Nguyễn Quân
Ngoài số tiền nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay – 118 tỷ đồng (khoảng 6 triệu Úc kim) – của cựu Cục trưởng Ngân hàng Nhà nước, Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn, toàn bộ 18 thành viên còn lại trong đoàn đều nhận tiền để bao che cho những sai phạm của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), ít nhất là hơn 100 triệu và người nhận nhiều nhất 8,7 tỷ đồng.
Tại kết luận điều tra do cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành ngày 17/11, 86 bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.
Với số bị hại lên tới 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, 5,2 triệu USD (tương đương 118 tỷ đồng) đã được chi cho một mình bà Đỗ Thị Nhàn – cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Ngân hàng Nhà nước), Trưởng đoàn thanh tra để che giấu các sai phạm của Ngân hàng SCB.
Ông Nguyễn Văn Hưng, khi đó là Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước, người lập đoàn liên ngành thanh tra SCB và đưa bà Nhàn làm trưởng đoàn nhận 390.000 USD (tương đương hơn 8,7 tỷ đồng).
Các thành viên còn lại của đoàn thanh tra, toàn bộ đều nhận tiền của SCB, ít nhất là hơn 100 triệu đồng.
Thùng xốp đựng triệu đô
Theo kết luận điều tra, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015-2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng triển khai 3 đoàn thanh tra.
Trong đó, đoàn thanh tra liên ngành năm 2017-2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện SCB.
Quyết định thành lập đoàn liên ngành thanh tra SCB hội sở chính và 12 chi nhánh do ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước ký ngày 1/8/2017.
Đoàn thanh tra do Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II Đỗ Thị Nhàn làm trưởng đoàn, 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 cán bộ Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Đoàn chia thành 5 tổ thanh tra các nội dung như: hoạt động cấp tín dụng, khoản lãi phải thu, thực trạng nợ xấu, tái cơ cấu, đánh giá hoạt động quản trị của SCB.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố từ tháng 4/2016 đến 1/10/2018, ông Hưng đã nhiều lần nhận tiền từ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB Đinh Văn Thành và Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn tổng cộng 390.000 USD (tương đương 8,7 tỷ đồng). Trong đó, riêng trong thời gian thực hiện thanh tra, ông Hưng nhận 310.000 USD. Ông Hưng khai đã sử dụng số tiền này vào các mục đích cá nhân.
Bà Nhàn nhận hối lộ từ SCB cao nhất trong vụ án với số tiền tới 5,2 triệu USD. Số tiền trên được ông Thành, ông Văn và ông Nguyễn Nam Tuấn (tài xế của ông Văn) đưa nhiều lần. Trong đó, cao điểm từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2018 – giai đoạn dự thảo Kết luận thanh tra, xin ý kiến các Bộ ngành liên quan và sau đó ban hành Kết luận thanh tra tại Ngân hàng SCB – ông Văn và tài xế Tuấn đã mang các thùng xốp đựng tiền USD (1 lần nhận thùng xốp đựng 1 triệu USD và 2 lần nhận thùng xốp đựng 2 triệu USD) đến nhà riêng của bà Nhàn, nói là tiền bà Trương Mỹ Lan cảm ơn.
Sau khi tiền, bà Nhàn đem cất trong phòng ngủ, tới năm 2022 mới chia ra, 2,6 triệu USD đi gửi ở nhà họ hàng bên chồng ở Nam Định, số còn lại gửi nhà em trai ở Hà Nội. Trong 2,6 triệu USD gửi ở Nam Định, vợ chồng họ hàng nhà bên chồng vay 1,4 triệu USD mua đất, mở 10 sổ tiết kiệm…
Bà Nguyễn Thị Phụng, Phó trưởng đoàn thanh tra khai nhận tổng cộng 20.000 USD và 210 triệu đồng từ SCB, thêm 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn trong quá trình thanh tra.
Ông Đỗ Anh Tuấn, Tổ trưởng tổ thanh tra số 3, 4 nhận nhận tiền thông qua Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn, mỗi lần 10.000 USD, tổng cộng 40.000 USD. Ông Tuấn đã trả lại 20.000 USD, còn lại sử dụng cá nhân.
Tương tự, ông Trần Văn Tuấn, Tổ trưởng tổ thanh tra số 4, cũng 4 lần nhận tiền, quà từ SCB, tổng cộng 6.000 USD và 40 triệu đồng.
Bà Lê Thanh Hà, Tổ trưởng tổ thanh tra số 5, có 5 lần nhận tiền từ Tổng giám đốc SCB và các giám đốc chi nhánh Gia Lai, chi nhánh Hai Bà Trưng, tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng.
Khai chưa từng nhận tiền khi thanh tra, song Trương Việt Hưng, thành viên tổ thanh tra số 4 bị các thành viên trong đoàn thanh tra và các cá nhân tại SCB khẳng định đã 2 lần nhận tiền.
Lần thứ nhất Hưng nhận 1.000 USD vào ngày công bố quyết định thanh tra, lãnh đạo SCB đưa cho tất cả thành viên trong đoàn, trong đó thành viên thuộc Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận số tiền 1.000 USD. Lần thứ hai vào dịp 2/9/2017, lãnh đạo SCB đưa 5.000 USD cho thành viên tổ 4 và các thành viên đoàn thanh tra.
Nguyễn Duy Phương, thành viên tổ 4, khai 2 lần được SCB đưa tiền tổng cộng 1.000 USD và 20 triệu đồng, không nhớ đã nhận 5.000 USD. Tài liệu điều tra hiện xác định SCB đưa 5.000 USD cho Phương cùng các thành viên đoàn trong một đợt nghỉ 2/9/2017.
Nguyễn Văn Thùy, thành viên tổ 1, khai 6 lần nhận tiền tổng cộng 21.000 USD và 60 triệu đồng từ SCB.
Một số thành viên đoàn thanh tra khai 4 lần nhận tiền thì có 2 lần trả lại, còn 2 lần nhận tổng cộng 100 triệu đồng, đã sử dụng vào mục đích cá nhân.
Có 7 người, gồm 3 cán bộ của Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 1 thanh tra viên thuộc Thanh tra Chính phủ nhận tiền người ít 100 triệu, người nhiều 9.000 USD nhưng đều chủ động nộp lại trước khi vụ án bị khởi tố.
Những người này được xác định đều là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao, hợp tác khi điều tra nên không bij xử lý hình sự.
Ngoài các bị can thuộc cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước, 4 cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM bị cơ quan điều tra cáo buộc nhận từ 470 triệu đồng đến 1,8 tỷ đồng để bao che sai phạm cho bà Lan.
Dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng khó thu hồi tại SCB
Theo kết luận điều tra, mặc dù không nắm giữ chức vụ nào ở SCB nhưng bà Lan nắm cổ phần chi phối hơn 90%, đưa người thân tín giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB nên mọi hoạt động của ngân hàng này “đều cơ bản” phục vụ bà Lan.
Tại thời điểm bị bắt, các bị can Nhàn, Hưng thừa nhận tại thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB “là rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt”.
Đoàn phát hiện SCB sai phạm tại tất cả các nội dung thanh tra như: tăng trưởng tín dụng, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro… Đặc biệt là sai phạm trong việc cấp tín dụng, đối với phương án, dự án tái cơ cấu (phương án Chợ Vải, Times Square, Winsorl, Dự án Mũi Đèn Đỏ…). Hầu hết đều rủi ro mất vốn và SCB cũng không chấp hành các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cho vay, xử lý lãi dự thu đối với các dự án nêu trên…
Làm việc với đoàn thanh tra, SCB cho rằng nếu các dự án, phương án tái cơ cấu theo kết quả thanh tra phải phân loại nợ xấu thì lợi nhận SCB sẽ âm rất lớn và khả năng rất cao là ngân hàng bị phá sản.
Sau đó, đoàn thanh tra chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề sai phạm của SCB với số tiền 965 triệu đồng.
Cuối tháng 1/2018, khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng, bà Nhàn chỉ đạo tổ tổng hợp “bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5” với 3 dự án Mũi Đèn đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng.
Hành vi này đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỷ xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19.000 tỷ) thành dương (+2.700 tỷ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%.
Sau cuộc báo cáo Chính phủ, ông Hưng tiếp tục chỉ đạo bà Nhàn chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện sự thảo báo cáo, dự thảo kết luận để trình Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến.
Tại các dự thảo kết luận, bà Nhàn tiếp tục yêu cầu thành viên trong đoàn bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo; không báo cáo rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ số 4 Nguyễn Thị Minh Khai.
Theo kết quả điều tra, khi Trung tâm thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có báo cáo định kỳ cho Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng về những bất thường liên quan dư nợ của SCB, các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, ông Hưng, bà Nhàn cùng các thành viên đoàn thanh tra không sử dụng kết quả này.
Kết luận thanh tra bỏ ngoài số liệu nợ xấu của 3 siêu dự án. Kết luận chỉ nêu nợ xấu của SCB là 20,9% trong khi con số thật lên tới 35,8%.
Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu nhưng đều bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Kết luận còn bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích ở 3 dự án, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.
Việc báo cáo không đúng thực trạng của SCB, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý được cho là khiến lãnh đạo Ngân hàng nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Lan. Riêng dư nợ tại SCB của các tổ chức, cá nhân liên quan bà Lan đã lên tới hơn 677.286 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, toàn bộ hoạt động của SCB bị bà Lan thao túng, lũng đoạn để huy động tiền gửi của người dân rồi cho “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn 1.000 doanh nghiệp vay, sau đó chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 304.000 tỷ đồng.
Nguyễn Quân