Rất đông sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt với thực tế việc làm khắc nghiệt

Rất đông sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt với thực tế việc làm khắc nghiệt
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở thành phố Trùng Khánh phía tây nam Trung Quốc vào ngày 11/04/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Các sinh viên mới ra trường ở Trung Quốc phải đối mặt với một thực tế nghiệt ngã, khi không có đủ việc làm trong nền kinh tế để họ có thể bắt đầu sự nghiệp.

Gần 12 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học trên khắp Trung Quốc đang mong muốn bắt đầu sự nghiệp của mình. Nhưng thật đáng buồn, không có đủ việc làm để đáp ứng nhu cầu của họ. Thay vì chịu đựng tình trạng thất nghiệp kéo dài, nhiều người đã quyết định học lên cao hơn. Tình cảnh khó khăn của những sinh viên mới tốt nghiệp đầy chán nản này phản ánh một thời điểm quan trọng trong chặng đường phát triển kinh tế của Trung Quốc. Cách Trung Quốc vượt qua thách thức này chắc chắn sẽ định hình bối cảnh kinh tế xã hội trong tương lai của nước này.

Vào tháng 6/2023, chính quyền Trung Quốc báo cáo tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi từ 16 đến 24 là 21,3%, tăng so với mức 16,7% vào tháng 12/2022. Vào tháng 3/2024, chính quyền đã công bố một con số thất nghiệp mới là 15,3%, một sự sụt giảm đột ngột mà các chuyên gia cảm thấy khó tin.

Theo báo cáo tháng 12 của Đại học Phúc Đán, vào năm 2023, chỉ có 18,07% sinh viên mới tốt nghiệp từ Đại học Phúc Đán danh tiếng của Thượng Hải tìm được việc làm, trong khi 70,61% đã chọn quay lại học chương trình sau đại học.

Giáo dục không phù hợp với nhu cầu việc làm

Ông Hồ Lực Nhậm (Hu Liren), một doanh nhân ở Thượng Hải hiện đang sống tại Hoa Kỳ, đã nêu lên những lo ngại về hệ thống giáo dục của Trung Quốc. Ông tin rằng bối cảnh giáo dục của nước này đã phát triển theo cách rời rạc. “Kể từ những năm 1990, sự gia tăng nhanh chóng về lượng người ghi danh theo học đại học đã dẫn đến việc chuyển đổi các khoa thành các trường đại học độc lập và sự gia tăng chưa từng có về số lượng sinh viên. Quá trình công nghiệp hóa giáo dục này, một phần là do động cơ lợi nhuận, đã dẫn đến một xu hướng đáng lo ngại khi nhiều sinh viên tốt nghiệp phải vật lộn để tìm việc làm hoặc nhận thấy mình [đang làm việc] ở trong những lĩnh vực không liên quan đến chuyên ngành của họ”.

Ông Hồ tin rằng tỷ lệ có việc làm trên thực tế trong số những sinh viên tốt nghiệp đại học Trung Quốc có thể thấp hơn đáng kể so với những gì các báo cáo chính thức cho thấy. Ông đã trích dẫn những giai thoại cá nhân về việc con cái của bạn bè ông phải đối mặt với những thách thức trong việc tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành của họ, nếu có thể. Ông Hồ cho biết: “Sự không phù hợp giữa giáo dục và nhu cầu của ngành công nghiệp đã kéo dài hơn một thập kỷ, với việc sinh viên tốt nghiệp thường rời xa lĩnh vực học tập của mình, chẳng hạn như những sinh viên học các chuyên ngành khoa học cuối cùng lại phải làm trong các vai trò hướng đến dịch vụ”.

Dựa trên kinh nghiệm quản lý công ty công nghệ mới của mình, ông Hồ lưu ý rằng cần phải có nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo những sinh viên mới tốt nghiệp để họ có thể làm việc độc lập. Ông cho biết các nhà tuyển dụng ngày càng ngại ngần đầu tư vào các chương trình đào tạo tốn kém cho những người mới được tuyển dụng. Thay vào đó, họ thích thuê những người lao động có kinh nghiệm, những người có thể đóng góp ngay lập tức. Khuynh hướng này làm trầm trọng thêm những thách thức trên thị trường việc làm mà những người mới tốt nghiệp phải đối mặt.

Sinh viên tốt nghiệp đại học tham dự hội chợ việc làm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc vào ngày 10/8/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Khu vực doanh nghiệp tư nhân thu hẹp

Bà Quách Quân (Guo Jun), tổng biên tập tờ The Epoch Times tại Hong Kong, cho biết những thách thức đáng kể mà những người mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc phải đối mặt chủ yếu là do khu vực doanh nghiệp tư nhân đang thu hẹp.

“Xu hướng phổ biến trong các chủ doanh nghiệp là áp dụng các chiến lược phòng thủ, dẫn đến các hoạt động thận trọng với rất ít các dự án kinh doanh mới hay mở rộng. Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đầu tư chậm chạp, với đầu tư của khu vực tư nhân thậm chí còn giảm vào năm ngoái và chỉ phục hồi nhẹ 0,4% vào đầu năm nay, và lại chững lại vào tháng 5”, bà Quách cho biết.

Theo dữ liệu từ chính quyền Trung Quốc, những doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, đóng góp hơn 50% nguồn thu thuế, hơn 60% GDP và thúc đẩy hơn 70% đổi mới công nghệ. Họ cũng chiếm hơn 80% việc làm ở thành thị và chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp.

“Trước đây, các doanh nghiệp này tạo ra 16 triệu việc làm mới hàng năm trong số 20 triệu việc làm được tạo ra trên cả nước. Tuy nhiên, với sự suy giảm hiện tại trong đầu tư, khả năng duy trì mức độ tạo việc làm này đã giảm đáng kể, góp phần vào tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng trong những người mới tốt nghiệp đại học”, bà Quách cho biết.

Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một cây bút kỳ cựu và là cộng tác viên của ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết ông đã quan sát thấy sự thay đổi trong sở thích về việc làm của thanh niên Trung Quốc. Trong khi các thế hệ trước mong muốn làm việc cho các công ty nước ngoài hoặc tham gia vào các dự án kinh doanh khởi nghiệp, thì hiện nay có một xu hướng đáng chú ý là tìm kiếm các vị trí ổn định trong các cơ quan công vụ và các tổ chức công. Sự thay đổi này trái ngược hoàn toàn với tinh thần kinh doanh của những năm 1980 và 1990 khi nhiều cá nhân rời bỏ công việc an toàn trong chính quyền để theo đuổi [công việc trong] doanh nghiệp tư nhân.

Bà Quách cho biết sức hấp dẫn của các vị trí công chức ngày nay là do môi trường kinh tế đang xấu đi và sự ổn định cũng như lợi ích mà những vị trí này mang lại. “Sự thay đổi này phản ánh những thay đổi xã hội lớn hơn ở Trung Quốc, nơi các cơ hội kinh tế suy giảm đã làm giảm tính di động xã hội, khiến cho nhiều người trẻ coi công chức là con đường chính để thăng tiến trong sự nghiệp”.

Thực tế nghiệt ngã

Bình luận thêm về những khó khăn về việc làm ở Trung Quốc, ông Thạch cho biết thành công thường phụ thuộc vào địa vị của cha mẹ nhiều hơn là thành tích học tập của cá nhân, khiến nhiều sinh viên mới tốt nghiệp có tư duy “nằm thẳng” hoặc không làm gì cả.

Ông Hồ cho biết “giới trẻ hiện nay ngày càng nhận thức được triển vọng bị hạn chế của mình, tin rằng tương lai của họ được định sẵn bởi địa vị của cha mẹ. Không giống như những thế hệ trước, những người đã nỗ lực thay đổi hoàn cảnh của mình thông qua làm việc vất vả, nhiều người cảm thấy cam chịu rằng những nỗ lực của họ sẽ không cải thiện được hoàn cảnh của họ. Do đó, họ lựa chọn lối sống giản dị và thường trở về quê hương sau khi tốt nghiệp”.

Phong trào về nông thôn

Ông Lý Quân (Li Jun), một nhà sản xuất truyền hình độc lập, cho biết từ năm 1956 đến năm 1978, chính quyền Trung Quốc đã khởi xướng “Phong trào về Nông thôn” để giảm bớt áp lực việc làm ở thành thị; phong trào này đã huy động khoảng 20 triệu thanh niên đến các vùng nông thôn và vùng biên giới.

“Những người sống sót sau thời kỳ bi thảm này không muốn con cháu mình phải chịu chung số phận. Với những thách thức về việc làm ở thành thị ở thời kỳ hiện tại vẫn còn dai dẳng, dường như có một sự quan tâm mới trong việc thúc đẩy Phong trào về Nông thôn thời hiện đại, bằng chứng là sự động viên của lãnh đạo ĐCSTQ (Đảng Cộng sản Trung Quốc) Tập Cận Bình đối với sinh viên nông nghiệp và việc nhiều bộ ngành chính phủ ủng hộ việc hồi sinh nông thôn kể từ ngày 4/5 năm ngoái”, ông cho biết.

Ông Lý cho biết trong môi trường kỹ thuật số ngày nay, những sinh viên mới tốt nghiệp đại học nhận ra rằng các cơ hội chủ yếu nằm ở các trung tâm thành thị chứ không phải ở các vùng nông thôn, nơi nguồn lực vẫn còn khan hiếm. Do đó, rất ít người có thể hưởng ứng lời kêu gọi di cư về nông thôn này. Thay vào đó, ông Lý đề xuất “hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và siêu nhỏ, bắt đầu từ những người bán hàng rong, như một giải pháp then chốt cho tình trạng khó khăn về việc làm hiện nay”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts