Đừng quên những cuộc phiêu lưu thuộc địa của ĐCSTQ

Kevin Andrews

Những con hạc giấy Origami “Tây Tạng Tự do” được trưng bày khi những người biểu tình ủng hộ Tây Tạng vẫy cờ trước khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tổ chức một cuộc họp báo tại khách sạn Hilton Narita ở Narita, Nhật Bản, hôm 10/04/2008. (Ảnh: Koichi Kamoshida/Getty Images)

Có vẻ như cách đây gần một thế hệ, tay đua xe đạp vô địch thế giới người Úc, ông Cadel Evans, đã gây ra tranh cãi khi mặc một chiếc áo thun in dòng chữ Tây Tạng Tự do bên dưới chiếc áo thi đấu của ông.

Ông Evans, người Úc duy nhất vô địch giải đua Tour de France, giải thích: “Cố gắng để nhiều người hơn biết về phong trào Tây Tạng là điều mà ai đó ở vị trí của tôi có thể làm được. Tôi chỉ cảm thấy thực sự tiếc nuối cho họ. Họ không làm hại ai và nền văn hoá của họ đang bị tước đoạt.”

Cũng như ở những khía cạnh khác, Tây Tạng được nhiều người nổi tiếng ủng hộ, nhưng vấn đề nổi cộm của họ đã dần phai mờ trong nhận thức của công chúng.

Đây là một điều đáng tiếc, vì họ là ví dụ đầu tiên cho chủ nghĩa thực dân Bắc Kinh đang diễn ra và vẫn là một bài học về việc các nạn nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải gánh chịu những hậu quả tàn khốc.

Trong cuộc đấu tranh giành sự chú ý toàn cầu, không có gì ngạc nhiên khi những trường hợp khủng bố và hành vi man rợ kinh tởm nhất lại thu hút sự quan tâm lớn nhất trên toàn cầu — đặc biệt là những hành động tàn bạo đối với người Israel gần đây và các phản ứng khác biệt.

Các cuộc xung đột khác, trong đó có cuộc chiến không hồi kết ở Ukraine, sự đàn áp người Miến Điện và cuộc tàn sát ở Nigeria, đã không còn chiếm các tiêu đề báo chí, thay vào đó là những sự kiện kinh hoàng mới.

Phải rất khó khăn thì những hành vi như gây hấn, vi phạm nhân quyền, coi thường các chuẩn mực và luật pháp quốc tế cũng như sự nô dịch trắng trợn nhận được sự công nhận và bị lên án.

Tôi đã được nhắc nhở về những sự kiện khác này qua tin tức gần đây về việc ĐCSTQ đang tiếp tục đàn áp Tây Tạng — và những nỗ lực kỳ lạ của ban lãnh đạo đảng nhằm bổ nhiệm người đứng đầu tinh thần tiếp theo của Phật giáo Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là một phần trong nỗ lực kéo dài gần một thế kỷ của ĐCSTQ nhằm xâm chiếm Tây Tạng và phá hủy nền văn hóa của quốc gia này.

Xâm lược và thuộc địa hóa

Quan điểm cho rằng Tây Tạng có nguồn gốc tương đối cận đại và chỉ đơn thuần là một tỉnh lỵ của Trung Quốc, là một tuyên truyền của ĐCSTQ, vốn không có tính xác thực về mặt lịch sử. Ý tưởng coi Trung Quốc là một quốc gia-dân tộc cũng là một phát minh tương đối mới.

Một nền văn hóa, tôn giáo, và đế chế riêng biệt của Tây Tạng có thể bắt nguồn từ ít nhất 1,000 năm trước Công nguyên. Đến năm 600 sau Công nguyên, một đế chế Tây Tạng rộng lớn đã trải dài khắp Trung Á.

Năm 1642, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm đảm nhận cả quyền lực tinh thần và thế tục đối với Tây Tạng. Ông đã thành lập chính phủ Tây Tạng và được Hoàng đế Mãn Châu mời đến Trung Quốc, người đã đón tiếp ông như một vị vua độc lập và bình đẳng.

Rất ít ghi chép lịch sử trong các thế kỷ qua ủng hộ tuyên bố sai lầm của ĐCSTQ rằng Tây Tạng đã đầu hàng Trung Quốc, hoặc không phải là một quốc gia riêng biệt có chủ quyền. Những lời khẳng định của ĐCSTQ chỉ là những lời khẳng định vô căn cứ.

Mặt trước Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng, hôm 31/3/2022. (Ảnh: VCG qua Getty Images)
Mặt trước Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng, hôm 31/3/2022. (Ảnh: VCG qua Getty Images)

Vào tháng 09/1949, Trung Quốc cộng sản, không có bất kỳ hành động khiêu khích nào, đã xâm chiếm miền đông Tây Tạng.

Vào tháng 11/1950, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đảm nhận toàn bộ quyền lực Tinh thần và Thế tục với tư cách là Nguyên thủ Quốc gia do những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà quốc gia này đang phải đối mặt, mặc dù ông chỉ mới 16 tuổi.

Năm 1951, một phái đoàn Tây Tạng đến Bắc Kinh để đàm phán về cuộc xâm lược này, đã bị buộc phải ký cái gọi là “Thỏa thuận 17 điểm về các Biện pháp Giải phóng Hòa bình ở Tây Tạng” — với những lời đe dọa sẽ có thêm hành động quân sự.

ĐCSTQ sau đó đã sử dụng tài liệu này để thực hiện kế hoạch biến Tây Tạng thành thuộc địa của mình, bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của người dân Tây Tạng. Họ cũng vi phạm mọi điều khoản của “hiệp ước” bất bình đẳng mà họ đã áp đặt đối với người Tây Tạng.

Ngày 09/09/1951, hàng ngàn quân Trung Quốc tiến vào Lhasa.

Việc cưỡng bức chiếm đóng Tây Tạng được đánh dấu bằng việc phá hủy một cách hệ thống các tu viện, đàn áp tôn giáo, tước đoạt tự do chính trị, bắt giữ trên diện rộng, bỏ tù và tàn sát đàn ông, phụ nữ và trẻ em vô tội.

Vào ngày 10/03/1959, trong Cuộc nổi dậy Toàn quốc của người Tây Tạng chống lại ĐCSTQ, cuộc kháng chiến của người Tây Tạng đã lên đến đỉnh điểm ở Lhasa.

Hàng ngàn đàn ông, phụ nữ, và trẻ em bị tàn sát trên đường phố, nhiều người khác bị cầm tù và trục xuất.

Các tăng ni là mục tiêu chính. Các tu viện và đền thờ bị pháo kích.

Một tuần sau, Đức Đạt Lai Lạt Ma rời Lhasa và trốn thoát khỏi sự truy đuổi của Trung Quốc để xin tị nạn chính trị ở Ấn Độ.

Tiếp theo ông là một cuộc di cư chưa từng có của người Tây Tạng, nhiều người đến thành phố Dharamsala phía bắc Ấn Độ, nơi chính phủ lưu vong Tây Tạng hoạt động.

Sự đối lập của ĐCSTQ

Lịch sử sáu thập niên vừa qua là chủ nghĩa thực dân của Trung Quốc và những nỗ lực trắng trợn nhằm xóa bỏ văn hóa và tôn giáo Tây Tạng. Sự việc này đã trở nên trầm trọng hơn dưới sự cai trị của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.

Về căn bản người Tây Tạng là tù nhân trên chính mảnh đất của họ.

Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc (mặc đồng phục màu xanh lá cây) bảo vệ lối ra khi các nhà sư Tây Tạng (giữa) bước ra khỏi sân vận động vào cuối lễ hội do chính quyền địa phương tài trợ ở Yushu, tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, hôm 25/07/2016. (Ảnh: Nicolas Asfouri /AFP qua Getty Images)
Cảnh sát bán quân sự Trung Quốc (mặc đồng phục màu xanh lá cây) bảo vệ lối ra khi các nhà sư Tây Tạng (giữa) bước ra khỏi sân vận động vào cuối lễ hội do chính quyền địa phương tài trợ ở Yushu, tỉnh Thanh Hải phía tây bắc Trung Quốc, hôm 25/07/2016. (Ảnh: Nicolas Asfouri /AFP qua Getty Images)

Phần lớn các doanh nghiệp sinh lời đều do người Hán sở hữu và điều hành.

ĐCSTQ khuyến khích người Hán di cư vào Tây Tạng trong khuôn khổ chiến lược kéo dài hàng thập niên, với mục đích biến người Tây Tạng thành bộ phận thiểu số trên chính đất nước của họ. Chính quyền này cũng giúp người Hán nhập cư có vốn để khởi nghiệp.

Một triệu học sinh Tây Tạng đã bị tách khỏi cha mẹ và được đưa vào các trường nội trú của chính quyền.

Vào tháng 05/1995, chỉ ba ngày sau khi cậu bé Gedhun Choekyi Nyima sáu tuổi được phong là Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 (Panchen Lama) — người kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma hiện tại — cậu và gia đình đã bị chính quyền bắt cóc và kể từ đó không ai còn nhìn thấy họ.

Thay vào đó, ĐCSTQ đã tổ chức thay thế Ban Thiền Lạt Ma của riêng mình, cậu bé Gyaincain Norbu, sáu tuổi.

Một thập niên sau, vào năm 2007, chính quyền này đã ban hành một sắc lệnh khác để quản lý việc kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Bỏ qua sự mỉa mai về việc chế độ cộng sản vô thần quyết định quá trình tái sinh của Lạt ma, thì những sự kiện này lẽ ra phải là lời cảnh báo đối với các tôn giáo khác, đặc biệt là những tôn giáo có cơ cấu thứ bậc không thuộc về Bắc Kinh.

Ban lãnh đạo ĐCSTQ gần đây đã thông báo rằng “các biện pháp hành chính đối với các địa điểm hoạt động tôn giáo” đã bắt đầu được thực hiện từ hôm 01/09/2023.

Đây là một hành động khác của ĐCSTQ nhằm chinh phạt và giành quyền kiểm soát các tổ chức tôn giáo ở Trung Quốc và các khu vực do ĐCSTQ chiếm đóng.

Điều 3 của Lệnh này quy định rằng các địa điểm hoạt động tôn giáo phải “tuân thủ ban lãnh đạo ĐCSTQ và hệ thống xã hội chủ nghĩa,” áp dụng các nguyên tắc chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi.

Những biện pháp này nhằm mục đích đàn áp tôn giáo dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ. Tuy nhiên, các tổ chức tôn giáo khác, chẳng hạn như Vatican, vẫn bám vào niềm tin ngây thơ rằng ĐCSTQ sẽ ngừng đàn áp tôn giáo thông qua một thỏa thuận mà chính quyền này đã vi phạm.

Học thuyết cộng sản của ĐCSTQ mâu thuẫn với mọi tôn giáo. Chính chủ tịch Mao đã nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi rằng “tôn giáo là một chất độc.”

Kinh nghiệm của Tây Tạng trong 75 năm qua là một dấu hiệu rõ ràng về chính sách thuộc địa hóa của ĐCSTQ.

Úc, cũng giống như Hoa Kỳ, nên áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về hành động bức hại trẻ em Tây Tạng, và các chính sách ép buộc thực hiện một chương trình đàn áp văn hóa có hệ thống.

Chúng ta cũng nên cười nhạo đề nghị vô lý rằng một chế độ cộng sản vô thần có thể quyết định ai sẽ là người đứng đầu tinh thần tiếp theo của Phật giáo Tây Tạng.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts