Tin VN sáng Chủ Nhật: 50 người thương vong vì tai nạn giao thông ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

50 người thương vong vì tai nạn giao thông ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

Theo Cục CSGT, 10 người chết và 40 người bị thương xảy ra trên đường bộ trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch 2024. (Ảnh minh họa: Trần Võ Minh Tiến/Facebook)

Theo Cục CSGT, 10 người chết và 40 người bị thương do tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch 2024.

Chiều ngày 30/12, Cục CSGT cho biết lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao vào cuối ngày 29/12, do người dân di chuyển về quê và quay trở lại các thành phố lớn, đến các điểm du lịch.

Riêng tuyến đường bộ, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2024 đã xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10 người, bị thương 40 người. Trên tuyến đường sắt và đường thủy không xảy ra tai nạn.

Cũng trong ngày đầu nghỉ lễ, lực lượng CSGT công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 7.375 trường hợp vi phạm; phạt tiền 17 tỷ 443 triệu đồng, tạm giữ 107 xe ôtô, 2.428 môtô, 67 phương tiện khác; tước 1.561 bằng lái các loại.

Trong đó, xử lý vi phạm về nồng độ cồn 1.819 trường hợp; ma túy là 2 trường hợp, vi phạm về tốc độ là 1.567 trường hợp. Bên cạnh đó, có 168 trường hợp bị xử phạt với các lỗi như: Cơi nới thùng xe, quá khổ, quá tải.

Tại đường thủy, lực lượng cảnh sát đường thủy công an các địa phương đã xử lý 135 trường hợp vi phạm, phạt tiền 132 triệu đồng. Tại đường sắt, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm, phạt tiền 2 triệu đồng.

Minh Long

Công ty Đại Nam của ông Dũng ‘lò vôi’ bị phạt

Ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng. (Ảnh: Nguyễn Phương Hằng/Facebook)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố quyết định xử phạt đối với Công ty CP Đại Nam số tiền 85 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết doanh nghiệp này có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, Công ty Đại Nam không công bố thông tin định kỳ với Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021; tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu năm 2021; báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu 2021.

Quyết định xử phạt thực hiện dựa trên quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156 ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Thông tin từ HNX cho thấy Công ty cổ phần Đại Nam có vốn điều lệ 207 tỷ đồng do ông Huỳnh Uy Dũng làm người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, không có thông tin nào thêm về tình hình tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp.

Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Armephaco cũng bị UBCKNN phạt tiền 92,5 triệu đồng do không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Danh sách xử phạt còn có Công ty cổ phần Trang (trụ sở tại huyện Nhà Bè, TP.HCM). Công ty này bị phạt tiền tổng cộng 130 triệu đồng.

Công ty CP Đại Nam là doanh nghiệp do ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng ‘lò vôi’) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng giám đốc và Người đại diện pháp luật.

Công ty này được thành lập vào tháng 3/1996, tiền thân là Công ty CP phát triển Khu công nghiệp Thanh Lễ, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và nổi tiếng với các dự án khu công nghiệp Sóng thần 1, 2, 3 tại Bình Dương. Chính Khu công nghiệp Sóng Thần 1 với diện tích 178 ha, hoàn thành năm 1995 với tổng vốn đầu tư 245 tỷ đồng đã làm nên tên tuổi của ông Dũng “lò vôi”.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn sở hữu Khu du lịch Đại Nam và là chủ đầu tư Khu đô thị Trung tâm Hành chính TP. Dĩ An (66 ha), Khu nhà ở Đại Nam (105 ha), Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu đô thị thương mại dịch vụ Sóng Thần, Khu dân cư Tân An 2 và nhiều dự án bất động sản khác.

Giai đoạn 2016-2018, nguồn thu của Đại Nam tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ sở hữu khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở mức 373 tỷ đồng, lãi gộp 320 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 86% (cao so với một số doanh nghiệp cùng ngành). Tuy nhiên, công ty báo lỗ sau thuế 51 tỷ đồng. Các khoản phải chi của Đại Nam là quá lớn.

Đến năm 2019, công ty ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc. Trong khi nguồn thu giảm 10% về 409 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2017, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp âm đến 154 tỷ đồng. Tính trung bình, chủ khu du lịch lớn nhất Bình Dương mỗi ngày làm ăn thua lỗ 422 triệu đồng.

Minh Long

‘Xá lợi tóc đã được hộ tống lên máy bay để trả về cố quốc’

“Xá lợi tóc” bị hoài nghi là loài cỏ tự chuyển động khi cấp ẩm. (Ảnh: Chùa Ba Vàng/Facebook)

Đại diện Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho hay hiện “xá lợi tóc” đã được trả về cố quốc nên chưa trả lời được những truy vấn về nguồn gốc, tính xác thực của “xá lợi tóc” được cúng dường tại chùa Ba Vàng.

Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam trưa 29/12 dẫn câu trả lời của Thượng tọa Thích Đạo Hiển – Ủy viên hội đồng trị sự, Phó trưởng ban kiêm chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh liên quan đến “xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng” đang gây nên nhiều nghi vấn trong cộng đồng.

“Xá lợi tóc Đức Phật không có trong chương trình Kỷ niệm 763 năm ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Chùa Ba Vàng. Khi sự kiện “xá lợi tóc Đức Phật” ồn ào trong dư luận, Ban Trị sự PGVN tỉnh Quảng Ninh buộc phải hỏi Trụ trì Chùa Ba Vàng”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển nói.

Theo Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ban Trị sự quan tâm hai việc. Một là việc Trụ trì Chùa Ba Vàng thỉnh xá lợi sợi tóc của Đức Phật từ ai, ở đâu, xác thực ra sao. Hai là hiện nay xá lợi này của Ngài đang ở đâu.

Tuy nhiên, tại thời điểm Ban trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Quảng Ninh làm việc thì Đại đức Thái Minh được báo cáo là đã xuất ngoại, “hình như đi Lào”. Còn xá lợi thì hiện không có ở Chùa Ba Vàng nữa.

“Đại diện nhà chùa cho chúng tôi biết xá lợi đã được hộ tống lên máy bay để trả về cố quốc”, Thượng toạ Đạo Hiển cho hay.

Phía Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh kết luận: “Chùa Ba Vàng cũng không có báo cáo gì với Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh về xá lợi tóc Đức Phật. Việc ồn ào thế này gây ảnh hưởng đến Đạo Pháp”.

Cùng ngày 29/12, Ban Tôn giáo Chính phủ công bố đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc “xá lợi tóc”. Ban này yêu cầu chính quyền tỉnh làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và việc tổ chức trưng bày cho phật tử và người dân đến chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng của sư trụ trì, chấn chỉnh và xử lý theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền nếu có vi phạm.

Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết đã có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc; đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.

Hình ảnh được cho là đoàn người cung rước “Xá lợi tóc Phật”, tại chùa Ba Vàng, ngày 23/12. (Ảnh: Chùa Ba Vàng/Facebook)

Sự việc “xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng” gây chú ý sau khi chùa này đăng tải thông tin, hình ảnh về buổi lễ hàng ngàn người cung rước, cúng dường “xá lợi tóc Đức Phật” và video “xá lợi tóc Đức Phật” tự chuyển động, kể từ ngày 24-27/12.

Chùa Ba Vàng cho rằng cúng dường “xá lợi tóc tự chuyển động” là “sự cúng dường hiếm có, đem đến phước lành”.Chùa Ba Vàng giới thiệu đây là xá lợi tóc Đức Phật được lưu giữ hàng nghìn năm tại Myanmar, nay xuất hiện lần đầu tiên tại chùa Ba Vàng, “là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho hai thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước”.

Việc đưa rước “xá lợi tóc” về được cho là đoàn chư tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đến chiêm bái xá lợi tại chùa Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật quốc tế Parami (Myanmar), cung thỉnh “xá lợi tóc” về Việt Nam cho lễ Kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh.

“Chỉ sau hôm nay, ngày 27/12/2023, xá lợi tóc của Đức Phật sẽ được cung thỉnh trở lại Myanmar. Cho nên, quý Nhân dân, Phật tử hãy cùng đến chùa Ba Vàng chiêm bái, cúng dường xá lợi để được tăng trưởng phúc lành” – đại diện chùa Ba Vàng đăng trên tài khoản Facebook về sự kiện cúng dường.

Vẫn theo chùa Ba Vàng, đã có hàng vạn người dân, phật tử kéo về đây chiêm bái, đảnh lễ.

Video nghi vấn “xá lợi tóc” là cỏ pili được người dùng mạng xã hội đưa ra. (Nguồn: Facebook)

Sau khi thông tin trên được lan truyền trên mạng, nhiều người dân hoài nghi về tính xác thực của sợi tóc trên. Nhiều người cho hay trên sàn giao dịch thương mại Shopee có thể tìm thấy sản phẩm có hình dạng tương tự như xá lợi tóc Phật, chỉ bán với giá 500.000 đồng/sợi và cũng có thể chuyển động.

Có người đưa ra video khẳng định “xá lợi tóc” nói trên là cỏ pili – một loại cỏ khô có thể thể tìm thấy tại tỉnh An Giang. Loại cỏ này khi được cấp ẩm sẽ tự chuyển động.

Nguyễn Sơn

Trụ trì chùa Ba Vàng nói bị ‘vu khống’ mua cỏ pili làm xá lợi giả

Đại đức Thích Trúc Thái Minh (trái) đón nhận xá lợi tóc Đức Phật từ thượng tọa Sayadaw U Wepulla – trụ trì tu viện Parami, Myanmar. (Ảnh: Chùa Ba Vàng/Facebook)Chùa Ba Vàng vừa công bố giải trình về việc trưng bày “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa này sau khi nhận được yêu cầu vào ngày 28/12 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng (tỉnh Quảng Ninh) báo cáo với Hội đồng Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng “xá lợi tóc” được đoàn chư Tăng Myanmar đưa đến và đã đưa trở lại tu viện Parami (Myanmar) vào tối 27/12, tức đã hai ngày trước khi Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẩm định nguồn gốc.

Văn bản giải trình do Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng ký cho biết “xá lợi tóc” trưng bày tại chùa từ ngày 24-27/12 vừa qua là xá lợi tóc của Đức Phật, đặt tại Tu viện Parami và Bảo tàng xá lợi Phật Quốc tế Parami.

Sau khi tham quan tu viện vào tháng 12/2023, đoàn chư Tăng, Phật tử chùa Ba Vàng đã đến chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật tại tu viện Parami và bảo tàng xá lợi Phật Quốc tế Parami. Hòa Thượng U Wepulla – Trụ trì tu viện Parami đã nhận lời đưa “xá lợi tóc” đến chùa Ba Vàng nhân Đại lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh.

Chùa Ba Vàng khẳng định các hoạt động cụ thể của Đại lễ, trong đó có việc “cung rước và chiêm bái Xá lợi Phật” đã được chùa Ba Vàng thông báo bổ sung với UBND TP. Uông Bí và các cơ quan hữu quan tại Văn bản số 83/TB-CBV ngày 18/12/2023.

Đối với yêu cầu thẩm định nguồn gốc của “xá lợi tóc”, đại diện chùa Ba Vàng khẳng định: “Theo truyền thừa của Tu viện Parami, đây là một trong 8 sợi tóc của Đức Phật để lại cho hai người Phật tử tại gia đầu tiên sau khi Ngài đắc đạo, được truyền lại qua nhiều đời Tăng sĩ và hiện đang tôn trí tại Tu viện Parami và Bảo tàng Xá lợi Phật Quốc tế Parami”.

Đại đức Thích Trúc Thái Minh dẫn việc tại tu viện lưu giữ hình ảnh nhiều người, bao gồm nhiều lãnh đạo Việt Nam, tăng ni, Phật tử, đã đến tu viện bái “xá lợi tóc”, đồng thời cho hay Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 ngày 29/10/2017 từng đưa bản tin giới thiệu về “xá lợi tóc chuyển động” tại đây, với lời bình đây là “xá lợi tóc của Đức Phật Thích Ca”.

Theo chùa Ba Vàng, trong và sau thời gian diễn ra sự kiện cung rước, cúng dường xá lợi tóc tại chùa Ba Vàng đã có những thông tin trái chiều cho rằng xá lợi tóc nói trên là xá lợi giả được làm từ cỏ pili rao bán công khai trên mạng xã hội, hoặc chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm xá lợi giả để lừa đảo.

Chùa Ba Vàng cho rằng “việc làm giả, buôn bán Xá lợi giả của Đức Phật ở Việt Nam cần bị lên án và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.“

“Việc đưa tin chùa Ba Vàng mua cỏ Pili làm Xá lợi giả để lừa đảo Nhân dân, Phật tử là hành vi đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín của chùa Ba Vàng” – chùa Ba Vàng khẳng định.

Từ lập luận trên, đại diện chùa Ba Vàng cho hay: “Việc đưa tin chư Tăng Myanmar cung rước Xá lợi giả đến chùa Ba Vàng cho người dân, Phật tử Việt Nam chiêm bái là hành vi gây tổn thương đến biểu tượng, lễ nghi và niềm tin tôn giáo của chư Tăng, Phật tử Myanmar, gây tổn thương đến tình cảm và mối quan hệ tốt đẹp của chư Tăng, Phật tử Myanmar đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam.“

Người đứng đầu chùa Ba Vàng cho biết hiện “xá lợi tóc” đã được đoàn chư tăng Myanmar đã đưa trở lại Tu viện Parami vào tối 27/12, sau khi kết thúc chuyến tham quan Việt Nam.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị thẩm định nguồn gốc ‘xá lợi tóc Đức Phật’

Ngày 29/12, Ban Tôn giáo Chính phủ công bố đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc “xá lợi tóc”. Ban này yêu cầu chính quyền tỉnh làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và việc tổ chức trưng bày cho phật tử và người dân đến chiêm bái “xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng của sư trụ trì, chấn chỉnh và xử lý theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền nếu có vi phạm.

Đồng thời, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết đã có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc; đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.

Nguyễn Sơn

Related posts