ĐCSTQ điều chỉnh trọng điểm mục tiêu từ phát triển kinh tế sang bảo vệ chế độ?

Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tại Hội nghị APEC ở Thái Lan hôm 19/11/2022. (Ảnh: Lauren DeCicca/ Getty Images)

Bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn có lẽ khiến ông Tập Cận Bình ngày càng lo lắng về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ mất quyền lực, điều này phần nào phản ánh qua chia sẻ gần đây của cộng đồng mạng liên quan tuyên bố của ông Phó Hiệu trưởng Tạ Xuân Đào của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ.

Tân Hoa Xã của ĐCSTQ ngày 27/8 đưa tin, từ ngày 20 – 24/8, các cơ quan gồm Ban Tổ chức Trung ương ĐCSTQ, Ban Công tác xã hội Trung ương, Trường Đảng Trung ương (Học ​​viện Hành chính Quốc gia) phối hợp tổ chức lớp đào tạo trực tuyến cho bí thư các tổ chức Đảng trên toàn quốc. Chủ đề của lớp đào tạo này là nêu cao “Tư tưởng Tập Cận Bình”, phương châm nhằm củng cố “Hai xác lập” và “Hai bảo vệ”.

Ngày 12/10 trên mạng xã hội X bên ngoài Trung Quốc loan truyền tin tức cho hay, ông Phó Hiệu trưởng Tạ Xuân Đào của Trường Đảng Trung ương tuyên bố tại lớp đào tạo này rằng: Trọng tâm công việc hiện nay chuyển từ phát triển kinh tế sang bảo vệ chế độ, việc tách rời hai vấn đề này là cách để bảo vệ chế độ.

Tháng 9 năm nay, Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao trú tại Trung Quốc cho biết, việc ông Tập Cận Bình vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay (tổ chức tại New Delhi – Ấn Độ từ ngày 9 – 10/9) là dấu hiệu việc Bắc Kinh đang cắt đứt quan hệ với các nước phương Tây, rất nhiều nguồn tin từ các bên khác nhau chỉ ra chính quyền Tập Cận Bình đang đối mặt với những thách thức khó khăn lớn.

Trước thềm Ngày kỷ niệm thành lập ĐCSTQ 1/7 năm nay, tạp chí Cầu Thị (Qiushi) của họ đã đăng toàn văn bài phát biểu của ông Tập Cận Bình ở lớp đào tạo cán bộ tại Trường Đảng Trung ương. Trong bài phát biểu, ông Tập cảnh báo rằng những bi kịch như trường hợp sụp đổ của hệ thống Đảng Cộng sản tại Liên Xô cũ và Đông Âu… cũng hoàn toàn có thể đến với ĐCSTQ – phát biểu khiến nhiều nhà quan sát nhận định ông Tập lo lắng về sự sụp đổ của ĐCSTQ.

Có thể thấy đã rất nhiều lần ông Tập bày tỏ lo lắng về khả năng Đảng suy sụp thông qua các nhấn mạnh chú trọng đến an ninh chính trị và an ninh chế độ – những tuyên bố về bản chất cũng xem là lo ngại an ninh đối với bản thân Tập Cận Bình. Quan điểm đó cũng nhiều lần được ban lãnh đạo ĐCSTQ nêu rõ trước toàn Đảng, tiêu biểu như cái gọi là “Hai xác lập” và “Hai bảo vệ” chính là vấn đề bảo vệ bản thân Tập Cận Bình và thể hiện lòng trung thành với ông Tập, đây cũng là hệ quả tất yếu của việc sùng bái cá nhân.

Ông Tập Cận Bình đã bất chấp tất cả để theo đuổi chính sách ‘Zero COVID’ chống dịch bệnh kéo dài 3 năm, điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế và sinh kế của người dân. Cho dù lệnh phong tỏa xã hội được dỡ bỏ (vào cuối năm ngoái) thì nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục trì trệ, tiêu dùng trì trệ, xuất nhập khẩu tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, thậm chí tăng vọt khiến hồi tháng 8 phải ngừng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên, khi thu nhập của người dân không ngừng sụt giảm thì xu thế bất mãn trong dân cũng nổi lên rõ hơn.

Giới phân tích có quan điểm cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp khó khăn đáng kể trong giai đoạn cuối năm 2023. Nếu ông Tập tiếp tục tự cô lập Trung Quốc với cộng đồng quốc tế khiến nền kinh tế Trung Quốc không đáp ứng kỳ vọng của người dân thì e rằng ĐCSTQ cuối cùng sẽ tìm cách gây chiến với thế giới bên ngoài để chuyển hướng các cuộc khủng hoảng trong nước.

Thực tế cộng đồng quốc tế vẫn lo ngại về khả năng ông Tập Cận Bình đi nước cờ mạo hiểm gây chiến xâm lược Đài Loan, nước cờ này càng có khả năng thành thực tế khi mục đích cốt lõi của ông là bằng mọi giá phải bảo toàn quyền lực – điều mà ông Tập gọi là “bảo vệ đất nước”.

Báo cáo mới nhất của Lầu Năm Góc đánh giá quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ một lực lượng lớn nhưng kém hiệu quả thành một đối thủ tiềm tàng, cho biết: “Khả năng của Trung Quốc đã vượt xa quân đội Mỹ trong một số lĩnh vực, bao gồm đóng tàu, tên lửa đạn đạo và hành trình thông thường cũng như Hệ thống phòng không tích hợp”. Hồi tháng 7, Chuẩn Đô đốc Hải quân Michael Studerman – giám đốc tình báo tại Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii, cho biết rằng xung đột với Đài Loan “đối với chúng tôi là vấn đề thời gian xảy ra khi nào chứ không phải có xảy ra không”.

Sau cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hôm 7/10, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ chối lên án hành động tàn bạo của Hamas, ông ta cho rằng người dân Palestine đã bị Israel đàn áp trong hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên trên mạng xã hội Trung Quốc, đại đa số cư dân mạng chỉ trích mạnh mẽ hành động tàn bạo của Hamas và thể hiện lập trường rõ ràng, trái ngược hoàn toàn với thái độ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ.

Miêu Vi, Visison Times

Related posts