Quên sao kỷ niệm!

Đặng Duy Hưng

Hùng đứng sau lưng nghe vợ nói với cha ruột: “Hôm nay đội ngũ gia đình con hai thế hệ sẽ chung tay dọn dẹp nhà cho ba để tuần sau để bảng bán.”

Ông Phan dù đã 80 nhưng đầu óc minh mẫn gật đầu lẩm nhẩm gì đó đại để: “Con muốn sao cũng được!”

Tính tình ông cũng như Hùng, vợ muốn sao cũng được. Nhất là từ ngày bà Phan mất hơn ba năm qua,  ông dành hết tình thương cho Loan con gái duy nhất và hai cháu ngoại. 

Hùng lấy Loan mới đó mà đã gần mười lăm năm có cùng nhau hai con. Thằng Dũng đang học lớp 8, con Dung dưới anh hai lớp nhưng bộ óc như mẹ lanh lợi chững chạc.

Loan cầm tay cha: “Con biết cha không muốn rời xa căn nhà này nơi đầy ắp kỷ niệm buồn vui. Nhưng đến tuổi này nên về sống với con cháu để tụi con làm trọn nghĩa cho đấng sinh thành.”

Quay qua Hùng Loan nhắc khéo: “Anh nói cho cha yên lòng đi anh!”

Hùng chiều ý vợ: “Nhà tụi con gần nhà bác Sáu Đủ bạn thân của cha dễ dàng cho cha qua lại thăm hỏi.”

Hùng và Loan dọn dẹp dưới kho nhà sau. Ông Phan bây giờ ngồi nhìn 2 cháu nói chuyện cười vui tạo không khí ấm cúng nhộn nhịp trong căn nhà thường vắng lặng tiếng người.

Hai đứa nhỏ chạy quanh phụ cha mẹ từng phòng xếp sách báo đồ cần thiết vào thùng. Đồ đạt trong nhà qua mấy thế hệ thành cổ vật được cẩn thận giữ gìn làm 2 đứa nhỏ trợn mắt ngạc nhiên. 

Hai cái điện thoại cũ từ thời Pháp thuộc. Một cái có ống nghe và ống nói rời nhau. Một cái tân tiến mới hơn dùng ngón tay vào lỗ quay số.

Thằng Dũng hỏi ông ngoại: “Đây là điện thoại thời xưa hả ông?”

Ông Phan hân hoan giải thích: “Nhà ta ngày ấy thuộc loại khá giả mới được dùng đồ ‘xa xí phẩm’ này.”

Con Dung khệ nệ trên tay cái máy đánh chữ: “Cái này như computer nhưng không có bàn hình!”

Ông Phan lấy khăn chùi cẩn thận dù nó sạch sẽ sáng bóng: “Bà ngoại tụi con ngày xưa có thể đánh vài chục chữ mỗi phút. Ngày đầu tiên vào nhận công việc tại dinh thống đốc thấy bà là ông mê say. Ngày ngày luôn tìm cách gần gũi nghe tiếng lách cách đánh máy giấy tờ. Bây giờ vật còn đó người đã đi rồi!”

Ông quay về phía khác đưa tay lên chùi nước mắt. Thằng Dũng chỉ trên bàn cái hộp được trùm bằng khăn lụa vàng: “Cái đó là gì vậy ông?”

Ông Phan bước tới mở ra một vật rất lạ dưới ánh mắt ngạc nhiên của hai cháu ngoại: “Đây là cái máy dĩa hát nhạc ngày xưa. Chỉ cần bỏ dĩa nhạc vào đây là có thể thưởng thức giờ phút nghĩ ngơi thần tiên.”

Ông cắm dây vào ổ điện lấy một dĩa nhạc bỏ vào: “Đây là bài hát tên Lệ Đá bà ngoại con thích nhất. Bà và ông đi vào rạp phim xem không biết bao nhiêu lần!? Đây là cuốn phim ma duy nhất bà ngoại luôn mê say vì bài hát cùng tên”.

Từ đĩa nhạc giọng hát Khánh Ly vút cao: “Hỏi lá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời? Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời?

******

Ông Phan đứng đó dường như tâm tư hoàn toàn du dương theo dòng nhạc về quá khứ kỷ niệm. Hai đứa nhỏ đứng bên nhìn khuôn mặt già vui hân hoan cũng im lặng lắng nghe.

Vừa xong bài Lệ Đá ông thay đĩa bỏ vào đĩa khác thật nhanh như sợ ai đổi ý: “Đây là bài ‘Anh đến thăm em đêm 30’ cũng là đêm ông chính thức hỏi bà ngoại con về làm vợ. Mới đó mà đã hơn 56 năm! Thời gian như giấc mộng thức dậy không còn nhìn thấy những gì ta yêu thương nữa!”

Ông hơi giật mình thấy Hùng và Loan đứng bên cửa nhìn ông cảm động. Ông nào biết trong tâm tư thằng rể đang chia sẻ nỗi lòng. Ngày xưa không biết bao nhiêu lần Hùng đứng  cạnh cây bàng gần nhà Loan không chỉ chờ nàng đi làm về mà muốn nghe bài hát này rung động từng thớ thịt trái tim anh.

Ông Phan kêu con gái lại gần cầm tay nài nỉ: “Cha không muốn bán ngôi nhà này bây giờ. Kỷ niệm quá khứ không thể dễ dàng khép lại trong một ngày con hiểu không?”

Loan sững sờ nhìn cha, càng sốc ngạc nhiên khi Hùng lên tiếng: “Kỷ niệm là thứ ta dễ dàng có được nó nhưng khó thể rời xa. Con tôn trọng ý nghĩ của cha, sẽ luôn bên cạnh cha lo lắng cho đến lúc nào cha sẵn sàng.”

Máy phát thanh không hiểu sao trở lại hát bài ‘Anh đến thăm em đêm 30’ như có bàn tay ma thuật điều khiển. Loan nhìn chồng đứng lặng miệng lẩm nhẩm hát theo hiểu được nỗi lòng anh. Ngày xưa yêu chồng bởi vì anh có nhiều điểm tương đồng như cha. Nhè nhẹ cầm tay anh nàng hát thầm vào tai:  

“Tay em lạnh để cho tình mình ấm. Môi em mềm cho giấc ngủ anh thơm.Sao giao thừa xanh trong đôi mắt ngoan. Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết….”

Ai đó viết “Kỷ niệm là thứ duy nhất có thể làm ta mỉm cười rồi bật khóc ngay sau đó.”

Đặng Duy Hưng

Related posts