Ngân hàng Thế giới cảnh báo trong báo cáo “Triển vọng Kinh tế Toàn cầu” mới rằng nền kinh tế toàn cầu đang sắp phải chịu đựng nửa thập niên tăng trưởng tồi tệ nhất trong vòng 30 năm khi thế giới có thể phải đối mặt với một “thập niên lãng phí cơ hội.”
Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ chậm lại trong năm thứ ba liên tiếp, giảm từ mức 2.6% đạt được vào năm 2023 xuống còn 2.4% vào năm 2024. Con số này thấp hơn gần ¾ điểm phần trăm so với mức trung bình của thập niên trước.
Nhìn chung, trong năm năm cho đến hết năm 2024, tổ chức này mô tả hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận thành tích yếu nhất kể từ những năm 1990, chạm đến một “cột mốc tồi tệ.”
Tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển dự kiến sẽ giảm xuống còn 1.2%, từ mức 1.5% vào năm 2023. Tại Hoa Kỳ, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính sẽ tăng trưởng 1.6%. Nền kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tăng trưởng dưới 1%.
Hai mươi quốc gia sử dụng đồng euro được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng 0.7% trong năm nay.
Các thị trường đang phát triển được dự đoán sẽ tăng trưởng 3.9%, thấp hơn khoảng 1% so với mức trung bình của những năm 2010. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kỷ lục 4.5% trong năm tới.
Ngoài ra, các quốc gia thu nhập thấp được dự đoán sẽ tăng trưởng 5.5%, yếu hơn so với dự báo trước đó.
Đến cuối năm nay, khoảng ¼ người dân ở các nước đang phát triển và khoảng 40% người dân ở các nước thu nhập thấp sẽ nghèo hơn so với thời điểm trước đại dịch virus corona.
Trong khi nền kinh tế quốc tế ở vị thế tốt hơn so với một năm trước — chủ yếu là do nguy cơ suy thoái đã giảm — thì triển vọng trung hạn “đã xấu đi” do thương mại toàn cầu yếu kém, điều kiện tài chính thắt chặt hơn, và căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng đồng thời là phó chủ tịch cao cấp của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết trong báo cáo: “Nếu không có sự điều chỉnh lớn, thì những năm 2020 sẽ trôi qua như một thập niên lãng phí cơ hội.”
“Tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ vẫn yếu, khiến nhiều nước đang phát triển — đặc biệt là những nước nghèo nhất — bị kẹt trong một cái bẫy: với mức nợ tê liệt và khả năng tiếp cận lương thực khó khăn đối với gần một phần ba dân số. Điều đó sẽ cản trở tiến bộ đối với nhiều ưu tiên toàn cầu.”
Ông Gill lưu ý rằng có rất nhiều cơ hội để ngăn chặn thảm họa, nhưng chỉ khi “các chính phủ hành động ngay bây giờ để đẩy nhanh đầu tư và củng cố các khuôn khổ chính sách tài khóa.”
Các dự đoán khác cho năm tới của Ngân hàng Thế giới bao gồm lạm phát toàn cầu giảm xuống còn 3.7% trong năm nay và 3.4% vào năm 2025, cao hơn mức trung bình trước khủng hoảng từ năm 2015 đến năm 2019. Hơn nữa, thương mại hàng hóa và dịch vụ quốc tế sẽ tăng 2.3% trong 2024, theo báo cáo.
Kết thúc một ‘thập niên chuyển đổi’
Những năm 2020 được nhiều người kỳ vọng sẽ là một “thập niên chuyển đổi” để giải quyết vô số vấn đề cấp bách, từ đối diện với tình trạng nghèo đói cùng cực đến “chống lại biến đổi khí hậu.” Tuy nhiên, chính phủ các nước phát triển và đang phát triển đã phải đối mặt với tình trạng lạm phát tràn lan, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, và mất cân bằng tài khóa to lớn do đại dịch virus corona.
Nhưng tình trạng này có thể được đảo ngược thông qua tăng cường các nỗ lực đầu tư, đặc biệt là trong chuyển đổi năng lượng, và củng cố các khuôn khổ chính sách tài khóa.
Ông Ayhan Kose, phó nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới và Giám đốc của Nhóm Triển Vọng, cho biết các nền kinh tế đang phát triển có thể “thực hiện các gói chính sách toàn diện để cải thiện khuôn khổ tài khóa và tiền tệ, mở rộng dòng chảy tài chính và thương mại xuyên biên giới, cải thiện môi trường đầu tư, và tăng cường chất lượng thể chế.”
“Đó là công việc khó khăn, nhưng nhiều nền kinh tế đang phát triển đã từng có thể làm được việc này trước đây. Làm lại việc đó sẽ giúp giảm thiểu sự chậm lại dự kiến về tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong phần còn lại của thập niên này.”
Tránh được sụp đổ
Các nền kinh tế Hoa Kỳ, châu Âu, và toàn cầu đã phải đối mặt với nhiều tác động tiêu cực lớn kể từ đại dịch, bao gồm lạm phát cao nhất trong nhiều thập niên, phá sản ngân hàng, Nga xâm lược Ukraine, và chi phí đi vay tăng cao. Tuy nhiên, thế giới đã tỏ ra kiên cường hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người trong việc ngăn cản được sự sụp đổ kinh tế.
Mặc dù Hệ thống Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất 11 lần lên mức cao nhất trong hơn hai thập niên, nhưng nền kinh tế Hoa Kỳ đã vẫn ngăn chặn được một cuộc suy thoái mạnh. Tuy nhiên, các điều kiện được dự đoán rộng rãi sẽ giảm tốc vào năm 2024 do tác động chậm trễ của chiến dịch thắt chặt định lượng của Fed lan tỏa trong nền kinh tế rộng hơn.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc tin rằng Hoa Kỳ đã đạt được mục tiêu hạ cánh mềm. Ad
Sau báo cáo việc làm tháng Mười Hai hồi tuần trước (01-07/12), Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với CNN rằng bà cho rằng bối cảnh kinh tế hiện tại có thể được mô tả tốt nhất là một cuộc hạ cánh mềm.
“Người dân Mỹ đã làm được,” bà Yellen nói. “Người dân Mỹ đi làm hàng ngày, tham gia thị trường lao động, hình thành các doanh nghiệp mới. Nhưng Tổng thống Biden đã cố gắng tạo ra những động lực mang lại cho người Mỹ những công cụ họ cần để giúp nền kinh tế này phát triển.”
Tuy nhiên, cuộc tranh luận vẫn nổ ra về việc liệu Hoa Kỳ đã chính thức hạ cánh mềm hay đang rơi vào suy thoái.
Ông Jeff Klingelhofer, đồng giám đốc đầu tư tại Thornburg Investment Management, cho biết trong một ghi chú, “Toàn bộ rủi ro cho năm 2023 đều xoay quanh một cuộc suy thoái kinh tế. Chúng ta đã không có suy thoái. Tôi nghĩ đó hoàn toàn vẫn là câu hỏi của năm 2024.”
Ông Jim Besaw, thành viên sáng lập của GenTrust, cho rằng “nguy cơ xảy ra suy thoái kinh tế là cao hơn so với thị trường nghĩ.”
Ước tính ban đầu từ mô hình Nowcast của Fed New York cho thấy quý đầu tiên của năm 2024 có thể chứng kiến tốc độ tăng trưởng GDP thực là 2.7%.
Nhật Thăng biên dịch