Tháng 14 liên tiếp giảm phát – Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro gì?

Quang Nhật

Tháng 14 liên tiếp giảm phát - Trung Quốc đang phải đối mặt với những rủi ro gì?
Một chiếc Ferrari và một người đi xe đạp trên một con đường ở Bắc Kinh vào ngày 25/02/2011. Hình ảnh này minh họa cho mức độ chênh lệch giàu nghèo cực lớn ở Trung Quốc. (Ảnh: Peter Parks/AFP qua Getty Images)

Lạm phát cao luôn là nỗi sợ hãi của người dân kể từ khi tiền tệ không còn neo vào vàng bởi vì lạm phát trực tiếp “đánh cắp” tiền bạc, tài sản của họ. Nhưng ít người biết rằng giảm phát cũng đáng buồn không kém. Số liệu giá tiêu dùng, giá thực phẩm và giá sản xuất vừa công bố cho thấy Trung Quốc tiếp tục chìm trong giảm phát tháng thứ 14 liên tiếp. Điều này có thể dẫn tới các hậu quả gì cho nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu?

Tháng thứ 14 liên tiếp chìm trong giảm phát

Chỉ số giá tiêu dùng CPI, một thước đo tham chiếu gần nhất của lạm phát, đã giảm tháng thứ 14 liên tiếp, mức giảm thấp nhất trong 3 năm qua tại Trung Quốc, số liệu tháng 11/2023 mới công bố.

Theo Trading Economics, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc giảm 0,5% so với cùng kỳ trong tháng 11 năm 2023, cao hơn mức giảm 0,2% của tháng trước. Đây là mức giảm giá tiêu dùng nhanh nhất kể từ tháng 11/2020, do giá thực phẩm tăng giảm với tốc độ mạnh nhất trong hơn hai năm (-4,2% so với -4,0% trong tháng 10/2023). Giá thực phẩm giảm chủ yếu do giá thịt lợn giảm.

Chỉ số giá CPI và lạm phát giá nhà sản xuất đều giảm mạnh tại Trung Quốc trong 14 tháng liên tiếp (Nguồn: Trading Economics)

Chỉ số giá nhà sản xuất giảm 3,0% so cùng kỳ vào tháng 11/2023, giảm sâu hơn mức giảm 2,6% vào tháng trước và nhiều hơn mức ước tính của thị trường là giảm 2,8%. Đây là tháng thứ 14 liên tiếp giá nhà sản xuất Trung Quốc suy giảm và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2023.

Giá nhà sản xuất của Trung Quốc giảm tháng thứ 14 liên tiếp (Nguồn: Trading Economics)

Tiêu dùng trong nước và thế giới yếu khiến khai thác mỏ và than giảm mạnh (-7,3% so với -6,2%), nguyên liệu thô (-3,2% so với -2,3%), ngành chế biến (-3,1% so với -3,0%). Ngoài ra, giá hàng tiêu dùng giảm tăng tốc (-1,2% so với -0,9%), kéo theo giá thực phẩm giảm (-1,7% so với -1,2%) và hàng tiêu dùng lâu bền cũng giảm sâu hơn (-2,2% so với -2,0%).

Những điều tệ hại mà giảm phát mang lại

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) [1], giảm phát được định nghĩa là sự sụt giảm giá cả, dẫn đến sự thay đổi tiêu cực của chỉ số giá trong một thời gian dài.

Có một số nguyên nhân sau dẫn đến giảm phát:

Thứ nhất, người tiêu dùng giảm chi tiêu bởi vì họ kỳ vọng giá sẽ tiếp tục giảm hoặc đơn giản là người tiêu dùng mất niềm tin vào môi trường kinh tế vĩ mô, họ tiết kiệm chi tiêu để đảm bảo an ninh kinh tế trong tương lai cho bản thân và gia đình. Điều này đặc biệt đúng khi tình trạng tiêu dùng trong nước suy yếu kèm theo thất nghiệp gia tăng.

Thứ hai, giảm phát xảy ra còn có nguyên nhân là dư cung hàng hoá trong một thời gian dài. Dư cung khiến hàng hoá tràn ngập thị trường, cạnh tranh không lành mạnh diễn ra khiến giá cả suy giảm. Nhưng cũng bởi thế, vòng luẩn quẩn lại diễn ra ở đây. Cầu yếu đi, tiêu dùng ít đi trong khi dư cung hàng hoá. Tình trạng này nếu cùng xảy ra thì giảm phát sẽ trở thành vấn đề khó vãn hồi hơn. Tình trạng giảm phát, bởi thế, xói mòn động lực, niềm tin đầu tư trong nền kinh tế thực. Điều này tác động tiêu cực trong tăng trưởng bền vững dài hạn.

Thứ ba, giảm phát thường diễn ra sau khi một thị trường tài sản bị đầu tư quá mức và vỡ bong bóng sau đó. Đây là điều đã xảy ra ở thị trường bất động sản Nhật Bản hồi thập kỷ 1990 và cả Trung Quốc ngày nay.

Thứ tư, giảm phát sẽ làm trầm trọng thêm khả năng trả nợ, xác suất vỡ nợ cao hơn. Nghiên cứu của ADB chỉ ra rằng những khó khăn của giảm phát có thể được tăng cường bởi sự phát triển trong hệ thống tài chính. Giảm phát có ảnh hưởng trái ngược nhau đến các chủ nợ và người mắc nợ, giống như lạm phát. Khi giá hàng hóa và dịch vụ giảm, giá trị thực của đồng tiền tăng lên theo số lượng hàng hóa và dịch vụ nó có thể mua. Do đó, giá trị thực của nợ và việc trả nợ tăng lên. Chi phí gia tăng đối với người mắc nợ có thể dẫn đến xác suất vỡ nợ cao hơn, đặc biệt là giá trị tài sản thế chấp sụp đổ, đe dọa sự lành mạnh của hệ thống tài chính và có thể cả khu vực doanh nghiệp. Điều này đặc biệt đúng khi nợ xấu của nền kinh tế đã lớn trước khi giảm phát.

Trong một kịch bản cả 4 nguyên nhân này đều tồn tại thì đầu tư sụp đổ, thất nghiệp gia tăng, rủi ro vỡ nợ và dòng tiền gửi tháo chạy khỏi ngân hàng là lớn. Vòng xoáy của giảm phát có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn thanh khoản ở ngân hàng thương mại dẫn tới các đổ vỡ lớn hơn trong hệ thống tài chính.

Lối thoát nào cho giảm phát?

Lối thoát cho giảm phát chính là tái cơ cấu nguồn cung theo hướng thay đổi công nghệ đổi mới và sáng tạo để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao, định hướng tiêu dùng và kích thích tiêu dùng mới. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cần đảm bảo thanh khoản cho các NHTM và xử lý nợ xấu. Một cuộc cách mạng về tư duy đầu tư, tiêu dùng và cải cách thị trường tài chính cần đồng thời diễn ra. Hiển nhiên, quy trình này sẽ chậm chạp. Nhật Bản mất cả hai thập kỷ để sửa chữa hệ luỵ của giảm phát. Một khoản đầu tư lớn và sự hỗ trợ khoa học, công nghệ, thị trường tiêu dùng khổng lồ của Mỹ, châu Âu đã hỗ trợ Nhật Bản trong những thập kỷ mất mát này.

Rõ ràng, sửa chữa giảm phát còn khó khăn, tốn kém hơn nhiều so với xử lý lạm phát mà Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang đối mặt.

Khi nền kinh tế chìm trong giảm phát, các NHTW thường mở rộng cung tiền quá mức để kích thích tăng trưởng. Thông thường là giảm lãi suất. Tuy nhiên, sẽ rất rủi ro nếu lãi suất thực ở mức dưới 0% (lãi suất thực là lãi suất danh nghĩa theo tuyên bố trừ di lạm phát). Nhưng nếu nền kinh tế chìm sâu vào cả 4 nguyên nhân như liệt kê ở trên thì tiền bơm ra không còn tác dụng, tiêu dùng yếu, đầu tư yếu và kết quả là tăng trưởng không phục hồi. Tuy nhiên, điều tốt là mở rộng cung tiền có thể giúp các NHTM giảm thiểu khó khăn thanh khoản do nợ xấu và vỡ nợ hàng loạt xuất hiện trong nền kinh tế.

Trong trường hợp như vậy, việc mở rộng cung tiền có thể khiến nền kinh tế rơi vào cái gọi là bẫy thanh khoản. Bẫy thanh khoản là hiện tượng trong đó chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất để rồi lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định, khiến cho mọi người quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng tiền mặt và chính sách tiền tệ trở nên bất lực.

Thực tế ở Trung Quốc

Vấn đề là Trung Quốc đang xuất hiện cả 4 nguyên nhân thúc đẩy tình trạng giảm phát hiện nay. Cả 4 nguyên nhân đều tiêu cực và rõ nét.

Thứ nhất, người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu vì cả hai lý do: kỳ vọng giá tiếp tục giảm cũng như bảo vệ an ninh kinh tế của bản thân và gia đình trong tương lai. Điều này dễ hiểu khi làn sóng thất nghiệp ở người trẻ gia tăng. Trung Quốc thậm chí không công bố số liệu thất nghiệp trong nhóm thanh niên (16-24 tuổi) kể từ tháng 8/2023 sau khi tỷ lệ này vượt qua con số 21%; một con số kỷ lục. Thêm vào đó, niềm tin vào tương lai suy giảm cũng như kỳ vọng giảm giá khiến người Trung Quốc chưa sẵn sàng bước vào thị trường BĐS nội địa; tâm lý chờ giảm giá đang làm suy yếu thêm khả năng sớm phục hồi của Bắc Kinh. Tiêu dùng nội địa suy yếu hơn khi một lượng lớn tiền của người Trung Quốc tháo chạy khỏi biên giới để tìm tới các thị trường BĐS như Singapore, Anh, các nền kinh tế thuộc Châu Âu và Mỹ.

Thứ hai, tình trạng dư cung trong một thời gian dài. Năm 2016-2017, Trung Quốc bắt đầu chương trình tái cải cách tổng cung. Một chương trình đưa ra với mục tiêu đóng cửa các doanh nghiệp đang sản xuất trong các ngành dư cung như nguyên vật liệu xây dựng (xi-măng, sắt thép…), đào tạo mới, đào tạo lại lực lương lao động để chuyển đổi sang các ngành thiếu cung, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao hơn như chất bán dẫn, chip,… Tuy nhiên, chương trình này vừa khởi đầu thì Trung Quốc đã phải đối diện với cuộc chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng vào năm 2018. Các biện pháp đánh thuế nhắm vào hàng hoá dư cung của Trung Quốc khiến nước này khó khăn hơn. Cho tới nay, có thể khẳng định chương trình tái cải cách tổng cung của Trung Quốc chưa đạt được kết quả như mong muốn. Thêm vào đó, cung tiếp tục dư thừa trong suốt 3 năm thực thi chính sách “zero-Covid”. Tiêu dùng suy yếu do thu nhập giảm, thất nghiệp tăng, niềm tin mất mát khiến tình trạng dư cung trở nền trầm trọng hơn.

Thứ ba, vỡ bong bóng thị trường BĐS. Đầu tư, đầu cơ quá mức trên thị trường BĐS khiến giá BĐS bị đẩy lên cao. Năm 2022, theo Numbeo, chỉ số giá BĐS/thu nhập của Trung Quốc bình quân đạt 38 lần. Con số này đã giảm còn 34 lần sau khi thị trường BĐS lao dốc. Nhưng thị trường BĐS đã vỡ bong bóng kèm theo làn sóng phá sản doanh nghiệp phát triển BĐS Trung Quốc trong suốt 2 năm vừa qua.

Thứ tư, làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp và cá nhân trên thị trường tài chính phát triển (nhưng không được giám sát rủi ro đủ mức) làm trầm trọng thêm tình trạng giảm phát. Làn sóng này nguy hiểm vì Trung Quốc là một quốc gia nghiện tín dụng. Thêm vào đó, thị trường tài chính phát triển mạnh với cả hệ thống NHTM và các ngân hàng ngầm. Ngân hàng ngầm là các công ty tài chính, các quỹ cho cá nhân và doanh nghiệp vay nợ nhưng không bị giám sát như ngân hàng. Khu vực này là nơi cung cấp 1/3 vốn tín dụng cho nền kinh tế Trung Quốc.

Làn sóng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp của các tập đoàn phát triển bất động sản tư nhân Trung Quốc đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư toàn cầu. Các doanh nghiệp BĐS hàng đầu Trung Quốc như Evergrande, Country Garden rồi đến những doanh nghiệp có doanh thu 100 tỷ nhân dân tệ như Powerlong Real Estate đều lần lượt tuyên bố phá sản. Vỡ nợ xảy ra không chỉ trên thị trường TPDN phát hành bằng đồng USD mà còn trên thị trường tài chính trong nước. Khả năng trả nợ suy giảm cùng với mức giảm phát như mô tả [lý thuyết kinh tế] ở trên.

Bên cạnh vỡ nợ doanh nghiệp, vỡ nợ tiêu dùng của người Trung Quốc tăng kỷ lục. Theo tòa án địa phương trên toàn đại lục, tổng cộng 8,54 triệu người, hầu hết trong độ tuổi từ 18 đến 59, chính thức bị chính quyền đưa vào danh sách đen sau khi không thanh toán được mọi khoản vay từ thế chấp nhà đến các khoản vay kinh doanh.

Con số này tương đương với khoảng 1% người trưởng thành ở Trung Quốc trong độ tuổi lao động, tăng cao hơn nhiều so với 5,7 triệu người vỡ nợ vào đầu năm 2020 do lệnh phong tỏa do đại dịch và các hạn chế khác đã cản trở tăng trưởng kinh tế và thu nhập hộ gia đình bị giảm sút.

Số lượng người vỡ nợ tăng vọt sẽ làm tăng thêm khó khăn trong việc củng cố niềm tin của người tiêu dùng đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nguồn cầu quan trọng toàn cầu.

Theo luật pháp Trung Quốc, những người không trả được nợ khi được đưa vào danh sách đen sẽ bị chặn tham gia một loạt hoạt động kinh tế, bao gồm mua vé máy bay và thanh toán qua các ứng dụng di động như Alipay và WeChat Pay, điều này càng tạo thêm lực cản cho nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản và niềm tin của người tiêu dùng. Quá trình đưa vào danh sách đen được kích hoạt sau khi người đi vay bị các chủ nợ, chẳng hạn như ngân hàng, khởi kiện và sau đó bỏ lỡ thời hạn thanh toán tiếp theo.

Ngoài 4 nguyên nhân chính nêu trên, Trung Quốc không khác gì Nhật Bản hồi thập kỷ 1990 khi dân số già hoá, lực lượng lao động suy giảm.

Các phân tích về thực trạng kinh tế Trung Quốc đối chiếu với cơ sở lý thuyết kinh tế học cho thấy nền kinh tế này khó có thể “sửa chữa” tình trạng giảm phát. Trung Quốc có thể tiếp tục chìm sâu vào thất nghiệp, thu hẹp đầu tư, dòng vốn đảo chiều và người dân cố gắng không tiêu dùng, kèm theo làn sóng vỡ nợ gia tăng.

Bài toán “sửa chữa” tình trạng giảm phát tốt nhất là cải cách tổng cung đã được Trung Quốc thực hiện 5 năm trước cho tới nay vẫn thất bại. Đổi mới khoa học, công nghệ, sáng tạo là nền tảng của cải cách tổng cung. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng với một nền kinh tế không có tự do tư tưởng. Sáng tạo vốn luôn dựa trên nền tảng tự do. Thêm vào đó, các kênh thu hút tri thức, công nghệ mới qua Hong Kong, doanh nghiệp nhà nước liên doanh với các tổ chức khoa học công nghệ ở nước ngoài hay kế hoạch Nghìn nhân tài (chi tiền cho các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu, chia sẻ nghiên cứu…) đã bị đối thủ của Trung Quốc nhận diện và kiểm soát chặt chẽ. [2]

Nhật Bản đã phải trả giá bằng 2 thập kỷ mất mát. Trung Quốc có thể phải trả giá nhiều hơn và chắc chắn sẽ không tồn tại cái gọi là “phép màu tăng trưởng Trung Quốc” trong vài thập kỷ tới.

Quang Nhật

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1] Douglas H. Brooks Pilipinas F. Quising, Danger of Deflation, ADB, December 2022;

[2] https://www.ntdvn.net/trung-my-tran-chien-cuoi-cung-56162.html

Related posts