Tin thế giới tối thứ Ba: Tổng thống Zelensky đến Kherson, tuyên bố chiến tranh sắp kết thúc

Tổng thống Zelensky đến Kherson, tuyên bố chiến tranh sắp kết thúc

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đến Kherson (BBC)

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đến Kherson để chung vui cùng các binh sĩ và người dân sau khi tái chiếm thành phố phía nam này từ tay lực lượng Nga. Kherson đã bị quân đội Nga chiếm đóng trong khoảng 8 tháng trước đó.

Ngày 14/11/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kherson – thành phố phía nam trước đây đã bị quân Nga chiếm đóng khoảng 8 tháng. (Ảnh: Paula Bronstein / Getty Images)

Trong bối cảnh Ukraine phản công, Nga đã rút khỏi thành phố Kherson vào tuần trước. Tổng thống Ukraine bày tỏ mong muốn điều này sẽ đánh dấu sự kết thúc của chiến tranh.

Ông nói: “Đây là thời điểm bắt đầu kết thúc chiến tranh. Chúng tôi đang tiến từng bước tới tất cả các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời.”

Ông Zelensky nói với các phóng viên rằng Ukraine đã sẵn sàng chào đón “hòa bình trên toàn bộ đất nước của chúng tôi.” Ông nói chuyện với những người lính tập trung trước tòa nhà hành chính trên quảng trường chính của thành phố Kherson ngày hôm đó.

Chỉ vài giờ trước đó, ông đã cảnh báo trong video hàng đêm của mình rằng người Nga đã để lại bẫy và mìn trước khi rút lui. Tuy nhiên, vài giờ sau ông đã xuất phát đến đó.

Lực lượng quân đội Ukraine đã bắt đầu một nhiệm vụ quan trọng là tháo dỡ mìn của Nga và các bẫy mìn bên trong và xung quanh Kherson, ông Zelensky nói.

Tổng thống Zelensky cảm ơn sự hỗ trợ của NATO và các đồng minh khác. Ông cho biết Hệ thống pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) do Hoa Kỳ cung cấp đã đóng vai trò lớn trong việc Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Ngoài quân đội Ukraine đến quảng trường ngày hôm đó, còn có các bậc phụ huynh cùng con cái của họ, một số người đang đẩy xe em bé. Gần đây, tòa nhà hành chính nằm trên quảng trường vẫn nằm dưới sự chiếm đóng của quân đội Nga.

Một số người trong đám đông vẫy cờ Ukraine, trong khi những người khác choàng cờ trên vai.

“Tôi thực sự rất hạnh phúc. Bạn có thể thấy từ phản ứng của mọi người, nó không phải là giả tạo,” ông Zelensky nói. Ông được bao vây bởi những vệ binh trang bị vũ khí từ đầu đến chân.

Tổng thống Ukraine cho biết, việc đến Kherson, nơi Nga đã chiếm đóng 8 tháng qua, là điều rất quan trọng. Ông muốn thể hiện sự ủng hộ của mình đối với người dân địa phương, và cho họ thấy rằng: “Chúng tôi thực sự đã trở lại. Chúng tôi thực sự đang giương cao lá cờ của mình.”

Tổng thống Volodymyr Zelensky nói, “trước khi tháo chạy khỏi Kherson thì những kẻ xâm lược đã phá hủy các cơ sở hạ tầng quan trọng – đường dây liên lạc, nguồn cung cấp nước, khí đốt và điện.”

Thống đốc vùng Kherson, ông Yaroslav Yanushevych, nói rằng việc kết nối lại nguồn cung cấp điện là một ưu tiên khẩn cấp, và rằng nguồn cung cấp khí đốt đã được đảm bảo.

Trong một video do Trợ lý Tổng thống công bố, ông Zelensky, dường như đã rất xúc động, ông đứng thẳng, đặt tay phải lên tim và hát quốc ca. Bộ đội cũng đứng nghiêm trang. Các binh sĩ vững vàng kéo lá cờ Ukraine màu xanh vàng lên cột cờ.

Cảnh tượng ăn mừng tương tự cũng diễn ra tại các vùng khác trên khắp Ukraine, bao gồm thủ đô Kyiv và Odesa.

Tổng thống Ukraine rời đi sau khi ở Kherson khoảng 30 phút.

Thành phố Kherson là thủ phủ lớn đầu tiên mà quân đội Nga giành quyền kiểm soát sau khi xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2. Sau khi quân Nga rút đi, hôm thứ Sáu (11/11), quân đội Ukraine đã tiến vào trung tâm thành phố.

Đây là cuộc rút lui quy mô lớn thứ 3 của Nga trong cuộc chiến, cũng là lần đầu tiên Nga từ bỏ một thành phố bị chiếm đóng tầm cỡ, khi đối mặt với một cuộc phản công lớn của Ukraine.

Trong 2 tháng qua, quân đội Ukraine tuyên bố đã chiếm lại hàng chục thị trấn và làng mạc ở phía bắc thành phố Kherson. Hiện tại, Nga vẫn kiểm soát khoảng 70% vùng Kherson rộng lớn.

Ukraine cho biết họ đã sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng không phải với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao đã nhắc lại các điều kiện của Ukraine trên Facebook vào hôm thứ Hai (14/11).

“Phương án hòa bình của Ukraine vẫn không thay đổi: Chấm dứt ngay lập tức chiến tranh, rút ​​toàn bộ quân đội Nga, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, khắc phục thiệt hại gây ra, và đảm bảo hiệu quả về việc không tái xâm lược”, một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Ukraine viết.

Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, từ chối bình luận về chuyến thăm của ông Zelensky tới thành phố Kherson, chỉ nói rằng “đây là lãnh thổ của Liên bang Nga”. Điện Kremlin đã sáp nhập bất hợp pháp vùng Kherson và 3 vùng khác của Ukraine vào đầu năm nay.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, nói việc rút quân khỏi Kherson đã đánh dấu “một thất bại mang tính chiến lược khác” cho Moscow.

Bình Minh

Tân tổng thống Kenya phanh phui hợp đồng dự án đường sắt với Trung Quốc

Dự án Đường sắt tiêu chuẩn Mombasa–Nairobi của sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Chính phủ Kenya ký kết với ĐCSTQ đang tiếp tục gây tranh cãi, sau đó Tòa án phúc thẩm Kenya phán quyết rằng hợp đồng dự án là bất hợp pháp. Hình ảnh khu công trường xây dựng của dự án. (Christian odhiambo akuku / Wikimedia commons).

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều nước tham gia sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” đã nhận ra mình bị rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Trường hợp đáng kể mới đây là dự án xây dựng đường sắt tại Kenya được tân tổng thống nước này công bố.

Để thực hiện lời hứa với người dân trong chiến dịch tranh cử, Tổng thống William Ruto của Kenya mới đắc cử gần đây đã công bố 3 tài liệu từ hợp đồng xây dựng đường sắt do Chính phủ tiền nhiệm ký với Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) vào năm 2014.

Hợp đồng mang tên “Đường sắt khổ tiêu chuẩn” (SGR) cho thấy trong nội dung đàm phán liên quan của dự án thì Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, nhà tài trợ vốn cho ngành đường sắt, chiếm ưu thế tuyệt đối: Kinh phí xây dựng dự án đều đến từ Trung Quốc, do các nhà sản xuất Trung Quốc thiết kế và xây dựng, toàn bộ tuyến đường sắt chạy từ bờ biển Kenya về phía đông nhưng điểm cuối lại dẫn đến một nơi vắng vẻ, đặc biệt trong hợp đồng có hàng loạt điều khoản rõ ràng bất công và bất hợp lý.

Ví dụ trong hợp đồng quy định rõ vấn đề vật liệu xây dựng đường sắt được sử dụng trong dự án chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc. Mọi hoạt động thu mua hàng hóa dùng cho đường sắt vận chuyển chủ yếu nên nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra Chính phủ Kenya phải cấp ưu đãi miễn thuế cho những hàng hóa này. Khi xảy ra bất kỳ tranh chấp nào trong quá trình thực hiện thỏa thuận, phải được giải quyết bằng trọng tài đến từ tổ chức có ràng buộc pháp lý ở Trung Quốc. Đồng thời, Kenya không thể đơn phương tiết lộ nội dung của hợp đồng cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý của bên tài trợ.

Theo hồ sơ vay vốn của dự án nói trên do Bộ trưởng Kipchumba Murkomen của Bộ Giao thông Vận tải Kenya tiết lộ, khoản vay đầu tiên trị giá 1,6 tỷ USD do Trung Quốc cung cấp cho Kenya với lãi suất 2%/năm, thời gian ân hạn 7 năm và phải được hoàn trả trong vòng 156 tháng. Một khoản vay thương mại khác trị giá 2 tỷ USD với các mức lãi suất khác nhau và thời gian ân hạn 5 năm, được trả thành 20 đợt với mức bằng nhau. Khoản vay thứ ba là giai đoạn hai của dự án đường sắt kéo dài từ thủ đô Nairobi đến thị trấn nghỉ mát Naiva Shah, số tiền cho vay là 1,48 tỷ USD. Như vậy, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay với tổng trị giá 5,08 tỷ USD cho dự án đường sắt này.

Bộ trưởng Kipchumba Murkomen của Bộ Giao thông Vận tải Kenya chỉ trích kế hoạch trả nợ đang giết chết thu nhập của người dân Kenya, vì vậy ông kêu gọi chính quyền Bắc Kinh kéo dài thời hạn trả nợ từ 20 năm ban đầu lên 50 năm.

Góc nhìn chuyên gia về vấn đề hợp tác từ Trung Quốc

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á châu Tự do về vấn đề này, giáo sư Der-Yuan Yang của Khoa Tài chính của Đại học Khoa học và Công nghệ Cao Hùng (Đài Loan) nhận xét: “Đây không phải là ‘hiệp ước bất bình đẳng mà là ‘hiệp ước chư hầu’”.

Từ lâu, giáo sư Der-Yuan Yang đã nghiên cứu về tài chính công và các vấn đề nợ quốc tế. Ông phân tích rằng cách tiếp cận của ĐCSTQ là tìm các nước “có tài nguyên nhưng tham nhũng về chính trị” như Kenya và Sri Lanka để mua chuộc quan chức chính phủ của nước đó, nhằm khai thác khoáng sản và kiểm soát giao thông của họ, từ đó dần bành trướng thế lực. Qua những hợp đồng đã bị phanh phui cho thấy thực tế các nước như vậy không thu được lợi ích gì từ việc hợp tác với Trung Quốc.

Ông nói: “Chính phủ của ĐCSTQ rõ ràng đã bóc lột các nước này và coi họ như là chư hầu. Bây giờ họ không thể trả tiền, và họ không muốn trả tiền, bởi vì họ chưa bao giờ nhận được bất kỳ lợi ích nào, vấn đề này đối với ĐCSTQ chỉ là sớm hay muộn mà thôi”.

Một chuyên gia Đài Loan khác tại Viện An ninh Quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, ông Shih Chien Yu cho biết các nước châu Phi này có thể chưa bao giờ chứng kiến ​​một lượng vốn nước ngoài khổng lồ như vậy vào châu Phi, nhưng các nước này không có tinh thần luật pháp như phương Tây, họ vay tiền nhưng không quan tâm có khả năng trả khoản vay hay không.

Ông Shih Chien Yu cho rằng vay tiền thì đương nhiên phải trả, cuối cùng không trả được thì đó là một khoản nợ khổng lồ, sau 10 năm thực hiện Sáng kiến ​​​​Vành đai và Con đường thì các nước này đều đang phải đối mặt với cùng một vấn đề là nợ của họ chiếm hơn 10% GDP, thậm chí nhiều nước đã chiếm 1/4 đến 1/3 GDP, tức là Trung Quốc (ĐCSTQ) hoàn toàn kiểm soát đất nước họ.

Chuyên gia Đài Loan này cho rằng ĐCSTQ làm vậy ngoài việc cần các nước châu Phi lên tiếng trước Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế theo nhu cầu của Trung Quốc, còn vì mục tiêu xuất khẩu. Thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc với các nước châu Phi trong 10 năm qua đã tăng trưởng mỗi năm 2 con số. Khi những nước đó không trả được nợ bằng tiền thì có thể bằng tài nguyên, như vậy có thể xem với Trung Quốc thì những nước châu Phi kia không khác gì “thuộc địa kiểu mới”. Ngoài ra ĐCSTQ cũng sẽ nhân cơ hội để thiết lập các căn cứ quân sự tại các nước này. Nhưng có vấn đề bỏ ngỏ là ĐCSTQ có thể trụ vững được bao lâu sau khi ném vô số tiền của vào đó?

Vương Quân, Vision Times

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hủy họp G20 sau khi dương tính với COVID-19

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Ba (15/11) đã hủy các cuộc họp mà ông dự kiến ​​có tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali sau khi xét nghiệm dương tính với COVID-19, theo Reuters.

Trước đó, ông Hun Sen đã tiếp đón hơn một chục nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm cả Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại một hội nghị thượng đỉnh ở Phnom Penh.

Nhà lãnh đạo Campuchia cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng ông có kết quả dương tính khi đến Indonesia, nhưng không gặp bất kỳ triệu chứng nào.

Ông Hun Sen đã có các cuộc gặp gỡ không đeo khẩu trang với các nhà lãnh đạo từ tám quốc gia Đông Nam Á cũng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Canada tại hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), kết thúc vào Chủ nhật.

“Đồng bào yêu quý! Bây giờ tôi đã xét nghiệm dương tính với COVID-19”, ông viết trên Facebook, cho biết thêm rằng ông đã xét nghiệm hàng ngày kể cả trước khi bay tới G20 ở Bali, và tất cả các kết quả đều âm tính.

“Tôi không chắc nhiễm loại virus này khi nào, nhưng khi tôi đến, người Indonesia đã lấy mẫu bệnh phẩm của tôi vào buổi tối và đến sáng thì kết quả dương tính với COVID-19.”

Ông cho biết thật “may mắn” khi đến Bali muộn và bỏ lỡ bữa tối với các nhà lãnh đạo khác.

Ông cho biết vì lý do an toàn, phái đoàn Campuchia sẽ về nước vào thứ Ba, nghĩa là ông sẽ bỏ lỡ các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị cấp cao APEC ở Bangkok vào cuối tuần này.

Gia Huy (theo Reuters)

Related posts