Kinh tế Trung Quốc đang giảm phát, và đi kèm với nó là một loạt các thách thức. Các nhà máy đóng cửa, thất nghiệp lan rộng, lương nhân viên bị cắt giảm, phương Tây tách rời, và nền kinh tế Trung Quốc cứ dần “nguội lạnh”. Nhu cầu tiêu dùng ảm đạm đang ám ảnh nền kinh tế này, và đằng sau câu chuyện giảm phát là một vấn đề xưa cũ: dư thừa công suất sản xuất.
Trung Quốc đang vật lộn với những thách thức của môi trường kinh tế giảm phát, làm trầm trọng thêm những khó khăn trong sinh kế của người dân, với hiện tượng điển hình là tình trạng thất nghiệp lan rộng và cắt giảm lương. Ba năm gián đoạn do đại dịch và chính sách nghiêm ngặt Zero-Covid đã góp phần làm kiệt quệ kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, mối đe dọa đã được nhận thức đối với trật tự thế giới tới từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến các quốc gia phương Tây xa lánh, làm mất đi hai trụ cột quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc: thu nhập từ xuất khẩu và dòng vốn nước ngoài.
Trong bài phát biểu đầu năm mới vào ngày cuối cùng của năm 2023, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã công khai thừa nhận những thách thức kinh tế của Trung Quốc, nêu rõ: “Một số doanh nghiệp đang chịu áp lực trong hoạt động và một số người gặp khó khăn trong việc làm và cuộc sống hàng ngày”.
Vài giờ trước bài phát biểu này, dữ liệu mới nhất cho thấy sự thu hẹp trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, với Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất trong tháng 12/2023 ghi nhận mức 49, đánh dấu tháng thu hẹp thứ 3 liên tiếp. Số liệu PMI của tháng 10 và tháng 11 lần lượt là 49,5 và 49,4.
Hai tuần trước đó, dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức giảm 0,2% trong tháng 10. Chỉ số giá sản xuất (PPI) trong tháng 11 giảm 3,0%, tệ hơn so với mức giảm 2,6% trong tháng 10, báo hiệu tình trạng giảm phát tiếp tục gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi nền kinh tế toàn cầu đang phải vật lộn với lạm phát – như ở Mỹ với mức lạm phát cao nhất là 7,0% vào năm 2021 và sau đó là quá trình suy giảm của lạm phát sau khi nước này tăng lãi suất – thì Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược, đang trải qua một giai đoạn giảm phát đáng lo ngại.
Theo ông Wang Jun, một nhà kinh tế Trung Quốc được The Epoch Times phỏng vấn, “Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đi theo hướng ngược lại với các nền kinh tế nước ngoài và đây không phải là một dấu hiệu tốt. Các nền kinh tế lớn trên thế giới như châu Âu và Mỹ đang gặp phải tình trạng lạm phát, liên tục tăng lãi suất. Trung Quốc đang giảm lãi suất, cho thấy giảm phát. Nói một cách đơn giản, nó có nghĩa là suy thoái kinh tế”.
Nền kinh tế bị tàn phá sau đại dịch
Đại dịch đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế Trung Quốc, và ông Wang bày tỏ hoài nghi về khả năng phục hồi trong ngắn hạn của nước này. Nhìn về tương lai trong 3, 5 hoặc thậm chí 10 năm tới, ông dự đoán những thách thức đáng kể đối với nền kinh tế Trung Quốc trong việc lấy lại sức mạnh tăng trưởng trước đây.
Ông Wang đã nói về những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch. Ông nhấn mạnh rằng một số cơ hội kinh doanh nhất định đã bị mất vĩnh viễn.
Ông nêu bật hậu quả của đại dịch trên các đường phố Trung Quốc, nơi nhiều cơ sở kinh doanh, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng, đã đóng cửa. Sự sẵn có của mặt tiền cửa hàng cho thuê cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp truyền thống [doanh nghiệp có sự hiện diện vật lý] phải đối mặt, với thói quen của người tiêu dùng đang chuyển đổi một cách mạnh mẽ sang các nền tảng trực tuyến đối với nhiều loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau.
Dữ liệu chính thức từ tháng 1 đến tháng 4/2023 cho thấy tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn trên toàn quốc sụt giảm đáng kinh ngạc 20,6% so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm lên tới khoảng 287,2 tỷ USD. Các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là ở các khu vực như Đồng bằng sông Dương Tử và Đồng bằng sông Châu Giang, đã phải đóng cửa, thách thức vị thế lâu nay của Trung Quốc là “công xưởng của thế giới”.
Đồng thời, sự sụp đổ của ngành bất động sản, cùng với những thách thức kinh tế này, đã dẫn đến các thông tin về tình trạng thất nghiệp gia tăng và việc cắt giảm lương.
Vào tháng 6/2023, dữ liệu chính thức từ ĐCSTQ cho thấy tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục 21,3% đối với thanh niên Trung Quốc từ 16 đến 24 tuổi, khiến Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc phải tạm dừng công bố dữ liệu thất nghiệp vào các tháng sau đó.
Cụm từ “Nếu bạn không tìm được việc làm, hãy lái xe cho Didi” đã trở nên phổ biến, một sự phản ánh về những khó khăn kinh tế, với hơn 1,2 triệu tài xế gọi xe mới được cấp phép ở Trung Quốc từ đầu năm 2023 tới tháng 10/2023.
Khó khăn về kinh tế còn được minh họa rõ hơn bằng một “cuộc biểu tình tập thể về lương” bên ngoài chi nhánh Thượng Hải của Ngân hàng Phát triển Phố Đông vào ngày 11/5/2023. Các bài báo tiết lộ rằng Puyin Wealth Management, một công ty con của Ngân hàng Phát triển Phố Đông, đã giảm lương đáng kể, khiến một số nhân viên gặp phải tình trạng cắt giảm 50% lương. Ngay cả các công chức, những người có truyền thống cầm “bát cơm sắt” (bát cơm vững chắc – nguồn thu nhập vững chắc), cũng bị ảnh hưởng, trong lúc việc cắt giảm lương đã được thực hiện ở nhiều khu vực khác nhau, bao gồm Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh và Thiên Tân. Những mức cắt giảm này dao động từ hơn 40% đối với công chức cấp giám đốc cho đến việc tạm dừng trợ cấp ở một số khu vực.
Xu hướng tách rời của phương Tây làm trầm trọng thêm tình hình
Các nước phương Tây đang ngày càng xa rời ĐCSTQ, góp phần gây ra sự suy thoái kinh tế đáng chú ý ở Trung Quốc. Các quốc gia phương Tây đã nhận ra mối đe dọa do ĐCSTQ gây ra và chọn cách rút lui.
“Trung Quốc hiện đang nói về việc tách rời, phải không? ‘Chúng ta muốn tự lực, chúng ta muốn nỗ lực hết mình’. Dịch sang ngôn ngữ dễ hiểu, điều đó có nghĩa là chúng ta đang đóng cửa và tự mình làm mọi việc – nếu Mỹ và châu Âu không muốn hợp tác với chúng ta, chúng ta sẽ sẽ tự mình làm mọi việc”, ông Wang nói. “Kết quả là, một loạt vấn đề lộ ra – lãi suất liên tục giảm, các công ty bất động sản phá sản, chuỗi tài chính bị đứt gãy và sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm được việc làm”.
Khi ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ĐCSTQ đã cam kết ký một thỏa thuận phụ liên quan đến mua sắm của chính quyền. Tuy nhiên, họ đã từ bỏ cam kết này, hướng sức mua đáng kể của quốc gia vào các lĩnh vực công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và tiếp tục hoạt động trợ cấp. Đồng thời, các công ty Trung Quốc tham gia vào hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ từ các đối tác phương Tây, cho phép họ mở rộng và cạnh tranh trên toàn cầu, thường với sự hỗ trợ của chính quyền.
Khi nhận ra những vấn đề này, Mỹ đã có bước thay đổi. Vào tháng 8/2020, Tổng thống khi đó là ông Donald Trump đã đề xuất ý tưởng tách rời quan hệ kinh tế với Trung Quốc, một quan điểm được tiếp tục bởi người kế nhiệm ông, Tổng thống Joe Biden, người đã áp dụng các quy định mới hạn chế đầu tư của Mỹ vào các ngành cụ thể của Trung Quốc.
Dữ liệu ủng hộ quan điểm rằng quá trình tách rời đang diễn ra một cách ổn định, với tỷ trọng hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc giảm từ 21,6% năm 2017 xuống 16,3% vào năm 2022. Tỷ trọng hàng hóa chiến lược thậm chí còn giảm đáng kể hơn, giảm từ 36,8% năm 2017 xuống 23,1% vào năm 2022. Các quốc gia khác như Việt Nam, Đài Loan, Canada, Mexico, Ấn Độ và Hàn Quốc đã chứng kiến thị phần tăng lên, trong khi thị phần từ Trung Quốc đã giảm 5,3%.
Các công ty Mỹ cũng đang di dời ra khỏi Trung Quốc. Intel đang xem xét di chuyển hoạt động sản xuất để tuân thủ các quy định của Mỹ, Microsoft đang dự tính chuyển sang châu Âu và Dell có kế hoạch chuyển hoạt động sang Việt Nam và Mexico. Apple đã chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam, trong đó các nhà cung cấp như Foxconn đang mở rộng cơ sở sản xuất tại đó.
Việc vốn nước ngoài rút đi đã góp phần gây ra tình trạng thất nghiệp đáng kể ở Trung Quốc.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào cuối năm 2023 cho thấy lĩnh vực sản xuất đã thu hẹp trong 3 tháng. Sự thu hẹp này, cùng với việc đóng cửa các nhà máy, đã dẫn đến tình trạng thất nghiệp và cắt giảm lương gia tăng, làm xói mòn thêm sức mua của người tiêu dùng. ĐCSTQ thấy mình bị cuốn vào một chu kỳ giảm phát đầy thách thức, phải vật lộn để thoát khỏi những thách thức kinh tế mà nó phải đối mặt.
Mối nguy hiểm đằng sau giảm phát
Những ví dụ điển hình nhất về giảm phát là Mỹ trong cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 và Nhật Bản sau khi nền kinh tế bong bóng vỡ vào những năm 1990.
Cuộc Đại khủng hoảng tồi tệ đến mức nào? Có rất nhiều người bị đói, vô số tài sản của người dân biến thành nợ chỉ sau một đêm, và người dân bình thường khó có thể tìm được việc làm. Nước Mỹ sau đó lại trở nên giàu có và hùng mạnh, nhưng cái giá mà người dân thường phải trả trong thời kỳ Đại khủng hoảng là quá nặng nề.
Sau khi Nhật Bản bị ảnh hưởng bởi lời nguyền giảm phát vào những năm 1990, nền kinh tế nước này về cơ bản không tăng trưởng trong 30 năm tiếp theo. Mặc dù năm nay nó đã quay trở lại xu hướng tăng trưởng nhưng vẫn chưa chắc liệu nó có thoát ra khỏi tình trạng trì trệ hay không.
Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không thể tăng trưởng trong 30 năm tới?
Cụ thể tình hình giảm phát tại Trung Quốc hiện nay nghiêm trọng như thế nào?
Sự sụt giảm kép của cả chỉ số CPI và PPI rõ ràng là do “vấn đề cũ” của nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa được giải quyết, đó là tình trạng dư thừa công suất sản xuất. Nghĩa là, sản xuất quá nhiều nhưng nhu cầu vẫn quá yếu.
Theo dữ liệu, trong nửa đầu năm 2023, công suất lắp đặt tích lũy của pin điện ở Trung Quốc là 152,1GWh, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, trong cùng thời gian, sản lượng tích lũy của pin điện là khoảng 293,6GWh, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2023, sản lượng pin điện gần gấp đôi công suất lắp đặt, nghĩa là sản lượng cao hơn đáng kể so với nhu cầu thị trường.
Đây là một ví dụ thực tế về tình trạng dư thừa công suất sản xuất.
Hãy cùng tiến thêm một bước nữa và xem xét tốc độ tăng trưởng của GDP.
Câu hỏi cốt lõi ở đây là: Tại sao số liệu GDP tốt (dự kiến đạt khoảng 5% trong năm 2023) nhưng giá tiêu dùng và giá nhà máy lại giảm? GDP này đến từ đâu? Theo lẽ thường, GDP và chỉ số giá cần có mức tăng trưởng đồng bộ.
Lúc này, kết hợp với tình trạng dư thừa công suất vừa nêu, chúng ta sẽ có câu trả lời: GDP thực chất là do sản xuất thừa và đầu tư của chính phủ chứ không phải do kinh tế được phục hồi. Những cục pin được sản xuất dư thừa và những thứ tương tự là động lực chính của GDP. Trên thực tế, vấn đề không đủ cầu trong nền kinh tế đang trở nên trầm trọng hơn.
Có thể nói, nền kinh tế ốm yếu của Trung Quốc đã không uống đúng liều thuốc trong năm 2023. Nhiều năm dư thừa công suất và đầu tư quá mức đã tích lũy những bất lợi trong nền kinh tế và vẫn đang tiến về phía trước dưới lá cờ GDP. Tuy nhiên, nhu cầu không những không theo kịp mà thậm chí còn tụt hậu hơn nữa. Hiện tượng dùng thuốc độc giải khát bằng cách mở rộng năng lực sản xuất và đầu tư của chính phủ để duy trì tăng trưởng GDP cao vẫn tiếp diễn.
Giờ đây, với vấn đề nợ nần và vấn đề bất động sản lại được thêm vào, cho dù chính sách tài khóa có được đưa ra để “rót thêm nước”, nó cũng khó có thể khiến nước chảy đến nơi cần chảy trong khi rất có thể sẽ lấp đầy hố từ các khoản nợ. Do đó, trên thực tế, danh sách các biện pháp kích thích của Bắc Kinh trở nên ít đi.
Vì vậy, câu hỏi bây giờ là làm thế nào Trung Quốc có thể tránh rơi vào vực thẳm của khủng hoảng.
Bảo Nguyên tổng hợp