Trung Quốc sử dụng quân đội để đẩy các quốc gia ra khỏi vùng biển quốc tế

Gia Huy

Theo một nghị sĩ Hoa Kỳ, chính quyền cộng sản Trung Quốc đang sử dụng quân đội một cách bất hợp pháp để mở rộng lãnh thổ và ép buộc các quốc gia láng giềng rời bỏ các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Dân biểu Đảng Cộng hòa Rob Wittman, thành viên của Ủy ban Đặc biệt Hạ viện Mỹ về Cạnh tranh Chiến lược với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cáo buộc, chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các cơ sở quân sự để thống trị các quốc gia Đông Nam Á và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn hôm 28/9 với Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn đặt tại Washington D.C., Dân biểu Wittman cảnh báo: “Mục đích của Trung Quốc là cản trở và làm suy yếu Hoa Kỳ.”

“Họ [ĐCSTQ] gần như đứng đầu về sự hung hăng.”

Bình luận của Dân biểu Wittman được đưa ra sau một số vụ việc nổi bật liên quan đến Trung Quốc ở Biển Đông vào tháng trước.

Trong nhiều trường hợp khác nhau, các tàu Cảnh sát biển của Trung Quốc, hoạt động cách lãnh thổ Trung Quốc gần 1.000 dặm (1.600 km), đã đặt các rào cản dưới nước để cản trở và sử dụng vòi rồng tấn công các tàu của Philippines. Trong mọi trường hợp, các tàu Trung Quốc đều cố gắng ngăn cản một cách bất hợp pháp các tàu Philippines tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà quốc gia Đông Nam Á này có quyền hợp pháp để khai thác.

Theo Dân biểu Wittman, sự gây hấn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với các quốc gia láng giềng nhỏ hơn chỉ là hành động mới nhất trong chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ của ĐCSTQ nhằm thổi phồng ranh giới của Trung Quốc và để đánh cắp các nguồn tài nguyên một cách bất hợp pháp.

ĐCSTQ tìm cách đẩy các quốc gia khác ra khỏi Biển Đông

Các cuộc đối đầu trong tháng Chín giữa Trung Quốc và Philippines xảy ra gần đảo Đá Vành Khăn, một trong hàng chục hòn đảo nhân tạo mà ĐCSTQ tạo ra trong những năm gần đây để mở rộng trái phép lãnh thổ và phạm vi quân sự của mình trên khắp Biển Đông.

Đá Vành Khăn, cách lãnh thổ Trung Quốc khoảng 900 dặm (1.440 km) và cách Philippines chưa đến 150 dặm (240 km), hiện có một loạt cơ sở do Trung Quốc xây dựng, bao gồm các cơ sở radar và thông tin liên lạc, các đường băng và các nhà chứa máy bay chiến đấu, cũng như các cơ sở tên lửa đất đối không.

Theo Dân biểu Wittman, mục tiêu lâu dài của các cơ sở này là giúp ĐCSTQ triển khai sức mạnh quân sự vượt ra ngoài Chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ Nhật Bản đến Indonesia.

Vị dân biểu Hoa Kỳ lưu ý: “Nỗ lực của họ [ĐCSTQ] trong Chuỗi đảo thứ nhất, trong chuỗi đảo Trường Sa, tất cả đều nhằm mục đích thống trị quân sự.”

“Đây là các đường băng, radar, tên lửa đất đối không. Mục đích duy nhất [của các cơ sở này] là đẩy các quốc gia khác ra khỏi khu vực đó.”

Dân biểu Wittman lưu ý, tháng trước ông đã nhận được một báo cáo tóm tắt về các hoạt động gây hấn của ĐCSTQ đối với các tàu không phải của Trung Quốc trong khu vực này. Trong đó có một vụ việc mà các tàu Trung Quốc đã cản trở một tàu Philippines khi tàu này đang cố gắng thực hiện việc sửa chữa cơ sở của mình.

Dân biểu Wittman cho biết: “Các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng để tấn công các tàu [Philippines] đang cố gắng đến đó để bảo trì cơ sở này.” Ông cho biết thêm, sự gây hấn của ĐCSTQ không chỉ giới hạn đối với Philippines.

Hiện nay, khi các tàu Mỹ đi qua Biển Đông, các tàu Trung Quốc tích cực tìm cách can thiệp vào việc di chuyển của các tàu Mỹ và ngăn cản họ đến được đích.

Vị nghị sĩ Đảng cộng hòa chỉ trích: “Khi các tàu của chúng ta đi vào những khu vực đó, không chỉ các tàu quân sự mà còn có rất nhiều tàu khác của Trung Quốc vây quanh các tàu của chúng ta nhằm cố gắng cản trở việc di chuyển của chúng ta qua khu vực đó.”

“Mối đe dọa của cuộc đời chúng ta”

Việc Trung Quốc tuyên bố kiểm soát phần lớn Biển Đông đang bị tranh chấp được cho là do hành vi hung hăng của Bắc Kinh. Trên thực tế, ĐCSTQ chưa bao giờ kiểm soát 90% vùng biển mà họ tuyên bố là của mình. Đáng chú ý, các yêu sách lãnh hải vô lý của Bắc Kinh đã bị nhiều tổ chức quốc tế coi là bất hợp pháp.

Để đạt mục tiêu kiểm soát Biển Đông, nhà lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình, đã ra lệnh xây dựng bất hợp pháp hàng chục đảo nhân tạo để làm căn cứ quân sự nhằm giúp ĐCSTQ sáp nhập khu vực này vào lãnh thổ của mình một cách hiệu quả.

Chiến lược như vậy đã được thể hiện rõ ràng vào cuối tháng Chín, khi một tàu Philippines tiếp cận Đá Vành Khăn, tất cả điện thoại di động trên tàu đều nhận được tin nhắn với nội dung “Chào mừng đến Trung Quốc.”

Dân biểu Wittman cảnh báo, vụ việc này và các vụ việc tương tự khác, là bằng chứng nữa cho thấy ĐCSTQ có ý định mở rộng mô hình độc tài của mình ra toàn thế giới bằng vũ lực mà không cần quan tâm đến các quy tắc, chuẩn mực, hay thậm chí luật pháp quốc tế.

Dân biểu Wittman cáo buộc: “Trung Quốc không quan tâm đến cạnh tranh. Trung Quốc chỉ muốn thống trị.”

“Trung Quốc không quan tâm đến bất kỳ cách thức, hình thức hay mô thức nào của việc sống theo tiêu chuẩn mà chúng ta có ở Hoa Kỳ. Họ sẽ dối trá, gian lận, và đánh cắp để đạt được mục đích của họ.”

“Đây là mối đe dọa của cuộc đời chúng ta. Mối đe dọa này cũng nghiêm trọng như mối đe dọa mà thế giới đã phải đối mặt vào năm 1938.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Related posts