1-11-2023
Hồi ký của Bà Ngô Đình Nhu (nhũ danh Trần Lệ Xuân)
Tác giả đã không định viết ra, vì bà muốn giữ im lặng và đã im lặng gần 50 năm cuối đời, tại Tịnh Quang Lâu, nơi bà ẩn cư trong trang viên riêng tại Ý. Nhưng cuối cùng, trước lúc nhắm mắt một thời gian ngắn, bà đã viết lại một cách súc tích cuộc đời của mình, trong cách nhìn của bà về thế giới, dưới con mắt của một người Công giáo có đức tin mãnh liệt, gần như đã bước vào Huyền môn.
Cuốn hồi ký được viết bằng tiếng Pháp, sau đó đã được Trung tâm Nghiên cứu Việt-Mỹ, ĐH Oregon, Hoa Kỳ dịch ra tiếng Việt, biên tập và ấn loát cẩn thận. Giọng văn trong bản tiếng Việt ngắn gọn, dứt khoát, đầy cá tính. Có thể đã truyền tải đúng tinh thần của bản tiếng Pháp, và cũng là của bản thân tác giả.
Nhan đề cuốn sách được tác giả đặt là Viên sỏi trắng, lúc đầu mới cầm sách lên tay, tôi suy đoán là bà Nhu tự ví mình như một viên sỏi cứng rắn, màu trắng, không bị nghiền nát trong cát bụi cuộc đời. Và bà đã không tự ví mình là một viên ngọc trắng, cũng không phải một viên đá cuội.
Nhưng khi mở sách ra, tôi biết đó là bà dùng một điển tích trong sách Khải Huyền của Tân Ước. Rằng Viên sỏi Trắng là một mật ước mà Chúa ban cho kẻ chiến thắng (với đức tin).
Đây là một tài liệu thú vị và có nhiều chi tiết quý giá. Nhưng bà Nhu đã không dành nhiều thời gian để viết quá chi tiết về các biến cố lịch sử, các nhân vật, phân trần hay bình luận… như thường thấy trong các cuốn hồi ký dày cộp khác. Thực ra nó chỉ có 130 trang sách. Rõ ràng là rất mỏng so với cuộc đời dữ dội của bà.
Trong tút này tôi sẽ không nói nhiều về nội dung cuốn sách, vì ai có mắt thì hãy đọc. Nhưng tôi chỉ muốn nói về mấy ấn tượng mà thôi thích thú.
Ấn tượng chung xuyên qua cuốn sách là bà Nhu rất yêu và thương người chồng xấu số của bà. Hình ảnh đẹp đẽ về tuổi hồng thơ ngây của người con gái Hà Nội trong một vọng tộc lâu đời, mải chơi về muộn, mua vội bó hoa vì mẹ dặn phải cắm do buổi trưa nhà có khách. Người con gái chạy vội về nhà với bó hoa, mà người khách đã đứng đó rồi. Đó là một sáng mùa Thu Hà Nội rực nắng, người thanh niên đang đợi trước căn biệt thự nhà nàng, tủm tỉm cười thấy nàng te tái chạy về, giấu trên tay bó hoa tiếp khách. Một vùng như thể cây quỳnh cành giao. Người ấy là một học giả trẻ, tên là Ngô-Đình Nhu.
Mọi thứ vẫn vừa như ở đó, sống động và tươi mới, trong ký ức của một bà lão hơn 80 tuổi.
Qua một số tình tiết đời thường của gia đình bà, chúng ta biết ông Nhu là một người có trí tuệ mạnh mẽ và khả năng tập trung cao độ, hành động chính xác như một kiếm sĩ bậc thầy. Ông Nhu đi săn hổ rất giỏi. Và bà có kể về một tình tiết khi ông giết chết một con rắn khổng lồ bò vào nhà tới ngay sát đứa con thơ của họ, bằng một nhát đâm dứt khoát trong yên lặng mà tôi cho là chỉ một kiếm sĩ thượng thừa mới làm được.
Đúng ngày này 60 năm trước, ông Ngô Đình Nhu cùng với người anh ruột, ông Ngô Đình Diệm, bị giết trong cuộc đảo chính, kết liễu nền Cộng hòa đầu tiên của Miền Nam Việt Nam.
Cuốn sách đã ra đời kịp thời cho sự kỷ niệm biến cố lịch sử đó. Cảm ơn sự tham gia của Nguyễn Lương Hải Khôi và một số học giả có tâm khác.