Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm lần này đánh dấu 50 năm quan hệ Nhật Bản-ASEAN: một đối trọng ‘tự do và cởi mở’ đối với mục tiêu của ĐCSTQ trong khu vực này.
Tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt hôm Chủ Nhật (17/12), các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhấn mạnh cam kết chung về hợp tác an ninh và kinh tế. Hội nghị cấp cao Kỷ niệm mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản lần thứ 50, được tổ chức tại Tokyo, báo hiệu một mối quan hệ ngày càng gắn bó trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực.
Trong bài diễn văn tại hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã mô tả mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN như là một “cộng đồng mạnh mẽ” đang hướng tới một “trật tự quốc tế tự do và cởi mở.”
Việc ông Kishida lặp đi lặp lại từ “cộng đồng” gợi nhớ đến “cộng đồng chung vận mệnh” mà Bắc Kinh đang hy vọng lôi kéo các quốc gia ASEAN vào. Ad
Vào tối đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh diễn ra từ ngày 16/12 đến ngày 18/12, các vị khách mời đã được chào đón bằng nhịp điệu vang dội từ những chiếc trống Taiko truyền thống của Nhật Bản, khi ông Kishida tổ chức bữa tối dành cho các nhà lãnh đạo ASEAN và phu nhân của họ tại nhà khách quốc gia, Cung điện Akasaka, ở Tokyo.
Trong bài diễn văn then chốt của mình, ông Kishida đã hồi tưởng về hành trình năm thập niên của mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN, được gắn kết bằng “sự tin tưởng lẫn nhau.” Ông nhấn mạnh rằng trong một môi trường địa chính trị đầy thách thức, Nhật Bản và ASEAN đang hợp tác tạo dựng các chiến lược để giải quyết các vấn đề toàn cầu, nuôi dưỡng những xã hội và nền kinh tế nơi “giấc mơ của tầng lớp trung lưu” có thể đơm hoa kết trái. Ông nói rằng mối quan hệ đối tác của họ tượng trưng cho việc cùng “cố gắng vì hòa bình và thịnh vượng,” với mục đích thiết lập một “trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền.”
Xuyên suốt hội nghị, ông Kishida đã tham gia thảo luận với lãnh đạo của tất cả 10 quốc gia thành viên ASEAN: Vương quốc Brunei, Miến Điện, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh tái khẳng định cam kết chung về dân chủ, tự do, pháp quyền, và nhân quyền, thể hiện một mong muốn làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-ASEAN, bao gồm các lĩnh vực văn hóa, kinh tế, và an ninh.
Hôm 16/12, ông Kishida đã gặp Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, cam kết rằng Nhật Bản sẽ viện trợ để giúp Malaysia tăng cường năng lực an ninh của mình. Nhật Bản dự định cung cấp thiết bị trị giá 400 triệu Yên (2.8 triệu USD), trong đó có phi cơ không người lái loại nhỏ cho Malaysia. Khoản viện trợ này nằm trong chương trình viện trợ an ninh rộng lớn hơn gồm cả các thỏa thuận gần đây với Philippines và Bangladesh. Ad
Tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm 16/12, Tổng thống Philippines Bongbong Marcos đã nhấn mạnh những lo ngại chung của Philippines và Nhật Bản về các mối đe dọa do ĐCSTQ đặt ra. Sau một cuộc thảo luận quan trọng với ông Kishida về các thỏa thuận an ninh, ông bày tỏ kỳ vọng về các cuộc tập trận quân sự trong tương lai với Nhật Bản.
Trong cuộc hội đàm với các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã bày tỏ mong muốn của nước này trong việc hợp tác với Nhật Bản trong các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn và thiết kế vi mạch bán dẫn. Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam, với tư cách là một quốc gia ổn định trong nền tài chính toàn cầu, mong muốn tăng cường quan hệ đối tác với Nhật Bản.
Để biểu thị mối quan hệ ngày càng sâu sắc, hôm 27/11, Nhật Bản và Việt Nam đã nâng tầm quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện.” Liên minh này tập trung vào việc duy trì lực lượng nhân sự ổn định, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường an ninh hàng hải, góp phần vào hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh Kỷ niệm 50 năm này được đánh dấu bằng nhiều sự kiện văn hóa khác nhau, trong đó có lễ thắp sáng tại Tokyo Skytree, công trình kiến trúc cao nhất Nhật Bản. Mở đầu lễ kỷ niệm, Nhật hoàng và hoàng hậu Nhật Bản đã tổ chức tiệc trà tại Cung điện Hoàng gia dành cho các nhà lãnh đạo ASEAN. Tại bữa tiệc trà, lần đầu tiên sau hơn bốn năm, Nhật hoàng Naruhito bày tỏ hy vọng về tình hữu nghị lâu dài và thịnh vượng giữa Nhật Bản và các quốc gia ASEAN.
Điều hướng các động lực địa chính trị phức tạp: Nhật Bản, ASEAN, và ĐCSTQ
Mối quan hệ của Nhật Bản với ASEAN, bắt đầu từ năm 1973, đã phát triển trong năm thập niên qua. Lễ kỷ niệm 50 năm hợp tác vào năm 2023 lần này được đánh dấu bằng một loạt các sự kiện quan trọng: các hội thảo tại Indonesia (tháng Hai) và Tokyo (tháng Ba), Tuần lễ Doanh nghiệp Nhật Bản-ASEAN (tháng Sáu), Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản-ASEAN (tháng Bảy), Đối thoại Đặc biệt của các Bộ trưởng Du lịch Nhật Bản-ASEAN (tháng Mười), và nhiều hoạt động chính thức và dân sự khác.
Nhật Bản đóng vai trò then chốt trong địa chính trị châu Á với tư cách là một đối trọng dân chủ trước sự ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ. Hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 50 năm đã nhấn mạnh vai trò này, đặc biệt nhấn mạnh vào việc củng cố an ninh khu vực và hình thành một liên minh để chống lại các thủ đoạn của ĐCSTQ.
Đồng thời, ĐCSTQ đã tăng cường các nỗ lực gây ảnh hưởng đến ASEAN, nhằm mở rộng quyền kiểm soát và tăng cường đối trọng trước tầm ảnh hưởng của Nhật Bản và Hoa Kỳ. Một ngày trước hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản-ASEAN tại Tokyo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp đại sứ của 10 nước ASEAN tại Bắc Kinh. Ông Vương nói rằng mối quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc ngày càng thân thiết, nêu bật các sáng kiến Vành đai và Con đường, và đặt định Trung Quốc là một đồng minh kiên định trong việc xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh” với ASEAN.
Hoạt động ngoại giao này của ĐCSTQ được coi là một nước đi chiến lược trước hội nghị thượng đỉnh Tokyo. Ad
Những nỗ lực của Trung Quốc cũng được thể hiện tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 lần thứ 26, được tổ chức tại Indonesia hôm 06/09. Trong hội nghị thượng đỉnh này với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chủ chốt từ Nhật Bản, Nam Hàn, và Trung Quốc, cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chủ trương phản đối các cuộc đối đầu gây chia rẽ và sự xuất hiện của một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới.”
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ công bố bản đồ mới – chỉ một tuần trước hội nghị thượng đỉnh tháng Chín – tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông đã làm dấy lên những lo ngại của các quốc gia ASEAN, đặc biệt là những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, như Malaysia, Việt Nam, và Philippines. Nhật Bản cũng lên tiếng “phản đối mạnh mẽ” tấm bản đồ này.
Nam Hàn, mặc dù không trực tiếp tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ này, đã khẳng định rằng các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông là không thể chấp nhận được và ủng hộ một trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.
Tổng thống Philippines Marcos kêu gọi các đối tác ASEAN chống lại các hành động hung hăng trên biển của ĐCSTQ, đặc biệt là ở Biển Đông. Ad
Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, cũng có mặt tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng Chín, đã tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cam kết tiếp tục hợp tác vì an ninh và thịnh vượng chung. Bà cũng tuyên bố thành lập Trung tâm Hoa Kỳ-ASEAN mới tại Hoa Thịnh Đốn để tăng cường mối quan hệ Hoa Kỳ-ASEAN.
Bất chấp ảnh hưởng của ĐCSTQ, các quốc gia ASEAN đã thể hiện sự phản kháng trước các hành động hống hách của đảng này, nhấn mạnh vai trò chiến lược của Hoa Kỳ trong khu vực là một đối trọng với ĐCSTQ.
Năm 2015, ASEAN đã công bố thành lập ba “cộng đồng” chủ chốt—An ninh-Chính trị, Kinh tế, và Văn hóa-Xã hội—và thông qua “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” để tăng cường hợp tác phối hợp.
Hồi tháng Chín, ASEAN đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên ở Biển Đông, “Tập trận Đoàn kết ASEAN”, tập trung vào tuần tra chung trên biển, tìm kiếm cứu nạn, trợ giúp nhân đạo, và cứu trợ thảm họa,. Mặc dù không mang tính chiến đấu, nhưng cuộc tập trận này là một phản ứng trước sự bành trướng trên biển của ĐCSTQ và các mối đe dọa đối với chủ quyền của các quốc gia thành viên. Tham mưu trưởng Indonesia, đại diện cho Chủ tịch luân phiên ASEAN, đã công bố kế hoạch tổ chức các cuộc tập trận quân sự hàng năm bao gồm các cuộc tập trận toàn diện.
Hướng đến tương lai, Nhật Bản kêu gọi tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, cùng các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, ủng hộ sự ổn định và tự chủ của khu vực này.
Sự phát triển của ASEAN và mối quan hệ kinh tế với Nhật Bản
Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được thành lập vào tháng 08/1967, ban đầu bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, và Singapore. Brunei gia nhập vào năm 1984, tiếp theo là Việt Nam, Lào, Myanmar, và Campuchia từ năm 1995 đến năm 1999, nâng số thành viên lên 10 quốc gia, một con số không thay đổi.
Ban đầu, mục tiêu của ASEAN là tận dụng sức mạnh khu vực để chống lại sự lan rộng của chủ nghĩa cộng sản. Tuy nhiên, sau sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991 và những thay đổi trong bối cảnh chính trị toàn cầu, ASEAN đã tái tập trung sứ mệnh của mình theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm bớt các rào cản thương mại giữa các nước thành viên.
Trong hai thập niên qua, nền kinh tế ASEAN đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 1999, GDP của khối này xấp xỉ gấp đôi Đài Loan; đến năm 2022, con số này đã tăng lên gấp 4.8 lần GDP của Đài Loan. Các dự báo cho thấy đến năm 2027, GDP tổng hợp của ASEAN có thể đạt 5.2 ngàn tỷ USD, có khả năng ngang bằng với sản lượng kinh tế của Nhật Bản.
Mức tăng trưởng gấp trăm lần kể từ khi thành lập này đã đặt ASEAN vào vị trí đi đầu trong việc mở rộng kinh tế toàn cầu, nâng cao đáng kể vai trò của khối này trong các vấn đề quốc tế.
Nhật Bản luôn tìm cách tăng cường quan hệ với ASEAN, thừa nhận tầm quan trọng chiến lược trong lập trường của ASEAN và vị trí địa lý của khối này dọc theo các tuyến đường biển kinh tế quan trọng của châu Á.
Năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản đương thời Shinzo Abe đã nêu rõ 5 nguyên tắc liên quan đến cách tiếp cận của Nhật Bản với ASEAN. Những nguyên tắc này vượt trên cả sự hợp tác kinh tế, nhấn mạnh đến việc cùng nhau thúc đẩy các giá trị phổ quát như tự do, dân chủ, và nhân quyền. Ngoài ra, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các đại dương, được coi là tài sản chung toàn cầu, thông qua việc tuân thủ pháp quyền thay vì sử dụng vũ lực.
Cốt lõi của những nguyên tắc này nằm ở ý định chiến lược của Nhật Bản trong việc hợp tác với ASEAN để cân bằng ảnh hưởng của ĐCSTQ trong khu vực.
Bối cảnh kinh tế và dân số của ASEAN: Một góc nhìn so sánh
Tổng dân số của 10 quốc gia ASEAN là khoảng 670 triệu người, và khối này có tổng GDP vượt quá 3.63 ngàn tỷ USD và GDP bình quân đầu người trên 5,000 USD.
Khi so sánh với các liên minh kinh tế lớn khác, ASEAN có một đặc trưng độc nhất vô nhị: GDP của NAFTA ở mức 24.8 ngàn tỷ USD, EU ở mức 18.35 ngàn tỷ USD, và khối thương mại Nam Mỹ Mercosur ở mức 5.7 ngàn tỷ USD. Mặc dù quy mô kinh tế tổng thể và GDP bình quân đầu người của ASEAN có thể không so bì được với EU và NAFTA, nhưng dân số đông hơn mang lại cho khu vực này lợi thế lớn về nhân lực cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009 đã tác động đến động lực kinh tế của ASEAN, nhưng kể từ năm 2010 các quốc gia trong khối này đã bắt đầu phục hồi. Đại dịch đã gây ra một cuộc suy thoái đáng kể vào năm 2020, nhưng đến năm 2021, tất cả các nước thành viên ngoại trừ Brunei đã có dấu hiệu phục hồi, với tốc độ tăng trưởng dao động từ 3% đến 8% trong năm 2022.
Mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa Nhật Bản và ASEAN là đặc biệt mạnh mẽ. Năm 2022, thương mại của Nhật Bản với ASEAN lên tới 33.2 ngàn tỷ Yên (khoảng 232 tỷ USD), chiếm 15.4% tổng thương mại ngoại quốc của Nhật Bản. Con số này chỉ đứng sau Trung Quốc (20.3%) và vượt quá khối lượng thương mại với Hoa Kỳ (13.9%).
Đầu tư của Nhật Bản vào các nước ASEAN năm 2022 đạt 2,839 tỷ Yên (khoảng 19.8 triệu USD), vượt qua khoản đầu tư 1,207 tỷ Yên (khoảng 8.4 triệu USD) vào Trung Quốc và khiến ASEAN trở thành điểm đến đầu tư lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực, chỉ đứng sau Đông Á.
Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào ASEAN tiếp tục tăng trưởng đáng kể, đưa khối này trở thành điểm đến đầu tư lớn thứ ba sau Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu. Trong số các quốc gia (và các liên minh kinh tế) đầu tư vào Nhật Bản, thì ASEAN đứng thứ tư, sau Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và Vương quốc Anh.
Nhật Bản cũng là nước đóng góp chính để trợ giúp phát triển ở ASEAN, với khoảng 3.8 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 21% trong tổng số.
Ông Kishida, với tư cách là Ngoại trưởng Nhật Bản (2012-2017) và Thủ tướng (từ năm 2021), đã có 32 chuyến thăm tới các nước ASEAN, thể hiện cam kết của Nhật Bản đối với khu vực này.
Cẩm An biên dịch