Bây giờ là lúc gia tăng thuế quan và trừng phạt không chỉ đối với Trung Quốc mà còn toàn bộ “trục ma quỷ”. Tương lai của dân chủ và nhân quyền đang đối mặt với rủi ro.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã gặp những người đồng cấp G7, cùng với những người đồng cấp từ Ấn Độ và Úc, vào ngày 28/10 tại Nhật Bản.
Ngày hôm sau, họ đưa ra những tuyên bố chỉ trích gián tiếp đối với Trung Quốc và Nga, liên quan tới lệnh hạn chế xuất khẩu than chì của Trung Quốc và việc vũ khí hóa thương mại chống lại hải sản Nhật Bản cũng như sự can thiệp quân sự của Nga vào xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. G7 lên án các khoản trợ cấp và hành vi ép buộc chuyển giao công nghệ, đồng thời nhất trí về sự cần thiết phải giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng chiến lược.
Vào ngày 30/10, Mỹ tuyên bố sẽ bắt đầu mua số lượng lớn hải sản Nhật Bản mà Bắc Kinh đã cấm. Hải sản này được dành cho các nhà ăn của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, chúng chỉ chiếm một phần nhỏ trong nguồn cung dư thừa.
G7 có thể chống lại triệt để hơn sự gây hấn thương mại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Nhật Bản bằng cách điều phối việc tăng cường mua hải sản trong tất cả các thành viên, bao gồm Đức, Pháp, Ý, Canada và Vương quốc Anh, thay vì chỉ dựa vào Mỹ. G7 có thể bổ sung thêm các mức thuế quan phối hợp phù hợp đối với Trung Quốc, Nga và các quốc gia thuộc “trục ma quỷ” khác, bao gồm cả Iran và Triều Tiên.
Một chiến lược “thương mại vì tự do” như vậy sẽ tạo điều kiện về mặt chính trị cho việc tăng thuế quan đối với Trung Quốc nhằm hỗ trợ cho việc di chuyển chuỗi cung ứng về các quốc gia thân thiện (friendshoring). Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên phần lớn thuế quan đối với hàng Trung Quốc của cựu Tổng thống Donald Trump và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã đặt ra thuật ngữ “friendshoring” vào năm 2022.
Ông Trump đang xem xét áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ nếu ông tái đắc cử Tổng thống. Mức thuế cao hơn có thể được áp dụng đối với các quốc gia mà Mỹ phải chịu thâm hụt thương mại cao để khuyến khích họ mua nhiều hàng từ Mỹ như cách Mỹ mua từ họ.
Những thảo luận về việc Mỹ hủy bỏ thương mại tự do tuyệt đối thường vấp phải sự phản đối từ các đối tác thương mại và các nhà kinh tế của Mỹ. Nhưng thuế quan sẽ làm tăng khả năng thương lượng của Mỹ với tư cách là nhà nhập khẩu ròng với không chỉ các quốc gia thuộc “trục ma quỷ” như Trung Quốc, Nga và Iran mà cả các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam, những nước có thể sẵn sàng giảm sự hỗ trợ và giao dịch với “trục ma quỷ” để đổi lấy mức thuế thấp hơn của Mỹ đối với hàng hóa của họ.
Quỹ Di sản có trụ sở tại Washington có truyền thống ủng hộ thương mại tự do. Tuy nhiên, quan điểm của tổ chức này về thương mại với Trung Quốc đã thay đổi. Ông Andrew Hale từ Quỹ Di sản viết cho The Epoch Times: “Cá nhân tôi có nền tảng về thương mại tự do, nhưng như Đại sứ Lighthizer đã dạy chúng ta, chúng ta không nên có thương mại tự do với các kẻ đối địch nước ngoài như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Ông nói thêm: “Mọi người nên nhận thức được rủi ro khi đầu tư vào các kẻ đối địch nước ngoài, đặc biệt là những nước có nền kinh tế phi thị trường, bao gồm Trung Quốc”. Ông Hale là nhà phân tích cấp cao về chính sách thương mại và kinh tế tại Quỹ Di sản.
Ngay cả tờ Wall Street Journal, pháo đài ủng hộ thương mại tự do coi việc chống lại thuế quan là một niềm tin kiểu tôn giáo, đã đăng một bài báo giải thích các lập luận ủng hộ thuế quan. Bài báo được xuất bản vào ngày 27/10 có tiêu đề “Tại sao ông Trump lại đúng về thuế quan”.
Vào ngày hôm trước, tờ báo này đã đăng một bài báo trình bày chi tiết những lỗ hổng trong luật thuế quan hiện hành đối với Trung Quốc, bao gồm cả miễn trừ “tối thiểu”, đây là một cách nói hoa mỹ của việc các gói hàng có giá trị dưới 800 USD sẽ không phải trả thuế, trong khi cùng một loại hàng hóa được gửi đi với số lượng lớn và bán cho khách hàng của Walmart sẽ phải trả thuế. Điều đó là không công bằng và mang lại lợi ích cho các nhà bán lẻ trực tiếp đến khách hàng từ Trung Quốc như Shein và Temu. Nó giải thích cho mức lợi nhuận cao của họ (và sự bùng nổ của các quảng cáo kỳ quặc trong vài tháng qua).
Để được miễn trừ, Shein đã trả 600.000 USD cho các nhà vận động hành lang từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay. UPS và FedEx, thu lợi nhuận bằng cách vận chuyển các gói hàng nhỏ từ Trung Quốc, là thành viên của một nhóm vận động kinh doanh có quan điểm ủng hộ chính sách miễn trừ tối thiểu. Họ tích cực duy trì hoạt động vận chuyển này ngay cả khi trong quá trình đó, họ chôn vùi toàn bộ nền kinh tế Mỹ trong đống bìa cứng mỏng manh.
Liên minh châu Âu cũng đang xem xét tăng thuế đối với Trung Quốc, đặc biệt là đối với xe điện (EV). Ủy ban Châu Âu lập luận rằng ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc được Bắc Kinh trợ cấp, điều này mang lại cho nước này lợi thế thương mại không công bằng ở châu Âu và sẽ sớm dẫn đến làn sóng xe điện giá rẻ. Những chiếc xe điện đó có thể nhấn chìm hoàn toàn các nhà sản xuất ô tô châu Âu, khiến hệ sinh thái công nghiệp của châu Âu bị thụt lùi hàng thập kỷ.
Tỷ phú người Đức Mathias Döpfner muốn có những hình phạt thương mại mang tính hệ thống hơn nữa đối với “trục ma quỷ” này, bao gồm cả việc thay thế Tổ chức Thương mại Thế giới bằng một “Liên minh Thương mại Tự do”, một tổ chức chỉ giới hạn cho các quốc gia tuân thủ nhân quyền và pháp quyền cùng những tiêu chí khác. Việc bị loại trừ khỏi các hệ thống thương mại giàu có nhất thế giới ở Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua mức thuế cao hơn sẽ buộc các chế độ độc tài và những bên không tỏ thái độ phải tăng cường hỗ trợ cho nhân quyền để họ có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường của Mỹ và đồng minh.
Ông Döpfner giải thích, “Chúng ta cần một cái gì đó khiến các nền kinh tế dân chủ đoàn kết, xác định lợi ích của họ và đi theo đường lối phối hợp chung để đạt được một sức mạnh đàm phán hoàn toàn khác, và cùng với điều đó đưa Trung Quốc đến bàn đàm phán về các điều khoản khác nhau”.
Trung Quốc từng được ca ngợi là “công xưởng của thế giới”. Nhưng do ĐCSTQ lạm dụng sức mạnh thương mại của Trung Quốc cho các mục đích phi tự do, nên ít ai muốn tiếp tục tạo điều kiện cho chế độ toàn trị của nó. Với việc Chủ tịch Hạ viện mới của Mỹ, ông Mike Johnson (Cộng hoà – Louisiana), đắc cử, các dự luật liên quan đến Trung Quốc của Mỹ có thể có cơ hội tốt hơn để được xúc tiến. Bây giờ là lúc gia tăng thuế quan và trừng phạt không chỉ đối với Trung Quốc mà còn toàn bộ “trục ma quỷ”. Tương lai của dân chủ và nhân quyền đang không được đảm bảo.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tác giả Anders Corr có bằng cử nhân / thạc sĩ Khoa học chính trị tại Đại học Yale (2001) và bằng tiến sĩ Quản trị nhà nước tại Đại học Harvard (2008). Ông là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị). Ông Anders Corr đã thực hiện nhiều nghiên cứu sâu rộng ở Bắc Mỹ, châu Âu và châu Á; và là tác giả của cuốn sách The Concentration of Power: Institutionalization, Hierarchy, and Hegemony (Tập trung quyền lực: Thể chế hóa, Hệ thống cấp bậc, và Bá quyền) và cuốn sách Great Powers, Grand Strategies: the New Game in the South China Sea (Những quyền lực lớn, những chiến lược lớn: Trò chơi mới trên Biển Đông).