Antonio Graceffo
Những dự án đầu tư của Bắc Kinh tới các quốc gia khó khăn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đi vay. Tuy nhiên, khi lợi ích từ các dự án trở nên xa vời, nhiều quốc gia đang chìm trong căng thẳng về tài chính. Bắc Kinh giờ đây phải đảm nhận vai trò nhà đòi nợ không mấy dễ chịu.
Từ năm 2001, bao gồm cả Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) bắt đầu vào năm 2013, Trung Quốc đã đầu tư vào gần 21.000 dự án trên 165 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tổng số nợ tồn đọng của Trung Quốc là khoảng 1,1 nghìn tỷ USD và hơn một nửa số khoản vay này hiện đã đến hạn thanh toán – tỷ lệ này sẽ đạt 75% vào năm 2030.
Ban đầu, những dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP ở các quốc gia đi vay, với sản lượng kinh tế tăng lên cho phép họ trả được các khoản vay. Tuy nhiên, nhiều dự án chưa được hoàn thành hoặc không đạt được lợi nhuận như dự kiến. Một trường hợp đáng chú ý là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), từ lâu được ca ngợi như là viên ngọc quý của BRI, dự án vốn còn được gọi là “Một vành đai, Một con đường”.
Sau một thập kỷ và khoản chi 25 tỷ USD, CPEC vẫn chưa thực hiện được lời hứa phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng của Pakistan cũng như tu sửa và kết nối Cảng Gwadar với Kashgar ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc. Trên thực tế, CPEC sẽ giúp Trung Quốc trở thành chủ sở hữu và người điều hành của cảng này, đồng thời cung cấp cho Trung Quốc các tuyến thương mại rẻ hơn và giúp nước này tiếp cận Biển Ảrập. Trong khi đó bất kỳ lợi ích nào đối với Pakistan đều bị phai mờ bởi các vấn đề về tài chính và an ninh, cũng như phản ứng dữ dội từ người Pakistan, những người ngày càng coi Trung Quốc là bên hưởng lợi từ một dự án khiến Pakistan chìm sâu hơn trong nợ nần trong khi mang lại rất ít lợi ích cho người dân địa phương.
Các nhà kinh tế khẳng định tác động lan tỏa của việc chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng CPEC là không đáng kể, trong khi tác động lên tình hình nợ của Pakistan là rất lớn. Tính đến tháng 7, 30% nợ nước ngoài của Pakistan thuộc về chính phủ và các ngân hàng thương mại Trung Quốc. Tệ hơn nữa, đồng PKR (đồng rupee của Pakistan) đã giảm giá trị, mất giá 40% so với đồng USD, do đó khiến việc thanh toán nợ càng trở nên khó khăn hơn. Sự bất ổn kinh tế trong giai đoạn đầu của dự án đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc hoàn thành dự án, điều đồng nghĩa với sự chậm trễ trong việc tạo ra các khoản doanh thu nhằm sử dụng để trả nợ. Trước sự thất vọng của nhiều người Pakistan, giai đoạn tiếp theo của CPEC sắp bắt đầu. Với nó, nhiều đợt đảo nợ và các khoản vay bổ sung sẽ được thêm vào khoản nợ hiện tại.
Những câu chuyện tương tự có thể được chứng kiến ở các quốc gia BRI khác. 80% khoản vay của Trung Quốc dành cho các nước đang phát triển là dành cho các nước đang gặp khó khăn về tài chính. Đây là lý do tại sao phương Tây cáo buộc Trung Quốc là nhà cho vay vô trách nhiệm. Vấn đề trở nên trầm trọng hơn do lãi suất cao và đồng nội tệ giảm giá.
Trong các giai đoạn đầu, BRI đồng nghĩa với các khoản vay đáng kể nhằm tài trợ cho các nỗ lực mở rộng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, mô hình này đã thay đổi khi Bắc Kinh ngày càng mở rộng các khoản vay cứu trợ thay vì chỉ tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Khi Trung Quốc trải qua sự chuyển đổi này, nhiều khoản vay cứu trợ đang được hình thành thông qua sự hợp tác với các tổ chức tài chính truyền thống hơn.
Khoảng một nửa số khoản vay không khẩn cấp của Trung Quốc được thực hiện dưới sự hợp tác, và 80% trong số đó là với các ngân hàng thương mại phương Tây, chẳng hạn như Standard Chartered hoặc BNP Paribas, hoặc với các ngân hàng phát triển đa phương như Công ty Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD).
Bất chấp sự thay đổi này, Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp tài chính phát triển hàng đầu thế giới, vượt xa bất kỳ quốc gia G7 nào, cũng như các nhà cho vay đa phương. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các quốc gia thành viên G7 tổng cộng đã bắt đầu chi tiêu nhiều hơn Trung Quốc vào năm 2021 khi họ nỗ lực tạo ra giải pháp thay thế cho các sáng kiến do Bắc Kinh dẫn dắt.
Bắc Kinh tìm cách giảm rủi ro và nâng cao uy tín
Tại hội nghị thượng đỉnh BRI vào tháng 10, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã nói rõ rằng Trung Quốc đang giảm thiểu rủi ro đầu tư, tập trung vào các khoản đầu tư “chất lượng cao”. Ông Tập hứa hẹn về khoản đầu tư mới 100 tỷ USD, nhưng có vẻ như phần lớn số tiền này được dùng cho các khoản vay cứu trợ, giải cứu các dự án cũ thay vì bắt đầu những dự án mới. Một sự thay đổi khác mà Bắc Kinh ít muốn công khai hơn là họ hiện đang đảm nhận vai trò là nhà đòi nợ. Trong nhiều trường hợp, ĐCSTQ âm thầm tịch thu dự trữ ngoại tệ của những bên đi vay quá hạn trả nợ. Những khoản dự trữ ngoại tệ này vốn được giữ làm tài sản thế chấp trong tài khoản ký quỹ.
AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu toàn cầu của William và Mary, vốn chuyên theo dõi hoạt động cho vay của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh hiện đang tập trung giải cứu các dự án gặp khó khăn và những bên đi vay gặp khó khăn để ngăn chặn phản ứng dữ dội của công chúng và giành chiến thắng ngoại giao trước các đối thủ G7. Trung Quốc hiện đang quản lý ba loại rủi ro: rủi ro trả nợ; rủi ro về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); và rủi ro danh tiếng.
Khi thế giới phân cực về các vấn đề như chiến tranh Nga-Ukraine hay xung đột Israel-Hamas, Trung Quốc đang mất dần vị thế ngoại giao. Theo đánh giá của AidData, Bắc Kinh có nhiều thất bại hơn là thành tựu trong cuộc tranh đấu về quyền lực mềm chống lại Washington. Ở các nước đang phát triển, tỷ lệ ủng hộ Bắc Kinh giảm từ 56% vào năm 2019 xuống 40% vào năm 2021. Theo một nghiên cứu gần đây của Pew Research, hầu hết các quốc gia đều có cái nhìn thiện cảm hơn về Mỹ so với Trung Quốc – và khoảng cách đang ngày càng lớn.
Trong lịch sử, Mỹ đã từ chối việc tìm cách chi tiêu nhiều hơn Trung Quốc để giành được ảnh hưởng toàn cầu. Trung bình, Trung Quốc đầu tư 80 tỷ USD hàng năm vào các nước đang phát triển, trong khi Mỹ chỉ đầu tư trung bình 60 tỷ USD. Mỹ hiện đang tăng cường chi tiêu ở nước ngoài, trong đó DFC chứng kiến các hoạt động ở nước ngoài tăng gấp 15 lần. Ngoài ra, Liên minh châu Âu, G7 và các quốc gia phát triển khác đang bắt đầu thúc đẩy các giải pháp thay thế BRI do phương Tây dẫn dắt, chẳng hạn như Dự án Cửa ngõ Toàn cầu và Quan hệ đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Tiến sĩ Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện đang theo học ngành quốc phòng tại Đại học Quân đội Mỹ. Ông là tác giả của cuốn sách: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc).