Lê Kung Diễm
“Ngày Chủ Nhật, ngày của riêng mình”. Không chỉ ngày của riêng đôi tình nhân mà còn là ngày của hầu hết người dân ở Berlin, CHLB Đức! Thủ đô Berlin có gì lạ trong ngày Chủ Nhật?
Ngày Chủ Nhật “buồn!”
Tôi dành cả ngày Chủ nhật để đi bộ và chuyển qua tàu điện, xe buýt nhiều chặng, lang thang qua nhiều đường phố ở Berlin để cảm nhận sự vắng lặng đến … buồn ơi là buồn! Gần 10 giờ, đường phố vẫn tĩnh mịch. Các chung cư thì vẫn như mọi ngày, cửa chính luôn im ỉm đóng. Hẳn trong mỗi căn phòng, mỗi gia đình, có lẽ người ta đang chuẩn bị bữa sáng tại nhà. Cả một tuần đã dành hết năng lượng cho việc làm, học tập v.v. Ngày Chủ Nhật là ngày thư giãn, phục hồi năng lượng sẵn sàng dành cho tuần tới. Và cứ thế, như một vòng quay. Ăn sáng trễ, không còn vội vội vàng vàng. Xong, cả nhà kéo đến công viên hoặc cùng nhau đạp xe, lái xe hơi về vùng ngoại ô nghỉ ngơi, ăn uống… Bà T.T.K.V, chủ một tiệm bán đồ Châu Á, sống hơn 35 năm ở Đức, chia sẻ: “Chúng em buôn bán cả tuần. Chiều thứ Bảy là đóng cửa sớm. Thay vì Chủ Nhật nghỉ tại chung cư ở Berlin, bọn em về quê, nhà riêng cách Berlin hơn 30 cây số. Về đây nếu không dọn vườn, cắt cỏ thì làm thức ăn cho tuần sau. Thỉnh thoảng tổ chức gặp mặt bạn bè, hàng xóm, đồng hương cùng nướng thịt, uống bia cho vui. Sáng sớm thứ Hai lại quay lên mở cửa tiệm. Cứ quần tới quần lui vậy đó anh!”.
Một số hàng ăn, quán cà phê ngồi tại chỗ, có thêm bán hàng mang đi. Trên đường, đâu đâu cũng thấy mấy anh shipper phóng xe đạp ào ào cho kịp giờ giao hàng. Lác đác trên vài con đường là công nhân vệ sinh, xe quét đường hoạt động. Ngày thường, xe, tàu ngược xuôi như mắc cửi, người thì sải bước hối hả. Xe buýt, tàu điện vào Chủ Nhật thì sau 10 phút đến 20 phút mới có một chuyến không như từ thứ Hai đến thứ Bảy, cứ 2 phút đến 3 phút có một chuyến. Tiếng cười đùa, gọi nhau í ới của học sinh cũng im vắng.
Sự sôi động ồn ã dành hết cho những đoạn đường có nhà hàng, quán ăn, quán cà phê …Thực khách ngồi kín các bàn kê cả ra ngoài vỉa hè. Vừa ăn uống vừa…tắm nắng. Ở Quảng trường Alexanderplatz, khá đông khách du lịch. Sau đại dịch cúm Tàu, thành phố Berlin vẫn trong tốp đầu danh sách các điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới, thu hút nhiều du khách quốc tế.
Có đoàn kéo đến xem biểu diễn nghệ thuật đường phố như ảo thuật, đàn hát …một cách chăm chú, say sưa.
Có đoàn thì ghé đến Đồng hồ Thế giới khổng lồ kiểu tháp pháo để chụp ảnh. Đồng hồ được xây dựng năm 1969 ở Đông Đức. Điểm đặc biệt của cái đồng hồ này là nó giúp người xem biết được giờ hiện tại ở gần 150 nước trên thế giới.
Khu vực của trung tâm mua sắm hôm nay vắng vẻ. Chả bù các ngày trong tuần, 2 trung tâm bán hàng điện tử lớn nhất của Đức ở Alexanderplatz là Saturn và Media Markt; Shop quần áo Primark người ra vô tấp nập … Cô H.Y.K.V., giám đốc một công ty thương mại và dịch vụ ở Đà Nẵng, bạn với con gái tôi. Cô K.V. sang Thụy Sĩ thăm gia đình chị gái, luôn thể chọn ngày cuối tuần đến Berlin, hứa hẹn ngày Chủ Nhật sẽ …vung tay mua sắm. Nhưng ý định của cô không thực hiện được. Gần hết cả buổi sáng, cô ăn bánh ngọt và uống cà phê … an ủi ở Alexanderplatz. “Ngày Chủ Nhật buồn. Còn ai còn ai…”.
Theo Hiến pháp của Đức, ngày Chủ Nhật là ngày nghỉ. Viên chức nhà nước, công nhân lao động dành trọn ngày này cho … nghỉ ngơi, thư giãn. Quy định này đã có từ năm 1919. Ngoại trừ nhân viên bệnh viện, cảnh sát … vẫn hoạt động 24/24 và các tiệm bán bánh mì mở cửa phục vụ khách hàng trong buổi sáng. Tất cả các siêu thị lớn (REWE, ALDI, dm, ROSSMANN, IKEA…) đến quầy hàng, cửa hiệu bán hàng nhỏ đến hiệu thuốc tây … cũng đóng cửa. Một số cửa tiệm ăn uống, quán cà phê, bán hoa, bán báo được phép mở cửa. Trừ một số trường hợp đặc biệt có vài khu vực vẫn được hoạt động kinh doanh. Vì vậy, tận dụng … cơ hội, có một số nơi lén mở cửa hoạt động. Nhưng nếu bị phát hiện sẽ bị phạt. Có thể bên cạnh lý do về tôn giáo, ngày của Chúa, nước Đức muốn người dân mình dành thời gian … sống trọn vẹn với người thân trong gia đình. Tuy là quy định chung như vậy nhưng từ đầu năm 2000, thủ đô Berlin đã có nới lỏng một số quy định và nhiều bang khác cũng có cơ hội “ăn theo”…Năm 2017, có một khảo sát ở Đức cho thấy 61% số người được hỏi đã cho biết, nên để quán xá tự quyết định giờ giấc đóng cửa.
Đến khi đại dịch COVID-19 đi qua thì việc nới lỏng quy định có dễ dãi hơn khi kinh tế cần vực dậy, cần kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân. Một số hoạt động kinh doanh, nhất là buôn bán online cũng “xông pha” ra… thị trường. Dịch vụ bán hàng trực tuyến này khá nhộn nhịp trong ngày Chủ Nhật. Một sinh viên người Ấn Độ cho biết, có ngày Chủ Nhật anh làm để kiếm thêm. Anh hợp đồng miệng, nhận giao hàng cho một siêu thị mi-ni từ 10 giờ đến 20 giờ trong ngày, thu nhập được 165 euro. Tuy đạp xe đi và về nhiều lượt đến … hụt hơi (giao hàng trong vòng bán kính 4 km) nhưng số tiền như vậy đối với anh ta là quá nhiều!
Mới hay thực tế, nhu cầu cuộc sống đã “điều chỉnh” những luật lệ, quy định. Ai đã ổn định về đời sống thì Chủ Nhật cứ nghỉ ngơi, thư giãn. Ai cần có thêm thì cứ làm.