bố vào tháng trước. Từ ngày 16 đến ngày 17/9, ông Vương Nghị, quan chức ngoại giao cao nhất của Trung Quốc và Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã tổ chức nhiều vòng họp ở Malta, kéo dài trong 12 giờ, vấn đề eo biển Đài Loan là một trong những đề tài thảo luận trọng tâm.
Trong khi các cuộc tập trận quy mô tương tự trước đây của Trung Quốc được kết hợp với làn sóng tuyên truyền nhằm đe dọa hòn đảo tự trị, thì Bắc Kinh gần như không nói gì về các cuộc tập trận gần đây. Chính quyền Đài Loan và các nhà phân tích quốc phòng cho biết, sự im lặng đó là dấu hiệu cho thấy hoạt động gần đây không nhằm mục đích truyền tải thông điệp chính trị mà nhằm mục đích huấn luyện thực sự. Quân đội Trung Quốc đang cố gắng mài giũa khả năng bao vây Đài Loan, vô hiệu hóa lợi thế tự nhiên của hòn đảo này và ngăn chặn Mỹ đến giải cứu trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Đài Bắc từ lâu đã coi địa lý là một trong những lợi thế lớn nhất của mình trong trường hợp bị Trung Quốc xâm lược, với dãy núi cao và dốc tạo thành rào cản tự nhiên ngăn quân địch tiến quân từ phía tây. Trong nhiều năm, chiến lược của quân đội Đài Loan là duy trì một thành trì ở bờ biển phía đông, nơi họ hy vọng có thể cầm cự đủ lâu để Mỹ gửi quân trợ giúp.
Sự hiện diện của lực lượng Mỹ ở vùng biển xung quanh Đài Loan sẽ làm tăng thêm những hạn chế về lãnh thổ và hoạt động, khiến kịch bản xâm lược trở thành thách thức đối với quân đội Trung Quốc. Vì vậy, quân đội Trung Quốc, đã ưu tiên ngăn chặn phản ứng của Hoa Kỳ, một chiến lược được gọi là “chống tiếp cận/chống xâm nhập” hay A2/AD. Một tàu hộ tống mang tên lửa dẫn đường nội địa phóng pháo sáng trong cuộc tập trận trên biển gần cảng hải quân ở Cao Hùng, miền nam Đài Loan vào ngày 27 tháng 1 năm 2016. (Ảnh: SAM YEH/AFP via Getty Images)
Quân đội Đài Loan đã theo dõi ngày càng nhiều máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Trung Quốc ở phía đông hòn đảo, cho thấy quân đội Trung Quốc đang mở rộng khả năng bao vây hòn đảo. Điều đó khiến cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự quan trọng có nguy cơ bị tấn công.
Đài Loan đang đặt kỳ vọng rất nhiều vào phi đội máy bay chiến đấu phản lực F-16V tiên tiến sắp ra mắt. Trước đây, chúng có thể đóng quân an toàn tại các căn cứ gần các thành phố phía đông Hoa Liên và Đài Đông, nhưng việc lực lượng không quân Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động có nghĩa là Trung Quốc thực sự có thể đi vòng qua phía đông Đài Loan để tiến hành các cuộc tấn công vào những khu vực căn cứ quan trọng này.
Theo các nhà phân tích quân sự, máy bay chiến đấu phản lực của Trung Quốc không có đủ tầm hoạt động để tham gia các hoạt động mở rộng trên bờ biển phía đông Đài Loan. Gần đây, quân đội Trung Quốc đã bố trí cho các đơn vị máy bay chiến đấu thay phiên nhau tiến hành các hoạt động tiếp nhiên liệu cho máy bay phản lực bằng các máy bay vận tải. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Trung Quốc đã cử 3 máy bay vận tải thực hiện các chuyến bay kéo dài tới phía đông nam Đài Loan vào ngày 13/9 và thêm 2 chiếc nữa vào hôm 17/9.
Đối diện với điệu bộ cương ngạnh của Trung Quốc, Hoa Kỳ cũng đối đầu gay gắt, không chỉ đẩy mạnh bố cục “bao vây Trung Quốc” trong chiến lược quân sự, hiện thực hóa hơn nữa việc triển khai quân sự ở Tây Thái Bình Dương. Dưới đây là 3 ví dụ.
Đầu tiên, Mỹ sẽ triển khai lực lượng không gian tại Nhật Bản để duy trì lợi thế trong lĩnh vực không gian. Lực lượng Không gian Hoa Kỳ (USSF) được thành lập vào tháng 12 năm 2019. Lực lượng chỉ huy không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương được thành lập vào tháng 11 năm 2022 và “Lực lượng Không gian đóng quân tại Hàn Quốc” được thành lập tại Hàn Quốc vào tháng 12 cùng năm. Nhật Bản cũng thành lập đại đội tác chiến không gian vào ngày 18/5 năm 2020.
Trung Quốc đang mở rộng năng lực không gian với tốc độ chưa từng có, ý đồ thông qua vệ tinh, dùng hỏa lực chính xác tầm xa (chủ yếu là tên lửa) đánh chìm tàu sân bay của Mỹ. Bởi vậy Mỹ cần duy trì ưu thế về lĩnh vực không gian. Một trong các biện pháp là bố trí lực lượng không gian ở Nhật Bản. Lực lượng này sẽ hợp tác với Lực lượng Không gian Nhật Bản và Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để trở thành “trung tâm tăng cường liên minh Mỹ -Nhật”.
Đơn vị mới sẽ phụ thuộc vào Lực lượng chỉ huy không gian Ấn Độ-Thái Bình Dương đóng tại Hawaii. Vào ngày 19/1 năm nay, ông Anthony Mastalir, tư lệnh Lực lượng chỉ huy không gian Ấn Độ – Thái Bình Dương đã đến thăm đại đội tác chiến không gian Nhật Bản. Ngày 1/9, tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Hoa Kỳ, Anthony Cotton, đã đến thăm Tokyo, đảm bảo mở rộng cung cấp năng lực đe dọa bằng vũ lực cho Nhật Bản. Có thể dự kiến, lực lượng Không gian Hoa Kỳ tại Nhật Bản sẽ mở rộng hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc, để răn đe Trung Quốc cũng như Triều Tiên và Nga.
Thứ hai, tàu không người lái của Hải quân Mỹ lần đầu tiên xuất hiện ở Nhật Bản. Ngày 18/3, các tàu mặt nước không người lái Mariner và Ranger của Hải quân Hoa Kỳ đã đến Yokosuka, Nhật Bản, nơi Hạm đội 7 của Hoa Kỳ đóng quân. Đây là lần đầu tiên một tàu Mỹ như vậy ghé thăm cảng Nhật Bản. Động thái này được cho là đang kiểm tra độ bền của con tàu và chuẩn bị cho những xung đột có thể xảy ra trong tương lai với Trung Quốc.
Để đối phó với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập của Trung Quốc, đầu tiên Hoa Kỳ đề xuất “Nhất thể hoá chiến tranh trên không-trên biển”, sau đó chuyển thành “khái niệm can thiệp vào các lĩnh vực chung và kết hợp cơ động toàn cầu”. Để can thiệp chống lại việc tiến công của đối phương, ngăn cản chống đỡ hệ thống tác chiến khu vực mà Mỹ cũng vạch ra “Lý luận sát thương kiểu phân tán”. Điều này đòi hỏi phải có đủ số lượng tàu chiến đa năng, nhưng số lượng tàu chiến mặt nước hiện nay của Hải quân Mỹ là khoảng 290 chiếc, ở mức thấp nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Vậy làm thế nào? Hải quân Mỹ vừa đệ trình “kế hoạch đóng tàu trong 30 năm tới”, đóng từ 77 đến 140 tàu không người lái cỡ lớn và vừa để bổ sung cho các tàu có người lái.
Tháng 9 năm 2017, kế hoạch “Hạm đội ma Overlord” đã được triển khai nhằm phát triển nền tảng tác chiến mặt nước. Nó có thể di chuyển độc lập giữa hai điểm, tự động tránh các tàu khác, cuối cùng thực hiện được việc duy trì tự chủ hoạt động trên biển trong 90 ngày mà không cần thủy thủ nào. Năm 2021, một đoạn video về tàu không người lái Ranger trang bị hệ thống phóng thẳng đứng mô-đun phóng tên lửa SM-6 được công bố. Hạm đội tàu mặt nước không người lái cỡ vừa và lớn của Hải quân Hoa Kỳ được lên kế hoạch từ lâu cuối cùng đã sơ bộ thành hình.
Ngày 13/5 năm 2022, hải quân Hoa Kỳ đã thành lập phân đội tàu mặt nước không người lái 1 (USVDIV One) ở California, quản lý 4 tàu chiến mặt nước không người lái. Sau đó, ba tàu chiến không người lái đã tham gia cuộc tập trận quân sự Vành đai Thái Bình Dương 2 năm một lần. Điều này cho thấy Hải quân Mỹ đang tích hợp các tàu chiến không người lái vào tổng thể hoạt động triển khai hải quân của mình trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt của hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Lần này, tàu chiến không người lái của quân đội Mỹ hiếm khi đóng quân ở vùng biển Đông Á lại xuất hiện, có thể đang tập thích nghi với môi trường để chuẩn bị cho xung đột với Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng đây là được “thiết kế riêng” đặc biệt cho nó. Trên thực tế, ngoài việc hỗ trợ Hải quân Hoa Kỳ, các tàu không người lái hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng trong khái niệm tác chiến mới cho các quân chủng khác của Hoa Kỳ, chẳng hạn như khái niệm “viễn chinh tác chiến” của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Các quốc đảo như Nhật Bản, Philippines… có mật độ đảo bao phủ dày đặc. Trong thời chiến, lực lượng đặc nhiệm của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của các tàu mặt nước không người lái, có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng hỏa lực chống hạm từ các đảo này nhằm vào hải quân của Trung Quốc.
Thứ ba là việc Mỹ khởi động lại “mạng lưới trinh sát chống tàu ngầm dưới nước” trong Chiến tranh Lạnh.
Ngày 21/9, Reuters đưa tin: Cùng với sự phát triển nhanh chóng của lực lượng hải quân Trung Quốc và những thay đổi nhanh chóng của kỹ thuật mới đối với tác chiến trên biển, Hải quân Mỹ sẽ chi hàng tỷ USD để khởi động lại hệ thống giám sát dưới nước tối mật dùng để giám sát các tàu ngầm của Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Kế hoạch “Hệ thống giám sát chỉnh lý dưới nước” (IUSS) của Hải quân Hoa Kỳ bao gồm việc triển khai một hạm đội tàu hải quân không người lái để giám sát tàu địch và đặt các cảm biến “vệ tinh dưới nước” di động dưới đáy biển để quét tìm tàu ngầm. Phần mềm AI được sử dụng để phân tích dữ liệu gián điệp hàng hải.
Theo những người hiểu biết trực tiếp về kế hoạch này, quân đội Hoa Kỳ quyết định tổ chức lại kế hoạch IUSS dựa trên ba yếu tố chính. Thứ nhất, tàu chiến của Trung Quốc có khả năng tấn công Đài Loan hoặc làm hư hại cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển như đường ống dẫn dầu và cáp mạng cáp quang. Thứ hai, Ukraine đã sử dụng thành công các tàu không người lái chi phí tương đối thấp để tấn công các tàu chiến và cầu của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Thứ ba, khoa học công nghệ đang thay đổi từng ngày, cảm biến dưới nước, trí tuệ nhân tạo (AI) và tàu không người lái hàng hải đang phát triển nhanh chóng. Hoa Kỳ phải giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vũ trang này về khả năng trinh sát dưới nước.
Tham vọng “dùng vũ lực thống nhất” Đài Loan của Trung Quốc chưa bao giờ suy giảm. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ngày đêm lên kế hoạch trong tình trạng điên cuồng. Vì vậy, Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm tàng ở eo biển Đài Loan. Hầu hết ngoại giới đều cho rằng giai đoạn từ nay đến năm 2027 sẽ là giai đoạn căng thẳng nhất ở eo biển Đài Loan. Do đó, mọi chuyện sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự chênh lệch về sức mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hay việc quân đội Hoa Kỳ nêu bật được việc triển khai chiến đấu thực tế để răn đe chiến tranh và ngăn chặn Trung Quốc hành động hấp tấp.
Theo Epochtimes
Viên Minh biên dịch & tổng hợp