Thời của… công an hay thuở… công an trị!

Trân Văn (VOA)

29-1-2024

Sở dĩ bên cạnh luật hình sự còn phải có bộ luật tố tụng hình sự vì thiếu sự rõ ràng về trình tự, thủ tục, hoạt động điều tra – truy tố – xét xử sẽ trở thành tùy tiện, không bảo đảm sự công bằng, tính nghiêm minh khi thực thi – bảo vệ pháp luật và tạo ra oan sai.

“Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết…”; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.

Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay”.

Phần in nghiêng, đặt trong ngặc kép là nội dung Điều 116 của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành liên quan đến chuyện phải “thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người”.

Về nguyên tắc, “bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự” (Điều 1).

Mục đích của Bộ Luật tố tụng hình sự là “bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” (Điều 2).

Theo Điều 3 thì “Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sở dĩ bên cạnh luật hình sự còn phải có bộ luật tố tụng hình sự vì thiếu sự rõ ràng về trình tự, thủ tục, hoạt động điều tra – truy tố – xét xử sẽ trở thành tùy tiện, không bảo đảm sự công bằng, tính nghiêm minh khi thực thi – bảo vệ pháp luật và tạo ra oan sai. Ở nhiều quốc gia, vi phạm bất kỳ quy định nào liên quan đến trình tự, thủ tục xử lý hình sự (vi phạm tố tụng) đều có thể dẫn đến việc hủy bỏ nỗ lực xử lý hình sự, phải trả tự do, thậm chí bồi thường cho đương sự. Cả cá nhân lẫn cơ quan có liên quan đến những vi phạm tố tụng sẽ bị truy cứu và xử lý trách nhiệm. Riêng tại Việt Nam, vi phạm tố tụng không chỉ diễn ra công khai mà còn trở thành bình thường. Dẫn đầu vi phạm tố tụng là lực lượng công an nhân dân có sự trợ giúp của ngành kiểm sát (lẽ ra phải giám sát, ngăn chặn) và ngành tòa án (lẽ ra phải xem xét, xác định trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm tố tụng).

Vi phạm tố tụng trắng trợn và mới nhất là việc bắt giữ ông Trần Đức Quận – Bí thư tỉnh Lâm Đồng trong vụ án “nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ông Đặng Trí Dũng – Bí thư Đà Lạt “vẫn còn vắng mặt tại nơi làm việc”.

***

Hồi thượng tuần tháng này, các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan báo: Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng đã gửi “Thông báo khẩn” cho các thành viên vốn đã được mời tham dự Phiên họp thứ 24 nhằm “xem xét, cho ý kiến về nội dung trình các kỳ họp chuyên đề năm 2024 của HĐND tỉnh và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền” để… hủy việc tổ chức Phiên họp thứ 24.

Trước đó, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng đã gửi Thư mời cho: UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Giám đốc và người đứng đầu các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp để sắp xếp và tham dự Phiên họp thứ 24 vào sáng 9/1/2024.

Sở dĩ Phiên họp thứ 24 bị hủy vào phút chót vì ông Trần Đức Quận – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, người sẽ chủ trì phiên họp này… “vẫn vắng mặt tại nơi làm việc” sau khi đi công tác ở Hà Nội (2).

Không chỉ có ông Trần Đức Quận “đi công tác tại Hà Nội” rồi… “vắng mặt tại nơi làm việc”, ông Đặng Trí Dũng – Bí thư thành phố Đà Lạt cũng vậy. Các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cho biết, ông Dũng tháp tùng ông Quận ra Hà Nội từ ngày 4/1/2004 và sau đó vắng mặt không rõ lý do trong nhiều cuộc họp quan trọng mà lẽ ra ông phải hiện diện để chủ trì (3)… Không phải tự nhiên mà truyền thông chú ý đến việc ông Quận và ông Dũng “vắng mặt dài ngày”.

Công an không thể ‘làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực’

Tháng 12/2010, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cấp giấy phép đầu tư Khu đô thị Nam Đà Lạt (sau đó được đề nghị đổi tên thành dự án Khu đô thị thương mại, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh) cho Công ty Sài Gòn – Đại Ninh.

Mười năm sau, Thanh tra Chính phủ yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng thu hồi giấy phép thực hiện dự án có diện tích hơn 3.500 héc ta này vì chủ đầu tư để mất hơn 368 héc ta (bị phá 257 héc ta, bị lấn chiếm 111 héc ta).

Sau khi Công ty Sài Gòn – Đại Ninh xin “cứu xét”, Thanh tra Chính phủ tiến hành… “tái kiểm tra” và thay đổi kết luận đã công bố trước đó: Rút lại yêu cầu chính quyền tỉnh Lâm Đồng thu hồi đất và đề nghị chính quyền tỉnh Lâm Đồng cho Công ty Sài Gòn – Đại Ninh tiếp tục thực hiện dự án, khôi phục việc thực hiện nghĩa vụ tài chính. Việc xoay chuyển 180 độ đó là do… tiền hối lộ. Đó cũng là là lý do khiến hàng loạt viên chức của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh Lâm Đồng bị bắt.

Ngày 2/1/2024, tới lượt ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng bị bắt để điều tra về hành vi “nhận hối lộ”… Do vậy, truyền thông và dân chúng mới chú ý đến chuyện ông Trần Đức Quận và ông Đặng Trí Dũng ”đi công tác tại Hà Nội” rồi đột nhiên… “vắng mặt tại nơi làm việc” kể từ 4/1/2024. Tuy nhiên mãi tới ngày 24/1/2024, Bộ Công an mới chính thức loan báo đã khởi tố và tạm giam ông Trần Đức Quận để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ(4), riêng ông Dũng, đến giờ vẫn còn “vắng mặt không rõ lý do”. Cứ so chuyện những viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương đột nhiên “vắng mặt không rõ lý do” về bản chất chẳng khác gì “mất tích”, cuối cùng mới biết là bị bắt mà tính chất chẳng khác gì bắt cóc, với các quy định của Luật Tố tụng hình sự như đã dẫn ở phần đầu bài này sẽ thấy công an Việt Nam càn rỡ đến mức nào và giới lãnh đạo đảng CSVN cũng như những cơ quan giữ vai trò giám sát đã dung dưỡng công an ra sao!

Về lý thuyết, công an Việt Nam do dân chúng Việt Nam thuê để bảo vệ, thực thi pháp luật. Ông Trần Đức Quận, ông Đặng Trí Dũng hay các tổ chức chính trị, cơ quan công quyền ở Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng cũng thế – cũng được dân chúng Việt Nam thuê để “phục vụ”. Khoan bàn đến bản chất, hiệu quả “phục vụ” và dân chúng Việt Nam đang “được” hay “bị”… “phục vụ”. Chỉ xét riêng việc cố tình “úp úp, mở mở” khi thực thi pháp luật nhằm gia tăng sự hấp dẫn về “hoạt động nghiệp vụ” của công an, thu hút sự chú ý của công chúng, nâng cao vai trò và vị thế của công an thì tự nhiên sẽ phải hỏi: Chẳng lẽ công an là… nghiệp đoàn điện ảnh, Bộ trưởng Công an vừa là đạo diễn kiêm tác giả kịch bản và giám đốc hãng sản xuất… phim? Chẳng lẽ tại Việt Nam, bảo vệ và thực thi pháp luật cũng giống như hoạt động ở… phim trường, trong khi bản chất của bảo vệ và thực thi pháp luật không có hay – dở, chỉ có tuân thủ pháp luật hay không, nếu không thì phải nghiêm trị!

Nên xếp việc vừa nhân danh thực thi pháp luật, vừa công khai chà đạp các quy định của pháp luật, cụ thể ở đây là Bộ Luật tố tụng hình sự vào loại nào? Tại sao công an có thể mang cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền một địa phương ra… dựng phim, khiến hoạt động của những hệ thống này bị xáo trộn, thậm chí bị tê liệt, bất kể sự xáo trộn, tê liệt đó tác hại thế nào đến tình hình kinh tế – xã hội của một vùng mà nạn nhân trực tiếp là dân chúng?

***

Ngày 5/1/2024, tại cuộc họp báo định kỳ của chính phủ, một viên Trung tướng công an tên là Tô Ân Xô tuyên bố: “Bộ Công an chủ trương làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực: Như với thao túng thị trường chứng khoán đã xử lý vụ FLC; thao túng trái phiếu là Tân Hoàng Minh; thao túng ngân hàng là xử lý vụ Ngân hàng SCB; thao túng chính sách là vụ đăng kiểm. Bên cạnh đó là xử lý vụ xăng dầu tại Xuyên Việt Oil và xử lý liên quan đến tài nguyên, khoáng sản là vụ cát ở An Giang hay vụ án ở Lâm Đồng(5).

Cần phải hỏi Bộ Công an dựa vào đâu để đưa ra “chủ trương” như thế khi phạm vi trách nhiệm của công an chỉ là bảo vệ và thực thi pháp luật một cách khách quan, nghiêm cẩn. Khi tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, tại sao công an không tận diệt mà chỉ chọn làm một số vụ nhằm “cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực. Công an đã chi phối các hệ thống đến mức nào mới có thể ngạo mạn xác định đủ thẩm quyền để quyết định “thịt ai, bỏ ai” như thế?

Trên mạng xã hội, một số người có vẻ am hiểu hiện tình đã từng nói xa, nói gần về việc điều tra có chọn lọc nhằm loại trừ đối thủ, cân nhắc thời điểm công bố quyết định khởi tố và tạm giam để đương sự cống nạp. Trong thực tế, không ít sĩ quan công an cao cấp đang tại chức hay đã nghỉ hưu cùng tham gia kiếm chác từ các đại án. Gần nhất là trường hợp Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc Công an Hà Nội (nhận 800.000 Mỹ kim), Hoàng Văn Hưng – Điều tra viên cao cấp (nhận 18,8 tỉ đồng) [6]. Trước nữa thì có Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca – cựu Giám đốc Công an Hải Phòng (nhận 35 tỉ đồng) [7]… Khi lực lượng bảo vệ, thực thi pháp luật có thể ngang nhiên hành xử càn rỡ, bất chấp các quy định pháp luật, có thể tự tin đến mức công khai khẳng định về quyền lựa chọn – xác định bị can nhằm “cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực” như thế thì cần gì phải nuôi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cho tốn kém? Một quốc gia mà công an có thể khuynh loát đến mức đó thì tương lai quốc gia đó ra sao?

Chú thích

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx

(2) https://plo.vn/thuong-truc-hdnd-tinh-lam-dong-hoan-phien-hop-thu-24-post770721.html

(3) https://nld.com.vn/thanh-uy-da-lat-thay-doi-lich-lam-viec-vi-bi-thu-dang-tri-dung-di-cong-tac-dai-ngay-196240109084940847.htm

(4) https://tuoitre.vn/bat-tam-giam-ong-tran-duc-quan-bi-thu-tinh-uy-lam-dong-20240108170032341.htm

(5) https://thanhnien.vn/trung-tuong-to-an-xo-bo-cong-an-chu-truong-lam-mot-vu-canh-tinh-ca-vung-185240105172704297.htm

(6) https://vtc.vn/cuu-pgd-cong-an-ha-noi-nguyen-anh-tuan-duoc-giam-1-nam-tu-du-khong-khang-cao-ar843782.html

(7) https://vietnamnet.vn/ong-do-huu-ca-da-tra-lai-35-ty-chua-tac-dong-ai-de-chay-an-2116714.html

Related posts