Tình con

Đặng Duy Hưng


Cuối năm nay trời San Francisco lạnh, mưa nhiều trong tháng 12 hơn mọi năm. Kinh tế phục hồi tạo ổn định kinh tế thị trường nhưng đồng thời giá cả nhà cửa nâng cao dẫn đến số lượng người không nhà tăng lên đáng kể. Tuần trước 1 người vô gia cư chết ngồi trên xe buýt của người đồng sở làm anh suy nghĩ nhiều.

Nhớ ngày đầu đến đây tạm thời phải ở gần khu nhà ‘cháy’. Mỗi buổi chiều đi làm về nhìn hàng người vô gia cư xếp hàng lấy chỗ ngủ qua đêm, anh để ý chi thấy đa số da đen cùng trắng. Nhưng hôm nay hàng xếp dài hơn và có người đủ loại màu da chủng tộc. Làm nghề lái xe buýt như anh hàng ngày nhìn đủ thứ tầng lớp lên xuống đi làm, hay một số người chỉ tìm chỗ ngả lưng cho qua cơn lạnh bên ngoài.

Mấy năm trước có một anh Việt Nam lâu lâu gặp ngồi hát vọng cổ hoài lang ở đây, nên anh không ngạc nhiên khi thấy mấy hôm nay có một bà trung niên ngồi tự tâm sự một mình bằng tiếng Việt mà chỉ có anh hiểu. Người bị bipolar tình cảm buồn vui thất thường, lúc khóc, lúc cười. Đôi khi họ tự cãi lộn trách móc bản thân mình. Bà than thân có con gái làm ăn khấm khá nhưng bất hiếu không muốn ở chung. Nó nỡ lòng nào đưa bà vào viện dưỡng lão chăm sóc! Có lúc bà cười nói về kỷ niệm nuôi con lớn lên, về người chồng mất sớm do nghiện rượu nặng phá nát lá gan. Tuần trước anh gặp bà lên xe vừa đi, vừa ho.

Mùa đông về dẫn theo mùa cúm đang đi quanh nước Mỹ. Anh ngồi nhìn kiếng chiếu hậu thấy bà ôm cái vali thật chặt như sợ ai ăn cắp. Bà ho liên tục làm hành khách trên xe ai cũng nhìn. Dừng xe, anh đưa cho bà chai nước suối cùng mấy viên kẹo ho bạc hà lúc nào cũng có sẵn. Bà nhìn anh rồi gập mình cong người ho liên tục. Anh thấy khuôn mặt bà bắt đầu chuyển xanh trắng. Một hành khách nói với anh: “Bà đang cần sự giúp đỡ từ y tế chuyên nghiệp.”
Anh hỏi bà bằng tiếng Việt: “Bà có cần sự giúp đỡ ý tế không?” 

Bà uể oải gật đầu!! Anh gọi tổng đài xe cứu thương đến trong 5 phút. Họ đưa bà đi bệnh viện Tổng Hợp của thành phố. Anh phải ngồi làm giấy báo cáo tường trình cho công ty. Ngoài trời mưa bắt đầu nặng hạt anh cầu xin ơn trên Trời Phật cho bà tai qua nạn khỏi.

Hơn một tuần sau đó, có người con gái mặc quần áo sang trọng đến nói: “Cám ơn anh đã giúp đỡ mẹ em. Hiện nay sức khỏe bà đang bình phục.”

Cô kể cho anh nghe thật sự cô muốn giữ bà ở nhà để lo lắng và chăm sóc, nhưng mấy năm qua bà giận vui bất thường. Bà nhiều lần cầm cây rượt hai đứa con nàng đánh. Bác sĩ khuyên nên đưa vào chỗ có người lo lắng chuyên nghiệp. Như vậy sẽ tốt cho hai hai bên. Cả tháng qua bà trốn đi, sống lang thang không nhà, may mắn được đưa vào bệnh viện, cảnh sát gọi cô mới biết. Anh nhìn nàng gật đầu thông cảm hoàn cảnh bởi anh nghe không ít những câu chuyện từa tựa xảy ra trong vài gia đình.

Anh tâm sự: “Sống trên đất nước này chúng ta mỗi người một hoàn cảnh. Chỉ có một cách duy nhất là làm hết sức để khỏi hối tiếc về sau. Cô may mắn còn mẹ để lo lắng báo ân, tôi xa nhà từ nhỏ sau này dù mỗi năm bay về thăm có lúc hai lần. Nhưng đến ngày mẹ mất tôi vẫn suy tư đến hôm nay không biết mình đã làm hết sức chưa?”

Thấy cô nước mắt tuôn ra đầy hai má, tự nhiên anh cũng rơi nước mắt theo. Cuối năm trời lạnh nhưng những giọt nước mắt sao thấy ấm áp tình người xa xứ.

Đặng Duy Hưng

Related posts