14-2-2024
Hôm qua coi trực tiếp trên Kênh YouTube của VOA nói về chủ đề “chống tham nhũng bằng chữ nhân“. Chương trình rất thú vị, bà con ai chưa coi thì nên coi để biết:
Theo tôi thấy, qua vụ chống tham nhũng, ông Trọng đã đưa đảng CSVN đi lạc đường. Đảng CSVN dựng ngọn cờ “bài phong đả thực”. Biết bao nhiêu máu xương nam phụ lão ấu Việt Nam đã đổ xuống để đảng thực hiện được tiêu chí này. Phong kiến đã bị bài trừ. Thực dân đã bị đánh đuổi. Vấn đề là 1/2 thế kỷ sau, ông Trọng tái dựng lại một chế độ nửa phong kiến, nửa thực dân.
Người trong đảng với nhau, ông Trọng chống tham nhũng bằng “đức trị”. Tức chống tham nhũng bằng một phương cách của chế độ phong kiến đã bị bài bác.
Tôi thấy, nếu các phương cách xây dựng xã hội của phong kiến là hữu hiệu, thì không bao giờ chế độ phong kiến bị sụp đổ một cách dễ dàng như vậy.
Câu hỏi ray rứt phải đặt ra, đổ máu xương ra lật đổ làm chi bây giờ phải xây dựng lại chế độ phong kiến để bài trừ tham nhũng?
Chữ “nhân” của ông Trọng hóa ra là phi nhân. Không ai hô hào đổ máu hàng chục vạn người để lật đổ một chế độ. Bây giờ lại cố gắng xây dựng lại chế độ đó, xem đó là một “tiêu chuẩn” để chống tệ nạn của chế độ.
Không thể nào “phi nhân” hơn, phải không?
Nếu ta so sánh luật pháp dưới thời Pháp thuộc và thời cộng sản hiện nay, ta thấy rằng, người Pháp không bị luật lệ bản xứ ràng buộc. Người Pháp phạm tội sẽ bị xét xử theo luật của mẫu quốc. Đảng viên cộng sản cũng như thực dân. Đảng viên chỉ có thể bị đưa ra tòa xét xử như dân thường chỉ khi người này bị tước đảng tịch. Ngoài ra, bản án dành cho đảng viên hoàn toàn khác với một bản án dành cho dân thường, cùng phạm vào một tội.
Phê phán thực dân bóc lột xương máu người dân. Phê phán thực dân xử tội dân bản xứ bằng nghị quyết chớ không bằng luật lệ. So sánh lại, ta có thấy khác biệt giữ hai chế độ thực dân và cộng sản hiện thời hay không?