Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết, các công ty Mỹ ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tài sản trí tuệ (IP) thiếu sự bảo vệ.
Phát biểu trong chương trình “60 phút” của đài CBS News phát sóng vào ngày 25/2, Đại sứ Burn lưu ý, những thách thức về sở hữu trí tuệ là một trong những mối lo ngại mà ông đã được nghe từ các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc.
Đại sứ Burns nhấn mạnh: “Vẫn còn tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ ở đây [Trung Quốc].”
Khi được hỏi liệu mọi công ty Mỹ có lo ngại về tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ ở Trung Quốc hay không, ông khẳng định “Có”.
Trong nhiều năm, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang đánh cắp tài sản trí tuệ và bí mật thương mại của các công ty và tổ chức nước ngoài nhằm biến Trung Quốc thành một cường quốc về công nghệ và tài sản trí tuệ. Trong báo cáo được công bố vào năm 2018, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cáo buộc rằng “Việc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ hiện gây thiệt hại từ 225 tỷ đến 600 tỷ đô la hàng năm.”
Trong báo cáo thường niên mới nhất về môi trường kinh doanh được công bố hôm 1/2, Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc nhận định, tình trạng nhân viên đánh cắp trên mạng và đánh cắp tài sản trí tuệ [của các công ty Mỹ ở Trung Quốc] là một trong những thách thức quan trọng nhất mà các thành viên của tổ chức này phải đối mặt vào năm 2023. Các thách thức khác về sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Các văn bản pháp luật và quy định liên quan đến sở hữu trí tuệ ở Trung Quốc không đủ để bảo vệ tài sản trí tuệ.
– Khó khăn trong việc truy tố các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ tại tòa án hoặc thông qua các biện pháp hành chính.
– Những kỳ vọng về các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các đối tác kinh doanh.
Tháng Mười năm ngoái, các lãnh đạo tình báo của liên minh chia sẻ thông tin tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) bao gồm Úc, Canada, New Zealand, Anh và Hoa Kỳ, cùng cảnh báo về tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ do chính quyền Trung Quốc thực hiện.
Vị đại sứ Mỹ tại Trung Quốc cũng đề cập đến các cuộc đột kích của chính quyền Trung Quốc vào các công ty tư vấn và thẩm định trong cuộc trấn áp chống gián điệp vào năm ngoái, cũng như cách Bắc Kinh thực thi luật chống gián điệp được sửa đổi vào ngày 1/7 năm ngoái.
Đại sứ Burns cảnh báo: “Họ [ĐCSTQ] đã thông qua việc sửa đổi luật chống gián điệp của mình. Và luật này được viết theo một cách chung chung đến mức các doanh nhân Mỹ có thể bị buộc tội hoạt động gián điệp khi tham gia vào các hoạt động hoàn toàn hợp pháp vốn được chấp nhận ở mọi nơi trên thế giới.”
“Mối quan hệ nguy hiểm nhất”
Vị đại sứ cho biết, ông dự đoán sự cạnh tranh Mỹ – Trung sẽ tiếp tục diễn ra trong thập kỷ tới.
Ông nhận xét: “Tôi nghĩ, đây là mối quan hệ quan trọng nhất, cạnh tranh nhất và nguy hiểm nhất mà hiện nay Hoa Kỳ có trên thế giới và sẽ tiếp tục trong thập kỷ tới hoặc lâu hơn.”
Đại sứ Burns lưu ý rằng cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung hiện tại không giống thời Chiến tranh Lạnh khi Liên Xô có “nền kinh tế rất yếu”. Ông cảnh báo: “Chúng ta đang đối phó với một kẻ địch, một đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc mạnh hơn Liên Xô vào những năm 1940, 1950, 1960, 1970 và 1980.”
Đại sứ Burns không mô tả cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung là cuộc chiến tranh lạnh mới như một số nhà lập pháp và chuyên gia Mỹ nhận định. Thay vào đó, vị đại sứ coi mối quan hệ cạnh tranh giữa hai quốc gia là “cuộc cạnh tranh về hệ tư tưởng.”
Đại sứ Burns giải thích: “Tư tưởng của chúng ta – tư tưởng lớn của Mỹ về một xã hội dân chủ và quyền tự do của con người – đối lập với tư tưởng của Trung Quốc cho rằng một nhà nước cộng sản mạnh hơn một nền dân chủ. Chúng tôi không tin điều đó. Vì vậy, đang có một cuộc chiến ở đây để xem hệ tư tưởng của ai sẽ dẫn dắt thế giới. Và chúng tôi tin rằng đó là hệ tư tưởng của người Mỹ.”
Ông tiếp tục, các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy cuộc đua quân sự hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.
Vị đại sứ Mỹ lưu ý: “Các công ty và chuyên gia công nghệ của chúng ta đang cạnh trong trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và toán lượng tử. Tất cả các tiến bộ công nghệ đó sẽ dẫn đến một thế hệ công nghệ quân sự mới.”
“Quân đội hai nước chúng ta đang cạnh tranh giành quyền thống trị quân sự, ai sẽ trở thành cường quốc mạnh nhất tại khu vực chiến lược quan trọng nhất trên thế giới, đó là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”
Đại sứ Burns kết luận, cuối cùng Trung Quốc muốn thay thế Hoa Kỳ “trở thành quốc gia thống trị toàn cầu … Chúng tôi không muốn điều đó xảy ra.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)