Intel “gác” kế hoạch đầu tư tại Việt Nam

Lê Học Lãnh Vân

clip_image002

Ngày 08/11/2023, VOV đăng bài “Intel “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT nói gì?”. Bài viết dưới đây trình bày những suy nghĩ tiếp theo bài báo trên. Các phần ghi (trích) được trích từ bài báo đó.

1) “Trước thông tin Intel (Mỹ) “gác” kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu.

Một công ty tầm cỡ Intel, khi đã lập dự án đầu tư vào Việt Nam là đã nghiên cứu môi trường đầu tư Việt Nam, so sánh với các nơi có thể đầu tư khác, đã lập nhóm làm việc chuyên biệt từ vài năm trước… cho nên một dự án đầu tư bị bỏ không phải là chuyện một vài tháng gần đây! Thông tin về việc ấy có thể gần đây, nhưng sự việc đã bắt đầu từ trước, với những dấu hiệu từ lâu. Sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu”?

2) “Lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà“, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói!” (trích)

Tôi tự hỏi rằng thiếu điện và các thủ tục rườm rà là điều ai cũng biết, đã kéo dài từ lâu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm gì để khắc phục lý do đó?

3) “Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào“” (trích)

Chính phủ cam kết mà doanh nghiệp có tin hay không? Trách nhiệm của chính phủ là phải làm cho doanh nghiệp tin cam kết của mình chứ không phải hỏi tại sao doanh nghiệp không tin!

Khi đưa ra cam kết, chính phủ có tự vấn đã làm hết cách để doanh nghiệp tin vào cam kết đó không?

Chính phủ có tự hỏi xưa nay mình có lần nào KHÔNG giữ cam kết với doanh nghiệp không? Nguyên do của việc KHÔNG giữ cam kết có thuyết phục được doanh nghiệp không? Có được đưa ra với sự chân thành không?

Chính phủ có tự hỏi các quy trình làm việc nội bộ, cách làm việc của chính phủ với doanh nghiệp có đủ làm doanh nghiệp tin tưởng không?

Nói về việc tin tưởng, tôi nhớ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng năm 2018, khi bênh vực Dự thảo Luật Đặc khu, tuyên bố rằng “Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết”. Nhưng điều 55 của Dự thảo ấy lại cho phép “công dân nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh…” sang Việt Nam với điều kiện thị thực dễ dãi, mà nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh chỉ có thể là Trung Quốc! Cách nói chuyện như vậy có tạo được niềm tin không? Nếu thiếu Niềm Tin nơi người Việt thì sao có thể mong mỏi điều đó nơi người nước ngoài?

4) “Cuối năm 2021, “Intel đã “rót” 7 tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024” (trích)

Khi Intel đầu tư 7 tỉ đô la vào Malaysia, nhiều người quan tâm tới sự phát triển quốc gia rất buồn lo, chính phủ có hành động thích hợp không? Có lập nhóm nghiên cứu vì sao, nhóm đề ra chính sách thu hút đầu tư FDI thích hợp với hoàn cảnh mới khi các doanh nghiệp đa quốc gia chuẩn bị dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận?

5) Tác hại của việc Intel “gác” dự án đầu tư. Có người lập luận rằng không dự án này thì dự án khác, Việt Nam không cần “lụy” dự án nước ngoài như thế. Người ta cần mình chứ không phải mình cần người ta! Lập luận đó rất vô trách nhiệm với quốc gia!

Người dân Việt Nam rất cần những dự án lớn từ những công ty lớn như Intel! Một dự án như vậy tạo bao công ăn việc làm. Hơn thế, một dự án như vậy sẽ kéo theo bao nhiêu dự án phụ trợ. Hơn thế, một dự án như vậy đem niềm tin cho bao công ty khác về môi trường kinh doanh quốc gia. Một dự án như thế là cú hích mạnh góp phần bùng nổ các dự án khác tại Việt Nam! Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, thất nghiệp tràn lan, với bao khó khăn hiện nay, một dự án như thế càng cần biết bao! Chỉ cần thu hút được hai ba chục phần trăm đầu tư toàn cầu của Intel, mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, nhân lực, tài nguyên, Việt Nam đã có thể thu hút đầu tư vài ba tỉ đô la cho một dự án cao cấp rồi!

Những dòng trên chỉ thảo luận về tác hại trên khía cạnh kinh tế, chưa nói tới các khía cạnh liên quan khác như dân trí được nâng cao về công nghệ, quản trị, đạo đức kinh doanh… và về chính trị, ngoại giao khiến quốc gia tự chủ hơn!

6) Để vuột một dự án đầu tư như vậy là thất bại của quốc gia! Xin đừng quên Intel là một trong vài cái tên quan trọng nhất thế giới! Cho nên lập luận “không dự án này thì dự án khác” là rất vô trách nhiệm. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Về việc để vuột mất đầu tư ấy, ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố “tiếc nuối và cho rằng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp” (trích). Ối chao, câu nói nhẹ hều! Ai lại chẳng biết Intel có quyền lựa chọn! Dân chúng này, quốc gia này muốn biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần gì trong việc Intel lựa chọn không đầu tư ở Việt Nam, và ông Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm như thế nào cho việc ấy.

Nếu nhìn sự việc trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt thu hút đầu tư nước ngoài, trong hoàn cảnh Việt Nam cần chắt chiu từng dự án đầu tư trực tiếp để đón nhận chuyển động của Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu chip, chất bán dẫn và đất hiếm, việc Intel “gác” lại dự án đầu tư tại Việt Nam có tác hại lớn. Mỗi đêm nghe đài truyền hình như Channel News Asia nhắc tên Việt Nam với tài nguyên đất hiếm mà nóng ruột và do đó việc Intel “gác” đầu tư là nỗi buồn ghê gớm!

Phải chăng Việt Nam đã quá giàu mạnh nên việc để mất một hay vài dự án đầu tư tầm cỡ như vậy chẳng đáng cho một người nào phải chịu trách nhiệm sao? Nếu vậy có sợ Việt Nam sẽ mất tiếp những đầu tư làm chậm sự phát triển quốc gia?

Ngày 10 tháng 11 năm 2023

Related posts