Thủ tướng Ấn Độ: Thế giới phải bảo vệ các đại dương khỏi cuộc chạy đua ‘bành trướng và loại trừ’

Tâm Tuệ

Hôm thứ Bảy (25/9), Thủ tướng Ấn Độ-Narendra Modi nói rằng, thế giới phải bảo vệ các đại dương khỏi cuộc chạy đua “bành trướng và loại trừ”. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng để củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, trong đó có liên quan đến sự bành trướng của Trung Quốc khi nước này đang cố tình thể hiện cơ bắp quân sự ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, theo trang India Today.

Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 76, Thủ tướng Modi đã mô tả các đại dương là “di sản chung của chúng ta” và nói, “chúng ta phải ghi nhớ rằng chúng ta chỉ được sử dụng các nguồn tài nguyên đại dương và không được lạm dụng chúng thêm nữa”.

Ông nói thêm: “Các đại dương của chúng ta cũng là huyết mạch của thương mại quốc tế. Chúng ta phải bảo vệ nó khỏi cuộc chạy đua bành trướng và loại trừ. Cộng đồng quốc tế phải cùng lên tiếng để củng cố một trật tự thế giới dựa trên luật lệ”.

Phát biểu bằng tiếng Hindi, ông Modi nói rằng sự đồng thuận rộng rãi đạt được trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ chủ tịch của Ấn Độ hồi tháng 8 đã cho thế giới thấy con đường phía trước của an ninh hàng hải.

Ấn Độ, Hoa Kỳ và một số cường quốc khác trên thế giới đã nói về sự cần thiết phải bảo đảm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở và phát triển mạnh trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường điều động quân sự ở khu vực giàu tài nguyên.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông đang tranh chấp, mặc dù Đài Loan, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền với một phần của nó. Bắc Kinh đã xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự ở Biển Đông. Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông.

Một ngày trước đó, Bộ tứ bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Australia và Mỹ – đã cam kết bảo đảm một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và cởi mở”, cũng “bao trùm và có khả năng phục hồi”, vì họ lưu ý rằng khu vực chiến lược quan trọng là nền tảng về sự an ninh và thịnh vượng chung của họ.

“Chúng tôi ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau và với một loạt các đối tác”, các nhà lãnh đạo Bộ tứ cho biết trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc.

Related posts