Trang web ủng hộ chủ nghĩa Mao đóng cửa cho thấy cuộc tranh đấu quyền lực trong ĐCSTQ

Mary Hong

Thanh niên Trung Quốc đi ngang qua một số tờ đại tự báo (dazibao), biểu ngữ tuyên truyền cách mạng được in với cỡ chữ lớn, trong Cách mạng Văn hóa ở trung tâm thành phố Bắc Kinh vào tháng 02/1967. (Ảnh: AFP qua Getty Images)

Hôm 20/02, một trang web ủng hộ chủ nghĩa Mao của Trung Quốc loan báo rằng họ đã quyết định đóng cửa trang web sau khi bị chính quyền nhắc nhở. Mặc dù chưa rõ lý do đằng sau việc đóng cửa, nhưng một chuyên gia về Trung Quốc cho rằng ảnh hưởng chính trị của những người theo chủ nghĩa Mao gây ra mối đe dọa cho sự cai trị của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trang web theo chủ nghĩa Mao mzdbl.cn, được thành lập năm 2004, hôm thứ Ba đã thông báo rằng trang này sẽ đóng cửa sau khi nhận được thông báo từ “các cơ quan hữu quan,” những người cho rằng thông tin trên trang này “không thích hợp để phổ biến.”

The Epoch Times xác nhận trang web này đã không hoạt động kể từ ngày 23/02.

Phe ủng hộ chủ nghĩa Mao

Theo một bản tin gần đây trên ấn bản Hoa ngữ của Vision Times, ông Viên Hồng Băng, một chuyên gia về Trung Quốc sống ở Úc, tiết lộ rằng những người theo chủ nghĩa Mao đang ngày càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội, và ông Tập đang phải đối mặt với những thách thức chính trị từ nhóm người này. Ad

Ông Viên nhận được thông tin từ các nguồn tin trong nội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy phe cánh tả ủng hộ chủ nghĩa Mao ngày càng lớn mạnh này đang gây áp lực buộc ông Tập trở thành đại diện chính trị và phát ngôn viên của họ thay vì làm lãnh đạo của họ.

Ông Viên cho hay, “Chính sách quay trở lại hệ tư tưởng chính thống Mao Trạch Đông của ông Tập Cận Bình đã góp phần khiến những người theo chủ nghĩa Mao trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong nội bộ đảng; thế nhưng, phe cánh tả theo chủ nghĩa Mao muốn nhiều hơn thế.”

Những người trong cuộc nói với ông Viên rằng phe cánh tả theo chủ nghĩa Mao hiện nay yêu cầu công chúng chỉ trích đường hướng cải tổ nền kinh tế theo hướng tư bản chủ nghĩa hình thành nên giới tinh hoa tư bản do ông Đặng Tiểu Bình khởi xướng. Ông Đặng đã tìm cách đảo ngược các biện pháp kinh tế mang tính phá hoại của ông Mao bằng cách thúc đẩy các chính sách “cải cách và mở cửa” bắt đầu từ cuối những năm 1970.

Ông Viên cho biết: “Họ đang kêu gọi công chúng giải oan cho Cách mạng Văn hóa và nói thêm rằng những người theo chủ nghĩa Mao xem ông Bạc Hy Lai là nhà lãnh đạo tư tưởng chính trị của họ. Ông Bạc, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Trùng Khánh, bị kết tội tham nhũng và bị tuyên án tù chung thân. Ông Bạc cũng là đối thủ chính trị chính của ông Tập trước khi ông Tập lên nắm quyền lãnh đạo ĐCSTQ.

Theo ông Viên, các quan chức cao cấp đều là nạn nhân trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa của ông Mao Trạch Đông, và thế hệ hậu duệ của họ — được gọi là Hồng nhị đại — cũng bị gạt ra ngoài lề chính trị.

Gần đây, phe hồng nhị đại — do ông Lưu Nguyên, con trai của cố chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ lãnh đạo — đã đề nghị ông Tập từ chức. Nhưng đổi lại, ông Tập đang tìm cách tận dụng tàn dư của chủ nghĩa Mao để đe dọa các đối thủ của mình.

Tuy nhiên, theo nguồn tin của ông Viên, phe cánh tả theo chủ nghĩa Mao từ chối tuân theo sự cai trị của ông Tập; thay vào đó, họ đang cố ép ông trở thành phát ngôn viên và đại diện chính trị cho họ.

Hơn nữa, chuyên gia này cho biết, phe cánh tả theo chủ nghĩa Mao hiện đang soạn thảo một bản phê bình chi tiết đối với các chiến lược chính trị và kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình, vốn được cho là đã góp phần dẫn đến việc hình thành phe tư sản cầm quyền tha hóa.

Ông Viên cho biết thêm, đối mặt với những thách thức như nền kinh tế suy thoái cũng như áp lực trong nước và quốc tế, ông Tập rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc đáp ứng những yêu sách của phe cánh tả ủng hộ chủ nghĩa Mao.

Bài báo của Vision Times cho rằng phe cánh tả ủng hộ chủ nghĩa Mao cuối cùng sẽ hướng mũi tên công kích của mình vào ông Tập, có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của ông.

Cuộc thanh trừng không nhất quán đối với các trang web ủng hộ chủ nghĩa Mao

Các nền tảng ủng hộ chủ nghĩa Mao khác, như Utopia và Red China, vẫn chưa bị đóng cửa. Một số trang này công khai chế nhạo ông Đặng Tiểu Bình mà không phải đối mặt với bất kỳ sự can thiệp nào từ chính quyền.

Ngày 19/02 là ngày kỷ niệm 27 năm ngày mất của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Hôm 18/02, Red China đã xuất bản một bài báo châm biếm có tiêu đề “Chúc mừng ông Đặng Tiểu Bình đã mất được 27 năm,” cùng với ca khúc chủ đề kỷ niệm có tên “Bài ca về Đám người lùn mọn.”

Bài báo này của Red China vẫn không bị kiểm duyệt cho đến ngày 23/02 — một trường hợp hiếm hoi dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ của ĐCSTQ.

Ngoài ra, trên mạng Trung Quốc cũng xuất hiện rất nhiều bình luận phản đối các chính sách kinh tế của ông Đặng.

Ông Tần Bằng (Qin Peng), nhà bình luận thời sự sống tại Hoa Kỳ, cho biết: “Điều này chắc chắn phản ánh thực tế là ông Tập Cận Bình vẫn đang không ngừng tiến hành những hoạt động nhằm làm lu mờ di sản của ông Đặng Tiểu Bình.”

“Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người thừa nhận rằng ông Tập Cận Bình về căn bản đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên ‘cải cách và mở cửa,’” ông Tần nói trong chương trình tiếng Trung “Quan sát cùng Tần Bằng” trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

Các nhà quan sát Trung Quốc lưu ý rằng vào đêm trước ngày giỗ của ông Đặng, chính quyền Hồ Nam đã phát động một chiến dịch toàn tỉnh nhằm thảo luận về chủ đề “giải phóng tư tưởng.” Đây là một khẩu hiệu được ông Đặng khởi xướng lần đầu tiên vào tháng 12/1978. Điều này đề cập đến những những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đưa ra những cải cách thị trường quan trọng sau khi ông Mao qua đời vào năm 1976.

Tuy nhiên, chính quyền Hồ Nam không tập trung vào di sản của ông Đặng mà thay vào đó là nhấn mạnh các mục tiêu và lời dạy của ông Tập, được gọi là “Tư tưởng Tập Cận Bình.”

Hồng Ân biên dịch

Related posts