Tiếp theo thông tin về vụ sụp đổ của Zhongzhi là kết quả tiêu cực đầu năm mới của chứng khoán Trung Quốc. Hàng loạt các tin tức xấu tới với Trung Quốc, và các vấn đề của nền kinh tế nước này ngày một trở nên nổi cộm.
Với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những ngày giao dịch đầu năm mới, các nhà đầu tư đặt cược vào thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2024 đang bị thử thách. Chỉ số “blue chip” Trung Quốc (các cổ phiếu vốn hóa lớn) CSI 300 (theo dõi cổ phiếu 300 công ty hàng đầu của sàn giao dịch Thượng Hải và Thâm Quyến) đã tiếp tục giảm vào thứ 2 (8/1) và đã lập kỷ lục giảm trong 5 ngày giao dịch liên tiếp đầu năm mới. Sau đó, CSI 300 dường như đi ngang, dù có sự trồi sụt, trong ngày thứ 3 và sáng ngày thứ 4.
Bloomberg cho rằng sự bất ổn trong các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và mối lo ngại liên tục về sự phục hồi kinh tế đã đẩy chỉ số tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm. Hôm thứ 2 (8/1), nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán tháo trở lại, bán ra lượng cổ phiếu Trung Quốc đại lục tương đương 600 triệu USD.
Tin xấu gần đây lần lượt kéo đến: Bắc Kinh công bố dữ liệu sản xuất khiến thị trường lo lắng vào đêm giao thừa. Dữ liệu cho thấy hoạt động của nhà máy tại Trung Quốc trong tháng 12/2023 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, và tiếp tục chìm trong diện thu hẹp. Đồng thời, căng thẳng giữa Bắc Kinh và châu Âu ngày càng gia tăng; Ngoài ra, việc tòa án chấp nhận đơn thanh lý phá sản của Zhongzhi Enterprise Group, gã khổng lồ ngân hàng ngầm của Trung Quốc, đã làm nổi bật những rủi ro tài chính tiềm ẩn.
Reuters hôm thứ 2 (8/1) dẫn tin cho biết cơ quan quản lý chứng khoán của Bắc Kinh đã dỡ bỏ lệnh cấm bán ròng, vốn được áp dụng để hỗ trợ thị trường chứng khoán yếu kém vào cuối năm 2023.
Một nguồn tin hiểu rõ sự thay đổi chính sách này cho rằng một phần nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi chính sách là do áp lực mà các công ty quản lý quỹ đang phải đối mặt khi các nhà đầu tư quy đổi tài sản ra tiền. Nguồn tin cho rằng điều này là dễ hiểu. Nếu bạn không thể bán ròng cổ phiếu, bạn sẽ không có tiền để trả lại tiền cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, động thái mới nhất này của ĐCSTQ đã gây tổn hại đến tâm lý thị trường.
Chỉ số CSI 300 giảm 1,3% vào thứ 2, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2019, phản ánh áp lực bán gia tăng. Trong 5 ngày giao dịch đầu năm mới, chỉ số CSI 300 đã giảm liên tiếp trong mỗi ngày giao dịch, tổng cộng giảm hơn 4%, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán lớn có màn trình diễn tệ nhất thế giới. Chỉ số Hang Seng China Enterprises Index giảm 2,25% vào thứ 2, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2022, với các cổ phiếu công nghệ mất giá. Chỉ số MSCI Trung Quốc cũng giảm 1,93%.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp hỗ trợ trong năm qua, bao gồm giảm thuế trước bạ giao dịch, hạn chế các công ty niêm yết bán cổ phiếu và giảm tốc độ của hoạt động niêm yết, nhưng trong năm 2023, chỉ số Thượng Hải Thâm Quyến CSI 300 vẫn là chỉ số hoạt động kém nhất trên thế giới. Chỉ số quan trọng này kết thúc năm 2023 với mức lỗ hàng năm thứ ba liên tiếp, một điều chưa từng có.
Các nhà giao dịch cho rằng điều này phản ánh sự thiếu tin tưởng của người dân vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, đồng thời cũng phản ánh căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.
Những người ủng hộ thị trường chứng khoán Trung Quốc tin rằng mức định giá của thị trường chứng khoán Trung Quốc đang là quá rẻ và các nhà đầu tư không nên bỏ qua.
Hàng loạt số liệu kinh tế hàng tháng mà Bắc Kinh sắp công bố nhiều khả năng sẽ không thể làm thay đổi mối lo ngại về sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc. Theo ước tính của Bloomberg, giá tiêu dùng trong tháng 12/2023 có thể vẫn ở mức giảm phát, trong khi tốc độ mở rộng tín dụng đã chậm lại so với tháng 11.
Áp lực tâm lý lên nhà đầu tư từ sự sụp đổ của Zhongzhi
Công ty quản lý quỹ lớn nhất Trung Quốc, “Tập đoàn Zhongzhi” (Zhongzhi Enterprise Group), đã nộp đơn xin thanh lý phá sản và đã được tòa án Bắc Kinh chấp nhận. Đây là một diễn biến báo hiệu một năm 2024 không yên ả đối với ngành tài chính của Trung Quốc.
Vào ngày 5/1, Tòa án Trung cấp số 1 Bắc Kinh đã ra thông báo cho biết Tập đoàn Zhongzhi Enterprise đã nộp đơn xin phá sản với lý do không trả được các khoản nợ đến hạn, không có đủ tài sản để trả hết nợ và rõ ràng là không có khả năng thanh toán.
Sau khi xem xét, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 1 Bắc Kinh cho rằng hồ sơ của Zhongzhi đáp ứng các lý do phá sản được quy định tại Điều 2, khoản 1 Luật Phá sản doanh nghiệp và ra phán quyết vào ngày 5/1 chấp nhận đơn xin thanh lý phá sản của Tập đoàn Zhongzhi Enterprise.
Vụ phá sản của Zhongzhi là một trong những vụ phá sản lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, gây thêm áp lực lên tâm lý nhà đầu tư và người tiêu dùng vốn đang trong tình trạng mong manh của Trung Quốc. Bất động sản trì trệ, nhu cầu trong nước yếu và thương mại trì trệ đều đang đè nặng lên nền kinh tế, khiến chỉ số chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm mạnh trong 3 năm liên tiếp.
Chỉ vài tháng trước khi Zhongzhi nộp đơn xin phá sản, công ty tín thác liên kết với gã khổng lồ lần đầu tiên làm dấy lên mối lo ngại trên thị trường tài chính khi không hoàn trả được các khoản đầu tư của khách hàng đối với các sản phẩm đầu tư lợi tức cao. Zhongzhi cho biết trong thư gửi các nhà đầu tư vào tháng 11/2023 rằng khoản nợ của họ lên tới 420 tỷ đến 460 tỷ CNY (khoảng 59 đến 65 tỷ USD), trong khi tài sản chỉ có 200 tỷ CNY (khoảng 28 tỷ USD).
Ba ngày sau khi Zhongzhi tiết lộ rằng họ “mất khả năng trả nợ một cách trầm trọng”, Chi nhánh Triều Dương của Văn phòng Công an Thành phố Bắc Kinh đã thông báo cho công chúng rằng họ sẽ mở một cuộc điều tra về công ty quản lý tài sản thuộc “Tập đoàn Zhongzhi”. Công an Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế hình sự đối với một số nghi phạm.
Vụ phá sản này đã bộc lộ những lỗ hổng trong thị trường tài sản ủy thác trị giá 22 nghìn tỷ CNY (khoảng 3 nghìn tỷ USD) của Trung Quốc, đồng thời nêu bật những rủi ro của thị trường tín dụng tư nhân đang phát triển nhanh chóng của Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc thiếu thông tin và không có được sự minh bạch về các kênh tài chính bên ngoài hệ thống ngân hàng.
Reuters cho biết diễn biến tồi tệ của Tập đoàn Zhongzhi đã làm gia tăng mối lo ngại về sự lan rộng của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản Trung Quốc sang lĩnh vực tài chính rộng lớn hơn.
Zhongzhi vốn là một trong những công ty lớn nhất trong ngành, thường được mệnh danh là “Blackstone” của Trung Quốc. Gã khổng lồ này cung cấp các sản phẩm đầu tư cho các hộ gia đình và doanh nghiệp giàu có và là thành phần chính của hệ thống ngân hàng ngầm Trung Quốc.
Bà Xiaoxi Zhang, nhà phân tích của Gavekal Dragonomics có trụ sở tại Thượng Hải, nói với tờ Wall Street Journal rằng việc Zhongzhi phá sản có thể có những tác động lan tỏa.
Bà nói: “Tâm lý nhà đầu tư trong nước có thể trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư giàu có”. Bà nói tiếp:” Tất nhiên, các tổ chức ngân hàng ngầm khác có thể theo bước [Zhongzhi]”.
Những người Trung Quốc hiểu biết sâu sắc về các biện pháp quản lý của Bắc Kinh đã nhắc nhở trên mạng xã hội nước ngoài X rằng việc tòa án Bắc Kinh chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi là một tín hiệu cho thấy các biện pháp “duy trì sự ổn định” sẽ được áp dụng với các nạn nhân của Zhongzhi.
“(Điều này) tương đương với một thông báo chính thức: 1. Hành động phân chia tài sản tịch thu từ Tập đoàn Zhongzhi đã chính thức bắt đầu; 2. Lời nhắc nhở đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị lợi dụng: đừng gây rắc rối nữa, và bạn sẽ bị bắt nếu bạn lại gây rắc rối nữa [do họ có thể biểu tình hoặc chống đối vì bị mất tiền trong Zhongzhi]”.
Trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, một cư dân mạng đã đăng: “Người giàu sẽ chết vì quỹ tín thác, tầng lớp trung lưu sẽ chết vì cổ phiếu, còn người nghèo sẽ chết trong P2P [các công ty cho vay ngang hàng]”.
Dù vụ sụp đổ của Zhongzhi đã được dự đoán trước nhưng việc nộp đơn trực tiếp làm thủ tục phá sản là một diễn biến khác thường so với các trường hợp trong quá khứ. Bởi trong những năm gần đây, dù cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc có lớn đến đâu thì việc tái cơ cấu nợ thường là bước đầu tiên để tránh phá sản chính thức.
Đồng thời, vụ phá sản của Zhongzhi cũng nêu bật những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong việc giải quyết các vấn đề nợ quy mô lớn và đôi khi là bị ẩn giấu, đồng thời minh họa cho sự thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nỗ lực giảm đòn bẩy tài chính cho các lĩnh vực rủi ro hơn trong hệ thống tài chính Trung Quốc.
Một số nhà phân tích cho rằng việc tòa án chấp nhận vụ phá sản của Zhongzhi cũng cho thấy Bắc Kinh không sẵn lòng giải cứu các công ty tài chính gặp khó khăn do đầu tư bất động sản.
Tờ Wall Street Journal cho biết Zhongzhi đã tuyên bố phá sản sau một năm thảm họa, làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc) đang đối mặt với “khoảnh khắc Lehman”.
Kinh tế Trung Quốc đối mặt hàng loạt vấn đề
Trong bài báo “Lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận kinh tế yếu kém, trong khi không có giải pháp”, đăng ngày 3/1/2024 trên tờ The Epoch Times, chuyên gia Antonio Graceffo đã phân tích những phát biểu năm mới của ông Tập và bối cảnh kinh tế của Trung Quốc. Ông Antonio Graceffo là nhà phân tích kinh tế Trung Quốc đã sống 20 năm ở châu Á.
Theo ông Graceffo, khó khăn của nền kinh tế đã được lãnh đạo Trung Quốc thừa nhận, tuy nhiên, Bắc Kinh dường như không có giải pháp nào để vực dậy nền kinh tế.
Trong khi đó, lĩnh vực bất động sản, một bộ phận quan trọng của kinh tế Trung Quốc, dường như vẫn đang chìm sâu trong khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng nợ chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt, và vỡ nợ và phá sản là mối lo thường trực của các nhà phát triển.
Trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp bất động sản cũng có kết quả hoạt động rất tồi tệ. Tổng giá trị thị trường của 181 công ty bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán hạng A và Hong Kong đã giảm gần 30% kể từ đầu 2023 đến ngày 18/12/2023. Trước đó, cổ phiếu của các công ty này cũng liên tiếp giảm trong năm 2021 và 2022. Bốn công ty bất động sản lớn từng là thương hiệu vàng của bất động sản Trung Quốc giờ đây thậm chí còn đang gặp khó khăn hơn thế về giá cổ phiếu. Ông Tạ Điền, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, cho biết vào ngày 27/12/2023 rằng, chứng khoán bất động sản Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm trong thời gian tới và điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. (Chứng khoán hạng A: cổ phiếu của công ty Trung Quốc niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến).
Vấn đề việc làm trong thanh niên vẫn ngày một căng thẳng, việc hạ cấp chi tiêu đang ngày càng nổi bật, đi cùng với nó là sự eo hẹp tài chính của cả người dân và chính quyền các cấp tại Trung Quốc.
Trong lúc Mỹ và châu Âu ngày càng “xa lánh” Trung Quốc, vị thế công xưởng thế giới của nước này cũng bị lung lay, khi hoạt động sản xuất và xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề.
Bảo Nguyên tổng hợp