2-1-2023
Tối qua, trong Lễ kỷ niệm Một Năm ngày Bảo Tàng Nghệ Thuật Đông Dương đi vào hoạt động, ông Cao Văn Tuấn, người mà bọn tôi quen gọi là Tuấn Cá Sấu, kể:
“Tôi nói với con, con thu xếp về Việt Nam với bố. Cháu hỏi, Về Việt Nam làm gì bố? Tôi nói, về tiếp quản bảo tàng giúp bố. Cháu không ngần ngừ bảo, Bảo tàng của bố chứa toàn là những di sản văn hóa. Đã là di sản văn hóa thì nó phải thuộc về công chúng. Bố chơi đến lúc nào đấy thì hiến lại chứ con không nhận“.
Vì đông quá, tôi chưa kịp hỏi, nhưng tôi đoán là Tuấn Cá Sấu không bị shock.
Từ nhiều năm trước, khi đến dinh cơ của Tuấn Cá Sấu, tôi không bị choáng ngợp trước những cổ vật vô giá của anh mà rất ấn tượng với cái cối đá xay bột nhỏ, cũ kỹ. Đó là chiếc cối xay của mẹ anh. Nhờ nó mà người mẹ tần tảo đã nuôi anh khôn lớn. Chiếc cối xay bột được giữ ở nơi trang trọng nhất.
Khi ấy, tôi biết, đây không chỉ là một con người hào sảng mà ai cũng thấy, đây là một con người rất biết trân trọng các giá trị.
Trong một năm qua, hàng chục nghìn lượt khách đã đến thăm bảo tàng Đông Dương, đa số là học sinh, tất cả đều miễn phí. Khi thăm một số bảo tàng tư nhân khác, nhất là những bảo tàng có nhiều hiện vật giá trị, tôi đều góp ý là nên phi lợi nhuận nhưng không nên miễn phí. Không chỉ bảo tàng cũng luôn cần được nuôi dưỡng và làm cho phong phú thêm, tấm vé dăm ba chục còn có ý nghĩa nhắc nhở trách nhiệm của cả chủ nhân lẫn khách.
Không cần phải nói nhiều về bảo tàng tư nhân nữa. Đã đến lúc nói về những chính sách để các bảo tàng tư nhân có thể tồn tại bền vững. Và về phía các ông chủ, cũng cần phải chuẩn bị cho “những đứa con” của mình một mô hình quản trị có thể thu hút được sự tham gia của cộng đồng, và làm sao để chúng vẫn là tài sản tư nhưng không còn là “của riêng”.
Tôi sợ là ông sẽ không còn có thể tiếp tục “ăn to nói lớn” thế này khi thằng con nó không chịu về gánh cái gánh nặng này giúp ông, ông Tuấn ạ.
PS: Bảo Tàng ở địa chỉ: 201 Quốc lộ 5 mới, Hùng Vương, Hồng Bàng, Hải Phòng