964 triệu người Trung Quốc kiếm ít hơn 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng?

Bảo Nguyên

964 triệu người Trung Quốc kiếm ít hơn 2.000 nhân dân tệ mỗi tháng?
Một khu mua sắm bán lẻ ở Bắc Kinh vào ngày 18/4/2023. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Thông tin về mức thu nhập của 964 triệu người Trung Quốc đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi. Các mối quan tâm về kinh tế dường như là chủ đề nổi bật đối với người dân Trung Quốc lúc này.

Vào ngày 26/12, ấn phẩm “Sanlian Life Weekly” đã đăng trên weibo chính thức rằng trên tờ “First Financial Daily”, vào ngày 25/12, chuyên gia Li Xunlei, phó chủ tịch Diễn đàn kinh tế trưởng Trung Quốc, đã đăng bài báo “Li Xunlei: Đi lên dễ hơn đi xuống? Một góc nhìn kinh tế từ phía cầu”. Chuyên gia Li Xunlei là nhà kinh tế trưởng của Zhongtai Securities.

Bài báo của chuyên gia Li Xunlei đã trích dẫn một cuộc khảo sát năm 2021 của Viện Phân phối Thu nhập, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, trong đó cho biết khoảng 964 triệu người ở Trung Quốc kiếm được ít hơn 2000 nhân dân tệ (khoảng 6,8 triệu VND) mỗi tháng.

Theo bài báo, mức GDP bình quân đầu người của người dân Trung Quốc chỉ bằng 1/3 mức bình quân đầu người của Nhật Bản vào năm 1994 và hệ số Gini của Nhật Bản luôn được duy trì ở mức an toàn dưới 0,4, thuận lợi hơn cho thúc đẩy tiêu dùng. Hệ số Gini đo lường mức độ phân phối thu nhập trong một quốc gia, tính toán sự khác biệt của thực tế với một sự phân phối hoàn toàn bình đẳng. Là một quốc gia đang phát triển với mức thu nhập thấp, Trung Quốc phải đối mặt với áp lực già trước khi giàu và có thể không có đủ nhu cầu thực đối với việc mua nhà trong tương lai.

Một khu phức hợp chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)

Chuyên gia Li Xunlei đã kiểm tra số liệu thống kê và phát hiện ra rằng hầu hết các quốc gia có dân số hơn 100 triệu người đều có hệ số Gini trên 0,4, cho thấy dân số càng lớn thì “phương sai” trong phân phối thu nhập cũng sẽ mở rộng tương ứng.

Hiện nay, tờ “First Financial Daily” đã xóa bài viết của chuyên gia này.

Trước đó, ông Lý Khắc Cường, cựu Thủ tướng Trung Quốc, cho biết trong cuộc họp báo sau khi kết thúc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ngày 28/5/2020: “Có 600 triệu người [Trung Quốc] có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ [tương đương 3,4 triệu VND)”. Phát biểu này đã gây ra sự quan tâm và thảo luận rộng rãi trong xã hội. Ngày 15/6 cùng năm, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc tuyên bố rằng phát biểu của ông Lý có thể được xác nhận bằng số liệu khảo sát chính thức. Năm 2019, thực sự có 610 triệu người ở Trung Quốc có thu nhập trung bình hàng tháng dưới 1.000 CNY (nhân dân tệ).

Giờ đây, ba năm rưỡi sau, chủ đề “Số lượng người dân của nước tôi có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 nhân dân tệ là khoảng 964 triệu” đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi, mặc dù bài báo ban đầu đã bị xóa.

Giám đốc kiêm nhà sản xuất Zhou Yanni, có địa chỉ IP được xác định là của Hong Kong, đăng rằng: “Số người dân ở Trung Quốc có thu nhập hàng tháng dưới 2.000 CNY là khoảng 964 triệu. Đây là dữ liệu khảo sát do Đại học Sư phạm Bắc Kinh công bố vào năm 2021. Nếu không có dữ liệu này, tôi từng nghĩ rằng mọi người đều có thu nhập hàng tháng trên 10.000 CNY [khoảng 34 triệu VND]”.

Tài khoản “Trại Haimas” cho biết: “Thu nhập trung bình hàng tháng của người dân bình thường ở Mỹ là 3.000 USD, và thu nhập trung bình hàng tháng của người dân bình thường ở Trung Quốc là 300 USD [2000 CNY tương đương khoảng 280 USD], nhưng người nghèo lo lắng liệu người giàu bản thân họ có đủ ăn và đủ mặc hay không…”.

“Công chúa anh đào nhỏ 200708” cho biết: “Tôi sống ở Phúc Châu. Tôi đã hỏi người thân của mình về công việc dọn dẹp cách đây vài năm và tôi được biết rằng nhân viên dọn dẹp ở Phúc Châu chỉ kiếm được 2.600 CNY một tháng, trong khi không có bất kỳ phúc lợi nào như thức ăn và chỗ ở”.

“Một nhánh hoa dạ lan hương” cho biết: “Ở địa phương chúng tôi, tuyển người dọn dẹp tiêu tốn 1.750 (CNY) và nhân viên bảo vệ là 1.950 (CNY), chưa tính đến các ngành nghề cơ sở khác ở địa phương”.

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc nghèo đi

Người dân băng qua đường ở khu phố trung lưu Thượng Đế ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/8/2022. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP qua Getty Images)

Với sự xuống dốc của kinh tế của Trung Quốc, tài sản của người dân đất nước này cũng bị suy giảm nhanh chóng. Ba cuộc khủng hoảng lớn, bao gồm sự sụp đổ của bất động sản và sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và tài chính, cũng như việc giảm lương và cắt giảm nhân sự, đã giáng một đòn mạnh vào tài sản của tầng lớp trung lưu Trung Quốc.

Khi tiền lương giảm và tài sản sụt giảm giá trị, nhiều gia đình trung lưu buộc phải thay đổi các ưu tiên tài chính của mình. Một số đã từ bỏ khuynh hướng đầu tư và quyết định bán tài sản để lấy tiền mặt.

Khoảng 70% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc được đầu tư vào bất động sản. Tuy nhiên, Bloomberg Economics ước tính rằng cứ mỗi 5% sụt giảm trong giá nhà ở sẽ xóa đi 19 nghìn tỷ CNY (nhân dân tệ) (2,7 nghìn tỷ USD) trong tài sản nhà ở.

Một người đàn ông đeo khẩu trang khi đi bộ qua cộng đồng Trường Thanh Evergrande vào ngày 24/09/2021 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Nhà kinh tế Eric Zhu của Bloomberg cho biết: “Đây có thể chỉ là khởi đầu cho nhiều sự mất mát tài sản hơn nữa trong những năm tới”.

Ông Eric Zhu nói tiếp: “Trừ khi có một thị trường giá lên lớn [thị trường con bò], sự gia tăng nhỏ về tài sản tài chính khó có thể bù đắp được sự mất mát của cải trong lĩnh vực nhà ở”.

Mặc dù dữ liệu chính thức của Trung Quốc chỉ cho thấy giá nhà ở giảm nhẹ, nhưng các đại lý bất động sản và dữ liệu tư nhân cho thấy giá cả ở những vị trí đắc địa ở một số thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm ít nhất 15%.

Bloomberg Economics cho rằng đến năm 2026, giá trị ngành bất động sản Trung Quốc có thể giảm từ khoảng 20% GDP hiện nay xuống còn khoảng 16%. Điều này có thể khiến khoảng 5 triệu người mất việc làm hoặc giảm thu nhập.

Trong lúc cuộc khủng hoảng thị trường nhà ở trở thành gánh nặng lớn cho nền kinh tế Trung Quốc, các tài sản tài chính cũng đang cho kết quả mờ nhạt. Đầu tháng này, chứng khoán Trung Quốc có kết quả hoạt động yếu kém hơn các thị trường mới nổi ở mức độ lớn nhất kể từ ít nhất là năm 1998.

Các quỹ tương hỗ Trung Quốc cũng báo lỗ đáng kể trong quý III. Lợi suất của các sản phẩm tài chính ngân hàng vẫn trì trệ và lãi suất tiền gửi đã bị cắt giảm nhiều lần trong năm qua.

Trước đó, UBS cho biết trong báo cáo tài sản toàn cầu vào tháng 8 năm nay rằng giá trị tài sản ròng bình quân đầu người của người trưởng thành Trung Quốc đã giảm 2,2% xuống còn 75.731 USD vào năm 2022. Do thị trường nhà ở suy thoái, tài sản phi tài chính đã giảm giá trị, và tổng tài sản bình quân đầu người cũng giảm lần đầu tiên kể từ năm 2000.

Ông Thomas Zhou, một chuyên gia tài chính 40 tuổi ở Thượng Hải, cho biết khi nhìn lại năm 2023, khoản đầu tư vào cổ phiếu của ông giảm 30%, lương giảm 30% và khoản đầu tư vào bất động sản giảm 20%.

Ông Zhou cho biết: “Điều duy nhất khiến tôi tiếp tục làm việc vào lúc này là nhằm giữ được công việc để có thể nuôi sống gia đình lớn của mình”.

Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Thương mại Trung Quốc và Bain Strategies thực hiện cho thấy ngay cả những người giàu có ở Trung Quốc cũng trở nên thận trọng hơn.

Vào năm 2023, trong số những cá nhân có giá trị ròng cao ở Trung Quốc, số người liệt kê “bảo vệ tài sản” là mục tiêu quản lý tài chính chính của họ đã tăng lên đáng kể, trong khi số người hướng đến “tạo ra của cải” đã giảm đáng kể.

Tình hình của ông Thomas vẫn còn là tương đối tốt. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố một loạt dữ liệu kinh tế vào ngày 15/12, nhưng vẫn chưa có số liệu nào về tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên. Lần cuối cùng thông tin này được công bố, nó đã cao tới 21,3% trong tháng 6, mức cao kỷ lục.

Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/8/2023. (Ảnh: JADE GAO/AFP qua Getty Images)

Giáo sư Xu Chenggang tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc tại Đại học Stanford ở Mỹ đã chỉ ra rằng Bắc Kinh không còn công bố tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vì nó sẽ mâu thuẫn với dữ liệu tăng trưởng kinh tế. Mặc dù dữ liệu chính thức cho thấy khoảng 20% thanh niên thất nghiệp, các nhà kinh tế trong nước ước tính một cách độc lập rằng con số này lên tới 40%. Không có lý do gì nền kinh tế lại có thể tăng trưởng với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp cao, cũng có thông tin cho rằng một lượng lớn người thất nghiệp phải ngủ ngoài đường. Nhiều người đang ở độ tuổi sung mãn nhất – trên 35 tuổi – không thể tìm được việc làm.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia, số giờ làm việc trung bình hàng tuần của người lao động tại các doanh nghiệp trên cả nước là 48,9 giờ. Con số này đã vượt qua mức cao nhất trước đó trong hai thập kỷ là 48,8 giờ vào tháng 4 năm nay.

Theo Luật Lao động của Trung Quốc, thời gian làm việc trung bình của người lao động Trung Quốc không được vượt quá 44 giờ mỗi tuần, điều này cũng đồng nghĩa với việc nhà chức trách “đưa ra thông tin tin để thừa nhận họ đã vi phạm quy định”.

Về tình hình làm thêm giờ ở Trung Quốc hiện nay, bà Chen, người đã làm việc nhiều năm ở Thâm Quyến, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng trên thực tế, trong ngành phương tiện truyền thông mới mà bà tham gia, bất cứ khi nào nhận được dự án, bà đều bận rộn làm việc hơn 60 giờ một tuần. “Ngoài ra, thường không có lương quá giờ khi làm thêm giờ và bạn sẽ chỉ được nghỉ một số ngày và nhận trợ cấp bữa ăn”.

Bảo Nguyên tổng hợp

Related posts