Tiêu Nhiên
“Ngay cả khi phải chết trong quá trình trốn thoát, tôi cũng sẵn sàng chết trên con đường tìm kiếm tự do.” Ông Vương Phong, một người Trung Quốc đến từ Trường Lạc, tỉnh Phúc Kiến, nói với Vision Times lý do vì sao ông trốn khỏi quê hương mà không hề do dự.
Ngày 10/12/2023, tại Quảng trường Tòa thị chính Cũ của Toronto, thành phố lớn nhất Canada, ông Vương Phong mặc đồ đen giơ cao tấm biển ghi “Đảng Cộng sản hạ đài”, và đứng im lặng giữa hàng trăm người tham gia cuộc biểu tình Ngày Quốc tế Nhân quyền.
Ông đã liều mạng vượt biên đến Canada vào tháng 11/2022, nhằm thoát khỏi chế độ áp bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Năm 2007, ông thành lập một công ty thương mại xuất nhập khẩu ở Trường Lạc, Phúc Kiến, với doanh thu hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 699.477 USD) mỗi năm. Nhưng một năm sau, ông bất ngờ khi biết giấy phép kinh doanh của công ty mình đã bị thu hồi một cách âm thầm.
Khi đến Cục Công Thương xác minh, ông phát hiện giấy phép của mình đã bị Cục Công Thương thu hồi, nhưng họ không thông báo cho ông.
Vì lợi ích kinh tế, Ngô Dũng đã lợi dụng mối quan hệ của cha mình là Bí thư quận ủy Trường Lạc, và cấu kết với lãnh đạo phòng công thương địa phương để thu hồi giấy phép kinh doanh thương mại của Vương Phong, khiến công ty ông không thể hoạt động bình thường và phải đóng cửa.
Vương Phong tranh cãi nảy lửa với các nhân viên Cục Công Thương. Người này đã gọi cảnh sát. Sau khi cảnh sát đến, họ khiển trách ông, nói rằng ông gây rối và cản trở công vụ. Nếu tiếp tục gây rối ông sẽ bị bắt giữ.
Sự việc này khiến Vương Phong cảm thấy vô cùng uất ức và đau xót: “Thật ra chuyện này ở Trung Quốc rất phổ biến. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng sẽ không đến lượt mình bị quan chức cướp bóc, không ngờ hiện thực lại xảy ra với tôi. Cuối cùng, công ty phải đóng cửa, thua lỗ nặng nề, hàng triệu nhân dân tệ (tiền tạm ứng) đều mất hết”, ông nói.
Bị tước đoạt tự do vì lệnh phong tỏa COVID-19
Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, các thành phố và thị trấn trên khắp Trung Quốc đều bị phong tỏa, thảm họa thứ cấp liên tiếp xuất hiện. Ông Vương Phong tức giận về điều này, và đã thảo luận trên WeChat và Tik Tok, đồng thời đăng trong nhóm bạn bè.
Ông nói với Vision Times: “Cảnh sát gọi điện cho tôi và nói rằng tôi phải xóa những thứ đã đăng trên mạng. Nếu tôi đăng lại, họ sẽ triệu tập và bắt giữ tôi. Tài khoản Tik Tok của tôi đã bị cấm vĩnh viễn, hiện vẫn chưa lấy lại được. WeChat tuy không bị cấm nhưng sau này tôi cũng không dám đăng bài nữa. Vì tôi có nhiều người bạn thật trên WeChat và tôi không thể mất họ”.
Tháng 3/2022, ông đến Hà Bắc và buộc phải cách ly khi trở về. Ông chỉ trích việc đóng cửa đất nước, chính sách zero-COVID, và nói chuyện với những người cùng bị cách ly về chính sách phòng chống dịch của nước ngoài nhân đạo, khoa học và hợp lý như thế nào.
Nhân viên phòng chống dịch và quản lý cộng đồng cho biết, ông đã phát tán những ngôn luận phản động và phản đối chính sách zero-COVID của chính quyền trung ương.
Ông Vương Phong tin rằng việc đóng cửa thành phố có thể là một âm mưu của Bắc Kinh, nhằm kiểm soát người dân Trung Quốc và từng bước đẩy đất nước quay trở lại thời Mao Trạch Đông. Nhiều cơ sở kinh doanh bao gồm các quán ăn nhanh đóng cửa, để thành lập các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị, khi đó tất cả người Trung Quốc sẽ trở thành những mỏ khai thác tiền.
Ông tiết lộ, trở về nhà sau thời gian cách ly, ông đã bị cảnh sát tìm đến nhà 2 lần. Lần đầu tiên, họ nói rằng ông ấy đã lan truyền tin đồn về chính sách Zero-COVID, nhưng không thể chỉ ra chính xác là những tin đồn gì.
Theo hồi ức của ông Vương Phong, tháng 5/2022, khi trò chuyện với người hàng xóm họ Trần và những người khác, ông đã bày tỏ sự không hài lòng với cách ĐCSTQ xử lý dự luật chống dẫn độ ở Hồng Kông.
Ông cho rằng ĐCSTQ đã can thiệp vào nền độc lập tư pháp của Hồng Kông, hạn chế quyền tự do ngôn luận và hệ thống dân chủ của người dân Hồng Kông, vi phạm nghiêm trọng Hiệp ước Hồng Kông Trung-Anh, và phá hoại lời hứa không thay đổi chế độ của Hồng Kông trong 50 năm. Ông nghi ngờ có người đã tố cáo ông với cảnh sát, nên cảnh sát tìm đến nhà ông lần thứ hai.
Vượt biên tìm kiếm tự do
Trải nghiệm này khiến ông Vương Phong cảm thấy bất an và quyết tâm trốn khỏi Trung Quốc. Đơn xin cấp visa Mỹ của ông nhiều lần bị từ chối, nên ông bắt đầu liên lạc với những kẻ buôn người tại địa phương mà không báo cho người cha ốm yếu đã gần 80 tuổi của mình biết.
Ông nói: “Kẻ buôn người nói với tôi rằng sử dụng giấy tờ giả có thể giúp tôi rời khỏi Trung Quốc. Tôi nói dù sao cũng tốt hơn việc ở nhà để bị họ bắt đi”.
“Cuối ngày 22/8, tôi rời Chu Hải đến Ma Cao và Thái Lan. Chỉ khi đã hạ cánh ở Thái Lan, tôi mới dám lấy hộ chiếu thật, sau đó bay sang Mexico, vượt biên sang Mỹ, ở lại Mỹ hơn một tháng. Cuối cùng tôi đã vượt qua biên giới Mỹ-Canada và đến Canada như dự kiến vào ngày 20/11/2022.”
Quá trình vượt biên rất nguy hiểm, nhưng ông không hề hối hận chút nào. “Khi vượt biên từ Mexico, phải đi qua các ngôi làng bản địa. Những tên côn đồ và trộm cướp ở Mexico đều đòi tiền mới cho đi qua. Trong địa bàn của họ, họ sẽ không cho đi qua nếu không đưa tiền cho họ. Đôi khi họ cướp hết tiền hoặc bắt cóc người để đòi tiền chuộc.”
Trên đường đi, ông cũng gặp rất nhiều đồng hương. Một số người đã phá sản trong thời kỳ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nhà của họ bị chính phủ tịch thu và họ bị đuổi ra khỏi nhà.
Cha già bị đe dọa, ngậm oan lìa đời
Kể từ khi ông Vương Phong gia nhập Đảng Dân chủ Trung Quốc vào đầu năm 2023, và tham gia các cuộc biểu tình như lễ kỷ niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, cảnh sát ĐCSTQ liên tục đến nhà cha ông, sách nhiễu cha và con gái ông.
“Tôi không hề hối hận vì đã dũng cảm đứng lên, nhưng tôi lo lắng cho con gái mình. Tôi hy vọng con bé có thể ra nước ngoài.”
“Cảnh sát nói rằng tôi đã tham gia một tổ chức phản động ở nước ngoài. Họ yêu cầu cha và con gái tôi khuyên tôi nên rút khỏi tổ chức này ngay lập tức, và ngừng tham gia các hoạt động chống ĐCSTQ. Nếu tôi không hối cải và nhất quyết đi theo con đường riêng của mình, họ sẽ dùng mọi cách để bắt tôi và đưa tôi ra xét xử trước pháp luật.
Cảnh sát còn đe dọa, uy hiếp cha và con gái tôi, yêu cầu họ phải báo cáo kịp thời mọi thông tin về tôi. Nếu không báo cáo kịp thời, cảnh sát sẽ bắt giữ họ vì tội chứa chấp tội phạm và kết án tù. Trước sự sách nhiễu và ép buộc liên tục của cảnh sát, ngày 12/3/2023, cha tôi đã qua đời trong oan khuất.”
Ông Vương Phong cho biết, cha ông từng làm việc tại mỏ than của Cục Khai thác Nhà nước. Khi đào than dưới lòng đất, một nửa ngón chân cái của ông đã bị dập nát. Lần này ông đổ bệnh, chính phủ cũng không quan tâm đến ông. Về cơ bản, chi phí y tế của cha ông hiện nay do tự thân chi trả.
“Cha tôi hoàn toàn bị hại chết bởi hành vi lừa đảo của cảnh sát. Tôi ghét ĐCSTQ, và có mối hận thù sâu sắc với đảng này.”
Ông than thở, mặc dù biết ĐCSTQ đã làm nhiều điều xấu ở trong nước, nhưng sau khi ra nước ngoài, ông mới dần dần biết được nhiều sự thật hơn. Mổ cướp nội tạng sống là có thật, người dân tại Trung Quốc không ai được an toàn.
Chỉ khi ĐCSTQ sụp đổ, thế hệ sau mới có hy vọng
Mong muốn lớn nhất của ông là ĐCSTQ tà ác sẽ sụp đổ, “chỉ khi ĐCSTQ sụp đổ thì thế hệ sau mới có hy vọng”.
Ông nói: “Trung Quốc có dân số hơn một tỷ người, ĐCSTQ chỉ có 90 triệu đảng viên. Nếu hơn một tỷ người đứng lên phản kháng thì sẽ có hy vọng. Vấn đề là nhiều người đã bị ĐCSTQ tẩy não. Tôi hy vọng có thể thức tỉnh họ. Đây là lý do vì sao tôi lại gia nhập Đảng Dân chủ Trung Quốc.
Tôi hy vọng mọi người có thể nhìn ra sự thật, nhìn thấy bộ mặt thật tà ác của ĐCSTQ và vạch trần họ. Cho dù hiện tại không thể làm được gì, nhưng nếu vạch trần ĐCSTQ, ít nhất cũng khiến họ kiềm chế bản thân và người dân sẽ được sống dễ chịu hơn.”
Ông hy vọng được đoàn tụ với con gái ở Trung Quốc trong thời gian sớm nhất, và mong rằng một ngày nào đó Trung Quốc cũng có được dân chủ, tự do và pháp quyền như Canada. Người dân Trung Quốc có thể sống một cuộc sống hạnh phúc, tự do như bình thường.
Tiêu Nhiên / Vision Times