Bắc Kinh không nỗ lực chặn dòng chảy fentanyl giữa bối cảnh khủng hoảng opioid ở Hoa Kỳ

Michael Washburn

Các nhân viên của Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ tại cơ sở thương mại Otay Mesa đã thu giữ hơn 3,100 pound methamphetamine (1,406 kg ma túy đá), bột fentanyl, thuốc viên fentanyl và heroin trong vụ buôn bán methamphetamine lớn thứ hai bị bắt dọc biên giới phía Tây Nam trong lịch sử của cơ quan này, dựa trên thông tin do Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA) phối hợp với Cục Điều tra An ninh Nội địa (HSI) phát triển hôm 09/10/2020. (Ảnh: DEA)

Bắc Kinh chỉ thực hiện những nỗ lực khiêm tốn và nửa vời nhằm hạn chế dòng chảy các loại opioid tổng hợp như fentanyl từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc sang thị trường ngoại quốc, nơi các loại thuốc này đang gây ra số ca tử vong kỷ lục do sử dụng quá liều, đặc biệt là ở Hoa Kỳ.

Chế độ cộng sản này cũng đang tiếp tục đặt lợi ích địa chính trị của mình lên trên bất kỳ cải cách hiệu quả nào về mặt này.

Nhận định trên là theo một báo cáo gần đây của Viện Brookings của một thành viên cao cấp từ tổ chức tư vấn này, bà Vanda Felbab-Brow, người đã gọi opioid là “nguyên nhân gây ra đại dịch ma túy chết người nhất từ ​​trước đến nay ở Hoa Kỳ.” Bà lưu ý rằng số ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều đã tăng lên mức mới giữa tháng 10/2020 và tháng 09/2021, với 104,288 người Mỹ mất đi sinh mạng. Trong số đó, opioid chiếm 78,388 trường hợp tử vong.

Trong phân tích của bà Felbab-Brown, một cuộc khủng hoảng opioid nghiêm trọng đã chuyển sang mức độ gây tử vong thậm chí còn nghiêm trọng hơn cách đây mười năm khi các loại opioid tổng hợp như fentanyl thay thế cho các loại opioid có nguồn gốc thực vật, và ngày càng được sử dụng làm thành phần của các loại cocktail ma túy cũng chứa cocaine và methamphetamine.

Chuỗi cung ứng đang phát triển

Trong nhiều năm, nhiều trong số hơn 5,000 công ty trong ngành dược phẩm của Trung Quốc đã cung cấp trực tiếp fentanyl cho Hoa Kỳ. Báo cáo mô tả lĩnh vực xuất cảng hóa chất của Trung Quốc là một ngành công nghiệp mờ ám được quản lý kém với từ 160,000 đến 400,000 nhà sản xuất và phân phối, nhiều nhà sản xuất hoạt động không có giấy phép hoặc che giấu hoạt động của mình sau các công ty vỏ bọc.

Tuy nhiên, những người khác che giấu fentanyl mà họ sản xuất trong bối cảnh các sản phẩm khác được sản xuất với khối lượng khổng lồ. Tính đến năm 2019, các nhà môi giới ở Trung Quốc đã xuất cảng fentanyl sang Mỹ, bất chấp luật chống lại việc nhập cảng sản phẩm của nước này.

Hoa Kỳ đã nêu vấn đề này với Bắc Kinh, hy vọng mang lại sự giám sát chặt chẽ hơn nhiều đối với việc sản xuất và xuất cảng các loại thuốc này ở Trung Quốc, và nỗ lực này đã dẫn đến quy định đối với các chất tương tự fentanyl và hai tiền chất fentanyl vào năm 2018 và 2019, theo báo cáo.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp thuốc chỉ đơn giản là thay đổi chiến lược, chuyển các chuyến hàng đến các băng đảng ở Mexico. Tới lượt mình, các băng đảng này sau đó đã cung cấp loại thuốc này cho các thị trường Hoa Kỳ. Các nhà sản xuất và phân phối đã không từ bỏ việc cung cấp ma túy trên các đường phố Hoa Kỳ, nhiều nhất là tìm người thay thế để đưa ma túy đến đó.

Báo cáo nêu chi tiết, thậm chí là một số đại lý Trung Quốc điều chỉnh cách tiếp cận của họ dành riêng cho các băng đảng Mexico. Bà Felbab-Brown trích dẫn nghiên cứu điều tra của tổ chức bất vụ lợi C4ADS có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn tiết lộ cách người bán Trung Quốc gói các tiền chất fentanyl và ma túy đá (meth), cùng với chất độn cocaine, trong các quảng cáo bằng tiếng Tây Ban Nha và mời chào rằng các loại ma túy được đóng gói này có thể tuồn qua hải quan ở Mexico.

Các loại thuốc bị lực lượng đặc nhiệm ma túy đa cơ quan thu giữ Scottsdale, Arizona, trong đó có thuốc tổng hợp gây tử vong fentanyl. (Ảnh: Sở cảnh sát Scottsdale)

Từ chối trách nhiệm

Trước áp lực của Hoa Kỳ, Bắc Kinh khẳng định rằng họ đã dốc hết sức mình để hạn chế việc bán ma túy đá và fentanyl không theo kế hoạch cho các băng đảng ma túy, đồng thời bác bỏ việc Hoa Kỳ đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch opioid.

Theo bản báo cáo, thực tế rằng các băng nhóm tội phạm Trung Quốc ít có xu hướng sát hại người được cho là kẻ thù thực sự hoặc kẻ thù trong nhận thức của họ hơn một số băng đảng Mỹ Latinh cho phép Bắc Kinh có thêm lý do để nhẹ tay hơn, ngoại trừ trong những trường hợp tương đối hiếm khi các tổ chức tội phạm Trung Quốc hành động trực tiếp chống lại lợi ích của giới tinh hoa cầm quyền của Bắc Kinh. 

Lập trường của Bắc Kinh đó là: các vấn đề xã hội của Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng này và không nên đổ lỗi chuyện đó cho một quốc gia như Trung Quốc. Trung Quốc đã thể hiện “sự rộng lượng” và hợp tác trong các nỗ lực chống ma túy, họ nói.

Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh trong những năm gần đây có nghĩa là nhà cầm quyền này đã từ chối loại hỗ trợ thực sự cần thiết để cản trở việc cung cấp fentanyl cho các thành phố của Hoa Kỳ. Trong những năm gần đây, tình trạng này đã trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn, ngay cả khi ngày càng có nhiều sự chú ý tập trung vào cuộc khủng hoảng và vai trò của các nhà cung cấp ở ngoại quốc.

Cho đến năm 2018, cảnh sát Trung Quốc đã hành động theo lời khuyên của Hoa Kỳ và bắt giữ những kẻ buôn bán fentanyl người Trung Quốc. Nhưng các nhà chức trách Trung Quốc đã không hành động dựa trên thông tin tình báo hoặc cáo trạng từ các quan chức Hoa Kỳ kể từ thời điểm đó. Hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật của Trung Quốc và Mexico về buôn bán fentanyl và buôn bán các chất tiền chất cũng gần như không tồn tại.

Báo cáo nêu rõ: “Việc hợp tác chống ma túy của Trung Quốc với Hoa Kỳ bị phụ thuộc vào mối quan hệ địa chiến lược xấu đi tổng thể giữa hai nước.”

“Thật vậy, nếu không có sự ấm lên đáng kể của mối bang giao Mỹ-Trung nói chung, Trung Quốc khó có thể tăng cường hợp tác chống ma túy với Hoa Kỳ,” báo cáo tiếp tục. “Các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ, chẳng hạn như các biện pháp trừng phạt và các bản cáo trạng về ma túy, không có khả năng thay đổi điều đó.”

Một nhà hóa học của Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA) kiểm tra những viên thuốc có chứa fentanyl tại Phòng thí nghiệm DEA Khu vực Đông Bắc ở New York vào ngày 08/10/2019. (Ảnh: Don Emmert/AFP/Getty Images)

Đông Á và Úc

Tương tự như vậy, các mâu thuẫn chính trị đã cản trở sự hợp tác giữa các cơ quan của Trung Quốc và Úc, báo cáo nêu chi tiết.

Báo cáo mô tả Trung Quốc là “nhà cung cấp chính” các tiền chất được sử dụng trong sản xuất methamphetamine ở cả Đông Á và Mexico. Báo cáo cho biết trong khoảng thời gian từ những năm 1990 đến giữa những năm 2010, ma túy đá được sản xuất ở miền nam Trung Quốc đã được đưa sang cả thị trường nội địa lẫn Đông Á và Úc. Ở đây, những lời kêu gọi tăng cường hành động ở cấp độ ngoại giao chỉ có tác động một phần đến thương mại toàn cầu.

“Lúc đầu, Bắc Kinh tỏ ra phòng thủ và bác bỏ mọi tuyên bố rằng Trung Quốc là nguồn gốc bệnh ma túy đá đặc hữu của Úc. Nhưng thời gian trôi qua, họ ngày càng sẵn sàng hợp tác với Canberra,” báo cáo nêu rõ.

Sự thành lập vào tháng 11/2015 của Lực lượng Đặc nhiệm Blaze, một tổ chức Trung-Úc có trụ sở tại tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, đã dẫn đến việc bắt giữ các chuyến hàng ma túy đá từ Trung Quốc đến Úc và 130 vụ bắt giữ chỉ trong năm đầu hoạt động, nhưng vẫn chưa kết thúc dòng chảy tiền chất ma túy đá và nguyên liệu của tiền chất từ Trung Quốc đến các nhà sản xuất ma túy ở Miến Điện (Myanmar) và các quốc gia khác.

Các mạng lưới buôn lậu ma túy của Trung Quốc phân phối ma túy đá ở Á Châu, Úc, và New Zealand, trong khi các băng đảng Mexico chủ yếu dựa vào tiền chất từ ​​thị trường Trung Quốc để chế biến ma túy đá ở Hoa Kỳ.

Mặc dù bề ngoài trông chuỗi cung ứng này có vẻ khác đi nhưng việc các nhà sản xuất và nhà cung cấp Trung Quốc chiếm đa số vẫn rõ rệt như trước.

Chơi trò chơi của Bắc Kinh

Báo cáo của Viện Brookings gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể thực hiện một số bước để chống lại vai trò của Trung Quốc trong vụ buôn bán ma tuý.

Theo báo cáo, việc nhấn mạnh vào lợi ích của Trung Quốc khi ngăn chặn việc tiêu thụ opioid nội địa ngay từ trong trứng nước và khuyến khích Bắc Kinh tăng cường các nỗ lực chống rửa tiền, không có gì là xấu. Nhưng báo cáo cho rằng tác động lâu dài của những cách tiếp cận như vậy sẽ là không đáng kể. Điều có thể tạo ra nhiều sự khác biệt hơn là việc thực hiện các cơ chế tự điều chỉnh cho các ngành công nghiệp hóa chất và dược phẩm trên phạm vi toàn cầu. Cách tiếp cận như vậy có thể có tác động đến sự sẵn có của các tiền chất cho những kẻ buôn bán ma túy. Cũng cần phải có thêm sự hợp tác giữa các cơ quan chống buôn bán ma túy của các quốc gia khác nhau.

Khi Hoa Kỳ nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng opioid và gấp rút tìm cách ngăn chặn số người thiệt mạng, một trong những sai lầm tồi tệ nhất mà Hoa Kỳ có thể mắc phải là đưa ra cho Bắc Kinh một giải thưởng lớn để đổi lấy việc trấn áp hoạt động buôn bán ma túy từ Trung Quốc, theo ông Jonathan P. Caulkins, một giáo sư tại Trường Cao đẳng Heinz thuộc Đại học Carnegie Mellon và chuyên gia về buôn bán ma túy toàn cầu.

Trong phân tích của ông Caulkins, việc buôn bán fentanyl không là một đặc điểm duy nhất của Trung Quốc, vì tính tương đối dễ dàng của việc sản xuất các tiền chất ma túy tổng hợp, có thể là ở bất cứ đâu. Đối với một quốc gia nhỏ hơn và nghèo khó như Bolivia hoặc Afghanistan, việc buôn bán ma túy có thể rất quan trọng đối với sinh kế của họ, nhưng ngay cả bây giờ, số tiền mà dược phẩm Trung Quốc thu được từ việc buôn bán các loại thuốc bất hợp pháp là tương đối không đáng kể khi xét rộng ra.

Ông Caulkins nói: “Tổng giá trị xuất cảng fentanyl của Trung Quốc tính ra USD gần như chắc chắn là dưới 25 triệu USD mỗi năm và có thể hơn 10 triệu USD. Họ nhận được một phần giá trị rất nhỏ. Hầu hết giá trị được tạo ra ở phía dưới sâu hơn nữa trong chuỗi cung ứng, không phải ở Trung Quốc.”

Ông cho biết thêm, “Vì Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và ngành công nghiệp dược phẩm của Trung Quốc có quy mô khổng lồ, đây là một con số không quá tròn trĩnh đối với họ, một hoạt động nhỏ tính theo số tiền và lượng người tham gia.”

Theo ông Caulkins, có thể là Bắc Kinh có khả năng trấn áp hoạt động buôn bán bất hợp pháp hiệu quả hơn nếu họ chọn làm như vậy, nhưng họ nhận thức rõ về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng opioid ở Mỹ và khả năng sử dụng cuộc khủng hoảng này để làm đòn bẩy và yêu cầu nhượng bộ để đổi lấy hành động.

Ông nói: “Trung Quốc hiểu rằng đây là một vấn đề đối với Mỹ, và họ muốn lừa phỉnh hoặc dụ dỗ Hoa Kỳ để đổi lấy thứ gì đó. Nhiều người ở đây nghĩ về vấn đề này theo cách mà kinh tế học và thị trường không được biết. Nỗi lo lớn nhất của tôi là Hoa Kỳ sẽ phạm phải sai lầm thảm khốc khi giao dịch một thứ gì đó quan trọng về mặt ngoại giao để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc.”

Ông cảnh báo, để Hoa Thịnh Đốn áp dụng một chính sách về Đài Loan phù hợp hơn với sở thích của Bắc Kinh sẽ là một sai lầm lớn, vì Hoa Kỳ có thể đã từ bỏ một điều gì đó quan trọng.

Hơn nữa, ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện lời hứa sẽ có hành động cứng rắn hơn đối với opioid, một công ty khác có thể sẽ tham gia và tiếp tục cung cấp fentanyl cho các đường phố ở Mỹ, ông Caulkins cho biết. Do đó, Hoa Kỳ cần phải tìm ra các giải pháp không có lợi cho Bắc Kinh và cuối cùng chỉ đơn giản là chuyển giao thương mại cho những kẻ buôn bán ma túy mới.

Ông Michael Washburn là một phóng viên tự do tại New York, chuyên viết về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Ông có nền tảng về báo chí pháp luật và tài chính, đồng thời cũng viết về nghệ thuật và văn hóa. Ngoài ra, ông còn là người dẫn chương trình podcast hàng tuần Reading the Globe. Các cuốn sách của ông bao gồm “The Uprooted and Other Stories” (“Những Câu Chuyện Mất Gốc và Những Câu Chuyện Khác”), “When We’re Grownups” (“Khi Chúng Ta Trưởng Thành”), và “Stranger, Stranger” (“Người Lạ, Người Lạ”).

Việt Phương biên dịch

Related posts