Phương Lam
Năm 2018, sự kiện Hòn đảo biến mất gây chấn động. Tờ The Sun của Anh tiết lộ rằng Google đã xóa sổ vĩnh viễn mọi dữ liệu về một hòn đảo ở Bắc Cực mà không nêu ra lý do. Điều này khá bất thường, vì cho dù như nơi nhạy cảm như Khu vực 51 hay Kim tự tháp Nam Cực, họ cũng không làm thế. Vậy, rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra ở đây?
Vùng biển mở ở Bắc cực
Năm 1879, tàu USS Jeannette khởi hành từ Mỹ đến Bắc Cực để tìm vùng biển mở. Đó là gì? Nghĩa là Bắc Cực không lạnh như ta vẫn tưởng và Bắc Băng Dương cũng không bị đóng băng vĩnh viễn, mà là vùng biển mở.
Các chuyên gia vào thời đó đã phát hiện ra 2 dòng hải lưu Kuroshio (từ Nhật Bản) và Gulf Stream (từ vịnh Mexico) đều đổ về Bắc Cực từ vùng nhiệt đới. Chúng kết hợp lại tạo thành vòng hoàn lưu ấm áp ở Bắc Cực, nơi tàu thuyền có thể đi lại. Họ cho rằng nó có thể là vành đai quanh Bắc Cực hoặc là một hồ nước ấm khổng lồ bên trong Bắc Cực, nơi tồn tại một thế giới lý tưởng tách biệt với thế giới chúng ta.
Họ đã tìm thấy hòn đảo Jeannette mà Google vừa xóa khỏi bản đồ. Khi ấy, tàu của họ đã bị đóng băng trong suốt 2 năm liền. Thuyền trưởng không còn cách nào khác phải ra lệnh bỏ lại tàu và đi về phía Nam để cầu cứu thổ dân Siberia. Như vậy, họ đã không thể vượt qua tuyến đường thuỷ ở Bắc Cực.
Sau cuộc giải cứu, nhật ký của con tàu Jeannette lập tức trở thành tâm điểm tranh cãi giữa Mỹ và Nga. Bởi theo Luật quốc tế, nước nào phát hiện ra hòn đảo trước thì nó sẽ thuộc về nước đó, rõ ràng là đảo do Mỹ phát hiện ra, nhưng tại sao nó lại thuộc về Nga?
Có thông tin cho rằng, Mỹ vì để đổi lấy nhật ký của tàu Jeannette từ tay Nga nên mới từ bỏ hòn đảo này. Vậy rốt cuộc trong đó ghi lại những gì? Có vẻ như con tàu đã phát hiện ra một số bí mật về vòng hoàn lưu ở Bắc Cực và vùng biển cực mở. Khi tiếp tục giải mã, manh mối từ các truyền thuyết cổ đại dần hé lộ.
Ultima Thule và Vương quốc cực Bắc
Theo truyền thuyết của người Viking, ở Bắc Cực có một nơi gọi là Ultima Thule, nước biển trên khắp thế giới đều chảy về đây, tạo thành một xoáy nước khổng lồ. Điều này có vẻ khá giống với nơi mà 2 dòng hải lưu hợp lại mà ta vừa nói đến.
Càng trùng hợp hơn, theo truyền thuyết của Hy Lạp, Bắc cực là nơi có thành phố cổ Hyperborea, nắm giữ một lượng vàng khổng lồ.
Trong tác phẩm Liệt Tử của Đạo gia cũng nhắc đến một vương quốc ở cực Bắc. Kể rằng, hậu duệ của Khương Tử Nha là Khương Tập Bằng, nắm giữ rất nhiều tư liệu cổ xưa. Sau khi Tề Hoàn Công đánh đuổi man tộc, muốn tiếp tục truy đuổi về phía bắc. Lúc này, Tập Bằng nói rằng: “Thưa bệ hạ, trước đây, khi Đại Vũ trị thuỷ, ông đã bị lạc đường và đi mãi đến tận bờ biển ở cực Bắc. Tại đây, ông phát hiện ra một vương quốc rất hạnh phúc, sống nhờ vào loại nước mang tên “thần phẫn”, nên không phải trồng trọt vất vả, người dân cũng không có bệnh tật hay muộn phiền, ai ai cũng nho nhã lễ độ. Về sau, vua Chu Mục Vương cũng đã đến Vương quốc này và sống ở đó suốt 3 năm. Sau khi trở về, ông đã thay đổi hoàn toàn”.
Một số người xem đoạn ghi chép này như một chuyện ngụ ngôn, nhưng biết đâu thực sự tồn tại vương quốc cực Bắc, giống như Hyperboria trong truyền thuyết của Hy Lạp vậy. Liệu nó có liên quan gì đến đảo Jeannette và nhật ký của tàu Jeannette không?
Tiếp tục nghiên cứu, câu chuyện lại dẫn đến một tài liệu cổ.
Đông Phương Sóc và Marco Polo
Việc đầu tiên mà Hán Vũ Đế làm sau khi lên ngôi là điều Đông Phương Sóc ra nước ngoài để tìm viện trợ. Trở về sau nhiều năm, Đông Phương Sóc viết cuốn “Nhật ký về 10 châu trên biển”, trong đó có đoạn: “Chúng tôi đã đến một nơi rất gần với cực Bắc, mùa thu là ban đêm vĩnh cửu và mùa hè đầy nắng đẹp. Băng ở đó phủ hàng vạn dặm, dày hàng trăm thước. Khi đào sâu xuống lớp băng, tôi phát hiện có một loài chuột to lớn”.
Hiện các chuyên gia cho rằng đây là ghi chép sớm nhất về Bắc Cực, đêm vĩnh cửu và ngày đầy nắng là mô tả về đêm địa cực và ngày địa cực, loài chuột lớn có thể là voi ma mút.
Vậy tại sao tìm viện trợ lại đến Bắc cực? Lẽ nào họ đã nắm trong tay tấm bản đồ Bắc Cực dưới thời Tề Hoàn Công?
Đến năm 1400, nhà thám hiểm Marco Polo, người được cho là đã sống ở Trung Quốc và Mông Cổ 24 năm, đã mô tả lại Bắc Cực dựa trên lời kể của những người Tatars. Theo đó, Bắc Cực là nơi không thể thấy Mặt trời trong suốt mùa đông, ở đó có gấu trắng. Người Tatars thường mất khoảng 40 ngày cưỡi ngựa mới đến được bờ biển, rồi dùng chó kéo xe đến Bắc cực để thu hoạch những bộ da thú tốt nhất.
Sau khi nghe câu chuyện của Marco Polo, 2 quý tộc người Ý là anh em nhà Zeno đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh và quyết định đi về phương Bắc.
Chuyến thám hiểm của họ đã trở thành một bí ẩn chưa có lời giải.
Anh em nhà Zeno và vương quốc các đền thờ
Mùa xuân năm 1385, họ xuất phát từ Venice đi về phía Bắc dựa trên miêu tả của Marco Polo. Tuy nhiên, họ đã không trở về. Bất ngờ hơn 150 năm sau, một thành viên của gia đình Zeno xuất bản cuốn nhật ký trên biển của anh em nhà Zeno, trong đó có một lượng lớn bản đồ và thư từ với những điều rất kỳ quái.
Đầu tiên, người anh cả Nicolò Zeno đề cập rằng, năm 1380, thuyền của ông đã đến đảo Frisland, tại đây ông gặp được đoàn thương nhân đến từ phía nam, trông rất giống người Trung Quốc. Họ nói với ông rằng để đến được vương quốc Drogeo, từ Frisland ông phải đi thuyền suốt 20 ngày, băng qua vùng đất Estotiland của những bộ lạc man rợ. Người Drogeo đã biết sử dụng kim loại và xây dựng các thị trấn cùng với đền thờ tế Thần.
Năm 1385, 2 anh em ra biển lần nữa, đi về phía bắc để tìm vùng đất Estotiland, sau đó đi xuống phía nam để tìm nước Drogeo và Trung Quốc. Đây chính là bản đồ mà hậu duệ của gia đình Zeno công bố.
Có thể thấy rằng Frisland được đánh dấu vị trí ở phía nam Iceland và phía tây Ireland, và một góc Estotiland thì nằm ở phía tây của Frisland. Từ đó, một số chuyên gia cho rằng vùng đất Estotiland chính là lục địa Bắc Mỹ ngày nay, bộ lạc man rợ là chỉ những thổ dân da đỏ. Còn Drogeo là thành phố của người Maya ở Trung Mỹ. Nếu thế thì rất có thể anh em nhà Zeno đã khám phá ra châu Mỹ trước Columbus.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, hòn đảo Frisland ấm áp được hai anh em Zeno phát hiện ra ở vùng đầy băng tuyết sau khi họ tiến vào Vòng Bắc cực, vậy nó có thể là quần đảo Svalbard thuộc Na Uy ngày nay, và nếu đi thuyền suốt 20 ngày để đến Estotiland chính là Bắc Mỹ ngày nay, thì điều đó có nghĩa là vùng biển cực mở thực sự tồn tại; và tổ tiên của người Na Uy và người Mỹ đã từng giao thương thông qua vùng biển cực mở này.
Sau này, các học giả châu Âu đã dựa theo mô tả của Marco Polo, của anh em nhà Zeno và các tài liệu cổ khác để vẽ ra tấm bản đồ Bắc Cực này. Có thể thấy, Bắc Cực hoàn toàn không đóng băng và có 4 hoàn lưu dẫn đến đó. Đây chính là vùng biển cực mở cổ đại.
210 năm sau
Đó là vào năm 1594, lúc này Columbus đã khám phá ra châu Mỹ, nên Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã độc chiếm tuyến đường thuỷ sang phương Đông. Hà Lan cũng cần có một tuyến đường biển mới hướng về phương Đông. Thế là, ông Willem Barentsz đã lên đường tìm kiếm.
Một năm sau, ông trở về và trình với nhà vua Hà Lan rằng họ đã vượt qua một biển băng lớn ở phía Đông Bắc, đến một lục địa mới và từ đó đi tiếp về phía Bắc, họ đã nhìn thấy loài gấu trắng trong truyền thuyết. Nhưng sau đó, họ gặp phải những núi băng trôi không thể đi qua và phải quay trở về. Nhà vua nghe vậy bèn cấp thêm cho Barentsz một khoản tiền lớn để ông lại lên đường.
Một năm sau nữa, Barentsz trở về. Ông lại kể về hành trình giống hệt lần trước và bổ sung thêm rằng lần này đoàn đã xảy ra xung đột với người bản địa Samoyed và khi họ tiếp tục đi về phía bắc thì gặp phải một núi băng trôi không thể đi qua.
Biển băng Đông Bắc mà ông nói đến ngày nay được gọi là Biển Barents, lục địa mới mà ông kể chính là đảo Novaya Zemlya, tại đây thực sự có loài gấu trắng Bắc Cực và những người bản địa Samoyed.
Năm 1596, Barentsz lại lên đường lần thứ 3. Lần này ông dự định sẽ đi vòng qua đại lục địa bị đóng băng kia, nhưng khi đến đảo Svalbard ngày nay, ông phát hiện không có đường đi và cả phía bắc đều là băng. Thế là, ông chuyển về hướng đông và tiến vào Novaya Zemlya một lần nữa. Lúc này, trời đã sang đông, họ đành phải tháo gỗ từ con tàu để dựng một ngôi nhà nhỏ trên đảo để sống sót qua mùa đông. Ngày nay, ngôi nhà gỗ này vẫn còn ở đấy và đã được bảo tàng quốc gia Hà Lan trùng tu.
Đoàn trở lại Hà Lan vào năm sau đó, nhưng Barentsz đã qua đời trên đường trở về, chỉ có 12 người sống sót. Họ lại kể về câu chuyện rằng họ đã nhìn thấy vùng xoáy nước Ultima Thule huyền thoại trên đảo Novaya Zemlya, nó xuất hiện trên bầu trời phía xa, là một vòng tròn hình xoắn ốc, màu trắng.
Dù nghe có vẻ vô lý, nhưng các nhà khoa học sau đó đã xác nhận rằng dị tượng này thực sự tồn tại trên đảo ấy. Ngày nay nó được gọi là hiệu ứng Novaya Zemlya, do một loại khí tượng đặc biệt trên đảo tạo thành.
Hiện tượng bí ẩn
Năm 2009, trên bầu trời miền Bắc Na Uy đột nhiên xuất hiện những ánh sáng trắng xoắn ốc kỳ lạ, kéo dài suốt hơn 10 phút. Khi ấy, Viện Khí tượng Na Uy đã nhận được hàng nghìn cuộc gọi, từ người dân đến quan chức, quân đội đều muốn biết về những gì họ đang nhìn thấy. Các nhà thiên văn học cho biết, nó lớn đến mức bao phủ toàn bộ miền bắc và miền trung Na Uy, nhưng đó không phải là Bắc cực quang.
Vậy phải chăng đó là ảo ảnh mà đoàn thám hiểm của Barentsz đã thấy trên đảo Novaya Zemlya? Hình xoắn ốc và có màu trắng, đây chẳng phải là giống Ultima Thule trong truyền thuyết sao? Liệu những điều này có mối liên quan nào hay không? Chỉ biết rằng nó đã diễn ra suốt 14 năm qua.
Bắc cực nóng tới 32,5 ° C
Vào tháng 7/2022, một đoạn tin tức của một người dẫn chương trình ở Bắc cực đã gây xôn xao dư luận. Trong video, cô ấy đang ở vùng băng giá Greenland nhưng do từ ngày 15 đến ngày 17/7, mỗi ngày ở Greenland có đến 6 tỷ tấn băng tuyết bị tan chảy, và nhiệt độ ở đây đã đến mức cao nhất, 32,5°C.
Nó khiến máy bay không thể cất hạ cánh như thường lệ. Các nhà khoa học cho biết, kể từ năm 2010, quá trình băng tan ở Greenland đã tăng tốc mạnh, nếu tiếp tục với tốc độ này, thì đến khoảng năm 2070, toàn bộ băng ở đây sẽ tan hết, kéo theo đó là mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 7,5m. Đồng thời, diện tích băng tuyết ở Bắc cực cũng sẽ giảm xuống, khi đó, điều gì đã xảy ra với trái đất?
Nếu xâu chuỗi các tài liệu lịch sử, truyền thuyết và thực tế, chúng ta dường như đã có được một câu chuyện vĩ đại về trái đất.
Câu chuyện về trái đất
Giai đoạn 1: Khoảng 5.000 năm trước, Bắc cực không có băng tuyết, người Trung Quốc/ Mông Cổ có quan hệ thương mại với người Băng Di ở Bắc cực. Còn nơi được gọi là vực thẳm ở Bắc cực có thể là Bắc Băng Dương khi chưa bị băng tuyết bao phủ.
Giai đoạn 2: Khoảng 4000 năm trước, vào thời đại của Đại Vũ và các truyền thuyết Hy Lạp cổ đại, Bắc cực bắt đầu đóng băng, nhưng vẫn có một Vương quốc cực Bắc ấm áp, một Hyperboria được xây dựng bằng vàng, và vòng hoàn lưu Bắc Cực cũng tồn tại, đó là lý vì sao trong truyền thuyết Hy Lạp, người Bắc cực có thể giao thương với toàn thế giới.
Giai đoạn 3: Khoảng 2000 năm trước, Bắc cực đã bắt đầu đóng băng, nhưng dòng hải lưu Kuroshio vẫn có thể tiến vào đó. Cho nên, Đông Phương Sóc mới có thể đi thuyền đến Bắc cực một cách dễ dàng và đến được vương quốc hạnh phúc.
Giai đoạn 4: Khoảng 1000 năm trước, Bắc cực bị đóng băng, và những người Viking vốn sống ở đấy bắt đầu đi thuyền về phía Nam và chinh phục châu Âu. Họ cũng mang theo truyền thuyết về vùng xoáy Ultima Thule.
Giai đoạn 5: Khoảng 700 năm trước, Marco Polo và anh em nhà Zeno đã ghi chép lại vòng hoàn lưu cuối cùng ở Bắc cực. Lúc đó ở Bắc cực vẫn còn một tuyến đường giúp tổ tiên của người Na Uy có thể giao thương với người Bắc Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Cực dần đóng băng và đã bị cô lập. Phải chăng đây là lý do vì sao các công trình của người Maya đột nhiên bị bỏ lại vào thời đó?
Giai đoạn 6: Khoảng 400 năm trước, Barentsz bắt đầu khám phá Bắc cực. Nhưng Bắc cực đã hoàn toàn bị đóng băng, vùng biển cực mở không tồn tại nữa.
Giai đoạn 7: Năm 1881, đoàn thám hiểm trên tàu Jeannette khám phá ra hòn đảo Jeannette. Nhưng rồi nhật ký của họ cùng với đảo Jeannette đã bị Google xóa khỏi bản đồ, phải chăng đó là vì hòn đảo là điểm cuối cùng của vùng biển cực?
Đảo Novaya Zemlya có hiệu ứng kỳ lạ, ở đó còn có một khí hậu ấm áp bất thường. Liệu trên đảo Jeannette có thể tồn tại một loại khí hậu như vậy không?
Giai đoạn 8: Vào năm 2022, nhiệt độ ở Bắc cực lên đến 32,5 °C, và vùng biển cực mở đang quay trở lại theo cách bất ngờ này.
Mưa lớn ở sa mạc
Khoảng thời gian từ tháng 7 đến 8/2022, mưa lớn ở Trung Đông đã kéo dài trong gần 40 ngày. Ở Iran, lượng mưa lớn trên diện rộng đã gây ra sạt lở đất nghìn năm có một; ở bán đảo Ả Rập khô hạn, các đám mây gây mưa đã vượt qua sa mạc Nefud và đến Ai Cập; ngoài ra, mưa lớn cũng xuất hiện trên sa mạc Rub al-Khali của Ả Rập.
Lẽ nào Trái đất đang quay trở lại quá khứ? Phải chăng băng tan ở Bắc cực dẫn đến những cơn mưa quét qua các sa mạc?
Giờ đây, nếu bạn đến đảo quốc Greenland, biết đâu bạn sẽ được tiết lộ rằng Greenland trong tiếng Anh có nghĩa ‘đảo xanh’ không phải vì nó đang xanh hóa bởi cây cối, mà bởi vì nó luôn là một hòn đảo tươi xanh trong lịch sử, chỉ là trong 1.000 năm qua, Trái đất xảy ra biến động và nó đã biến thành một đảo băng.
Phương Lam – theo Ngẫm Radio