Tin thế giới sáng thứ Sáu: WeWork dự kiến nộp đơn phá sản với nợ nần chồng chất

Tình báo Hàn Quốc: Ông Kim Jong Un đang vận động hỗ trợ cho Palestine

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Vladimir Smirnov/Sputnik/AP).

Theo cơ quan tình báo của Hàn Quốc, ông Kim Jong-un đang vận động hỗ trợ cho Palestine sau cuộc chiến của Israel với nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine – Hamas.

Trong cuộc kiểm toán năm 2023 do Quốc hội tổ chức hôm qua, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Kim Kyou-hyun nói với các nhà lập pháp rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên được cho là đã chỉ thị “một loạt hỗ trợ” dành cho Palestine.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc được dân biểu Yoo Sang-bum, thư ký điều hành của ủy ban tình báo Quốc hội dẫn lời nói với các nhà lập pháp rằng , Triều Tiên có thể tham gia buôn bán vũ khí với các nhóm chiến binh.

Người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp rằng, Nga có thể đã cung cấp công nghệ có thể giúp Triều Tiên phóng thành công vệ tinh do thám của nước này, sau hai lần phóng thử thất bại hồi đầu năm nay.

Triều Tiên đang bị dư luận lên án vì đã cung cấp vũ khí cho Nga để hỗ trợ cuộc chiến chống Ukraina, gửi đạn pháo và các vũ khí khác qua đường biển khoảng chục lần kể từ tháng 8. 

Có nguồn tin cho rằng, số lượng pháo Triều Tiên gửi sang Nga ước tính đủ dùng ít nhất 2 tháng trong cuộc chiến ở Ukraina. Hiện tại, Triều Tiên đã vận hành hết công suất các nhà máy trên khắp đất nước để tiếp tục cung cấp vũ khí cho Nga.

Ngoài ra, người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc nói với các nhà lập pháp rằng, hơn 80% các cuộc tấn công mạng nước ngoài chống lại Hàn Quốc là do Triều Tiên và Trung Quốc thực hiện, và tần suất các cuộc tấn công mạng như vậy của các đối thủ đã tăng khoảng 32% trong năm nay so với năm trước.

Liên Thành

Nga thông qua dự luật rút khỏi hiệp ước cấm thử hạt nhân

Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Shag 7799/Shutterstock)

Tổng thống Nga Putin đã ký thông qua dự luật hủy phê chuẩn Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBT), qua đó đảo ngược quyết định hơn 20 năm trước, theo hãng tin Reuters.

Cụ thể, theo tài liệu công bố trên cổng thông tin chính phủ Nga hôm nay, dự luật được Tổng thống Vladimir Putin ký thông qua nhằm khôi phục tính bình đẳng trong các cam kết kiểm soát vũ khí hạt nhân. Quyết định có hiệu lực ngay lập tức.

CTBT được Liên Hợp Quốc thông qua năm 1996, với 187 quốc gia đã ký tham gia. CTBT cấm các vụ thử hạt nhân với mục đích dân sự và quân sự, áp dụng với mọi môi trường. Nga là một trong những nước đầu tiên tham gia CTBT và phê chuẩn hiệp ước năm 2000.

Tuy nhiên, hiệp ước chưa có hiệu lực, do 8 quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân chưa phê chuẩn. Trong số đó, Mỹ, Ai Cập, Israel, Iran và Trung Quốc đều đã ký nhưng chưa phê chuẩn CTBT, còn Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan không tham gia.

Hạ viện Nga bắt đầu xem xét rút khỏi CTBT sau khi Tổng thống Putin ngày 5/10 cho rằng nước này nên cân nhắc hủy phê chuẩn hiệp ước, bởi Mỹ đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Hạ viện Nga soạn và bỏ phiếu thông qua dự luật, chuyển Thượng viện Nga phê duyệt hôm 25/10.

Giới chức Nga cho hay rằng việc hủy động thái trên không đồng nghĩa Nga chuẩn bị thử bom hạt nhân. Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin trước đó cho biết dù hủy phê chuẩn CTBT, Nga vẫn sẽ là một bên ký tham gia hiệp ước và tiếp tục hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Cấm thử hạt nhân Toàn diện (CTBTO) cùng hệ thống giám sát toàn cầu.

Phan Anh

Hàn Quốc phát triển loại áo giúp con người chạy nhanh hơn

(Ảnh: Đại học Chung-Ang)

Các nhà khoa học tại Đại học Chung-Ang của Hàn Quốc đã phát triển một bộ áo siêu nhẹ có thể giúp con người chạy nhanh hơn, theo trang Oddity Central.

Dù có thể chưa phổ biến, nhưng khung xương trợ lực (exoskeleton) đã xuất hiện từ lâu trên thế giới. Thiết bị này giúp việc mang vác nặng nề trở nên nhẹ nhàng và hỗ trợ người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn. Song công nghệ kiểu này vẫn còn khá hiếm, đặc biệt là những thiết bị siêu nhẹ.

Các nhà khoa học tại khoa Kỹ thuật Cơ khí thuộc Đại học Chung-Ang (Hàn Quốc) đã chế tạo một thiết bị kỳ lạ chỉ nặng khoảng 2,5 kg, nhưng có thể giúp một người bình thường chạy nước rút 200 mét nhanh hơn gần 1 giây so với khi không mặc bộ đồ này.

Điều làm nên sự khác biệt của bộ áo đặc biệt này là thiết kế tối giản. Bộ áo bao gồm một ba lô chứa bộ nguồn cung cấp năng lượng cho các dây cáp kéo dài từ ba lô đến hông và xuống 2 đùi. Khi người đeo bước một bước, dây cáp sẽ co lại, kéo chân sau về phía trước nhanh hơn bình thường. Bộ áo này cũng có một số cảm biến và máy tính phân tích dáng đi của người mặc và đồng bộ hóa bộ đồ với các bước đi của người đó.

Để thử nghiệm, các nhà khoa học đã yêu cầu các vận động viên nghiệp dư mặc bộ áo này và chạy 200 m. Sau đó, mỗi người sẽ chạy quãng đường như nhau mà không cần mặc bộ đồ. Dữ liệu cho thấy bộ đồ đã giúp con người cải thiện thời gian chạy thêm 0,97 giây. Con số này nghe có vẻ không nhiều nhưng thực chất đây là mức chênh lệch khá đáng kể trong một cuộc chạy đua nước rút.

Phan Anh

WeWork dự kiến nộp đơn phá sản với nợ nần chồng chất

WeWork ‘ôm’ số nợ hàng tỷ USD và có thể phải bắt buộc nộp đơn xin phá sản theo Chương 11. (Ảnh minh họa: Mitch Hutchinson/Shutterstock)

Từng là start up được giới đầu tư săn đón nhưng kinh doanh thua lỗ với hàng tỷ USD nợ nần, WeWork có thể sẽ nộp đơn xin bảo hộ phá sản vào tuần tới. Cổ phiếu của WeWork đã mất 96% giá trị trong năm nay.

Cụ thể, WeWork có kế hoạch nộp đơn xin phá sản sớm nhất là vào tuần tới, một nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết hôm thứ Ba, công ty được SoftBank Group hậu thuẫn phải vật lộn với một đống nợ khổng lồ và thua lỗ nặng nề.

Cổ phiếu của nhà cung cấp không gian làm việc linh hoạt đã giảm 32% trong phiên giao dịch ngay sau khi Wall Street Journal đưa tin này đầu tiên. Giá trị công ty đã giảm khoảng 96% trong năm nay.

WeWork có trụ sở tại New York đang xem xét nộp đơn kiến nghị phá sản theo Chương 11 ở tiểu bang New Jersey, tờ WSJ đưa tin, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này.

Start up WeWork chính thức lên sàn thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Theo hồ sơ chứng khoán, công ty đã đốt 530 triệu USD trong sáu tháng đầu năm 2023 và còn khoảng 205 triệu USD tiền mặt.

Trong khi đó, họ đang có khoản nợ dài hạn 2,9 tỷ USD và hơn 13 tỷ USD tiền thuê mặt bằng, trong bối cảnh chi phí vay tăng cao và văn phòng cho thuê gặp khó.

Công ty đã trễ hạn thanh toán trái phiếu đợt ngày 2/10 và đang sắp hết thúc thời gian gia hạn 30 ngày. Hôm 31/10, công ty cho biết họ đã đạt được thỏa thuận với các trái chủ để cho phép họ có thêm 7 ngày đàm phán với các bên liên quan trước khi tình trạng vỡ nợ được kích hoạt.

Đến tháng 6, WeWork duy trì 777 địa điểm trên 39 quốc gia, trong đó 30% ở Mỹ. Công ty sẽ đối diện khoản tiền thuê nhà ước tính 10 tỷ USD bắt đầu từ nửa cuối năm nay đến cuối năm 2027 và thêm 15 tỷ USD bắt đầu từ 2028.

Cổ phiếu của WeWork đã giảm hơn 47% sau giờ làm việc hôm nay, giao dịch ở mức chỉ 1,21 đô la Mỹ và chạm mức thấp mới trong 52 tuần.

Điều này đã mang lại cho công ty mức vốn hóa thị trường chỉ 121 triệu đô la, trái ngược hoàn toàn với mức định giá 47 tỷ đô la Mỹ mà nó đạt được sau khi huy động được 1 tỷ đô la trong vòng Series H do SoftBank dẫn đầu vào tháng 1/2019.

Trọng Minh (theo WSJ, Techcrunch)

Related posts