Argentina tuyên bố không gia nhập khối BRICS
Argentina đã chính thức từ chối lời mời trở thành thành viên của nhóm các quốc gia BRICS, một số hãng truyền thông đưa tin hôm thứ Sáu (29/12), trích dẫn lá thư được gửi cho các nhà lãnh đạo Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Tổng thống Javier Milei từng lên tiếng phản đối việc gia nhập liên minh trước khi đắc cử, động thái này đảo ngược hoàn toàn chính sách của người tiền nhiệm Alberto Fernandez.
Ông Fernandez đã chấp nhận lời mời tham gia nhóm 5 quốc gia vào tháng Tám. Cựu Tổng thống Argentina cho rằng động thái trên sẽ mang đến cho nước này một “viễn cảnh mới” cho sự phát triển. Ông Milei, đắc cử tổng thống vào tháng Mười Một, vào thời điểm đó cho biết ông sẽ không “thúc đẩy thỏa thuận với những người cộng sản vì họ không tôn trọng các thông số cơ bản của tự do thương mại, tự do và dân chủ”.
Trong lá thư của Argentina được truyền thông đăng tải hôm thứ Sáu (29/12) và dường như là gửi đến Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, nói rằng chính sách của chính phủ mới của Argentina sẽ “có những khác biệt so với chính sách của chính phủ trước đó” và một trong những quyết định bao gồm “sự tham gia tích cực vào khối BRICS” sẽ được “xem xét lại”. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào trong khối BRICS xác nhận đã nhận được bức thư này.
Ngoại trưởng Argentina, bà Diana Mondino, cựu cố vấn kinh tế cấp cao của ông Milei, nói rằng chính phủ mới của Argentina “không thấy bất kỳ lợi ích nào” khi trở thành thành viên của nhóm và do đó sẽ “không tham gia BRICS”.
Đồng thời, bức thư nêu rõ chính phủ của ông Milei có kế hoạch “tăng cường” quan hệ song phương với các thành viên BRICS, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Trước đó, tổng thống nói rằng, mặc dù ông sẽ không “liên minh với những người cộng sản”, tuy nhiên chính phủ của ông sẽ không ngăn cản doanh nghiệp tư nhân Argentina kinh doanh với “bất cứ ai họ muốn”.
Quốc gia Nam Mỹ này hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, lạm phát tăng 160% chỉ trong năm qua. Đồng peso mất giá nghiêm trọng buộc nước này phải trả nợ khoản vay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) 44 tỷ USD. Chính phủ của ông Milei cũng đang phải đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối việc bãi bỏ quy định triệt để và cải cách thắt lưng buộc bụng.
Theo chủ tịch hiện tại của nhóm BRICS là Nam Phi, đến nay có hơn 40 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập khối. Bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2024, khối BRICS sẽ có sự tham gia của Ai Cập, Ethiopia, Iran, UAE và Ả Rập Saudi.
Nga sẽ giữ chức chủ tịch BRICS vào năm 2024, trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình nước này sẽ ưu tiên mở rộng hơn nữa “vòng tròn bạn bè BRICS” bao gồm các nước Mỹ Latinh, cũng như tăng cường hoạt động thanh toán thương mại bằng cách sử dụng các đồng nội tệ của các quốc gia trong khối, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết vào tháng Mười.
Anh Nguyễn, theo RT
Tỷ phú Elon Musk và Thủ tướng Ý hợp thành liên minh xuyên Đại Tây Dương
Tỷ phú Elon Musk và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã hợp thành một trong những liên minh xuyên Đại Tây Dương khó có thể xảy ra. Đằng sau tình bạn giữa hai người là mối quan tâm chung về các vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, tỷ lệ sinh và trí tuệ nhân tạo.
Ông Musk đã đến thăm Ý nhiều lần trong năm nay. Ông là khách mời ngôi sao tại lễ hội chính trị Arteju được tổ chức tại Rome vào tháng này bởi Đảng Anh em Ý của bà Meloni. Sự hiện diện của ông được coi là sự ủng hộ dành cho bà Meloni.
Vào tháng 6 năm nay, bà Meloni đã tiếp đón ông Musk tại dinh thự của bà ở Rome. Cả hai cùng trò chuyện về trí tuệ nhân tạo (AI) và cười đùa ôm nhau, thể hiện tình bạn ngày càng phát triển giữa hai người.
Tờ Wall Street Journal cho biết, một số người châu Âu tin rằng ông Musk đang tìm kiếm các đồng minh chính trị trong khu vực khi Liên minh châu Âu tìm cách quản lý AI. Nền tảng truyền thông xã hội X, thuộc sở hữu của ông Musk, đang phải đối mặt với cuộc điều tra của EU về việc xử lý nội dung bất hợp pháp và thông tin sai lệch. Nếu bị phát hiện vi phạm các quy tắc nội dung trực tuyến của EU, X có thể phải đối mặt với mức phạt nặng.
Bà Meloni đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Ý vào năm 2022. Bà ủng hộ các giá trị gia đình truyền thống, phản đối việc phá thai ở phụ nữ và cam kết chống nhập cư bất hợp pháp.
Coi trọng vấn đề tỷ lệ sinh
Cả ông Musk và bà Meloni cũng tìm thấy điểm chung trong việc tăng tỷ lệ sinh và chống lại “virus thức tỉnh” (woke mind virus). Hai chủ đề này nổi bật tại lễ hội chính trị ở Rome vào giữa tháng này.
Ông Musk bế con trai mình tham gia sự kiện ở Rome, ông nói: “Hàng năm tôi đều nhìn vào tỷ lệ sinh và thấy hơi thất vọng.”
Doanh nhân này cho biết Ý là “một đất nước đáng kinh ngạc” và “một nơi tuyệt vời để đầu tư”, nhưng “các công ty đầu tư sẽ tự hỏi liệu có đủ người làm việc ở đó không?”
Ông cảnh báo rằng nhập cư sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng nhân khẩu học ở các nền kinh tế lớn. Ông kêu gọi Ý và các nước công nghiệp phát triển khác khuyến khích sinh đẻ “nếu không nền văn hóa của Ý, Nhật Bản và Pháp sẽ biến mất”.
“Một đất nước không thể dựa vào người nhập cư từ các nước khác. Nước Ý thuộc về người dân Ý.”
Ông cũng cho rằng sinh thêm con là cách duy nhất để đảo ngược tình trạng suy giảm dân số. Trong khi sự suy giảm dân số đe dọa nền kinh tế của nhiều nước phát triển.
Bà Meloni, một người bảo thủ, từ lâu đã kêu gọi nâng cao tỷ lệ sinh, bà cho rằng “văn hóa thống trị” của cánh tả đã bôi nhọ trách nhiệm của bậc làm cha mẹ.
Bà Meloni đã đưa việc đảo ngược tình trạng suy giảm dân số Ý trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ của bà. Dự luật ngân sách năm 2024, vẫn đang được trình quốc hội, trong đó có một số biện pháp hỗ trợ các gia đình có trẻ em.
Có lập trường cứng rắn về nhập cư bất hợp pháp
Mùa thu này, khi bà Meloni chỉ trích Đức tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những người nhập cư bất hợp pháp ở Địa Trung Hải, ông Musk nói trên X, “Đức chắc chắn đang xâm phạm chủ quyền của Ý bằng cách vận chuyển một số lượng lớn người nhập cư bất hợp pháp đến lãnh thổ Ý.”
Ông Musk cho biết tại Rome trong tháng này rằng, ông ủng hộ mạnh mẽ việc nhập cư hợp pháp. “Hãy tăng cường nhập cư hợp pháp, nhưng chúng ta phải chấm dứt tình trạng nhập cư bất hợp pháp”, vị tỷ phú nói.
Ông Musk tự gọi mình là một “nhà bảo vệ môi trường” về cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng nói thêm rằng “trong trung hạn, chúng ta không nên ma quỷ hoá dầu khí và khí đốt tự nhiên”.
“Ấn tượng của tôi là trong ngắn hạn chúng ta đang phóng đại vấn đề biến đổi khí hậu.” Ông cũng chỉ trích các nhà bảo vệ môi trường vì đã khiến mọi người mất “niềm tin vào tương lai”.
“Chúng ta phải tiếp tục hy vọng,” ông nói thêm.
Sự xuất hiện của ông Musk đã hỗ trợ cho những nỗ lực công nghệ của bà Meloni. Ý sẽ tổ chức cuộc họp Nhóm Bảy (G7) vào năm 2024 và bà Meloni hy vọng sẽ đưa quy định về AI trở thành một trong những chủ đề trọng tâm được thảo luận tại cuộc họp. Bà nói, AI có thể là “thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta”.
Ông Musk thành lập công ty AI và gọi công nghệ AI là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt. Hiệu ứng ngôi sao của ông Musk trong mọi lĩnh vực công nghệ và việc ông sẵn sàng lên tiếng về lợi ích cũng như những ẩn hoạ của AI có thể thúc đẩy nỗ lực của bà Meloni trong việc đưa công nghệ này vào chương trình nghị sự chính trị quốc tế.
Theo Trương Đình, Epoch Times
Bắc Kinh bổ nhiệm cựu tư lệnh hải quân Đổng Quân làm Bộ trưởng Quốc phòng
Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Sáu (29/12) thông báo bổ nhiệm cựu Tư lệnh Hải quân, Đô đốc Đổng Quân (Dong Jun), làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, thay thế cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc, người đã biến mất trước công chúng 4 tháng trước và chính thức bị cách chức cách đây 2 tháng.
Theo báo cáo từ nhiều kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, cuộc họp lần thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc Trung Quốc khóa 14 đã thông qua nghị quyết vào thứ Sáu để bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngay lập tức ký sắc lệnh của chủ tịch, tuyên bố và xác nhận việc bổ nhiệm ông Đổng Quân.
Sở dĩ thế giới bên ngoài đặc biệt chú ý đến việc thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, là do người tiền nhiệm của ông Đổng Quân là ông Lý Thượng Phúc đột ngột biến mất khỏi chính trường Trung Quốc chỉ 5 tháng sau khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 3 năm nay. Ông Lý Thượng Phúc bị chính thức thông cách chức hai tháng trước. Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn chưa công bố lý do miễn nhiệm chức vụ đối với ông Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, nhiều kênh truyền thông đưa tin rằng việc này có thể liên quan đến cáo buộc ông dính líu đến các vụ án tham nhũng trong mua sắm thiết bị và nghiên cứu phát triển khi ông còn là người đứng đầu Tổng cục Vũ khí của Quân đội Giải phóng Nhân dân.
Trước khi ông Lý Thượng Phúc bị cách chức, ông Tần Cương, người trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm ngoái, cũng biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng sau nửa năm tại vị, và cuối cùng cũng bị cách chức mà không đưa ra lý do.
Reuters đưa tin về việc bổ nhiệm ông Đổng Quân làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc và chỉ ra rằng chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc chỉ là bộ mặt công khai của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, và chức năng chính của nó là xuất hiện trước truyền thông và giao tiếp với các bộ trưởng quốc phòng và quan chức quân sự cấp cao của nước ngoài.
So với bộ trưởng quốc phòng các nước khác, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc có ít quyền lực quân sự thực tế và lời nói của ông có thể không hiệu quả trong chính sách quốc phòng hoặc quản lý quân sự, bởi vì những vấn đề này thuộc trách nhiệm của Quân ủy Trung ương do ông Tập Cận Bình làm chủ tịch.
Reuters chỉ ra, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng có một nhiệm vụ quan trọng, đó là liên lạc với quân đội Mỹ về các vấn đề nhạy cảm như Biển Đông và Eo biển Đài Loan. Một là đề phòng và ngăn chặn tình hình căng thẳng mất kiểm soát; hai là thứ hai, ngăn chặn máy bay, tàu chiến quân sự của Mỹ và Trung Quốc khi chạm trán ở Biển Đông hay vùng biển, vùng trời xung quanh Đài Loan sẽ không xảy ra hiểu lầm, tính toán sai lầm, thậm chí nổ súng.
Khi ông Lý Thượng Phúc còn là Bộ trưởng Bộ Trang bị vũ khí Quân đội Giải phóng Nhân dân, ông đã bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì mua tên lửa và máy bay chiến đấu từ Nga, do đó, trong nhiệm kỳ ngắn ngủi làm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, ông đã từng từ chối tổ chức cuộc gặp chính thức với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Ông Đổng Quân chưa từng bị Mỹ trừng phạt, vì vậy, sau khi ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, sẽ không có trở ngại nào đối với các cuộc gặp trực tiếp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc giống như các lệnh trừng phạt áp dụng đối với ông Lý Thượng Phúc.
Ông Đổng Quân, 62 tuổi, sinh ra ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, sau khi thi đỗ đại học năm 1978, ông vào Học viện Hải quân Đại Liên của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân và phục vụ trong hải quân nhiều năm sau khi tốt nghiệp. Ông từng phục vụ trong Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân với các chức vụ Bộ trưởng Huấn luyện Quân sự thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân, Phó Tham mưu trưởng Hạm đội Biển Bắc, Tư lệnh Đơn vị 92269 Hải quân, Phó Tư lệnh Hạm đội Hoa Đông, Phó Tham mưu trưởng Hải quân, Phó Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ.
Ông Đổng Quân được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Hải quân vào tháng 3/2021 và được thăng chức Tư lệnh Hải quân 5 tháng sau đó. Tháng 9/2021, ông được thăng cấp tướng Thượng tướng. Ngày 25/12 năm nay, ông tham dự lễ thăng cấp đô đốc (quân hàm Thượng tướng) của Quân ủy Trung ương tại Bắc Kinh. Tuy nhiên thời điểm đó, chức vụ Tư lệnh Hải quân đã do ông Hồ Trung Minh đảm nhận, khi đó có tin đồn ông Đổng Quân có thể trở thành ứng cử viên cho chức chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng.
Trí Đạt