Nguồn: Thời báo Hoàn cầu | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12. Đây là chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sau 6 năm. Cộng đồng xã hội hai nước tràn đầy hy vọng chuyến đi này sẽ thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam lên một “vị trí mới” và đạt “tầm cao mới”.
Từ tháng 10 năm ngoái đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã lần lượt đến thăm Trung Quốc, mật độ thăm Trung Quốc cao như vậy là điều ít thấy trong quan hệ song phương giữa các nước trên thế giới. Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam có sự giao lưu đi lại mật thiết, thường xuyên đến và đi như thăm người thân, điều đó thể hiện đầy đủ mức độ cao và đặc biệt của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam. Tình hữu nghị sâu sắc “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam làm cho hai nước có mục tiêu đi đến chỗ gặp nhau, cũng có động lực để cùng nhau hợp tác. Điều này có thể khó hiểu đối với một số quốc gia ngoài khu vực.
Trong thời gian từ khi Mỹ “trở lại châu Á – Thái Bình Dương” cho đến lúc Mỹ lộ rõ ý đồ đưa ra và triển khai thực hiện “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” nhằm kiềm chế Trung Quốc, mối quan hệ Trung Quốc – Việt Nam nhận được sự “quan tâm chăm sóc” đặc biệt, một số người thích viết những “tiểu luận” về Trung Quốc và Việt Nam. Việc đi lại bình thường giữa Việt Nam với các nước khác, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh, được họ hiểu là dấu hiệu cho thấy Việt Nam “muốn gia nhập hệ thống của Mỹ”. Theo logic của họ, Trung Quốc và Việt Nam không thể hòa hợp tốt được, Việt Nam là một trong những nước láng giềng của Trung Quốc có hy vọng lớn nhất được lôi kéo vào “đội ngũ Mỹ”. Có lẽ dựa vào phán đoán này mà Mỹ đã tăng cường đáng kể sự lôi kéo Việt Nam, hành động đó đầy ác ý với Trung Quốc và cũng cực kỳ thiếu tôn trọng Việt Nam. Nhưng thực tế chứng tỏ đây chỉ là sự phán đoán sai lầm, hoặc là sự tưởng tượng của phương Tây. Ngoại giao của Việt Nam và mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam hoàn toàn không đi theo con đường ấy.
Tháng 9 năm nay, Tổng thống Mỹ Biden đến thăm Việt Nam; hai bên đồng ý nâng cấp quan hệ giữa hai nước lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Cuối tháng trước, Võ Văn Thưởng đến thăm Nhật Bản cũng đã nâng tầm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên thành “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”. Điều này có nghĩa là trong hệ thống cấp bậc ngoại giao của Việt Nam, Mỹ và Nhật Bản đã có được vị thế ngang hàng với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc. Một số dư luận phương Tây bắt đầu “lo lắng cho Trung Quốc”, nói rằng đây là “thắng lợi ngoại giao” của Mỹ và Nhật Bản, đồng thời là “thất bại ngoại giao”, hay ít nhất là một “tổn thất ngoại giao” của Trung Quốc. Cần nói là trong vài năm qua, những lập luận tương tự của phương Tây đã xuất hiện rất nhiều lần, nhưng cuối cùng chúng đều bị sự phát triển hơn nữa của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam vả vào mặt.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tập Cận Bình cần mang đến cho những kẻ suốt ngày theo dõi quan hệ Trung-Việt nhưng lại đầy dốt nát và đánh giá sai lầm ấy một nhận thức toàn diện và khách quan hơn. Đường lối chính của quan hệ Trung -Việt rất rõ ràng. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều đang thúc đẩy sự nghiệp hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của mình, cả hai đều coi quan hệ Trung – Việt là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mỗi nước và đều coi sự phát triển của đối phương là cơ hội cho sự phát triển của mình. Như Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chỉ ra một cách sâu sắc: “Sự phát triển bền vững, lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung Quốc-Việt Nam phù hợp với lợi ích căn bản của hai đảng, hai nước và hai dân tộc, có lợi cho sự phát triển thịnh vượng của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, có lợi cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định khu vực và thế giới, thúc đẩy phát triển phồn vinh”.
Kể từ đầu năm nay, sự hợp tác thiết thực giữa Trung Quốc và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực đã tăng tốc rõ rệt: các chuyến thăm và tiếp xúc giữa các đoàn cấp cao và các cấp khác trở nên thường xuyên hơn; kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam trong hai năm liên tiếp vượt mức 200 tỷ USD. Từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt 185,1 tỷ USD. Trung Quốc nhiều năm liên tiếp vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới. Trung Quốc và Việt Nam có mối liên hệ mật thiết với nhau và bổ sung mạnh mẽ về mặt kinh tế, sự hoà nhập lợi ích ngày càng khăng khít, điều đó làm cho nền tảng ổn định trong quan hệ giữa hai nước ngày càng vững chắc và rộng lớn hơn. Nếu phương Tây có người cho rằng Trung Quốc và Việt Nam sẽ lú lẫn về mối quan hệ như vậy thì điều đó cho thấy chính họ mới là kẻ thực sự lú lẫn.
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt, bạn tốt núi liền núi, sông liền sông, có mối quan hệ môi hở răng lạnh, là đồng chí tốt, đối tác tốt, cùng chí hướng, cùng con đường đi, có chung vận mệnh, là cộng đồng cùng tương lai có ý nghĩa chiến lược. Trong bối cảnh quốc tế luôn thay đổi, “bốn điểm tốt” ấy không những không phai nhạt mà ngược lại còn trở nên đậm đà hơn. Tin rằng chuyến thăm này của Tổng Bí thư Tập Cận Bình sẽ đưa mối quan hệ “bốn tốt” giữa Trung Quốc và Việt Nam lên một tầm cao mới, tăng thêm động lực mới cho sự ổn định, phát triển phồn vinh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời mang lại thêm nhiều tính xác định, tính ổn định cho thế giới đan xen biến động này.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 社评:中越关系再上“新高度”令人期待, 环球时报, ngày 11/12/2023.