Mới đây, một thanh niên Trung Quốc đã phát hiện bên ngoài một nhà hàng ở Tokyo – Nhật Bản có thông báo “Người Trung Quốc không được phép vào”. Khi anh ta vào nói lý với chủ cửa hàng thì người chủ đáp lại “Người Trung Quốc làm tôi phát ngán”, anh này tức giận đến mức gọi cảnh sát và tuyên bố chuyện này đã phát triển thành vấn đề ngoại giao.
Về vấn đề trên, người phụ trách truyền thông cấp cao của Nhật Bản Akio Yaita cho rằng số người Nhật có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc đã tăng mạnh, cả Trung Quốc và người dân Trung Quốc cần suy ngẫm xem tại sao lại có những thay đổi lớn như vậy.
Ngày 10/12, ông Akio Yaita đăng trên Facebook rằng nam thanh niên kia thông thạo tiếng Nhật, là người Trung Quốc sống ở Nhật Bản. Trước đây anh ta đã từng quay những video tương tự, chỉ cần nhìn thấy những khẩu hiệu bị nghi ngờ phân biệt đối xử với người Trung Quốc trên đường phố Nhật Bản, là anh này sẽ gọi cảnh sát làm ồn ào tình hình. Việc làm video để thu hút khiến anh này có danh tiếng nhất định trong giới dư luận viên Trung Quốc.
Ông Akio Yaita đề cập rằng nam thanh niên kia đã gọi cảnh sát, cáo buộc chủ cửa hàng phân biệt đối xử với người Trung Quốc, đồng thời viện dẫn quy định pháp luật Nhật Bản để tranh luận với cảnh sát. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết chỉ có thể truyền đạt ý kiến của thanh niên này đến cửa hàng, còn việc gỡ biển hiệu xuống hay không là quyền tự do của chủ cửa hàng và cảnh sát không có quyền can thiệp, sau đó chủ cửa hàng đã từ chối yêu cầu của thanh niên này.
Thấy cảnh sát như vậy, nam thanh niên này còn đe dọa rằng “sự kiện đã phát triển thành vấn đề ngoại giao”, “có biết có bao nhiêu khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản mỗi năm không?”… Nhưng cảnh sát Nhật Bản vẫn kiên nhẫn giải thích rằng họ có thẩm quyền hạn chế nên không có cách nào ra lệnh cho chủ cửa hàng gỡ tấm biển xuống. Cuối cùng, nam thanh niên nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục chú ý đến diễn biến của vấn đề này”, rồi tức giận bỏ đi.
Về vấn đề này, ông Akio Yaita nhấn mạnh rằng ông phản đối việc chủ nhà hàng sử dụng ngôn ngữ phân biệt đối xử với các nhóm dân tộc cụ thể, điều đó cần phải lên án. Ông cũng hiểu động thái của cảnh sát Nhật Bản vì những vấn đề đó thuộc phạm vi tố tụng dân sự và họ không thể can thiệp được.
Ông ví dụ, ở Nhật Bản có rất nhiều cửa hàng từ chối tiếp nam giới, người có hình xăm hoặc trẻ vị thành niên, nếu ai không đồng ý có thể khởi kiện dân sự để yêu cầu tòa án xét xử công bằng. Còn thanh niên kia đã cố tình phóng đại vấn đề cá biệt, có thể nói mức ứng xử không phù hợp…, nếu anh ta hành động như thế tại Trung Quốc thì khả năng cao anh ta sẽ bị đưa vào một căn phòng nhỏ tối tăm và có thể chịu bàn tay sắt của chủ nghĩa xã hội phạt 3 – 5 năm tù vì tội gây gổ.
Sau khi video được tải lên đã làm nóng thảo luận trong cư dân mạng Trung Quốc và Nhật Bản, một số người chỉ trích rằng trước đây thanh niên này từng làm những video tương tự để kích động thù hận, chẳng hạn như khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản vì vấn đề nhà máy Fukushima, anh ta đã đi đến một quán ăn ở Tokyo và viết vào tấm bảng đen ở cửa dòng chữ “Cảnh báo người Trung Quốc, nguyên liệu của nhà hàng này đều từ Fukushima”.
Trong sự kiện “Cấm người Trung Quốc vào”, nhiều người Trung Quốc đã bình luận xúc phạm chủ nhà hàng, dọa sang Nhật xé tờ giấy thông báo dán trước nhà hàng, họ yêu cầu chủ nhà hàng phải xin lỗi. Một người nổi tiếng trên Internet có nick “Tích Lan” (锡兰) chia sẻ rằng hành vi của cửa hàng thực sự là một hành động phân biệt đối xử, nhưng nhìn lại cũng có những doanh nghiệp ở Trung Quốc phân biệt đối xử với người Nhật, dù sao hành động phân biệt đối xử như vậy không nên khuyến khích hay thậm chí bảo vệ, đặc biệt đối với những đất nước dân chủ và tự do.
Ông Akio Yaita chỉ ra rằng người Nhật hơn 20 năm trước nhìn chung rất thích Trung Quốc, những năm 1990 người Nhật Bản có làm bộ phim “Dưa hấu ở Bắc Kinh” kể về một cặp vợ chồng người Nhật mở một cửa hàng rau quả đã cố gắng hết sức để giúp đỡ cuộc sống cho một nhóm sinh viên Trung Quốc dù họ không giàu có, câu chuyện thể hiện khía cạnh ấm áp của lòng nhân đạo đã khiến cả nước Nhật cảm động, hồi đó hơn 80% người dân Nhật Bản có thiện cảm gần gũi với Trung Quốc. Nhưng ngày nay, có tới 80% người dân Nhật Bản có ấn tượng tiêu cực về Trung Quốc, tại sao lại có sự thay đổi lớn như vậy? Ông Akio Yaita cho rằng Trung Quốc và người dân Trung Quốc cần suy ngẫm về điều này.
Từ sự cố nước thải hạt nhân Fukushima
Sau khi nhà máy Fukushima của Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển, đã gây ra phản ứng dữ dội từ người dân Trung Quốc, thậm chí còn có một số hành vi quấy rối, phá hoại bạo lực gây phẫn nộ trong xã hội Nhật Bản.
Ngày 29/8 truyền thông Nhật Bản ANNnews đưa tin, Trung tâm văn hóa tổng hợp phường Edogawa ở Tokyo đã nhận được ít nhất 200 cuộc gọi quấy rối. Giám đốc Toshimitsu Saito cho biết, kể từ sáng ngày 25/8 liên tục có những cuộc gọi quấy rối hiển thị mã vùng 86, khiến ông gần như không thể làm việc được.
Theo thông tin, trong một trường hợp, khi phóng viên gọi lại một trong những cuộc gọi đến Trung tâm Văn hóa Tổng hợp Phường Edogawa, người gọi cho biết là một nữ sinh viên tự nhận đang sống ở Quảng Đông, sinh viên này nói: “Chúng tôi cố tình làm vậy, toàn bộ cộng đồng người Hoa sẽ như thế, đó là chuyện rất bình thường”.
Ngoài việc liên tục quấy rối qua điện thoại vào Nhật Bản, các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng gặp khó khăn. Các sản phẩm “Made in Japan” thường được người tiêu dùng toàn cầu ưa chuộng, các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc cũng xem đó như thương hiệu để thu hút khách hàng. Thế nhưng từ ngày 24/8 thì xu hướng này đã đảo ngược, khiến chỉ sau một đêm thì các nguyên liệu “an toàn” và “chất lượng cao” do Nhật sản xuất trở thành mặt hàng bị cấm, các sản phẩm “Made in Japan” cũng trở thành mục tiêu dễ bị tẩy chay tại Trung Quốc.
Sự cố nước thải hạt nhân khiến người Trung Quốc gây ra làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, tất cả mọi thứ từ thực phẩm, mỹ phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày đều bị tẩy chay, thậm chí còn có tuyên bố ngừng mọi hoạt động thương mại với Nhật Bản.
Thăm dò dư luận từ nhiều nước có thể khiến Bắc Kinh khó chịu
Theo NHK Nhật Bản, Văn phòng Nội các Nhật Bản từ cuối tháng 9 – 11 năm ngoái đã thực hiện thăm dò dư luận qua email đối với 3000 công dân Nhật Bản trên toàn quốc (từ 18 tuổi trở lên), đã nhận được phản hồi từ 1701 người. Kết quả cho thấy tỷ lệ 85,2% số người “không cho rằng quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc là tốt”, tăng 3 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò trước đó; trong khi chỉ có 14,5% số người tin rằng “quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc là tốt”, thấp hơn 2,6 điểm phần trăm so với cuộc thăm dò trước.
Phản hồi về kết quả của cuộc thăm dò này, các quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng các yếu tố như việc người Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào “vùng lãnh hải” của Nhật Bản và các vấn đề nhân quyền của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhận thức của người dân Nhật Bản về Trung Quốc.
Vào tháng 12 năm ngoái, Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Seoul (Hàn Quốc) đã ủy quyền cho một cơ quan điều tra dư luận, thực hiện khảo sát bằng bảng câu hỏi với 1031 đàn ông và phụ nữ trưởng thành ở Hàn Quốc, qua đó để biết thiện cảm của người Hàn Quốc về 20 nước chính, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Úc, Thái Lan, Việt Nam, Đức và Pháp…
Kết quả cho thấy nơi mà người Hàn Quốc có thiện cảm nhất là Mỹ, tiếp theo là Thụy Điển, Đức và Pháp; đối với các nước châu Á thì những nơi người Hàn thiệp cảm nhất là Singapore và Đài Loan… Còn những nơi người Hàn Quốc không thiện cảm nhất lại là những nước gần nhất về mặt địa lý với Hàn Quốc như Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản.
Ngoài vấn đề thiện cảm, Mỹ còn đứng đầu ở các hạng mục như “Quốc gia đáng tin cậy”, “Quốc gia có ảnh hưởng tích cực đến Hàn Quốc”, “Quốc gia mà Hàn Quốc nên hợp tác nhất”…
Ngược lại, chỉ 13,3% số người cho rằng Trung Quốc đáng tin cậy và chỉ 6,9% số người cho rằng nên hợp tác với Trung Quốc.
Từ tháng 2 – 3/2021, Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng khảo sát 17 nền kinh tế nhắm đến châu Âu, Bắc Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương (bao gồm Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Bỉ, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan…) để tìm hiểu quan điểm của người dân các nước về Trung Quốc. Kết quả cho thấy 69% số người tham gia khảo sát có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, theo đó ở nhiều nơi vẫn duy trì hoặc gần đạt mức cao kỷ lục, trong đó ở Nhật Bản là cao nhất với 88%, tiếp theo là 80% ở Thụy Điển, 78% ở Úc, 77% ở Hàn Quốc, 76% ở Mỹ, và 69% ở Đài Loan. Trong đó chỉ có hai nước duy nhất có tỷ lệ quan điểm tiêu cực về Trung Quốc chưa tới 50% là Singapore (34%) và Hy Lạp (42%).
Vương Quân, Vision Times