Tạ Linh
Ngày 2/10, Hội đồng Nobel đã công bố giải thưởng Nobel Y sinh 2023, mở đầu cho mùa giải Nobel năm nay, nhằm vinh danh những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong hàng loạt lĩnh vực.
Tiếp nối giải Nobel Y sinh sẽ là giải Nobel Vật lý (công bố ngày 3/10), Nobel Hóa học (ngày 4/10), Nobel Văn học (ngày 5/10), Nobel Hòa bình (ngày 6/10) và Nobel Kinh tế (ngày 9/10).
Năm nay, quỹ đã quyết định tăng giá trị giải thưởng nhờ tình hình tài chính mạnh hơn. Và Chủ nhân giải Nobel năm nay sẽ được nhận khoản tiền thưởng 11 triệu crown Thụy Điển (gần 1 triệu đô) tăng một triệu crown Thụy Điển so với năm ngoái.
Thật bất ngờ khi điều này lại khơi dậy một làn sóng dư luận tại Trung Quốc khi cư dân mạng xôn xao với chủ đề danh sách “11 người Trung Quốc đoạt giải Nobel”
Tờ Âm thanh hy vọng đưa tin, chủ đề “11 người gốc Hoa đoạt giải Nobel” bỗng dưng trở thành từ khoá tìm kiếm nổi bật trong những ngày gần đây.
Lý do khiến chủ đề này trở nên nóng trong dư luận, là trên thực tế Trung Quốc phải trải qua thời gian rất lâu mới có người đạt giải Nobel, bất chấp quy mô tầm vóc và những tuyên bố về vị thế của quốc gia từng có 1,4 tỉ dân.
Nhiều cư dân mạng đại lục than thở: thật đau lòng khi trong số 11 người Hoa đã đoạt giải Nobel thì có đến 8 người đã mang quốc tịch nước ngoài.
Có người thì mỉa mai: “Tại sao trong số 11 người gốc Hoa thì số người mang quốc tịch Mỹ có nhiều đến vậy? Có bao giờ thử nghĩ tại sao không? Trong khi Cả thế giới đều công nhận rằng người Trung Quốc rất thông minh?
Và cũng chính thời điểm này người ta đổ dồn sự quan tâm đến Giải Nobel khoa học đầu tiên của Trung Quốc dành cho Nữ thầy thuốc Trung y Đồ U U.
Đồ U U sau 55 năm sưu tầm chỉnh lý các thư tịch y học cổ, các loại thảo dược, các bài thuốc dân gian, phác đồ điều trị của sách thuốc địa phương, phỏng vấn các chuyên gia Trung y, lặp lại nhiều thí nghiệm… cuối cùng bà đã sáng chế ra loại thuốc mới chữa sốt rét hiệu quả. Đây là một thí dụ xuất sắc của sự nghiên cứu kết hợp Trung y với Tây y.
Nhiều người đã bình luận về việc “nhà khoa học ba không” Đồ U U được tặng giải Nobel. Họ cho rằng, câu chuyện của bà Đồ nói lên một vấn đề nhức nhối đã lâu, đó là sự tồn tại một quy tắc ngầm trong giới khoa học, giới trí thức Trung Quốc là: “những người không có năng lực nhưng có nhiều mối quan hệ xã hội thì vô cùng mát mày mát mặt, còn những người có năng lực nhưng không quen biết ai thì bị chèn ép”.
Đồ U U âm thầm làm việc suốt đời, không mấy ai biết tên tuổi bà. Chính quyền chưa tặng bà giải thưởng nào. Và chắc hẳn 720 viện sĩ Viện Khoa học Trung Quốc (có 131 viện sĩ Sinh học và Y học), cùng 611 viện sĩ Viện Công trình Trung Quốc đều ngạc nhiên khi thấy giải thưởng khoa học quốc tế cao quý nhất đầu tiên trao cho người nước mình lại vào tay một bà lão 85 tuổi chưa có học vị tiến sĩ, và ba lần bầu viện sĩ đều trượt, bà thậm chí còn chưa lần nào được ra nước ngoài học tập, nghiên cứu.
Trung Y là một di sản của nhân loại, nhưng từ sau phong trào Ngũ Tứ, rất nhiều người Trung Quốc hoài nghi thậm chí phủ định Trung y và Trung dược. Bộ môn này ngày nay còn được gọi với tên là Y học cổ truyền Trung Quốc.
Thành công của Đồ U U có thể chưa đủ để trả lại giá trị và sự ưu việt của Trung Y Trung Quốc, tuy nhiên nó cũng góp phần chỉ ra một điều rằng, cuộc cách mạng văn hoá thời Mao có tác dụng phá hoại to lớn đối với nền văn hoá truyền thống bề dày của Trung Quốc.
Và ở thời điểm hiện tại, với người Trung Quốc, đây là một minh hoạ điển hình, và là lời giải thích cho câu hỏi, vì sao có quá ít người Trung Quốc trong danh sách những người đạt giải Nobel, trong khi người Trung Quốc rất thông minh.