Bắc Kinh dường như ngày càng hiểu rõ hơn về chiều sâu của các vấn đề kinh tế mà họ gặp phải và không hài lòng với tính không đáng tin của cấp dưới. Việc chiếm quyền kiểm soát của ĐCSTQ sẽ bộc lộ khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của nó. Nhưng xu hướng đó khó có thể mang lại điều gì hơn ngoài việc thắt chặt hơn và gia tăng kiểm soát của ĐCSTQ.
Bắc Kinh đang hành động tích cực để giữ cho các ngân hàng và các tỉnh có đủ tiền để chi trả các khoản thanh toán. Bất chấp những lời đảm bảo chính thức về sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và mức tăng trưởng mạnh mẽ 5%, những biện pháp được thực hiện cho thấy chính quyền trung ương đang lo lắng về những rủi ro tài chính và chính trị sau nhiều năm tích lũy nợ.
Vậy những hành động đó tiết lộ điều gì về suy nghĩ của Bắc Kinh?
Trong vài tuần qua, Bắc Kinh đã thực hiện một số bước nhằm giảm thiểu rủi ro tài chính trong nền kinh tế Trung Quốc. Những bước này không thúc đẩy tăng trưởng nhưng làm giảm nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng hoặc các tỉnh địa phương, thứ có thể gây ra sự gián đoạn lớn. Nhiều ngân hàng lớn công bố phát hành trái phiếu để củng cố bảng cân đối kế toán. Một chính quyền cấp tỉnh đã mua một lượng lớn nợ xấu từ một ngân hàng sắp phá sản do có mối liên hệ với lĩnh vực bất động sản. Các tỉnh đang gặp khó khăn sẽ phát hành gần 2 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu dài hạn với mục đích duy nhất là trả nợ sắp đến hạn. Trong tuần này, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã đến thăm ngân hàng trung ương, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), và thực hiện những thay đổi nhằm trao quyền kiểm soát trực tiếp ngân hàng này và các cơ quan liên quan cho chính quyền trung ương và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bắc Kinh lo lắng và mất lòng tin
Vậy sự sôi động của các động thái kinh tế và chính trị này cho thấy điều gì?
Thứ nhất, bất chấp những lời đảm bảo lạc quan, Bắc Kinh vẫn lo lắng sâu sắc về những rủi ro kinh tế và tài chính ở Trung Quốc. Trong những thông báo gần đây, Bắc Kinh viện dẫn sự cần thiết phải kiểm soát rủi ro và quản lý nợ để tránh rắc rối. Mặc dù việc nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm soát rủi ro là điều không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng các động thái về chính sách và nhân sự nêu bật góc nhìn từ phía Bắc Kinh. Những rủi ro này không chỉ trở thành tiêu điểm chú ý mà còn cần những hành động cụ thể.
Thứ hai, các động thái của Bắc Kinh nhằm nắm quyền kiểm soát PBOC và tập trung hóa quyền ra quyết định đối với các vấn đề tài chính cho thấy sự thiếu tin tưởng. ĐCSTQ vừa cần vừa sợ các chủ ngân hàng, lãnh đạo tỉnh, các nhà hoạch định chính sách nhưng cũng hết sức nghi ngờ họ. Câu nói phổ biến của Trung Quốc “Núi cao hoàng đế xa” nói lên nhiều điều về cách chính quyền trung ương nhìn nhận các tỉnh, các cơ quan. Các chủ ngân hàng và lãnh đạo ngân hàng trung ương ở Trung Quốc ít có xu hướng chính trị và thường thuần túy tập trung vào kinh doanh. Điều này gây ra sự lo sợ trong giới lãnh đạo Bắc Kinh, nơi lòng trung thành với ĐCSTQ trên hết vẫn là đặc tính quý giá. Người dân đi ngang qua một chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/9/2009. (Ảnh: Peter Parks/AFP qua Getty Images)
Điều gì sẽ xảy ra sắp tới?
Vậy chúng ta nên mong đợi điều gì trong tương lai?
Các động thái tài chính và nhân sự cho thấy Bắc Kinh đang hiểu rõ hơn về những rủi ro trong nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là rủi ro trong các ngân hàng và lĩnh vực tài chính cấp tỉnh. Điều này ngụ ý rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra các chính sách bổ sung để ngăn chặn những rủi ro mà họ phát hiện ra. Như trong lịch sử, điều này có nghĩa là trì hoãn và giả vờ, kịch bản rất có thể xảy ra khi giới lãnh đạo của ĐCSTQ biết được nhiều hơn. Tuy nhiên, dường như nhiều gói cứu trợ tài chính và chính sách quản lý rủi ro sẽ được triển khai.
Có vẻ như chính sách trên thực tế sẽ bám sát hơn những gì Bắc Kinh mong muốn. Trong nhiều năm, các thông báo của ĐCSTQ nhấn mạnh đến việc quản lý nợ và không giấu nợ, và trong nhiều năm, cả hai điều đó đều không được thực hiện. Với việc tập trung quyền kiểm soát và bố trí các nhân sự chủ chốt, các quan chức cấp cao nắm quyền kiểm soát chặt chẽ hơn nhiều vì họ không tin tưởng cấp dưới sẽ thực hiện mệnh lệnh của mình.
Việc tuân thủ chặt chẽ hơn chính sách của Bắc Kinh trên thực tế sẽ như thế nào?
Trên thực tế, mọi việc không hoàn toàn rõ ràng vì những mâu thuẫn hóc búa về kinh tế mà ĐCSTQ đã đặt ra và cho phép tồn tại trong nhiều năm. Trong nhiều năm, Bắc Kinh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hạn chế tăng trưởng nợ, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng phi thực tế và làm ngơ trước những gì lãnh đạo tỉnh đã làm để đạt được các mục tiêu đó. Giờ đây, Bắc Kinh tăng mức thâm hụt chính thức chỉ để đảo nợ cũ, điều vốn không tạo ra những hoạt động phát triển kinh tế mới mà một mô hình kinh tế thiên về đầu tư rất cần. Không rõ các chính sách tập trung hóa sẽ khác biệt về bản chất như thế nào, nhưng có vẻ như nó sẽ thống nhất và thắt chặt hơn; tuy nhiên, con đường mà các cơ quan quản lý cần phải đi để tạo ra các hoạt động kinh tế đồng thời quản lý rủi ro giờ đây đã trở nên cheo leo hơn bao giờ hết.
Bắc Kinh dường như ngày càng hiểu rõ hơn về chiều sâu của các vấn đề mà họ gặp phải và không hài lòng với tính không đáng tin của cấp dưới. Việc chiếm quyền kiểm soát của ĐCSTQ sẽ bộc lộ khả năng giải quyết các vấn đề kinh tế của nó. Nhưng xu hướng đó khó có thể mang lại điều gì hơn ngoài việc thắt chặt hơn và gia tăng kiểm soát của ĐCSTQ.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.