Bình luận: Hy vọng cải cách kinh tế ở Trung Quốc sụp đổ cùng với sự ra đi của ông Lý Khắc Cường

Antonio Graceffo

Bình luận: Hy vọng cải cách kinh tế ở Trung Quốc sụp đổ cùng với sự ra đi của ông Lý Khắc Cường
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng khi ấy là ông Lý Khắc Cường đến dự phiên khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 5/3/2018. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Bắc Kinh có thể sẽ công bố một cáo phó tương đối không mấy nổi bật cho ông Lý Khắc Cường, và di sản của ông Lý cùng những quan điểm cải cách kinh tế của ông sẽ chìm vào dòng chảy của lịch sử.

Sự ra đi của cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ không gây ra tác động rõ rệt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tuy nhiên, nó cho thấy sự sụp đổ của hy vọng cải cách kinh tế ở Trung Quốc.

Cái chết đột ngột của ông Lý Khắc Cường thật bất ngờ, xảy ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc bị cách chức và chỉ vài tháng sau khi lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình thay thế Ngoại trưởng Tần Cương bằng ông Vương Nghị.

Đã nảy sinh suy đoán về mối liên hệ tiềm tàng giữa những diễn biến này và liệu chúng có thể báo hiệu sự bất ổn hoặc sự suy yếu quyền lực của ông Tập hay không. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy ông Lý Khắc Cường đã bị hãm hại.

Sợi dây chung liên kết ba sự kiện này là cả ông Lý Thượng Phúc và ông Tần Cương đều được kế vị bởi những cá nhân trung thành với ông Tập. Trong khi đó, ông Lý Khắc Cường không còn giữ chức vụ nữa nhưng ông đại diện cho một tầm nhìn khác cho tương lai của Trung Quốc. Ông và ông Tập có những tầm nhìn trái ngược nhau về con đường đi của Trung Quốc, và giờ đây chỉ còn lại quan điểm của ông Tập.

Không có đủ quyền lực

Ông Lý Khắc Cường có bằng tiến sĩ kinh tế, điều này khiến ông rất phù hợp với vị trí Thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2023. Thủ tướng đóng vai trò trung tâm trong các chính sách và quản lý kinh tế. Ông giám sát việc lập kế hoạch kinh tế, xây dựng chính sách kinh tế, quản lý cải cách kinh tế và đối phó với các thách thức kinh tế.

Ông Lý Khắc Cường hiểu rằng chính khu vực tư nhân là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Do đó, ông ủng hộ cải cách thị trường, bao gồm hỗ trợ cho các doanh nhân, cũng như cắt giảm thủ tục, bộ máy quan liêu và thuế. Nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới công nghệ, ông cũng ủng hộ lĩnh vực công nghệ. Mặt khác, ông Tập đã trấn áp lĩnh vực công nghệ trong khi nhắm mục tiêu vào khu vực tư nhân.

Năm ngoái, khi các hạn chế về COVID-19 vẫn được áp dụng, ông Lý Khắc Cường đã phát biểu tại một trường đại học mà không đeo khẩu trang. Ông khen ngợi ông Tập vì đã lèo lái đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn nhưng sau đó nói rằng cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe của người dân là phát triển kinh tế. Ông muốn dỡ bỏ lệnh phong tỏa và đưa hoạt động kinh tế quay trở lại. Thật không may, ông Tập lại muốn điều ngược lại – và đã làm được điều mình muốn. Nền kinh tế vẫn tiếp tục bị đặt trong tình trạng bị phong tỏa. Trong 10 năm làm việc cùng nhau, ông Tập đã mở rộng vai trò của mình để bao gồm phần lớn hoạt động ra quyết định kinh tế, điều vốn đáng lẽ phải thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Ông Lý Khắc Cường đã xây dựng chính sách tăng trưởng cho Trung Quốc nhưng không có quyền lực để thực hiện nó.

Năm 2013, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về kỷ nguyên Tập-Lý, nhưng khi ông Tập dần dần loại bỏ ông Lý Khắc Cường, nó đã trở thành “Kỷ nguyên mới của Tập Cận Bình”. Năm ngoái, ông Tập đã thay thế ông Lý Khắc Cường bằng ông Lý Cường, người không chỉ trung thành với ông Tập mà còn là người đã quản lý những đợt phong tỏa, điều mà ông Lý Khắc Cường phản đối.

Thành tựu đáng chú ý nhất: Chỉ số Lý Khắc Cường

Do sự kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn của ông Tập đối với nền kinh tế, ông Lý Khắc Cường đã không thể đạt được thành tựu to lớn để đảm bảo cho di sản của mình ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với các nhà kinh tế nước ngoài, thành tựu đáng chú ý nhất của ông Lý Khắc Cường vẫn là thứ mà hầu hết người dân Trung Quốc không biết đến và có thể bị cấm thảo luận hoặc công bố: “Chỉ số Lý Khắc Cường”. Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Lý Khắc Cường phát biểu trong chuyến thăm công trường xây dựng cây cầu nối bán đảo Peljesac của Croatia với phần còn lại của bờ biển và đất liền Croatia vào ngày 11/4/2019. (Ảnh: Elvis Barukcic/AFP qua Getty Images)

Ông Lý Khắc Cường được trích dẫn trong một bức điện ngoại giao của Mỹ (được công bố bởi WikiLeaks), tuyên bố rằng “Các số liệu GDP là ‘nhân tạo’ và do đó không đáng tin cậy”. Do đó, ông đã sử dụng dữ liệu đại diện thay thế để cố gắng đánh giá định lượng nền kinh tế Trung Quốc. Cách tiếp cận của ông dựa trên ba chỉ số chính: mức tiêu thụ điện, khối lượng hàng hóa đường sắt và lượng cho vay ngân hàng. Lý do của ông là nếu sử dụng nhiều điện thì các nhà máy hẳn phải hoạt động mạnh. Điều tương tự cũng đúng với hàng hóa đường sắt vì các đoàn tàu sẽ chở sản phẩm đến các nhà phân phối và cảng biển. Cuối cùng, lượng cho vay của ngân hàng cho thấy có bao nhiêu nhà máy, dự án mới hoặc hoạt động mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại đang được xúc tiến. Các nhà kinh tế phương Tây đã bổ sung thêm các chỉ số, chẳng hạn như đo lường ô nhiễm qua vệ tinh ở các thành phố lớn, tình trạng giao thông và lượng ánh sáng tỏa ra từ các khu công nghiệp vào ban đêm. Chúng được thêm vào cơ sở tính toán gốc của ông Lý.

Đối với người Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường được coi là điển hình của những người đã nỗ lực vươn lên từ những cấp thấp nhất của ĐCSTQ. Xuất thân từ một khởi đầu khiêm tốn cùng với việc hỗ trợ các doanh nhân nhỏ đã khiến nhiều người dân quý mến ông. Điều này và việc ông qua đời trong một thời kỳ suy thoái kinh tế lớn dẫn đến một số suy đoán rằng người dân có thể liên kết cái chết của ông với sự bất lực của giới lãnh đạo hiện tại ở Bắc Kinh trong việc sửa chữa nền kinh tế.

Cho dù cái chết của cựu Thủ tướng đã được đưa tin trên các phương tiện truyền thông nhà nước, báo chí vẫn đang tập trung vào ông Tập. ĐCSTQ có thể sẽ công bố một cáo phó tương đối không mấy nổi bật, và di sản của ông Lý Khắc Cường sẽ chìm vào dòng chảy của lịch sử. Đáng tiếc là sự ra đi của ông cũng làm mờ nhạt đi mọi hy vọng còn sót lại về cải cách kinh tế một cách thực chất ở Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts