Trung Quốc Cộng sản đang ‘chật vật để kể câu chuyện của mình’

Stu Cvrk

Nhân viên an ninh đứng gác tại Trung Nam Hải gần Quảng trường Thiên An Môn trước Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 tại Bắc Kinh hôm 13/10/2022. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Tờ South China Morning Post (Nam Hoa Tảo Báo-SCMP) tiếp tục bỏ qua các vấn đề cơ bản trong bản phân tích mềm mỏng định kỳ về các vấn đề ở Trung Quốc cộng sản. Một bài báo gần đây là một trường hợp điển hình, khi SCMP cố gắng giải thích lý do tại sao những người cộng sản đang chật vật để có thể “kể thật hay câu chuyện của Trung Quốc.”

Chúng ta hãy xem xét vấn đề và giải mã những gì còn thiếu từ lời giải thích trong bài viết đó.

Nam Hoa Tảo Báo

Là một trong những tờ báo lâu đời nhất của Hồng Kông, South China Morning Post được thành lập vào năm 1903 và nhiều năm liền được mọi người coi là “tờ báo kỷ lục” của thành phố. Kể từ khi thành lập, tờ báo đã thay đổi chủ sở hữu nhiều lần, trong đó ông trùm truyền thông Rupert Murdock từng là chủ sở hữu của tờ báo này từ năm 1986 đến năm 1993.

Tờ báo đã truyền tải lối xã luận thực tế và độc lập trong nhiều thập niên cho đến khi được ông Jack Ma của Tập đoàn Alibaba mua lại vào năm 2016. Ông Ma đã khuyến khích tờ báo theo hướng trở thành công cụ thúc đẩy quyền lực mềm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở ngoại quốc, theo ghi nhận của The New York Times năm 2018. Nỗ lực đó gần đây càng trở nên rõ rệt hơn. Vì những nỗ lực của mình, ông Ma đã “biến mất” trong vài tháng vào năm 2021 — có thể vì lý do “sự không trong sạch về tư tưởng” hoặc mong muốn của ĐCSTQ được “chia sẻ tài sản của ông ấy” — và kể từ đó ông đã chứng kiến đế chế thương mại của mình được tái cơ cấu theo hướng rời xa khỏi tay mình.

Như Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đã lưu ý, quyền lực mềm được nhà khoa học chính trị Joseph Nye Jr. định nghĩa “là khả năng của một quốc gia gây ảnh hưởng đến quốc gia khác mà không cần dùng đến áp lực cưỡng chế [bằng cách] thể hiện các giá trị, lý tưởng, và văn hóa xuyên biên giới để thúc đẩy thiện chí và tăng cường quan hệ đối tác.” Thực hiện thành công quyền lực mềm nghĩa là nhấn mạnh những mặt tích cực và giảm thiểu những mặt tiêu cực để tác động đến những người ra quyết định chủ chốt và những người khác ở các quốc gia mục tiêu.

Các cụm từ khác để mô tả “việc thúc đẩy quyền lực mềm” mà có lẽ truyền tải tốt hơn ý nghĩa thực sự của việc này gồm “tuyên truyền” và “chiến tranh thông tin.”

Trong trường hợp của Trung Quốc cộng sản, điều này liên quan đến việc nỗ lực thuyết phục thế giới rằng chính quyền Bắc Kinh là vô hại và không có mối đe dọa nào đối với bất kỳ ai khi họ đảm nhận vị trí nhà lãnh đạo thế giới mà họ cho là xứng đáng. Đó là một yêu cầu khó đối với những tờ báo như SCMP, vốn được giao nhiệm vụ đó!

Hãy kể thật hay câu chuyện của Trung Quốc

Bài báo của SCMP được đề cập ở trên giải thích rằng ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo cộng sản Tập Cận Bình đã khởi xướng nỗ lực tuyên truyền đại chúng của Trung Quốc để “kể thật hay câu chuyện của Trung Quốc.” Các chỉ thị dành cho các kênh truyền thông do chính phủ điều hành và chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ đều có nội dung thuyết phục các nhà quản lý và biên tập viên “phải tin tưởng vào văn hóa, lịch sử, hệ tư tưởng và hệ thống chính trị của họ để có thể tuyên truyền cho độc giả quốc tế rằng cách tiếp cận của Trung Quốc tốt hơn của phương Tây trong nhiều vấn đề.” Xét đến quá khứ khủng bố, diệt chủng, bỏ đói, và sát nhân tồi tệ của ĐCSTQ do các chính sách thất bại kể từ năm 1949, thì đây lại là một yêu cầu khó nữa.

Sự kém hiệu quả trong chiến dịch quyền lực mềm của Bắc Kinh nhằm thuyết phục người ngoại quốc về ý định tốt đẹp của ĐCSTQ được giải thích (được biện minh?) “là bởi vì sự thiên vị và thống trị của các hãng truyền thông, học giả và công chúng phương Tây.” Hoặc có thể chính vì những sự thật giản đơn, hiển nhiên trái ngược với những lời hứa hẹn hòa bình của Bắc Kinh, chẳng hạn như việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tấn công eo biển Đài Loan, Hải cảnh Trung Quốc sử dụng vòi rồng và thiết bị âm thanh để ngăn cản các tàu tiếp tế của Philippines đến các tiền đồn ở Biển Tây Philippine, các cuộc giao tranh định kỳ với các binh sĩ biên giới Ấn Độ dọc theo “Đường kiểm soát thực tế (LAC)” Trung-Ấn đang tranh chấp, và những vụ công kích thường xuyên từ các đoàn ngoại giao “ sói chiến” của Trung Quốc.

Một lý do khác được SCMP đưa ra là “ngay cả khi các quan chức Trung Quốc hoặc truyền thông nhà nước nói lên sự thật, thì họ vẫn thường bị người ngoài nhìn nhận là đang thanh minh” Tại sao có thể như vậy? Có lẽ bởi vì lịch sử đã dạy chúng ta rằng, việc thường xuyên đưa ra những tin tức giả từ các cơ quan ngôn luận của cộng sản đã tự động gây ra sự hoài nghi đối với bất kỳ lời tuyên truyền thân Trung Quốc nào.

Nói về sự thật thực sự, có lẽ điểm chính xác duy nhất trong bài báo của SCMP là tuyên bố rằng “kết quả hoạt động của các quan chức thường được đo lường bằng mức độ hấp dẫn của họ đối với độc giả trong nước và liệu họ có nhận được sự chấp thuận từ người giám sát của mình hay không — chứ không phải họ xoay sở tốt như thế nào” trong việc thuyết phục độc giả quốc tế” (nhấn mạnh thêm). Thực tế không mấy dễ chịu đằng sau là (đối với SCMP) câu này giải thích cho đường lối cộng sản: Tuân thủ và bằng mọi giá phải né tránh mọi lời chỉ trích đối với Trung Quốc hoặc ĐCSTQ, nếu không sẽ có nguy cơ bị “biến mất” như Jack Ma đã từng (hoặc tệ hơn).

Suy ngẫm kết luận

Các nước văn minh không cần phải dùng đến biện pháp tuyên truyền của chính phủ để “kể câu chuyện của họ.” Lần cuối cùng Vương quốc Anh, Pháp, Đức, hoặc Na Uy (hoặc bất kỳ quốc gia phương Tây nào khác) tiến hành một hoạt động thông tin dài hạn tương tự do chính phủ tài trợ (hoặc ép buộc) là khi nào? Phải chăng những quốc gia đó thực sự có các hãng truyền thông cởi mở và tự do nói chung có thể đi chệch khỏi quan điểm của chính phủ ở quốc gia của họ? Phải chăng các quyền tự do cơ bản của cá nhân dành cho người dân cũng như du khách sẽ loại bỏ nhu cầu thực hiện các hoạt động thông tin đối với bên ngoài vì mọi người có thể tự đưa ra phán đoán của mình mà không cần sự tuyên truyền của chính phủ?

Nhờ ĐCSTQ, truyền thông Trung Quốc bị buộc phải phớt lờ và/hoặc thêu dệt một cách trắng trợn về các vấn đề mà cuối cùng làm suy yếu uy tín của chính họ, gồm cả nạn diệt chủng văn hóa đang diễn ra đối với người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, che giấu thông tin y tế về COVID-19 và nguồn gốc của dịch bệnh để trục lợi từ việc bán vật tư y tế và lòng biết ơn vì đã cung cấp vật tư và vaccine cho các nước thuộc thế giới thứ ba, sự đe dọa như đã nói ở trên đối với các quốc gia khác ở vùng biển và đất liền đang tranh chấp, những lời giải thích về bẫy nợ của Sáng kiến Vành đai và Con đường, và hành vi thiếu văn minh nói chung được thể hiện qua sự ép buộc của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất và các cơ quan công an Trung Quốc ở hải ngoại đối với Hoa kiều.

“Hãy kể câu chuyện của Trung Quốc,” theo mong muốn của ông Tập Cận Bình, có thể là một nhiệm vụ bất khả thi đối với những tờ báo như South China Morning Post. Lịch sử và hành vi của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như những tuyên bố công khai của chính ông Tập đã khiến cho điều này trở nên như vậy.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts