Trân Văn (VOA)
24-11-2023
“Tôi thấy nhiều bạn tỏ ra ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền hối lộ để cho SCB và bà Trương Mỹ Lan tiếp tục vi phạm, gây thiệt hại hàng chục tỉ USD. Sao lại có thể ngạc nhiên nhỉ?”
Tuần này, bà Trương Mỹ Lan và Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục khuấy động dư luận sau khi hệ thống truyền thông tại Việt Nam xúm vào khai thác Kết luận điều tra vụ án có liên quan tới bà và sự nghiệp của bà.
Từ khái quát của VnExpress “100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền để dung túng cho SCB” (1), ông Xuân Sơn Võ kể một số chuyện mà theo ông có liên quan đến “Chăm phần chăm”. Chẳng hạn, do tình cờ mà khi tuyển tài xế, ông chọn đúng người từng là cán bộ trong ban quản lý một dự án. Nhân vật này bỏ việc trong ban quản lý dự án, chọn con đường làm tài xế vì không dám ký những tài liệu nghiệm thu có tính chất ảo thuật về chất lượng. Hoặc khi thông báo tuyển người làm vườn, ông nhận được không ít hồ sơ dự tuyển mà đương sự từng là viên chức, vì không “ăn cánh” nên bị hất ra khỏi hệ thống… Ông Sơn tâm tình: Tôi thấy nhiều bạn tỏ ra ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận tiền hối lộ để cho SCB và bà Trương Mỹ Lan tiếp tục vi phạm, gây thiệt hại hàng chục tỉ USD. Sao lại có thể ngạc nhiên nhỉ? Chính tôi ngạc nhiên vì cái sự ngạc nhiên của các bạn. Hay là các bạn chưa bao giờ tiếp xúc với những thể loại như vậy? Vậy thì các bạn quá là may mắn.
Xuân Sơn Võ nhấn mạnh: 100% cái gì thì tôi không dám chắc nhưng 100% cùng nhau tìm cách moi móc, tróc nã thì tôi tin chắc chắn là thường xuyên có như vậy. Chẳng có gì ngạc nhiên khi 100% thành viên đoàn thanh tra nhận hối lộ cả. Ngay cả khi kẻ bị thanh tra có bị truy tố, bị bắt thì tôi cũng không tin rằng các thành viên thanh tra không nhận hối lộ của chính kẻ bị truy tố, bị bắt. Tôi sẽ chỉ ngạc nhiên khi họ không nhận hối lộ thôi. Những người không bước vô, hoặc bị loại ra khỏi số 100% ấy, bây giờ đang đầu quân trong đội ngũ shipper, lái taxi, làm vườn, hoặc các công việc phổ thông. Một số ít những người rút ra khỏi số 100% ấy thành đạt, một số phải ra nước ngoài sinh sống, số khác thì bị các cựu đồng liêu bòn rút, dần dà trở thành doanh nghiệp thân hữu. Vài người dấn thân cải thiện con số 100% thì đang ở trong tù, hoặc bị đày biệt xứ. Ở bộ máy 100% này, làm gì có chuyện đứng ngoài, nhất là khi được hưởng lợi. Chỉ cần không đồng thuận, bạn sẽ bị cô lập và bị đá đít. Muốn tồn tại trong bộ máy, thì phải 100% trong mọi việc (2).
Một số người như ông Nguyễn Ngọc Chu thì dựa vào các bài tóm tắt kết luận điều tra của hệ thống truyền thông chính thức nêu ra hàng loạt thắc mắc: Bà Trương Mỹ Lan là chủ nhiều dự án bất động sản tại các khu đất vàng của TP.HCM (Times Squares, Union Square, Khách sạn Duxton,… Việc chuyển giao các khu đất vàng này có tuân thủ đúng pháp luật không? Có bỏ sót tội phạm trong lĩnh vực này hay sẽ xem xét vấn đề này vào lúc khác? Trong vụ án Việt Á, số tiền là lợi bất chính khoảng 1.200 tỉ, số tiền hối lộ là 106 tỉ nhưng đã phải xử lý đến ba Uỷ viên Trung ương Đảng. Vụ án Vạn Thịnh Phát có mức độ sai phạm lớn hơn rất nhiều, lập kỷ lục về thất thoát và hối lộ và thất thoát nhưng chưa thấy cán bộ cao cấp nào liên đới trong khi chỉ riêng Dự án chuyển đổi công năng cảng Sài Gòn thì ông Dương Chí Dũng từng khai, bà Lan đã nhờ ông Dũng chuyển cho cố Thứ trưởng Phạm Quý Ngọ một triệu USD. Mức độ sai phạm của vụ án Vạn Thịnh Phát mà chỉ liên quan đến cấp vụ trưởng, cục trưởng thì có bình thường không?
Ông Chu còn bày tỏ một số băn khoăn như: Đã nhận tiền thì phải có nguyên do. Làm sao có thể xác định “nhận tiền mà không có động cơ”, “không cam kết làm gì có lợi cho bên đưa tiền”. Cho nên – “Người nhận ít, không có động cơ; nhận tiền vào dịp lễ tết như bồi dưỡng, quà, không cam kết làm gì để có lợi cho bên đưa tiền sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng về nguyên nhân, hoàn cảnh. Các trường hợp này sẽ không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật đảng và hành chính” – không phải “có lý có tình” mà đã vận dụng không đúng luật pháp. Đã có tội thì chiếu theo luật mà xử, tại sao lại “không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật đảng và hành chính”? Các thầy cô giáo giảng dạy về luật sẽ giải thích ra sao cho sinh viên về “nhận tiền mà không có động cơ, không cam kết làm lợi cho người đưa tiền”, “không xử lý về mặt hình sự nhưng xử lý nghiêm về kỷ luật Đảng và hành chính”? Đây có phải là điểm mới, khác biệt của của Nhà nước Pháp quyền XHCN (3)?
Cũng dựa vào tóm tắt kết luận điều tra của các cơ quan truyền thông chính thức, Bá Kiếm Mai phong bà Trương Mỹ Lan là… “Thánh Gióng – Cái” vì sự nghiệp lớn như thổi và rõ ràng nhờ được thổi: Năm 2006 bà Lan được Phòng Thương mại và Công nghiệp (TMCN) Việt Nam trao tặng “Cúp Thánh Gióng” và danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Cũng năm này, bà Lan tiếp tục được Phòng TMCN Việt Nam trao tặng “Cúp Bông Hồng Vàng” vinh danh nữ doanh nhân Việt Nam xuất sắc năm 2006. Năm 2007, bà Lan được Ủy ban MTTQ TP.HCM tặng bằng khen nhờ “tích cực tuyên truyền vận động và ủng hộ vì người nghèo 2006. Năm 2011, ba Lan bội thu huy hiệu, bằng khen, huân chương ví dụ như “Huy hiệu TP.HCM” vì có “thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố”, Huân chương Lao động hạng Ba vì “thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác xã hội từ thiện từ năm 2006 đến năm 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ Quốc…
Bá Kiếm Mai dự đoán: Trương Mỹ Lan tha hồ kể công lao hãn mã với hội đồng xét xử (4)!
***
Thêm vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát là lý do Nguyễn Huy Cường bàn về “Những sư đoàn ngủ”. Ông Cường cho rằng: Cho dù những bộ phận đảm nhận vai trò giám sát có mặt khắp nơi – ngay cả trường tiểu học cũng có một “Tiêu ban Thanh tra”, lĩnh vực ngân hàng thì các bộ phận đảm nhận vai trò giám sát còn nhiều hơn nữa, chưa kể tổ chức đảng từ thấp đến cao cũng có hệ thống giám sát riêng, rồi các bộ phận chuyên môn của công an. Nhìn chung giám sát là tầng tầng, lớp lớp, có thể ví von như những sư đoàn và lực lượng tham gia chống tham nhũng rất hùng hậu, bài bản, tốn kém nhưng nhìn vào vụ Trương Mỹ Lan thì không có nơi nào lực lượng nào nhìn ra và triệt phá hiệu quả và hậu quả thế nào thì ta đã biết – đó là “những sư đoàn ngủ”. Cho nên, trong trường hợp này, có thể viết hoa cả dòng này: CƠ CHẾ GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT, NGĂN CHẶN, GÌN GIỮ SỰ BỀN VỮNG CỦA PHÁP CHẾ, RĂN ĐE, TRỪNG TRỊ THAM NHŨNG ĐÃ VÔ DỤNG (5).
Sau khi điểm lại một số sự kiến liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát trong hơn một thập niên để chứng minh sự nghiệp của bà Lan dính líu đến rất nhiều viên chức cao cấp và rất nhiều cái chết bất thường – từ ông Phạm Quý Ngọ (Thượng tướng, Thứ trưởng Công an – tháng 2/2014), đến ông Nguyễn Tiến Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt, kiêm thành viên HĐQT độc lập – đột tử tháng 10/2022), bà Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT SCB – đột tử trong trại giam tháng 10/2022), ông Nguyễn Ngọc Dương (Giám đốc Sài Gòn Peninsula – tự tử tháng 10/2022), ông Hứa Ngọc Thuận (cựu Phó Chủ tịch TP.HCM – tự tử tháng 11/2022),… Mai Hoa Kiếm nhận định: Vụ án Vạn Thịnh Phát rồi cũng sẽ tương tự các đại án khác. Nhà nước sẽ tịch thu tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan sung vào công quỹ nhưng dân chúng – các nạn nhân của vụ án này sẽ mất tất cả tài sản mà họ kiếm được từ mồ hôi, nước mắt để gởi vào SCB, đầu tư vào trái phiếu của hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát.
Mai Hoa Kiếm nhận định: Giới chức chóp bu câu kết, ăn chia với giới tài phiệt mà đằng sau có cả mafia nước ngoài để rút ruột ngân khố, ăn trên xương máu, nỗi thống khổ, sự bần cùng của người dân trong khi những kẻ “lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối” chỉ biết nhận công chứ không bao giờ biết nhận trách nhiệm khi để xảy ra hàng chục vụ đại án dưới thời của họ. Cuối cùng dân tiếp tục cúng nạp tiền của họ cho đảng, qua trung gian là đám “củi” to, “củi” nhỏ (6).
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/100-thanh-vien-doan-thanh-tra-nhan-tien-de-dung-tung-cho-scb-4679130.html
(6) https://www.facebook.com/tiengdanbao/posts/pfbid02Jq9iD2BcUMobpJesrXifXdBkE83iGZQgAMt5UmdUAYh87ySAPRjpzg7bGs9FE4DCl Bình Luận từ Facebook