Bloomberg: Trung Quốc gia tăng lệnh cấm sản phẩm của Apple Mỹ
Các cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc đang lần lượt cấm nhân viên dùng iPhone hoặc các thiết bị của nước ngoài trong khi làm việc, Bloomberg đưa tin, và bình luận rằng có thể đây là khởi đầu của việc chính thức cấm sản phẩm của các hãng lớn nước ngoài như Apple của Mỹ và Samsung của Hàn Quốc.
Theo Bloomberg đưa tin hôm Thứ Sáu, ít nhất ở 6 tỉnh Trung Quốc, gồm cả các tỉnh có kinh tế phát triển nhất của nước này, đã có hiện tượng liên tục trong 2 tháng qua nhiều cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước đã yêu cầu nhân viên không được dùng các sản phẩm của ngoại quốc khi làm việc, chủ yếu nhằm vào điện thoại di động. Theo nguồn tin giấu tên mà tờ báo có được, thì sự việc khởi phát từ hồi tháng 9, khi một số cơ quan nhỏ của nhà nước ở Bắc Kinh và Thiên Tân triển khai việc này, yêu cầu nhân viên hãy để các thiết bị như iPhone ở nhà. Sau đó hoạt động này lan rộng dần ra.
Đến tháng 12, đã có các cơ quan ra chỉ thị bằng lời nói như vậy cho nhân viên ở các tỉnh Chiết Giang, Sơn Đông, Liêu Ninh, và thậm chí cả Hà Bắc, nơi tọa lạc nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới.
Nhìn từ góc độ rộng hơn, Trung Quốc trong hơn một thập kỷ qua vẫn đang tìm cách giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đặc biệt là công nghệ phương Tây như của Mỹ, và khuyến khích nhân dân Trung Quốc sử dụng hàng nội địa, ví dụ như của Huawei.
Năm nay, Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã quyết định mở rộng lệnh cấm này vốn đã có trong nhiều năm, nhưng chỉ ở một số bộ phận nhạy cảm của cơ quan chính phủ mà đòi hỏi tính an ninh cao như ngân hàng hay cảnh sát và quân đội, nay mở rộng ra sang cả các bộ phận bình thường khác của các cơ quan chính phủ, và thậm chí đến cả các doanh nghiệp do nhà nước đứng sau.
Theo Bloomberg, sau khi tin tức này được công bố, thì chứng khoán của Apple giảm nhẹ, 1%, xuống còn 197,57 đô la vào giờ đóng cửa sàn New York hôm Thứ Sáu.
Nhật Tân
Ấn Độ công bố kế hoạch thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng tiếp theo
Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện tại đang hướng đến mục tiêu cử một tàu thăm dò lên Mặt Trăng để đưa mẫu vật về Trái Đất vào năm 2027.
Người đứng đầu cơ quan thám hiểm không gian Ấn Độ cho biết hôm 14/12 rằng nước này sẽ khởi động một sứ mệnh khác lên Mặt Trăng trong vòng 4 năm tới để mang về các mẫu vật từ bề mặt Mặt Trăng về Trái Đất. Ông Sreedhara Panicker Somanath, Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO), cho biết sự quan tâm của Ấn Độ đối với Mặt Trăng vẫn còn rất lớn.
Năm 2023 đánh dấu những bước thành công đối với cơ quan vũ trụ Ấn Độ. Ngoài những thành công với tàu thăm dò Chandrayaan-3, Ấn Độ còn khởi động tàu thăm dò đầu tiên của đất nước tới Mặt Trời, Aditya-L1, vào tháng 9. Video Chandrayaan-3 hạ cánh lên Mặt Trăng thu hút được hơn 79 triệu lượt xem trên YouTube và là video Ấn Độ được xem nhiều nhất trên nền tảng này trong năm nay.
Trong một phát biểu tại Dinh Tổng thống, ông Somanath tuyên bố: “Tôi đảm bảo chúng ta sẽ tự mình mang về một số đá Mặt Trăng. Tuy nhiên, sứ mệnh này sẽ không hề dễ dàng”.
Giải thích thêm về kế hoạch, ông Somanath nói rằng sẽ cần nhiều công nghệ hơn để thu thập vật phẩm từ Mặt Trăng và đưa chúng trở lại Trái Đất. ISRO đang đặt mục tiêu hoàn thành sứ mệnh trong vòng 4 năm tới bất chấp sự phức tạp của sứ mệnh.
Người đứng đầu ISRO cũng xác nhận kế hoạch đầy tham vọng Gaganyaan nhằm đưa phi hành gia Ấn Độ lên vũ trụ đang được đẩy mạnh phát triển. Các mô-đun dịch vụ và phi hành đoàn đang trong quá trình thiết kế và huấn luyện.
Cơ quan vũ trụ đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái để chuẩn bị cho sứ mệnh có người lái. Mô-đun chính đã bị lật ngược sau khi rơi xuống biển. Năm tới, ISRO dự kiến tiến hành một thử nghiệm khác để đảm bảo mô-đun vẫn đứng thẳng sau khi bị rơi xuống.
Trong khi đó, phi hành đoàn thực hiện sứ mệnh đã được đào tạo tại Trung tâm Đào tạo Phi hành gia Yury Gagarin của Nga và đang được huấn luyện thêm ở Ấn Độ.
Hồi tháng 10, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì một cuộc họp cấp cao, nhấn mạnh ISRO nên cố gắng xây dựng một trạm vũ trụ vào năm 2035 và đưa người Ấn Độ đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2040.
Ông Somanath cho biết trước khi trạm vũ trụ Ấn Độ được xây dựng, một mô-đun robot sẽ được phóng lên, đồng thời giải thích rõ trạm vũ trụ có người lái sẽ chỉ xuất hiện vào năm 2035. Ông cũng lưu ý sự cần thiết phải xây dựng một cơ sở công nghiệp năng động cho hoạt động không gian trong nước.
Ngày 15/12, Bộ trưởng Dầu mỏ và khí tự nhiên Ấn Độ Hardeep Singh Puri nói với hãng tin ANI rằng lĩnh vực không gian sẽ nhận được hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu đầy tham vọng do lãnh đạo nước này đặt ra.
Trong tháng 8, tàu thăm dò Chandrayaan-3 của Ấn Độ đã thành công thực hiện sứ mệnh tới Mặt Trăng. Tàu này được chế tạo chỉ với chi phí 75 triệu USD bằng cách sử dụng các bộ phận được thiết kế trong nước. Tháng trước, một phần của tàu vũ trụ đã rơi xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất và rơi xuống Thái Bình Dương.
Đối với chuyến thăm dò Mặt Trăng tiếp theo, ISRO đang xem xét hợp tác với cơ quan vũ trụ Nhật Bản. Nhiệm vụ chung Thám hiểm Cực Mặt Trăng (Lupex) sẽ nhằm mục đích khám phá Cực Nam của Mặt Trăng và kiểm tra lượng nước có thể lấy được từ bề mặt Mặt Trăng.
Phan Anh
Hoa Kỳ trừng phạt các thực thể ở Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác liên quan đến chiến tranh Ukraina
Liên Thành
Ngày 12/12, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 250 cá nhân và tổ chức vì trốn tránh các lệnh trừng phạt mà Washington và các đồng minh áp lên Nga vì xâm lược Ukraina.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các công cụ theo ý mình để thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với tội ác của Nga ở Ukraine cũng như những người tài trợ và hỗ trợ cỗ máy chiến tranh của Nga”.
Bộ Tài chính cho biết họ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một mạng lưới gồm 4 thực thể và 9 người có trụ sở tại Trung Quốc, Nga, Hồng Kông và Pakistan vì tạo điều kiện và mua bán vũ khí và công nghệ do Trung Quốc sản xuất cho Nga.
Theo Bộ Tài chính, mạng lưới này đã tìm cách lách các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với việc xuất khẩu các vật liệu liên quan đến quân sự.
Mỹ cũng nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các công ty có trụ sở tại Trung Quốc liên quan đến vận chuyển công nghệ, thiết bị và đầu vào, bao gồm vòng bi hoặc vòng bi lăn, các bộ phận máy bay và hệ thống X-quang.
Các công ty có trụ sở tại Trung Quốc bị nhắm mục tiêu bao gồm các công ty hình ảnh vệ tinh thương mại mà Bộ Tài chính cho biết đã cung cấp hình ảnh quan sát có độ phân giải cao cho tập đoàn lính đánh thuê Wagner.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nhắm mục tiêu vào các thực thể Trung Quốc liên quan đến việc mua sắm các linh kiện vi điện tử cho tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, vốn đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.
Washington cho biết các thiết bị vi điện tử đang được sử dụng để phát triển các hệ thống tác chiến điện tử. Các công ty ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hồng Kông cũng bị liệt vào danh sách đen.
Hoa Kỳ còn nhắm mục tiêu vào ba công ty đang phát triển nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng Ust-Luga, một cơ sở tại cảng biển Baltic ở phía tây bắc Nga do Gazprom và RusGazDobycha vận hành.
Khu phức hợp chưa được xây dựng này là một phần trong chiến lược của Gazprom nhằm chuyển trọng tâm sang chế biến và sẵn sàng trở thành nhà máy xử lý khí đốt lớn nhất của Nga và là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới về sản lượng.
Các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với các công ty có trụ sở tại Nga là Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ phương Bắc, Công ty cổ phần Nhà máy máy nén khí Kazan và Công ty trách nhiệm hữu hạn Gazprom Linde Engineering.
Đại sứ quán Nga tại Washington đã không phản hồi ngay lập tức. Nga chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây là bất hợp pháp và nói rằng chúng sẽ không cản trở sự phát triển nền kinh tế của nước này.
Ngày 12/12, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, cho biết Trung Quốc quản lý xuất khẩu quân sự và công dụng kép một cách có trách nhiệm, đồng thời phản đối việc Hoa Kỳ sử dụng các biện pháp trừng phạt mà ông gọi là “đơn phương” và “bất hợp pháp”.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Reuters rằng trong khi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua và phản đối các biện pháp đơn phương, thì Ankara đã thực hiện các biện pháp để giảm thiểu mọi hành vi lách lệnh trừng phạt.
Châu Đình: tỷ lệ cử tri bỏ phiếu thấp cho thấy, người Hồng Kông không muốn ‘cuộc bầu cử giả’
Liên Thành 12/12/2023 295 lượt xem
Cô Châu Đình, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng ở Hồng Kông cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng quận vào cuối tuần qua không chỉ đơn giản là do sự thờ ơ về chính trị.
Châu nói với báo Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến từ Toronto vào ngày 11/12 rằng: “Công dân Hồng Kông không muốn tham gia vào một cuộc bầu cử giả. Vấn đề không phải là mọi người mất hứng thú với chính trị mà là nhiều người trong số họ cảm thấy họ không nên quan tâm vì có những lo ngại rằng bạn có thể bị bắt nếu có quan điểm đối lập”.
Châu Đình, 27 tuổi, là nhân vật mang tính biểu tượng trong các cuộc biểu tình năm 2019 chống lại dự luật dẫn độ về Trung Quốc đại lục. Cô Châu đã vận động thanh niên tham gia chính trị, giúp nâng tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại cuộc bầu cử hội đồng quận năm 2019 lên mức kỷ lục 71,23%.
Cuộc bầu cử đó được tổ chức theo một hệ thống dân chủ hơn nhiều so với hiện tại. Phe dân chủ đã giành được hơn 80% số ghế ở 18 quận và chiếm đa số tuyệt đối trong tất cả các hội đồng quận.
Tuy nhiên, kết quả này đã khiến Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc vào tháng 6/2020 và sau đó cải tổ hệ thống bầu cử. Trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, chưa đến 20% số ghế được công chúng trực tiếp chọn – giảm so với hơn 90% bốn năm trước đó – và tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giảm xuống còn 27,54%.
Các ứng cử viên ủng hộ dân chủ không được phép tranh cử vì tất cả họ đều đã bị kiểm duyệt.
Cô Châu nói: “Tất cả các cuộc bầu cử ở Hồng Kông hiện hoàn toàn do chính phủ Trung Quốc kiểm soát, chỉ những người yêu nước được chính phủ Trung Quốc thừa nhận mới có thể tranh cử”.
Kể từ khi luật an ninh quốc gia được áp dụng, hầu hết người dân không dám biểu tình trên đường phố hoặc nói về sở thích chính trị của mình một cách tự do và cởi mở. Châu cho biết cô đã chứng kiến nhiều người, trong đó có cả cô, bị giam giữ vì làm như vậy. Cô Châu nói: “Hồng Kông đã biến thành một xã hội tràn ngập sự sợ hãi”.
Cô Châu đã sang Canada du học vào tháng 9. Về quyết định không quay lại Hồng Kông, Châu cho biết cô có “cảm xúc lẫn lộn” khi coi thành phố này là quê hương của mình và xác định chắc chắn là người Hồng Kông. Cô nói: “Ít nhất, tôi cảm thấy an toàn hơn so với khi ở Hồng Kông và cuối cùng tôi cũng bớt sợ hãi”.
Châu cho biết, nỗi sợ hãi của liên quan đến việc phải ngồi tù 10 tháng vì tham gia tụ tập trái phép trong các cuộc biểu tình năm 2019. Sau khi được trả tự do, cô vẫn bị cảnh sát Hồng Kông giám sát chặt chẽ.
Ngoài việc bị yêu cầu trình báo cảnh sát ba tháng một lần, cô cho biết đôi khi cô bị thẩm vấn từ sáu đến bảy giờ mỗi ngày. Châu Đình bị thẩm vấn thường xuyên hơn sau khi cho biết cô dự định học thạc sĩ ở Canada.
Cuối cuộc phỏng vấn với báo Nikkei Asia, cô Châu nhắn nhủ thông điệp tới những người ủng hộ dân chủ.
Châu nói: “Chính phủ Trung Quốc và chính phủ Hồng Kông luôn tuyên truyền rằng có ‘một quốc gia, hai chế độ’, luật pháp và phân quyền ở Hồng Kông”. Cô cho biết thêm, những giá trị này “đang bị phá hủy hoàn toàn” do việc áp dụng luật an ninh quốc gia.
Châu kêu gọi: “Dù bạn đang sống ở đâu, tôi hy vọng bạn [có thể] để mắt đến tình hình Hồng Kông và ủng hộ những người đang đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ”.
Ông Putin tuyển mộ hàng trăm nghìn người, liệu cuộc tấn công quy mô lớn đang được chuẩn bị?
Anh Tuấn
Tổng thống Nga Putin báo cáo về việc tuyển dụng hàng trăm nghìn người vào hàng ngũ quân đội Nga. Tuy nhiên, theo giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự và Pháp lý Oleksandr Musienko, điều này khó có nghĩa là Matxcova đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn ở Ukraina.
Truyền thông Ukraina đưa tin hôm 15/12, trong cuộc họp báo được tổ chức tại Matxcova, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng 617.000 quân Nga đang đồn trú dọc theo chiến tuyến dài 2.000 km. Và theo kết quả của năm nay, có thể nửa triệu công nhân hợp đồng đã tham gia chiến tranh.
Là một phần của đợt huy động được công bố vào mùa thu năm 2022, 300.000 người đã được tuyển dụng ở Liên bang Nga.
Sau đó, bên tuyển dụng dự định thu hút 412.000 người, và có khoảng 486.000 người “sẵn sàng” tham gia chiến tranh đã đến. Những con số này rất ấn tượng nhưng cần đánh giá về mặt hiệu quả.
Chẳng hạn, Tổng thống Nga Putin nói rằng ở tả ngạn vùng Kherson, quân Nga chỉ gặp phải sự chống trả của vài trăm quân Ukraina.
Chuyên gia nghiên cứu Quân sự và Pháp lý Oleksandr Musienko cho rằng, ở đó, đội quân Nga có khoảng 60.000 người.
Chuyên gia lưu ý: “Câu hỏi đặt ra là: nếu có 60.000 quân nhân Nga thì tại sao Ukraina chưa bị đẩy sang hữu ngạn? Và đây là một câu hỏi lớn liên quan đến việc quân Nga có sẵn sàng tiến hành xung kích hay không..”
Chuyên gia Musienko nói thêm rằng, để tiến hành các hành động quy mô lớn và chiếm được các thành phố lớn thì cần phải có hỏa lực hỗ trợ.
Theo chuyên gia Musienko, Nga khó có thể chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn trên chiến trường.
Vì vậy, quân nhân Nga cần được nghỉ ngơi để tiếp tế, tập hợp lại và tích lũy nguồn lực trong mùa đông xuân. Và sự tham gia của “nửa triệu” người mỗi năm không nên được coi là sự chuẩn bị cho các cuộc tấn công lớn vào năm 2024.Chuyên gia Musienko nhận định: “Họ sẽ tiến hành các hành động tấn công dọc theo toàn bộ chiến tuyến. Có tính chất cục bộ và hạn chế. Đây sẽ không phải là các cuộc tấn công quy mô lớn như năm 2022. Người Nga khó có thể chuẩn bị cho những đột phá đáng kể. Rất có thể, xu hướng hiện tại sẽ tiếp tục trong năm tới”.