Intel dừng kế hoạch mở rộng sản xuất chip ở Việt Nam?
Hãng Intel của Mỹ quyết định gác lại khoản đầu tư đã được lên kế hoạch ở Việt Nam, Reuters đưa tin hôm 7/11.
Theo Reuters, kế hoạch đầu tư đó lẽ ra có thể tăng gần gấp đôi hoạt động của Intel ở Việt Nam, nhưng việc nó bị dẹp sang một bên giờ đây giáng một đòn mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.
Đất nước được gọi là một trung tâm sản xuất điện tử ở Đông Nam Á cũng là nơi đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel. Việt Nam đã và đang trông chờ vào việc hãng này sẽ mở rộng hơn nữa, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố các thỏa thuận trợ giúp cho ngành công nghiệp chip ở Việt Nam khi ông đến thăm hồi tháng 9, vẫn bản tin của Reuters viết.
Việt Nam muốn khẳng định họ là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc và Đài Loan, trong bối cảnh hai nơi đó có những rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Mỹ.
Nhưng ngay sau chuyến thăm của ông Biden, các quan chức Mỹ đã thông báo với một nhóm doanh nhân và chuyên gia chọn lọc của Mỹ rằng Intel đã gác lại kế hoạch mở rộng, một trong những người tham gia cuộc họp nói với Reuters.
Nguồn tin đề nghị giấu tên vì nói về thông tin mật, cho biết Intel đã đi đến quyết định đó vào khoảng tháng 7.
Người này nói rằng hãng của Mỹ không cho biết lý do vì sao lại dừng kế hoạch mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng rẽ trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam cho hay rằng Intel đã nêu lên mối lo ngại về mức độ ổn định của nguồn cấp điện và tình trạng quan liêu quá đáng.
Trước thông tin trên, báo Thanh Niên cho biết đại diện truyền thông của Intel từ chối bình luận nội dung từ Reuters, thay vào đó khẳng định: “Việt Nam tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của Intel. Chúng tôi rất vui được hỗ trợ sự phát triển hệ sinh thái ngành công nghệ rộng lớn và lực lượng lao động của Việt Nam trong gần hai thập kỷ hoạt động tại đây và chúng tôi rất mong muốn tiếp tục thực hiện việc này trong thời gian tới”.
Còn báo Tuổi Trẻ dẫn lời từ ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM, khẳng định cho đến thời điểm này, phía Intel Việt Nam chưa có thông tin chính thức với phía Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM về những thay đổi trong kế hoạch mở rộng nhà máy.
Hiện Intel Việt Nam vẫn đang đầu tư, sản xuất bình thường tại nhà máy của Intel đặt bên trong Khu công nghệ cao TP.HCM tại TP. Thủ Đức.
Ông Thi nói đến nay, phía Intel đã giải ngân vốn đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM với số vốn gần 2 tỷ USD và đây vẫn là nhà máy đóng vai trò quan trọng trong hệ thống đóng gói của Intel toàn cầu. Ngoài ra, ông Thi cho biết nhà máy này cũng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động và tạo việc làm gián tiếp khoảng 4.000 lao động.
Minh Long
Lao động Việt Nam tìm cơ hội việc làm ‘ngoài biên giới’ ngày càng tăng
Thông tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cho hay tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 10 năm 2023 là 21.145 người.
Kết quả là 101,37% trong năm 2023 (110.000 lao động) và bằng 108,23% so với cùng kỳ năm ngoái (103.026 lao động).
Ước tính cả năm đưa khoảng 125.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 104% kế hoạch. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phục hồi tích cực.
Các thị trường thu hút đông lao động đứng đầu là Nhật Bản với 11.860 lao động, Đài Loan với 4.696 lao động, Hàn Quốc với 3.524 lao động, Trung Quốc, Singapore, Hungari và các thị trường khác.
Các công ty xuất khẩu lao động tại TP. HCM cho biết, những tháng cuối năm nhu cầu tuyển dụng từ các nghiệp đoàn Nhật Bản vẫn tiếp tục mở rộng trong nhiều lĩnh vực.
Nhân viên an ninh làm việc tại sân bay cho biết bình quân mỗi tối có khoảng 5-7 công ty tiễn lao động sang các nước làm việc.
Chị Trà My (33 tuổi, Hà Tĩnh) cho biết, chị chấp nhận xa gia đình của mình để ra nước ngoài làm việc vì cơ hội nhiều hơn, lương cao hơn so với trong nước.
Hoàng Anh
Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau bị bắt
Thông tin ban đầu cho biết, ông Tăng Gia Phong bị bắt liên quan đến những sai phạm trong thời gian công tác ở Công ty Cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex.
Báo chí nhà nước đồng loạt đưa tin Cục Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng đã bắt tạm giam ông Tăng Gia Phong (SN 1966, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau) vào sáng ngày 8/11.
Đến chiều cùng ngày, cơ quan nơi ông Phong công tác chưa nhận thông báo của Cục Điều tra hình sự nên chưa biết cụ thể ông Phong bị bắt tạm giam về hành vi sai phạm gì, chỉ biết có liên quan đến đơn vị cũ, nơi ông Phong từng công tác, không liên quan đến cơ quan hiện tại ông công tác, theo báo Thanh Niên.
“Ông Phong bị bắt liên quan đến những sai phạm trong thời gian ông còn công tác ở Công ty Cổ phần chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Cadovimex (CDV); liên quan đến hồ sơ vay vốn của CDV với một ngân hàng quân đội và mất khả năng chi trả. Cùng bị bắt với ông Phong còn có 1 nữ nguyên lãnh đạo của CDV”, báo nhà nước dẫn từ một nguồn tin cho biết.
Được biết, từ năm 2005 đến tháng 7/2008, ông Phong làm Kế toán trưởng CDV. Tháng 8/2008, ông Phong giữ chức Phó Tổng giám đốc CDV.
Sau đó, ông Phong về làm cán bộ của Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau và một thời gian sau, ông Phong được bổ nhiệm làm Chánh thanh tra Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho đến nay.
Phạm Toàn
Nợ tiền thuế, Bamboo Airways bị phong tỏa tài khoản ngân hàng
Nợ thuế hơn 102 tỷ đồng và vượt quá 90 ngày, Bamboo Airways vừa bị Cục Thuế tỉnh Bình Định ra quyết định cưỡng chế, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng.
Sáng ngày 8/11, ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định, cho biết vừa ra quyết định cưỡng chế thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, mã chứng khoán: BAV) có địa chỉ trụ sở tại khu số 4 (khu du lịch biển Nhơn Lý – Cát Tiến, xã Nhơn Lý, TP. Quy Nhơn).
Lý do, Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế là 102,5 tỷ đồng.
Theo ông Đẩu, các tài khoản của Bamboo Airways sẽ bị phong tỏa tại 3 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quy Nhơn, Ngân hàng TMCP Quân đội – Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.
Cục thuế cũng yêu cầu các ngân hàng trên trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của Hãng hàng không Bamboo Airways để nộp vào tài khoản của Cục Thuế tỉnh Bình Định mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Định.
Ông Đẩu nói trường hợp số tiền trên tài khoản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt nhỏ hơn số tiền quyết định cưỡng chế thì ngân hàng vẫn phải trích số tiền còn lại sau khi trừ đi số dư tối thiểu để duy trì tài khoản và tiếp tục theo dõi, trích tiếp số tiền phát sinh có trên tài khoản của công ty này trong thời gian quyết định có hiệu lực.
“Khi nào Bamboo Airways trả xong nợ thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ đề nghị các ngân hàng gỡ bỏ phong tỏa tài khoản ngân hàng của Bamboo Airways”, ông Đẩu nói thêm.
Trước đó, toàn bộ 5 thành viên HĐQT Công ty cổ phần hàng không Tre Việt có đơn xin từ chức gồm các ông: Nguyễn Ngọc Trọng, Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Trọng là Chủ tịch HĐQT.
Bên cạnh đó, 3 thành viên ban kiểm soát của hãng hàng không này cũng có đơn xin từ chức gồm các ông Trần Anh Tuấn, Phạm Văn Hùng và Nguyễn Đăng Khoa.
Trong năm 2022, Bamboo Airways đã đạt doanh thu thuần hơn 11.730 tỷ đồng, gấp 3,3 lần doanh thu năm 2021.
Tuy nhiên, với tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, Bamboo Airways lỗ gộp hơn 3.200 tỷ đồng trong năm 2022, doanh thu tài chính giảm mạnh chỉ còn hơn 120 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng lên hơn 1.400 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ.
Đáng chú ý, khoản lỗ của hãng bay này đến chủ yếu từ chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên tới 12.750 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ hơn 158 tỷ đồng.
Minh Long
Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông khiến giá rớt mạnh
Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông khoảng 4 tháng nay khiến giá mặt hàng này rớt thê thảm ở thị trường Việt Nam, nguồn tin của doanh nghiệp cho biết. Còn phía Trung Quốc hiện chưa công bố rõ nguyên nhân.
Truyền thông trong nước đưa tin, phía Trung Quốc (thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam) ngừng nhập sản phẩm này từ Việt Nam và đến nay chưa công bố rõ nguyên nhân.
Trong văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Hội nghề cá các tỉnh, thành, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên phản ánh Trung Quốc dừng nhập khẩu tôm hùm bông (Panulirus ornatus).
Tương tự, các hộ nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa cũng cho biết Trung Quốc ngưng mua từ tháng 10 đến nay.
“Trung Quốc đã ngưng nhập tôm hùm bông 4 tháng nay rồi. Đẩy giá tôm hùm bông rớt thê thảm, rẻ chưa từng có”, chị Nguyễn Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hùm lớn nhất Việt Nam cho biết, báo Thanh Niên đưa tin.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm 2023, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Mỗi kg tôm hùm bông đang được các hộ nuôi bán với giá 1-1,3 triệu đồng, giảm một nửa so với cách đây hai tháng. Mức này giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là sức tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu đều giảm mạnh.
Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, từ giữa năm đến nay, Việt Nam chỉ xuất được tôm hùm xanh sang Trung Quốc. Riêng tôm hùm bông, số lượng bán ra tại Cam Bình rất hạn chế vì nước bạn ngừng mua.
Để xác minh và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, trong tháng 9, Bộ đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc và Cục Hải quan Nam Ninh (Tổng cục Hải quan Trung Quốc).
Theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam nhưng chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ.
Đức Minh