Bắc Kinh làm mọi cách để che giấu việc Trung Quốc là nguồn gốc của một đại dịch khác

Eva Fu

Bắc Kinh làm mọi cách để che giấu việc Trung Quốc là nguồn gốc của một đại dịch khác
(Ảnh minh họa: The Epoch Times, Getty Images)

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào 3 năm trước, cảm giác bất lực một lần nữa lại bao trùm tâm trí người dân Trung Quốc khi cả nước phải vật lộn với một đợt bùng phát viêm phổi chưa rõ căn nguyên khiến nhiều trẻ em mắc bệnh và các bệnh viện quá tải.

Các phòng chờ, các hành lang và cả ngoài cổng chính các bệnh viện trên khắp Trung Quốc chật kín trẻ em mắc bệnh đang ngồi trên xe đẩy hoặc được cha mẹ bế trên tay. Họ phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ với hy vọng số thứ tự lượt khám của mình được gọi trên loa trước khi một ngày kết thúc.

Việc chờ đợi tới 12 tiếng không phải là chuyện hiếm. Sau khi ở lại quá nửa đêm tại hành lang đông đúc của một bệnh viện, một người dân Bắc Kinh đã chia sẻ bức ảnh đang cầm tấm vé ghi số thứ tự khám bệnh; người này nhắc nhở những khác rằng hãy mang theo ghế khi đến đây vì “không có chỗ ngồi nếu bạn cần truyền dịch qua đường tĩnh mạch”.

Từ bắc vào nam, số trẻ Trung Quốc nhập viện vì bệnh hô hấp đang tăng đột biến, khiến các lớp học phải đóng cửa và buộc các cơ quan y tế phải đưa ra hàng loạt thông báo yêu cầu những giáo viên và học sinh nào cảm thấy không khỏe thì nên ở nhà.

Ông Chen đến từ Bắc Kinh kể với The Epoch Times rằng con gái của ông nói: “Các bạn trong lớp đều ho, thậm chí không thể nghe thấy giáo viên đang nói gì”.

Bệnh nhân chờ đến lượt khám, tại khoa khám sốt của Bệnh viện Nhân dân Đông Quản, ở Đông Quản, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, ngày 20/12/2022. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)

Cũng giống như 3 năm trước đối với COVID-19, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tỏ ra coi thường sự nguy hiểm của căn bệnh này. Bắc Kinh nói với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) rằng không có mầm bệnh hoặc triệu chứng lâm sàng mới hay bất thường nào.

Chính quyền đang gán một phần của sự gia tăng các ca bệnh này cho việc nâng cấp cơ chế giám sát hô hấp hồi giữa tháng 10, đồng thời khẳng định rằng năng lực hiện tại của các bệnh viện Trung Quốc vẫn đủ để xử lý tình hình.

Lời giải thích của Bắc Kinh dành cho WHO và người dân trong nước chỉ thuyết phục được rất ít người ở Trung Quốc cũng như ở nước ngoài.

Ông Sean Lin (Lâm Hiểu Húc) – nhà vi trùng học, cựu giám đốc phòng thí nghiệm tại khoa bệnh do virus của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed (Mỹ) – bày tỏ sự thất vọng trước việc WHO phụ thuộc vào Trung Quốc để có được thông tin.

“Làm sao chúng ta có thể tin tưởng vào dữ liệu của chính quyền Trung Quốc?”, ông nói với The Epoch Times.

Trong những ngày cuối năm 2019, sau khi các bác sĩ dũng cảm gióng lên hồi chuông cảnh báo về đợt bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán, phải mất gần 3 tuần, chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận virus này có thể lây từ người sang người. Trong khoảng thời gian đó và cả sau đấy, chính quyền đã khiển trách các bác sĩ dám lên tiếng, bắt giữ các nhà báo công dân và bịt miệng các phóng viên, đồng thời tiến hành kiểm duyệt Internet, xóa đi bất cứ bình luận nào về đợt bùng phát mà được cho là không phù hợp với hình ảnh của ĐCSTQ.

Nhiều nhà lập pháp ở Washington, đặc biệt là đảng viên Đảng Cộng hòa, nhận thấy rằng những điều tương tự như trên đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay.

“Chúng ta không thể tin tưởng người Trung Quốc”, Dân biểu Morgan Griffith (Cộng hòa – Virginia) nói với đài truyền hình NTD vào ngày 30/11, một ngày sau khi ông ký tên vào lá thư yêu cầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ điều tra dịch bệnh đang diễn ra ở Trung Quốc.

“Họ [Trung Quốc] không thẳng thắn, họ không muốn mất mặt và kết quả là người dân sẽ chết [vì dịch bệnh]”.

Dân biểu Greg Murphy (Cộng hòa – North Carolina) có cùng quan điểm: “Trung Quốc sẽ làm mọi thứ có thể để họ trông không giống như là nguồn gốc của một đại dịch khác”.

“Tôi không tin bất cứ điều gì người Trung Quốc nói – không một lời nào”, ông nói với NTD. “Sau khi bị lừa một lần, quý vị sẽ không bị lừa lần nữa”.

Căn bệnh lây lan nhanh

Sau khi buộc người dân Trung Quốc phải sống vài năm trong tình trạng bị phong tỏa, nguồn cung thực phẩm và các nhu cầu cơ bản khác đều thiếu thốn, vào khoảng thời gian này năm ngoái, ĐCSTQ đã đột ngột dỡ bỏ các hạn chế zero-COVID hà khắc.

Trong 20 ngày đầu tiên của tháng 12/2022, ước tính có hàng trăm triệu người nhiễm virus; làn sóng nhiễm bệnh và tử vong khiến các bệnh viện và nhà hỏa táng quá tải.

Trong đợt bùng phát bệnh viêm phổi hiện nay, trẻ em là nhóm mắc bệnh đặc biệt nặng. Các bệnh viện nhi lớn trên khắp Trung Quốc báo cáo đã tiếp nhận tới 10.000 bệnh nhân mỗi ngày trong những tuần gần đây.

Bệnh viện Nhi Thiên Tân đạt kỷ lục tiếp nhận 13.171 bệnh nhân trong một ngày. Giám đốc bệnh viện, Liu Wei, đã viết một lá thư khẩn cầu sự thông cảm của công chúng, nói rằng các nhân viên y tế cũng là cha mẹ, một số có con nhỏ cũng mắc bệnh.

Các nhân viên y tế khác đã xác nhận điều tương tự đang xảy ra trên khắp Thiên Tân cũng như những nơi khác. Nhiều người Trung Quốc phải trực trước màn hình máy tính từ sáng sớm để đăng ký khám bệnh khi các bác sĩ giới hạn số lượng bệnh nhân tiếp nhận trong ngày.

“Ngay cả khi con cái chúng tôi bị ốm, chúng tôi cũng gặp khó khăn trong việc lấy số thứ tự [khám bệnh]. Chúng tôi cũng phải liên tục tải lại trang web để xem liệu có xuất khám bệnh nào hay không”, một nhân viên tại bệnh viện Beichen nói với The Epoch Times. Xa hơn về phía bắc, tại tỉnh Cát Lâm, một nhân viên của bệnh viện Số 2 thuộc Đại học Cát Lâm cho hay bệnh viện đã được đặt kín lịch trong 7 ngày tới.

Những chiếc xe tang đang chờ để vào một lò hỏa táng ở Bắc Kinh, ngày 22/12/2022. (Ảnh: STF/AFP qua Getty Images)

Ở một số bệnh viện, các phòng chờ chật cứng đến mức trẻ em và gia đình các em phải xếp hàng từ ngoài cổng. Lều, giường cắm trại, ghế gấp, chăn đều được mang theo, trong khi những người cần điều trị bằng đường tĩnh mạch thì mang theo giá treo và móc đỡ để có thể truyền dịch trong thời gian chờ đợi.

Chính quyền thành phố Tam Hà phía bắc Trung Quốc đã cử người mặc đồ bảo hộ đến khử khuẩn các tòa nhà. Ông Liu đến từ Bắc Kinh nói với The Epoch Times rằng bệnh viện mà ông đang ở đã ra yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và chỉ cho gia đình đến thăm 2 giờ mỗi tối. Những người tại đó không ngừng phàn nàn về việc căn bệnh này dai dẳng và lây lan nhanh như thế nào.

Trên trang mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một giáo viên tiểu học ở tỉnh Hồ Nam miền nam Trung Quốc tiết lộ rằng cả một lớp học đột ngột bị ốm và phải ở nhà. Người giáo viên này cũng xin nghỉ ốm sau một đêm sốt cao, nhức đầu, run tay, ù tai, ho khan đến đau phổi.

Người dân chờ được khám bệnh, tại Bệnh viện Liên kết Thứ nhất thuộc Đại học Trịnh Châu – bệnh viện lớn nhất Trung Quốc tính theo số giường, ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 30/1/2023. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)

Một bà mẹ hai con ở Bắc Kinh cho biết cả gia đình bà gần đây đều mắc bệnh. Bà nói rằng một trường học địa phương có đến một nửa số học sinh bị nhiễm bệnh bất chấp mọi biện pháp phòng ngừa.

Bà nói với The Epoch Times: “Không thể làm được gì nhiều. Dù đeo khẩu trang và che kín bản thân bao nhiêu đi nữa, bạn vẫn sẽ bị nhiễm bệnh”.

Bà nói thêm, thật khó để khỏi bệnh hoàn toàn. Vài ngày sau khi hết ho và hắt hơi, một học sinh được cho là đã khỏi bệnh lại bị sốt trở lại.

Ngay cả với những con số mà chính quyền Trung Quốc – chế độ vốn nổi tiếng với việc liên tục che giấu thông tin không tích cực – cung cấp, thì tình hình vẫn rất thảm khốc: Chỉ riêng Bắc Kinh đã báo cáo hơn 72.000 ca bệnh viêm phổi trong tuần kết thúc vào ngày 26/11.

“Trung Quốc là kẻ nói dối và lừa gạt số một. May mắn thay, cho đến nay rõ ràng là họ không thể che đậy điều này”, Dân biểu Dan Crenshaw (Cộng hòa – Texas) nói với NTD.

5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa của Hoa Kỳ vào hôm 1/12 đã viết thư gửi đến Tổng thống Joe Biden, kêu gọi ông hạn chế việc đi lại giữa Mỹ và Trung Quốc để Washington có thêm thời gian nghiên cứu về sự nguy hiểm của dịch bệnh.

Các thượng nghị sĩ viết: “[Ban hành] một lệnh cấm đi lại vào lúc này có thể cứu đất nước chúng ta [Mỹ] khỏi chết chóc, các lệnh phong tỏa, các yêu cầu bắt buộc và những đợt bùng phát sau này”.

Cố tình hạ thấp mức độ nghiêm trọng

Các số liệu do Ủy ban Y tế Bắc Kinh công bố cho đến nay là nguồn dữ liệu duy nhất để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát hiện nay.

Ủy ban Y tế Bắc Kinh xác định 16 nguyên nhân gây bệnh viêm phổi, trong đó có cúm và mycoplasma – một loại vi khuẩn có thể gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp và viêm phổi. Ủy ban này lặp lại luận điệu của ĐCSTQ rằng những tác nhân này, chứ không phải COVID-19, là lý do khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt.

Một bác sĩ đang xem ảnh chụp CT của bệnh nhân, tại bệnh viện dã chiến cho bệnh nhân COVID-19 được xây dựng trên một sân vận động thể thao ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, ngày 5/3/2020. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Truyền thông nhà nước Trung Quốc trong tháng qua đã cố gắng trấn an công chúng rằng đợt bùng phát này chỉ là đợt bùng phát theo thông lệ vào mùa đông và người dân không cần phải hoảng sợ.

Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ – đã đăng một bài báo nói rằng bệnh viêm phổi do mycoplasma “có thể phòng ngừa và kiểm soát được” – cụm từ mà chế độ Bắc Kinh từng sử dụng vào tháng 1/2020 khi đợt bùng phát COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu thu hút sự lo lắng của quốc tế.

Theo nhà virus học Sean Lin, việc lôi kéo sự chú ý vào mycoplasma có thể là bước đi có chủ ý nhằm đánh lừa công chúng.

Ông nói: “ĐCSTQ không muốn xã hội quốc tế nghi ngờ rằng Trung Quốc đang hứng chịu một làn sóng COVID khác”. Ông gọi việc Trung Quốc đổ lỗi cho các mầm bệnh thông thường là “hoàn toàn mang tính chính trị”. “Có rất nhiều mầm bệnh đường hô hấp được biết đến, và chính quyền có thể đổ lỗi cho bất kỳ cái nào trong số đó – nhưng đó không phải là bức tranh thực tế”.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng đợt bùng phát viêm phổi chưa rõ căn nguyên này có khả năng là bệnh viêm phổi do mycoplasma.

Theo CDC Hoa Kỳ, mycoplasma chủ yếu lây lan qua các giọt bắn nhỏ trong thời gian dài. Tổ chức này cho biết hầu hết mọi người “không bị nhiễm bệnh” khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh trong một khoảng thời gian ngắn.

Căn bệnh này nhẹ đến mức thậm chí không lọt vào danh sách 59 loại bệnh phải khai báo trên trang web CDC Trung Quốc.

Dong Yuhong – nhà phân tích về bệnh truyền nhiễm có 12 năm kinh nghiệm tại công ty dược phẩm đa quốc gia Novartis của Thụy Sĩ – lưu ý rằng không giống như COVID-19, mycoplasma không dẫn đến “hội chứng phổi trắng” — các vết màu trắng trên phim chụp X-quang vùng phổi do phổi tích tụ dịch nhầy, điều thường thấy ở trẻ em Trung Quốc thời gian gần đây.

Thêm nữa, chưa có mùa bệnh hô hấp nào trước đây đạt đến quy mô mà Trung Quốc hiện đang phải vật lộn chống chọi. Một bác sĩ từ Bệnh viện Nhi tỉnh An Huy – một trong những trung tâm y tế quốc gia – nói với truyền thông Trung Quốc rằng bệnh viện của ông thực hiện trung bình 50 ca “rửa phổi” mỗi ngày cho những trẻ nhiễm bệnh với biến chứng phổi nghiêm trọng, tăng từ 10 ca mỗi ngày trong thời kỳ bình thường. Ngày nhiều nhất, bệnh viện này đã thực hiện 67 ca “rửa phổi”.

Các phương pháp điều trị thông thường đối với bệnh viêm phổi do mycoplasma cũng không có tác dụng. Một bác sĩ nhi bị nhiễm bệnh nói với The Epoch Times rằng cô ấy đã dùng “mọi loại thuốc có thể điều trị bệnh viêm phổi do mycoplasma, nhưng không loại nào tỏ ra hiệu quả”.

Các em bé đang truyền dịch tại một bệnh viện nhi ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 23/11/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Theo ông Lin, COVID-19 có lẽ vẫn là nguyên nhân thúc đẩy làn sóng nhiễm bệnh hiện nay.

Ông nói, rất có thể, “một số mầm bệnh đường hô hấp khác đã phá hủy cơ chế bảo vệ đường hô hấp trên, vì vậy COVID chỉ [đơn giản] là xâm nhập thẳng vào”.

Ông cho hay, trẻ em có thể là nhóm đầu tiên mắc bệnh, nhưng hiện người lớn cũng đã mắc bệnh.

Thiếu các phác đồ điều trị hiệu quả bằng thuốc, các bệnh viện ở Bắc Kinh đang chạy đua để mở các khoa điều trị y học cổ truyền Trung Quốc. Một bệnh viện ở tỉnh Sơn Đông miền đông Trung Quốc đang tuyển dụng các bác sĩ nhi có kinh nghiệm về mảng này để đối phó với tình trạng trẻ mắc bệnh xếp hàng chật cứng trước cửa bệnh viện.

Nghĩa Ô, một thành phố ở phía đông Trung Quốc, đã gửi đi một tín hiệu đau buồn khác. Chính quyền thành phố kêu gọi tất cả mọi người, từ văn phòng chính quyền đến các nơi làm việc và trường học, dự trữ lương thực lên tới 15 ngày; điều này gây ra nhiều lo ngại về việc có thể chính quyền sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trong tương lai.

Kiểm duyệt

COVID-19 vẫn là vấn đề lớn mà không ai dám nhắc đến ở Trung Quốc.

Khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị cho chuyến thăm tới San Francisco (Mỹ) hồi tháng 11 để quảng bá Trung Quốc như một thị trường thân thiện cho các nhà đầu tư nước ngoài, ông đã đích thân ra lệnh cho các quan chức rằng cần phải che đậy mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát bệnh viêm phổi hiện nay, đồng thời phải đưa ra lập luận rằng biến thể COVID-19 không phải là nguyên nhân của đợt bùng phát, từ đó khiến người nước ngoài không sợ hãi, không tránh đến Trung Quốc. Đây là thông tin mà The Epoch Times có được từ một người tố giác có mối quan hệ thân thiết với ban lãnh đạo trung ương Đảng ở Trung Nam Hải và với quân đội Trung Quốc.

Người này cho biết, với tinh thần đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ được phép đưa ra những lời khuyên về sức khỏe hướng đến trẻ em chứ không hướng đến người lớn.

Bắc Kinh hiện đang miễn thị thực cho 6 quốc gia ở châu Âu và châu Á trong nỗ lực thúc đẩy du lịch, vốn giảm mạnh do chính sách nghiêm ngặt zero-COVID.

Hành khách tại Sân bay Quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 28/4/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Ở tỉnh Cát Lâm phía đông bắc Trung Quốc, một phụ nữ có con trai có triệu chứng phổi trắng và được chẩn đoán mắc viêm phổi do mycoplasma cho biết, một bác sĩ mà bà quen đã nói với bà rằng COVID là nguyên nhân chính. Bà nói với NTD: “Nó [COVID] đã biến đổi và không thể phát hiện được qua xét nghiệm. Chỉ là chính quyền không cho phép người ta nói về chuyện đó thôi”.

Cô Jin ở thành phố Tây An miền trung Trung Quốc cũng nghe được điều tương tự từ cháu trai đang nằm viện của mình; bác sĩ nói với cậu bé rằng cậu mắc COVID. Cô nói với The Epoch Times bằng lời của vị bác sĩ đó: “Họ chỉ gọi nó bằng một cái tên khác”.

Đó chính là chiến lược mà Trung Quốc đã áp dụng một năm trước (tháng 12/2022) khi đất nước ở đỉnh điểm của làn sóng COVID. Bắc Kinh đã điều chỉnh các tiêu chí phân loại các trường hợp tử vong do COVID, qua đó chỉ đếm những người chết vì COVID hoặc suy hô hấp, loại trừ đi những người có bệnh lý nền.

Những người có liên quan đến công tác cấp giấy chứng tử, bao gồm nhiều bác sĩ, đã tiết lộ với The Epoch Times rằng họ được yêu cầu không đề cập đến COVID trên giấy chứng tử.

“Có thể viết bất cứ nguyên nhân gì, chỉ trừ COVID”, một người ở thành phố Trường Xuân nói với The Epoch Times vào thời điểm đó. Trên giấy chứng tử của bố vợ giám đốc đồn công an địa phương – ông này chết tại nhà, bà ghi “đột quỵ”. Người này cho biết, nếu giấy chứng tử ghi COVID thì các bệnh viện – nơi xử lý thi thể những người chết tại nhà – sẽ không tiếp nhận.

Ở một số khu vực, ngay cả việc công khai đề cập đến bệnh tật cũng là điều cấm kỵ. Ít nhất hai phụ huynh từ Bắc Kinh và Thiên Tân nói với The Epoch Times rằng các giáo viên đã hướng dẫn phụ huynh không đề cập đến tình trạng bệnh tật của con họ trong các nhóm trò chuyện ở trường, vì sợ “tác động tiêu cực đến người khác”.

Ông Wei, đến từ Bắc Kinh, nói với The Epoch Times: “Mọi thứ đều là bí mật quốc gia”.

Cha mẹ có con mắc bệnh hô hấp đang xếp hàng tại một bệnh viện nhi ở Trùng Khánh, Trung Quốc, ngày 23/11/2023. (Ảnh: CFOTO/Future Publishing qua Getty Images)

Bài học từ lịch sử

Theo ông Lin, nếu 3 năm đại dịch mang đến cho chúng ta bài học nào đó, thì đó là: kiến thức khoa học hiện tại còn quá hạn chế để có thể dự đoán tương lai.

Ông nói: “Chúng ta cần phải rất khiêm tốn trước sức mạnh của tự nhiên”. Ông tin rằng đã đến lúc con người cần nhìn vượt ra khỏi các lý luận y tế công cộng thông thường để suy ngẫm về “những điều sai trái trong xã hội và bất kỳ cách thức cơ bản nào để cải thiện xã hội”.

Ông Lin không phải người duy nhất có cái nhìn toàn cục.

Ông Lý Hồng Chí – người sáng lập môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công – vào cuối tháng 8 đã nói với The Epoch Times rằng COVID-19 nhắm vào ĐCSTQ và những người mù quáng đi theo Đảng, bảo vệ Đảng.

Trong bài viết có tựa đề “Lý Tính” công bố vào tháng 3/2020, Đại sư Lý viết: “bản thân ôn dịch chính là đến nhắm vào nhân tâm, đạo đức bại hoại, nghiệp lực to lớn”. Đại sư khuyên mọi người “hãy tránh xa ĐCSTQ tà ác, không đứng cùng phe với tà Đảng”.

Một người đàn ông đang băng qua đường cao tốc vắng người ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 3/2/2020. (Ảnh: Getty Images)

Ông Jonathan Liu – một bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc đang sống ở Ontario (Canada) – đã so sánh Trung Quốc hiện tại với thời kỳ tàn lụi của các triều đại cổ đại, khi mà bệnh dịch giết chết nhiều người và khiến những kẻ thống trị mất dần quyền kiểm soát đất nước.

Dịch bệnh đã bùng phát 2 hoặc 3 năm một lần trong khoảng 3 thập kỷ cuối triều đại Đông Hán, kéo theo đó là các cuộc nổi dậy và giao tranh quy mô lớn giữa các phe phái quân sự.

Vụ lớn nhất xảy ra 3 năm trước khi nhà Hán sụp đổ, khiến người dân chết từng lô từng lô, và hầu như mọi gia đình đều có tang, theo các ghi chép của Tào Thực (Cao Zhi) – là con trai của Tào Tháo và là một nhà thơ có thành tựu.

Ông Liu nói với The Epoch Times: “Văn hóa truyền thống Trung Quốc nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa Thiên (trời) và nhân (người)”. “Khi con người trở nên sa đọa về mặt đạo đức, trời sẽ giáng thảm họa. Đây là cách người xưa nhìn việc này với góc nhìn về hoàn trả nghiệp lực”.

Trung Quốc không thiếu các vấn đề nghiêm trọng trong vài năm qua. Ngoài đại dịch, các trận hạn hán và lũ lụt quy mô lịch sử đã phá hủy mùa màng, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng thiếu lương thực.

Với ngành du lịch đi xuống, lĩnh vực bất động sản hỗn loạn và làn sóng đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi đất nước, Bắc Kinh bị tước đi các đòn bẩy thông thường để có thể cứu nền kinh tế đang suy thoái; cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đang ở mức cao nhất mọi thời đại, gây ra rủi ro chính trị to lớn. Thêm nữa là những căng thẳng với Hoa Kỳ.

Trong một thế kỷ tồn tại, ĐCSTQ đã phát triển nhờ bạo lực và lừa dối; lịch sử của Đảng là đấu tranh chính trị đẫm máu và đàn áp nhân quyền dẫn đến cái chết của hàng chục triệu người Trung Quốc.

ĐCSTQ đã triển khai các công nghệ giám sát ngày càng tinh vi để theo dõi người dân Trung Quốc, xóa bỏ gần như theo thời gian thực mọi lời xì xào bất đồng quan điểm trực tuyến hay ngoài đời thực. Nhưng sự kiểm soát của Đảng đối với công chúng dường như đang suy yếu.

Trong một loạt các cuộc biểu tình nhỏ nổ ra vào tháng 11/2022, giới trẻ Trung Quốc trên toàn quốc – những người chán ngấy với các lệnh phong tỏa dường như vô tận của chế độ – đã xuống đường và lần đầu tiên kêu gọi đảng cầm quyền giải thể.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch

Related posts