Cựu quan chức tình báo: ĐCSTQ ‘làm suy yếu Canada’ để xâm nhập vào Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh hỗn hợp

Lý Mộc Tử

Cựu quan chức tình báo: ĐCSTQ ‘làm suy yếu Canada’ để xâm nhập vào Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh hỗn hợp

Một người bảo vệ cố gắng ngăn bị chụp hình khi đi tuần tra bên ngoài Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh vào ngày 14/01/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Cựu sĩ quan tình báo Scott McGregor của Cảnh sát Kỵ binh Hoàng gia Canada (RCMP) cho biết mức độ can thiệp ngoại quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vào Canada đã lan rộng đến mức khiến các đồng minh như Hoa Kỳ xem Canada là một mối đe dọa an ninh.

Ông McGregor nêu ra những lo ngại này trong cuốn sách mới phát hành của mình, “Hiệu ứng Mosaic: Cách Đảng Cộng sản Trung Quốc Bắt đầu Chiến tranh Hỗn hợp ở Sân sau nước Mỹ” với ký giả Ina Mitchell là đồng tác giả.

Được phát hành hôm 25/10, cuốn sách đi sâu vào “chiến tranh hỗn hợp” của chính quyền cộng sản Trung Quốc, một chiến lược đa diện nhằm làm suy yếu và đánh bại các địch thủ của họ mà không cần dùng đến chiến tranh thông thường.

Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 24/10, ông McGregor cho biết mục tiêu chính khi ĐCSTQ thâm nhập là sử dụng Canada như một “thành trì” để thúc đẩy sự cạnh tranh về địa chính trị và kinh tế với Hoa Kỳ.

“Canada là một mục tiêu mềm vì một số lý do, và sự xâm nhập đó đã bắt đầu từ rất lâu. Nhưng trong suốt thời gian đó, việc ngầm phá hoại Hoa Kỳ rõ ràng là một trong những mục tiêu lớn nhất của ĐCSTQ. Họ [Hoa Kỳ] là địch thủ lớn nhất để xem xét việc kiểm soát cách đưa tin,” ông nói.

Ông giải thích rằng Bắc Kinh đã và đang “làm suy yếu Canada để lọt vào Hoa Kỳ.” Ông nói thêm rằng: “Canada đã thực sự trở thành chỗ đứng vững chắc như thế này, một thành trì nếu quý vị muốn gọi như thế, trong lĩnh vực chiến tranh hỗn hợp, cho dù đó là thông qua mạng hay bất kỳ khía cạnh nào khác, đặc biệt là trong lĩnh vực tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.”

Sau khi tập hợp nhiều mảnh thông tin khác nhau liên quan đến các chiến dịch bí mật riêng biệt, một bức tranh đầy đủ về chiến lược của ĐCSTQ trở nên rõ ràng.

Chiến dịch Vua Rồng

Cuốn sách của ông McGregor đề cập đến các chiến dịch tình báo của Canada và Hoa Kỳ từ những năm 1990, qua đó tiết lộ các hoạt động can thiệp của Trung Quốc được thực hiện thông qua một mạng lưới phức tạp gồm các thành viên Hội Tam Hoàng và những ông trùm doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông McGregor nói: “[Các cơ quan tình báo] có thể xác định rằng Canada đang trở thành một mối đe dọa đối với Hoa Kỳ vì mức độ xâm nhập ở đây — điều đó rất quan trọng.”

Đáng chú ý, cuốn sách có một đoạn trích từ một tài liệu năm 1999 có liên quan đến Chiến dịch Vua Rồng (Operation Dragon Lord), một chiến dịch tình báo rất cơ mật của Hoa Kỳ dựa trên báo cáo của nhiều cơ quan.

Ông Scott McGregor (thứ 2 bên trái), đồng tác giả cuốn sách “Hiệu ứng Mosaic” tại sự kiện ra mắt cuốn sách ở Ottawa hôm 25/10/2023. Những người khác trong ảnh (từ trái qua phải): ông Dean Baxendale, chủ tịch kiêm nhà xuất bản của Optimum Publishing International; ông Michel Juneau-Katsuya, cựu sĩ quan tình báo cao cấp của Cơ quan Tình báo An ninh Canada; bà Ivy Li, thành viên Tổ chức Những người bạn Canada của Hồng Kông; Lãnh đạo Khối Québécois Yves-François Blanchet; và ông Garry Clement, cựu giám đốc quốc gia của bộ phận Tiến trình Chương trình Tội phạm của RCMP. (Ảnh: Matthew Yuan/NTD)
Ông Scott McGregor (thứ 2 bên trái), đồng tác giả cuốn sách “Hiệu ứng Mosaic” tại sự kiện ra mắt cuốn sách ở Ottawa hôm 25/10/2023. Những người khác trong ảnh (từ trái qua phải): ông Dean Baxendale, chủ tịch kiêm nhà xuất bản của Optimum Publishing International; ông Michel Juneau-Katsuya, cựu sĩ quan tình báo cao cấp của Cơ quan Tình báo An ninh Canada; bà Ivy Li, thành viên Tổ chức Những người bạn Canada của Hồng Kông; Lãnh đạo Khối Québécois Yves-François Blanchet; và ông Garry Clement, cựu giám đốc quốc gia của bộ phận Tiến trình Chương trình Tội phạm của RCMP. (Ảnh: Matthew Yuan/NTD)

Trong tài liệu này, tình báo Hoa Kỳ nhấn mạnh một “phát hiện quan trọng và không thể phủ nhận” cho thấy “sự hiện diện đáng lo ngại và có khả năng gây bất ổn” ở Canada của cái mà họ mô tả là “bộ ba xấu xa” gồm tình báo của ĐCSTQ, các thành viên Hội Tam Hoàng, và các tài phiệt Trung Quốc.

“Lúc đầu, các quan chức tình báo Canada tin rằng bộ ba này đang sử dụng Canada như một nơi thử nghiệm màu mỡ và dễ dàng tiếp cận cho các chiến dịch của họ. Hiện giờ theo vết lún đó [nguyên văn], đáng tiếc là Canada đã trở thành cửa ngõ cho các hoạt động của bộ ba này trên khắp Bắc Mỹ,” bản báo cáo cho biết.

“Lợi dụng luật nhập cư lỏng lẻo của Canada, các cơ quan tuần tra biên giới, và hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng, các thủ lĩnh của bộ ba cùng cộng sự của họ đã có thể thiết lập một cơ sở hoạt động được nuôi dưỡng tốt ở Canada,” báo cáo nói thêm. “Như vậy, Canada hiện đã trở thành một trong những mối lo ngại an ninh hàng đầu của chính phủ Hoa Kỳ.”

Chiến tranh hỗn hợp

Khái niệm chiến tranh hỗn hợp lần đầu tiên được hai đại tá Trung Quốc đưa ra trong cuốn sách “Unrestricted Warfare” (Siêu Hạn Chiến) năm 1999 của họ. Hai đại tá này đã thảo luận công khai về các chiến thuật mà Bắc Kinh có thể sử dụng để vượt qua “những đối thủ vượt trội về công nghệ,” chẳng hạn như Hoa Kỳ. Các chiến thuật mà họ nêu ra trong cuốn sách này có thể được chia thành năm lĩnh vực: chiên tranh pháp lý, chiến tranh kinh tế, chiến tranh mạng, khủng bố, và chiến tranh truyền thông.

Ông McGregor lưu ý rằng chiến tranh mạng đã có sự gia tăng đáng kể về mức độ phổ biến. Ông nêu lên tỉnh bang British Columbia, nơi ông cho biết các cơ quan chính phủ mỗi phút đang phải đối mặt lên tới 1,000 cuộc tấn công xuất phát từ Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã thành lập một bộ máy chuyên dụng được quân sự hóa với mục đích duy nhất là tiến hành chiến tranh mạng.

Theo ông Gregor, các khía cạnh khác của chiến tranh hỗn hợp của Trung Quốc bao gồm những gì được mô tả là “quyền lực mềm” và “quyền lực sắc bén.” Quyền lực mềm chủ yếu liên quan đến việc phá hoại kinh tế của các tổ chức doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng quan trọng của Canada, trong khi quyền lực sắc bén tập trung vào ảnh hưởng chính trị, trải dài từ các cấp cơ sở đến chính trường liên bang.

“Không có mục tiêu nào là không đáng theo đuổi,” ông nói khi đề cập đến chiến lược của ĐCSTQ.

Ngoài ra, ông McGregor, người từng là cố vấn tình báo trong Ban Tội phạm Có tổ chức và Nghiêm trọng Liên bang của RCMP và làm việc trong Chi nhánh Thực thi và Chính sách Cờ bạc, đã nhấn mạnh vai trò của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong chiến lược chiến tranh hỗn hợp của Trung Quốc. Điều này bao gồm việc buôn bán fentanyl và các chất ma túy khác cũng như hợp tác với các tổ chức tội phạm như các băng đảng và Hezbollah.

Ông cho biết tội phạm có tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các chiến dịch bí mật của ĐCSTQ thông qua các hoạt động như rửa tiền trong sòng bạc. Ông McGregor cũng lưu ý một thách thức đáng kể trong việc chống lại các tổ chức tội phạm này: Khi bị xác định, bọn họ sẽ bị loại bỏ hoặc hoạt động ngầm, trở nên bí mật hơn, điều này làm tăng thêm khó khăn cho việc theo dõi hoạt động của họ.

Xâm nhập các cơ quan cảnh sát

Ông McGregor bày tỏ lo ngại về việc ĐCSTQ xâm nhập vào các cơ quan cảnh sát Canada vì điều đó cho phép chính quyền cộng sản này làm suy yếu quyền lực của các cơ quan cảnh sát đó.

Ông nhắc lại những lo ngại mà ông từng bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, xoay quanh sự ngây thơ của Canada về vấn đề này, được chứng minh bằng sự hợp tác giữa Viện Tư pháp British Columbia (JIBC) và Cục Công an Trung Quốc để đào tạo công an Trung Quốc tại tỉnh bang này. Chương trình này bắt đầu từ đầu thập niên trước và kết thúc vào năm 2019.

Ông McGregor nói, “Câu hỏi đặt ra là tại sao? Bởi vì Trung Quốc [có] tỷ lệ kết án là 99.9%. Quý vị đang học tập gì vậy? Nhân quyền không phải là vấn đề thực sự quan trọng ở Trung Quốc hiện nay, vì vậy chương trình đó không có nhiều ý nghĩa.” Qua cuộc điều tra sâu hơn, ông cho biết ông đã xác định được sự xâm nhập của ĐCSTQ vào Sở Cảnh sát Vancouver và RCMP.

Một quả bóng bay được treo tại một cuộc họp báo và mít tinh phía trước Hiệp hội Trường Lạc Mỹ quốc nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh, ở thành phố New York hôm 25/02/2023. Một đồn công an Trung Quốc ở ngoại quốc hiện đã đóng cửa nằm bên trong tòa nhà hiệp hội này. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)
Một quả bóng bay được treo tại một cuộc họp báo và mít tinh phía trước Hiệp hội Trường Lạc Mỹ quốc nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia của Bắc Kinh, ở thành phố New York hôm 25/02/2023. Một đồn công an Trung Quốc ở ngoại quốc hiện đã đóng cửa nằm bên trong tòa nhà hiệp hội này. (Ảnh: Samira Bouaou/The Epoch Times)

Ông minh họa điều này bằng vụ chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã bắt giữ một người được cho là có liên quan tới một đồn công an chìm của Trung Quốc ở thành phố New York và được tiết lộ là đã được đào tạo tại JIBC.

Ông McGregor cũng đề cập đến trường hợp của ông Cameron Jay Ortis, cựu tổng giám đốc Trung tâm Điều phối Tình báo Quốc gia của RCMP. Ông Ortis bị bắt hồi tháng 09/2019 và đang bị xét xử vì cáo buộc làm rò rỉ thông tin cơ mật cho một tổ chức ngoại quốc. Ông McGregor cho biết vụ việc đó nhấn mạnh sự tương đối thiếu năng lực của Canada trong việc chống lại sự can thiệp của ngoại quốc khi so sánh với Hoa Kỳ.

“Làm sao chúng tôi có thể mong đợi các cơ quan của mình làm những việc mà Hoa Kỳ làm, khi chúng tôi thậm chí không thể kiểm soát người hoặc thông tin của chính mình?” ông nói. “Ở Canada, chỉ tập hợp mọi người lại để nói về chuyện đó đã là khó lắm rồi, bởi vì không ai muốn thừa nhận hoặc muốn bị vạch trần.”

Nhận thức

Ông McGregor bày tỏ sự lạc quan rằng trong năm qua, người Canada đã nhận thức rõ hơn về các hoạt động của ĐCSTQ trên đất Canada.

“Tôi nghĩ dư luận thực sự là điều sẽ thúc đẩy sự thay đổi,” ông nói, và bày tỏ hy vọng rằng cuốn sách của ông sẽ thu hút sự chú ý hơn nữa đến vấn đề này.

“Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến. Đó là một cuộc chiến tranh hỗn hợp, nhưng có thể dễ dàng chuyển thành một cuộc xung đột thông thường. Đó là mối lo ngại của tôi, và đó là điều mà tôi nghĩ người Canada đang nhận thức ra được.”

Cẩm An biên dịch

Related posts