Milton Ezrati
Khi cuộc khủng hoảng bất động sản được coi là vấn đề kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, thì trạng thái bất an của người tiêu dùng nước này lại là vấn đề căn bản hơn và có lẽ mang tác động lớn hơn.
Trong nhiều năm qua, thậm chí trước đại dịch, Bắc Kinh đã nói về việc chuyển trọng tâm của nền kinh tế từ đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn, phát triển bất động sản và xuất khẩu sang người tiêu dùng. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra khuyến nghị tương tự. Nhưng các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh chưa bao giờ thực hiện việc chuyển đổi đó, chắc chắn là bởi vì những trọng tâm kinh tế cũ đã mang đến những con số tăng trưởng ấn tượng, từ đó tạo ra hình ảnh đẹp cho giới lãnh đạo đất nước.
Giờ đây, với cuộc khủng hoảng bất động sản, tình trạng xuất khẩu sụt giảm và mối đe dọa từ các khoản nợ công của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc, Bắc Kinh đã dồn lực tập trung vào người tiêu dùng. Tuy nhiên, các hộ gia đình Trung Quốc dường như không có hứng thú với việc chi tiêu thoải mái như cách Bắc Kinh cần họ phải làm, phần đa là bởi vì các chính sách trước đây của Bắc Kinh.
Mọi chỉ số đều cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc không chỉ ngại chi tiêu mà còn thực sự thất vọng, chán nản. Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) thực hiện cách đây không lâu đã ghi lại cảm giác tồi tệ này. Các nhà thống kê của ngân hàng đã đo lường một chỉ số để đánh giá sự lạc quan về tăng trưởng thu nhập cá nhân; chỉ số này trong cuộc khảo sát đó có mức 49,7, giảm đáng kể so với mức 56 hồi trước đại dịch.
Khi thu thập những số liệu này, PBOC phát hiện ra rằng có tới 15% các hộ gia đình Trung Quốc bị sụt giảm thu nhập, và một con số thậm chí còn lớn hơn các hộ gia đình dự kiến điều đó sẽ xảy đến với họ. Về triển vọng việc làm, khoảng 43% số người được hỏi cho biết họ không an tâm về công việc của mình. Chỉ số đo lường sự lạc quan của người dân về giá trị bất động sản có mức thấp hơn gần 15% so với mức trước đại dịch. Chỉ có 15% hộ gia đình Trung Quốc kỳ vọng giá trị bất động sản sẽ sớm tăng lên.
Không có gì ngạc nhiên khi khoảng 60% hộ gia đình Trung Quốc nói với PBOC rằng họ ưu tiên tiết kiệm hơn tiêu dùng, trong khi chỉ 25% ưu tiên điều ngược lại. Hiển nhiên là người Trung Quốc có văn hóa tiết kiệm tiền, nhưng những con số này cho thấy sự thay đổi to lớn so với 3-5 năm trước. Số tiền người dân gửi ngân hàng tăng lên đã phản ánh mức độ cực đoan của ưu tiên tiết kiệm. Các khoản tiền gửi mới, vốn đã tăng nhanh vào đầu năm ngoái, đã tăng tốc hơn nữa vào năm 2024, đặc biệt, người dân sẵn sàng gửi tiền dài hạn hơn, có lãi suất cao hơn. Động lực tiết kiệm thay vì chi tiêu được thể hiện rõ ràng trong thực tế là người Trung Quốc đã trả nợ thế chấp vào năm ngoái nhanh hơn so với việc họ vay thế chấp, do đó giá trị còn tồn đọng của các khoản thế chấp thực sự đã giảm, đây là một sự kiện hiếm gặp trong lịch sử.
Những xu hướng này vẫn tiếp tục không bị gián đoạn ngay cả khi PBOC cắt giảm lãi suất. Rõ ràng, những động thái của PBOC không đủ để thay đổi hành vi người tiêu dùng, nhất là vì tình trạng giảm phát ở Trung Quốc đã vượt quá mức cắt giảm lãi suất, nên ngay cả sự sụt giảm trong lãi suất danh nghĩa cũng vẫn mang tới sức mua cao hơn trước đây (do giảm phát tăng quá mạnh).
Nguyên nhân lớn nhất gây ra nỗi lo lắng, sợ hãi cho người tiêu dùng là cuộc khủng hoảng bất động sản. Sự sụp đổ của các gã khổng lồ bất động sản đã tạo ra gánh nặng cho thị trường tài chính với khoản nợ đáng ngờ, và do đó cản trở thị trường tài chính Trung Quốc trong việc hỗ trợ mở rộng hoạt động kinh doanh và việc làm – những điều có thể khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu. Đặc biệt, vì hàng triệu gia đình Trung Quốc đã đặt mua trước các căn hộ từ các nhà phát triển bất động sản (mà hiện đã phá sản) và sẽ không bao giờ được nhìn thấy căn nhà của họ được hoàn thiện, nhiều người Trung Quốc đã đơn giản là từ bỏ việc mua nhà. Hoạt động xây dựng đã giảm mạnh và giá trị bất động sản cũng đã giảm. Vì khoảng 80% hộ gia đình Trung Quốc sở hữu nhà riêng nên giá trị bất động sản sụt giảm đã ảnh hưởng nặng nề đến giá trị tài sản ròng của hộ gia đình, ngay lập tức tạo ra ác cảm với việc chi tiêu, cũng như tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc tiết kiệm.
Vấn đề trở nên phức tạp hơn do cách người tiêu dùng Trung Quốc vay mượn trong những năm kinh tế bùng nổ trước đại dịch. Khi đó, giá trị bất động sản tăng nhanh, khuyến khích việc vay thế chấp và chi tiêu nói chung ở những người đã sở hữu một ngôi nhà; những người này cảm thấy mình giàu có khi giá trị của ngôi nhà tăng lên. Hiện nay, phần lớn khoản nợ đó vẫn còn, nhưng nguồn bảo đảm cho nó – giá trị của bất động sản – đã giảm.
Nếu điều này vẫn chưa đủ để khiến người tiêu dùng Trung Quốc cảnh giác, thì còn có hậu quả của các biện pháp zero-COVID mà Bắc Kinh theo đuổi trong suốt đại dịch cho đến cuối năm 2022. Việc đóng cửa, phong tỏa và cách ly – dường như được áp đặt một cách tùy tiện – đã khiến nhiều người Trung Quốc có thu nhập trung bình và thấp tin rằng khoản thu nhập của họ không mang lại sự an toàn như họ nghĩ trước đây, và do đó họ không còn muốn chi tiêu.
Không có tác động nào trong số những điều nêu trên sẽ sớm biến mất. Những lo lắng của người tiêu dùng về thu nhập – do chính sách zero-COVID gây ra – có thể sẽ sớm được tháo gỡ hơn, nhưng Bắc Kinh mới chỉ đang bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản. Các cơ quan chức năng sẽ tốn nhiều thời gian và nỗ lực hơn nữa để bắt đầu tiếp cận một giải pháp, và sẽ còn tốn nhiều thời gian hơn nữa để hậu quả của những sự kiện này và khoản nợ tồn đọng lơ lửng mà chúng đã tạo ra bắt đầu có thể không còn là gánh nặng trong tâm lý của người tiêu dùng. Trung Quốc còn một con đường dài và khó khăn phía trước, và hiện tại, Trung Quốc phải lê bước mà không có nhiều sự trợ giúp từ người tiêu dùng nội địa.
Theo The Epoch Times
Chi Anh biên dịch