Shawn Lin
Lực lượng khủng bố Houthi ở Yemen đã tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào các tàu chở hàng dân sự ở Biển Đỏ và đe dọa tuyến đường thương mại toàn cầu, dẫn đến các cuộc tấn công gần đây do Mỹ dẫn đầu nhằm vào nhóm này. Trong bối cảnh xung đột, lập trường mơ hồ của chính phủ Trung Quốc đã dấy lên nghi ngờ.
Tại cuộc họp báo ngày 12/1, khi được hỏi liệu Trung Quốc có ủng hộ cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu chống lại lực lượng Houthi hay không, bà Mao Ninh, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc “quan ngại” về tình trạng căng thẳng leo thang ở Biển Đỏ, đồng thời kêu gọi tất cả các bên “kiềm chế” để tránh xung đột mở rộng.
Ngày 3/1, hơn chục quốc gia, trong đó có Mỹ, đã ra tuyên bố chung kêu gọi lực lượng Houthi ngừng ngay các cuộc tấn công ở Biển Đỏ, nhưng Trung Quốc không tham gia nỗ lực lên án này.
Phát biểu trước báo giới ngày 13/1, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói rằng Trung Quốc “nhất quán ủng hộ” việc duy trì sự an toàn của các tuyến đường thủy quốc tế và phản đối các cuộc tấn công vào tàu dân sự. Ông nói thêm rằng tất cả các bên nên đóng “vai trò mang tính xây dựng” trong vấn đề này.
Cho đến nay, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có hành động cụ thể nào bất chấp những tuyên bố của mình.
Nhắm vào tàu dân sự
Lực lượng Houthi ở Yemen là lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shia chống chính phủ và là đồng minh của nhóm khủng bố Hamas của Palestine. Vào ngày 17/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định Houthi là một tổ chức khủng bố.
Kể từ vụ tấn công khủng bố tàn bạo của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10 năm ngoái, phiến quân Houthi đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công nhằm vào Israel, tuyên bố nhắm mục tiêu vào tất cả các tàu Biển Đỏ có liên quan đến lợi ích của Israel.
Kể từ giữa tháng 11/2023, phiến quân Houthi đã tấn công hàng chục tàu chở hàng dân sự ở Biển Đỏ. Nhiều tàu không có liên kết với Israel cũng trở thành mục tiêu của Houthi.
Biển Đỏ là tuyến đường thiết yếu đến và đi từ Kênh đào Suez. Là tuyến đường vận tải chính nối châu Âu và châu Á, hoạt động vận tải qua kênh đào Suez chiếm tới 12% giao thương toàn cầu, chiếm khoảng 30% tổng lưu lượng container toàn cầu, và hàng hóa trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm, Hội đồng Hàng hải Quốc tế và Baltic (BIMCO), một trong những hiệp hội vận tải biển quốc tế lớn nhất đại diện cho các chủ tàu cho biết.
Về năng lượng, 12% dầu và 8% khí tự nhiên hóa lỏng được vận chuyển qua kênh đào Suez. Bất kỳ sự gián đoạn và chậm trễ thương mại nào cũng có thể có tác động đáng kể đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Sau các cuộc tấn công của Houthi, các hãng vận tải hàng hải lớn của thế giới đã tuyên bố dừng vận chuyển qua Biển Đỏ, thay vào đó họ chọn đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Các tập đoàn này bao gồm MSC của Thụy Sĩ, Maersk của Đan Mạch, CMA CGM của Pháp, COSCO của Trung Quốc, Hapag-Lloyd của Đức và Evergreen của Đài Loan.
Lộ trình đi vòng qua Mũi Hảo Vọng có nghĩa là sẽ tăng thêm ít nhất 3.300 hải lý (hơn 6.000 km) và kéo dài thời gian di chuyển thêm khoảng 10 ngày so với lộ trình thông thường. Chi phí phát sinh cho mỗi con tàu có thể lên tới hàng triệu USD. Ngay cả đối với những con tàu không chọn đường vòng mà vẫn đi qua Biển Đỏ, thì phí bảo hiểm vẫn tăng lên gần gấp 10 lần.
Những chi phí này chắc chắn sẽ được chuyển sang người tiêu dùng. Vào ngày 11/1, Drewry, một công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải tại London (Anh), báo cáo rằng giá cước cho một container 40 feet từ Thượng Hải, Trung Quốc đến Rotterdam, Hà Lan, đã tăng đáng kể. Tỷ giá này đã tăng từ 1.667 USD lên 4.406 USD so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 133%.
Drewry dự đoán giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.
Lập trường của Trung Quốc
Chính phủ Trung Quốc không những không lên án các cuộc tấn công của Houthi mà còn được hưởng lợi từ chúng.
Trong số hàng chục tàu chở hàng ở Biển Đỏ bị Houthi tấn công, không có chiếc nào có vẻ là của Trung Quốc. Ngoài ra còn có nhiều chủ tàu từ các quốc gia khác tìm cách né tránh các cuộc tấn công bằng cách chứng minh họ có mối liên hệ với Trung Quốc.
Hôm 11/1, tờ Bloomberg đưa tin rằng ít nhất 5 con tàu gần đây băng qua Biển Đỏ đã dán nhãn điểm đến của họ với thông tin như “tất cả thủy thủ đoàn Trung Quốc” trong hồ sơ công khai. Cuối cùng, cả 5 con tàu đó đã đi qua Biển Đỏ mà không bị tấn công. Bài báo này đã được công bố rộng rãi tại Trung Quốc.
Lực lượng Houthi được Iran hậu thuẫn, quốc gia cung cấp vũ khí và thông tin tình báo chính, đặc biệt là thông tin về các tàu thuyền ở Biển Đỏ cho Houthi. Iran được coi là đồng minh của chính phủ Trung Quốc.
Ông Xiao Yunhua, Giáo sư tại Học viện Quốc phòng Trung Quốc, cho biết trong một video đăng trên TikTok phiên bản tiếng Trung vào cuối tháng 12 năm ngoái rằng Houthi đã “vô tình mang lại cho Trung Quốc rất nhiều lợi ích”. Ông giải thích rằng việc phong tỏa các tuyến đường vận tải hàng hải sẽ thúc đẩy thương mại trên bộ và sử dụng các tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng, nối Trung Quốc và châu Âu.
Ông Xiao nói: “Lực lượng Houthi đã gián tiếp góp phần vào việc chuyển đổi từ vận tải hàng hải sang vận tải đường bộ, làm suy yếu ảnh hưởng và quyền kiểm soát các tuyến hàng hải của Hoa Kỳ, từ đó thúc đẩy chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh”.
Giá container, do chính phủ Trung Quốc độc quyền, cũng dự kiến sẽ tăng, một diễn biến từng được truyền thông nhà nước Trung Quốc ám chỉ trước đó. Sự gia tăng dự kiến này là do thời gian đi biển tăng, dẫn đến doanh thu container giảm. Khi ngày càng có nhiều container bị neo giữ trên biển thì số lượng container có mặt tại các cảng lại càng ít đi.
Theo báo cáo năm 2022 của Ủy ban Hàng hải Liên bang Mỹ (FMC), Trung Quốc sản xuất tới 95% container trên thế giới. Do đó, tình trạng khan hiếm container không chỉ dẫn đến tăng giá mà còn dẫn đến tình trạng bất kỳ bên nào tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc sẽ bị chính quyền Trung Quốc kiềm chế.
Trung Quốc cũng được cho là đã cung cấp vũ khí cho phiến quân Houthi. Ngày 23/12/2023, Houthi đã khai hỏa hai tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) nhằm vào các tàu thương mại quốc tế ở phía Nam Biển Đỏ. Cuộc tấn công làm dấy lên nhiều nghi ngờ liên quan đến nguồn gốc của vũ khí này. Theo The National Interest, một tạp chí quan hệ quốc tế có trụ sở tại Hoa Kỳ, ASBM là “một loại vũ khí dường như chỉ có Lực lượng Tên lửa Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sở hữu”.
Trong khi đó, một blogger quân sự Trung Quốc với hơn 6 triệu người theo dõi đã đề xuất trên Weibo rằng các ASBM do Houthi triển khai có nguồn gốc từ công nghệ mà trước đây Trung Quốc đã cung cấp cho Iran.
Kể từ ngày 11/1, Mỹ và Vương Quốc Anh đã phát động các cuộc tấn công lớn nhằm vào lực lượng Houthi, nhắm mục tiêu vào các hệ thống radar, sân bay, máy bay không người lái và cơ sở lưu trữ tên lửa. Mục tiêu của Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây trong giai đoạn này là răn đe hơn là xóa sổ lực lượng Houthi.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch