Một chuyên gia cho biết, lịch sử và thông tin thực tế từ vụ việc của Evergrande cho thấy các chủ nợ nước ngoài lại một lần nữa bị Bắc Kinh lừa gạt.
Bất chấp Evergrande đã bị ra lệnh thanh lý, các chủ nợ nước ngoài dường như sẽ không thu hồi được bao nhiêu vốn. Họ một lần nữa lại bị Bắc Kinh lừa gạt. Đây là lời khẳng định trong bài báo “Evergrande Trung Quốc: Làm thế nào thu hồi tất cả tổn thất của Mỹ”, đăng ngày 5/2, trên tờ The Epoch Times, của tác giả Anders Corr. Ông Corr là chủ nhiệm của Corr Analytics Inc. – nhà xuất bản của The Journal of Political Risk (Tạp chí Rủi ro Chính trị).
Ông Corr cho biết, hơn hai năm sau khi gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc, Evergrande, lần đầu tiên không thanh toán được trái phiếu cho các chủ nợ nước ngoài, bao gồm cả chủ nợ từ Mỹ, một thẩm phán ở Hong Kong đã chỉ định nhà thanh lý cho công ty.
Phán quyết ngày 29/1 được cho là trao cho nhà thanh lý quyền thu giữ và bán tài sản của công ty, bao gồm cả tài sản ở Trung Quốc đại lục. Những tài sản đó sau đó sẽ được dùng để trả cho tất cả các chủ nợ, bao gồm cả những chủ nợ từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, lịch sử và thông tin thực tế từ vụ việc của Evergrande cho thấy các chủ nợ nước ngoài lại một lần nữa bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lừa gạt.
Hai chế độ gần đây nhất ở Trung Quốc đều lẩn tránh nghĩa vụ với các các chủ nợ quốc tế. Bắt đầu từ năm 1938, những chế độ nắm chính quyền đã không thể trả được khoản nợ quốc gia bằng vàng của Trung Quốc. Khoảng 20.000 trái chủ người Mỹ, sở hữu trái phiếu hiện có giá hơn 1 nghìn tỷ USD, đang vận động đòi trả nợ một cách vô ích. Chính phủ Hoa Kỳ cho đến nay đã thất bại trong việc giúp đỡ họ một cách tích cực, giữa những nỗ lực sai lầm của Washington nhằm xoa dịu quan hệ thương mại Mỹ – Trung. Ngược lại, vào năm 1987, Vương quốc Anh đã đòi trả nợ cho công dân của mình bằng cách đe dọa cắt đứt hoàn toàn Trung Quốc khỏi thị trường vốn của London. Sau đó, nó bước vào một “kỷ nguyên vàng” đáng xấu hổ trong quan hệ Anh-Trung.
Gần đây hơn, vào năm 2015, một nhà phát triển bất động sản ở Trung Quốc có tên Kaisa đã vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài trị giá hơn 12 tỷ USD. Chính quyền địa phương ở Trung Quốc đổi tên và tịch thu các tòa nhà Kaisa thay vì tiến hành thủ tục phá sản có trật tự.
Các chủ nợ ngây thơ của Hoa Kỳ buộc phải học đi học lại bài học đau đớn rằng họ không thể đặt lòng tin vào ĐCSTQ và các công ty “tư nhân” mà nó kiểm soát trong việc trả nợ. Chính phủ Hoa Kỳ để cho công dân của mình bị lừa, rất có thể là do ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Washington, chủ yếu do sự tác động bởi các tập đoàn kiếm được hàng tỷ USD ở Trung Quốc. Trong khi đó, Washington tiếp tục cho phép Bắc Kinh bóc lột người nộp thuế ở Mỹ bằng cách duy trì các khoản thanh toán lãi đối với 850 tỷ USD mà Mỹ “nợ” Trung Quốc.
Bắc Kinh đã ngăn chặn việc tái cơ cấu Evergrande vào tháng 9, một kế hoạch có thể mang tới việc đối xử công bằng hơn với các chủ nợ quốc tế. Thay vào đó, ĐCSTQ ưu tiên 5 triệu người mua nhà trả trước chưa nhận được nhà, tiếp theo là các chủ nợ trong nước. Sẽ có rất ít hoặc không còn gì cho các chủ nợ nước ngoài, đặc biệt là các trái chủ không có bảo đảm.
ĐCSTQ đang lẩn tránh các chủ nợ quốc tế bằng cách bảo vệ các công ty con của Evergrande ở đại lục, nơi nắm giữ 90% tài sản của công ty. Phán quyết của Hong Kong được cho là có nghĩa là tất cả tài sản chưa được thế chấp của Evergrande, bao gồm cả tài sản trong nước, sẽ nằm dưới sự kiểm soát của cơ quan thanh lý. Nhưng Giám đốc điều hành Evergrande đã phản bác điều này bằng cách gọi các công ty con trong nước của mình là “các thực thể pháp lý độc lập”, khác biệt với một Evergrande khác được cho là đã phá sản. Điều đó khiến cơ quan thanh lý chỉ còn khả năng kiểm soát trên thực tế đối với phần chưa được thế chấp trong khoảng 7% tài sản của Evergrande vốn nằm ở Hong Kong.
Điều này thật khiến người ta bức xúc vì các công ty con trong nước của Evergrande tiếp tục thu về lượng lớn tiền mặt. Chỉ trong nửa đầu năm 2023, Evergrande đã bán được số căn nhà trị giá 4,7 tỷ USD trong khi không phải trả nợ quốc tế. Những động thái phô trương rẻ tiền của chế độ được thực hiện trong lúc tìm cách bảo vệ một công ty phá sản vốn trước đây được cho là “quá lớn để thất bại” – trong khi ít quan tâm tới quyền lợi của các chủ nợ quốc tế – sẽ làm giảm đáng kể niềm tin vào Trung Quốc. Nếu Evergrande có thể sụp đổ thì bất kỳ công ty Trung Quốc nào cũng có thể sụp đổ.
Niềm tin ngày càng giảm đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán đang sa sút của Trung Quốc, vốn đã mất khoảng 7 nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường (tính cả cổ phiếu Hong Kong) kể từ đỉnh điểm vào năm 2021.
Ngược đãi các nhà đầu tư sẽ tạo ra tổn thất không ít, nhưng ĐCSTQ cũng không phải là một chính quyền quá thông minh.
Vấn đề với các chủ nợ chưa được thanh toán mới nhất trong vụ Evergrande sẽ cản trở khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc thuộc mọi loại hình với thị trường vốn toàn cầu và tạo thêm gánh nặng lên sự tăng trưởng của Trung Quốc. Quá trình đó đã bắt đầu, với việc phát hành nợ toàn cầu của Trung Quốc được cho là đã giảm từ hơn 200 tỷ USD trước đại dịch xuống còn dưới 45 tỷ USD vào năm 2023.
Chính phủ Hoa Kỳ và các đồng minh không nên để cho hành vi lừa đảo của ĐCSTQ diễn ra mà không phải gánh chịu hậu quả. Trong khi những người cánh tả đầy nhiệt huyết có thể muốn ưu tiên những người mua nhà nhỏ lẻ ở Trung Quốc hơn các chủ nợ quốc tế, thì những người mua nhà đó bản thân cũng là một kiểu chủ nợ và nhà đầu tư. Một số chủ nợ quốc tế có thể cũng là những chủ nợ nhỏ lẻ. Chắc chắn sẽ không công bằng nếu Trung Quốc một lần nữa ưu tiên các chủ nợ trong nước hơn so với các chủ nợ nước ngoài.
Nhưng chúng ta hãy tỉnh táo. Đây vốn là điều họ đã làm kể từ 1938. Cần có những quy định táo bạo mới, chẳng hạn như ở Hoa Kỳ, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả nợ cho các chủ nợ Evergrande và Kaisa bằng cách trước tiên là hủy bỏ khoản nợ chính phủ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và bước thứ hai là áp đặt mức thuế cao hơn đối với Trung Quốc. Các biện pháp này cũng sẽ cung cấp đủ tiền để trả cho các chủ nợ Hoa Kỳ đối với hơn 1 nghìn tỷ USD trái phiếu vàng của Trung Quốc và góp phần bù đắp thiệt hại cho những công dân Hoa Kỳ đã mất người thân vì fentanyl và COVID-19. Việc bồi thường cũng nên được thực hiện đối với những chủ sở hữu tài sản trí tuệ của Mỹ, những người đã bị thiệt hại tới 600 tỷ USD hàng năm vì Trung Quốc, ông Corr kết luận.
Đợi nhiều năm để nhận được khoản hoàn trả ít ỏi
Sau khi gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande cuối cùng cũng đã bị Tòa án Cấp cao Hong Kong ra lệnh thanh lý vào ngày 29/1, giao dịch của ba cổ phiếu trong nhóm Evergrande đã bị đình chỉ ngay lập tức tại Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong. Việc thanh lý Evergrande dự kiến sẽ kéo dài và khó khăn. Một số nhà phân tích cũng đã bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Trung Quốc sẽ can thiệp vào các khoản nợ trong nước của Evergrande.
Trong khi đó, Evergrande đã đối mặt với khủng hoảng với chủ nợ suốt 2 năm qua và là nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. Số tiền mà chủ nợ có thể thu hồi được sẽ trở thành ví dụ tham chiếu quan trọng cho hoạt động thanh lý hoặc cơ cấu lại nợ của các nhà phát triển vỡ nợ khác ở Trung Quốc.
Lệnh thanh lý do tòa án Hong Kong ban hành đối với Evergrande được áp dụng hiệu quả đối với các tài sản ở nước ngoài của Tập đoàn Evergrande, như Evergrande Services và Evergrande NEV. Tuy nhiên, do phần lớn tài sản của Evergrande đều nằm ở trong Trung Quốc nên nguy cơ quá trình thanh lý sẽ gặp khó khăn dưới tác động của ĐCSTQ đã trở thành tâm điểm của cộng đồng đầu tư quốc tế.
Hãng xếp hạng tín dụng Mỹ S&P Global Ratings cho biết họ dự kiến việc thanh lý Evergrande sẽ làm người ta thấy rõ nhiệm vụ khó khăn khi thanh lý một công ty lớn và đặt lại kỳ vọng về tỷ lệ thu hồi đối với trái phiếu cấp đầu cơ bị vỡ nợ của Trung Quốc trên thị trường nước ngoài.
S&P cho biết việc Evergrande bắt đầu bước vào giai đoạn thanh lý cùng với khoản nợ 337 tỷ USD là một cột mốc quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều ẩn số trong vụ việc này, vì hầu hết tài sản và nợ phải trả của nhà phát hành này đều ở Trung Quốc đại lục, nằm ngoài phạm vi quyền tư pháp của Hong Kong.
Ông Chang Li, chuyên gia doanh nghiệp Trung Quốc của S&P Global Ratings, cho biết: “Chúng tôi cho rằng các trái chủ ở nước ngoài sẽ nhận được vài xu trên 1 đồng USD sau khi việc thanh lý diễn ra”. “Họ có thể sẽ phải đợi nhiều năm ngay cả đối với khoản thanh toán ít ỏi này”.
Một báo cáo của S&P vào ngày 31/1 cho thấy trong các trường hợp vỡ nợ ở nước ngoài của các nhà phát triển Trung Quốc, tỷ lệ thu hồi tiền mặt trung bình tại tòa là 2,8% và tỷ lệ thu hồi đối với các vụ vỡ nợ trong nước của cùng một tổ chức phát hành là 8,3%. S&P dự đoán sẽ có sự chênh lệch tương tự trong quá trình thanh lý của Evergrande.
Ngoài ra, một báo cáo nghiên cứu của S&P cho thấy năm nay thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ phục hồi hình chữ L (phục hồi yếu) và doanh số bán hàng toàn quốc sẽ lại giảm 5%. Việc thanh lý Evergrande sẽ không tác động quá tiêu cực đến thị trường nhưng người mua nhà sẽ chuyển sang mua bất động sản từ các chủ đầu tư có tài chính vững vàng.
S&P cũng cho biết các công ty con hoạt động trong nước của Evergrande cần tiếp tục nỗ lực đảm bảo việc giao hàng trăm nghìn căn nhà được bán trước, và nếu việc thanh lý công ty mẹ cản trở những nhiệm vụ đó thì thị trường bất động sản Trung Quốc có thể còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Tại sao Bắc Kinh can thiệp việc Evergrande trả nợ nước ngoài?
Ông Thạch Sơn (Shi Shan), một nhà văn kỳ cựu và cộng tác viên cho ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times, cho biết phần lớn tài sản của Evergrande đều ở Trung Quốc đại lục và những người mua cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande ở nước ngoài có thể mất rất nhiều tiền khi mà ĐCSTQ có thể không ủng hộ quá trình thanh lý.
Ông nói: “Evergrande sẽ không bị thanh lý ở Trung Quốc đại lục vì đây không chỉ là một công ty bất động sản”. “Nó có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và ảnh hưởng của nó quá lớn”.
Ông Thạch giải thích rằng ở Trung Quốc, tất cả các nhà phát triển bất động sản phải duy trì các mối quan hệ phức tạp với chính quyền địa phương để mở rộng hoạt động kinh doanh và họ có nhiều mối quan hệ tài chính với chính quyền địa phương. Sau khi quá trình thanh lý được tiến hành, khoản nợ của chính quyền địa phương sẽ cần phải được kiểm toán, điều này sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng cho các quan chức chính quyền địa phương.
Ông giải thích thêm rằng Evergrande có khoản nợ 300 tỷ USD và một khi bị thanh lý, điều này sẽ khiến giá đất và bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh, điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch bán đất trước đây của chính quyền địa phương. Mặt khác, vẫn còn hàng triệu người mua nhà trả trước nhưng chưa được bàn giao. Số phận và những tổn thất của họ vẫn chưa thể dự đoán trước được.
Ông Thạch nói: “Tình hình ở Trung Quốc sẽ rất phức tạp và chắc chắn Trung Quốc sẽ không sớm thanh lý Evergrande”. Ông cho rằng, các chủ nợ nước ngoài muốn tiếp cận tài sản của Evergrande ở Trung Quốc đại lục sẽ gặp nhiều khó khăn nhất và những tài sản tốt đó chắc chắn sẽ bị các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc nuốt chửng trước tiên.
Việc thanh lý Evergrande có thể đẩy nhanh quá trình đàm phán tái cơ cấu các khoản nợ ở nước ngoài của các công ty bất động sản khác.
UBS cho biết trong một báo cáo được công bố một ngày sau khi tòa án Hong Kong ra phán quyết rằng lệnh thanh lý áp dụng đối với các tài sản ở nước ngoài của Evergrande, như Evergrande Services và Evergrande Vehicle, vốn cũng được niêm yết ở Hong Kong. Tuy nhiên, ảnh hưởng của phán quyết đối với tài sản tại Trung Quốc đại lục là hạn chế. Tòa án Hong Kong và Trung Quốc đại lục có thỏa thuận công nhận lẫn nhau về vấn đề mất khả năng thanh toán nợ và tái cơ cấu, vốn áp dụng ở một số vùng của Trung Quốc đại lục, như Thượng Hải, Thâm Quyến và Hạ Môn. Vì vậy, lệnh thanh lý có thể liên quan đến tài sản tại các thành phố đó.
UBS tin rằng lệnh thanh lý Evergrande sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán về việc tái cơ cấu nợ bằng USD của các nhà phát triển Trung Quốc khác. Nếu các công ty không đưa ra kế hoạch tái cơ cấu cụ thể, trái chủ có thể mất kiên nhẫn và nộp đơn yêu cầu thanh lý. Một số kế hoạch tái cơ cấu sẽ liên quan đến hoán đổi nợ lấy cổ phần, điều này sẽ làm tăng tính thanh khoản và dẫn đến pha loãng vốn chủ sở hữu. Điều này sẽ có tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu của các nhà phát triển vỡ nợ. Dự kiến, các nhà phát triển này sẽ bán nhiều tài sản hơn để thúc đẩy các cuộc đàm phán tái cơ cấu nợ.
Bảo Nguyên tổng hợp